Nhà văn Lê Văn Nghĩa giữa biết cười và dám cười

446

Lê Thiếu Nhơn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã ra đi ở tuổi 68, lúc 22h25’ ngày 25-7 tại TP.HCM, vì ung thư di căn. Đã hơn 10 năm chống chọi với bạo bệnh, anh ít chia sẻ với ai vì không muốn đón nhận sự thương cảm hay sự xót xa. Vì vậy, anh vẫn cười sau mỗi đợt điều trị đau đớn, nét cười tếu táo của một người biết cười và dám cười trên mọi nghịch lý của đời sống chung và trên mọi bẽ bàng của thân phận riêng.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa – Ảnh: Lê Thiếu Nhơn

Bây giờ, nhà văn Lê Văn Nghĩa không còn nữa. Anh mang nét cười ấy vào cõi khác, chỉ để lại những trang viết mà anh gửi gắm tâm huyết lẫn đắm say. Với một người sòng phẳng và hào hiệp như nhà văn Lê Văn Nghĩa, mấy lời ngọt lạt tiễn đưa không quan trọng bằng việc nghiêm túc đọc tác phẩm của anh.

Sau thời thanh niên sôi nổi với những cuộc xuống đường đấu tranh trong phong trào học sinh – sinh viên đô thị miền Nam, Lê Văn Nghĩa trở thành một nhà báo khi non sông thống nhất. Nhà báo Lê Văn Nghĩa cần được ghi danh vào lịch sử báo chí Việt Nam, với ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười. Trước năm 1975, Việt Nam từng có những tờ báo cười, nhưng không có ấn phẩm nào phát triển mạnh mẽ và tạo được chỗ đứng thú vị trong lòng độc giả như Tuổi Trẻ Cười. Người có công gầy dựng Tuổi Trẻ Cười và làm linh hồn cho Tuổi Trẻ Cười suốt 30 năm (từ 1984 đến 2014) chính là nhà báo Lê Văn Nghĩa.

Làm báo để cười đã khó, mà viết văn để cười càng khó hơn. Không chỉ tập hợp được nhiều cây bút như Hoàng Thiếu Phủ – Hoàng Phủ Ngọc Phan, Đồ Bì – Vũ Đức Sao Biển, Đông Ki Rét – Trần Từ Duy… viết cho Tuổi Trẻ Cười, mà nhà báo Lê Văn Nghĩa cũng nhúng bút vào thể loại này qua những bút danh như Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề… Những tiểu phẩm trên báo gom góp lại in sách, và xuất hiện nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa từng nuôi mơ ước làm nhà viết kịch, nên tiểu phẩm của anh có cấu trúc lắt léo vượt xa những người thử sức viết báo chọc cười thiên hạ. Thế nhưng, xác lập giá trị văn chương bằng những tiểu phẩm, không hề đơn giản. Văn chương hài hước chia làm ba vệt thẩm mỹ: trào phúng, châm biếm và đả kích. Chỉ thể loại thơ hài hước có thể linh hoạt xóa mờ ba ranh giới kia, ví dụ như tác phẩm của Tú Xương, Tú Mỡ trước kia hoặc Dương Huy sau này.

Với văn xuôi hài hước, phải bậc kỳ tài như nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ – Azit Nexin (1915-1995) mới trộn lẫn được trào phúng, châm biếm và đả kích trong mỗi tác phẩm. Những tác giả còn lại, gần như phải chấp nhận cái tạng của mình ở từng mức độ riêng. Nếu nhà văn Hoàng Đạo (1907-1948) phô diễn bút pháp châm biếm với “Trước vành móng ngựa” và nhà văn Xích Điểu (1910-2003) phô diễn bút pháp đả kích với “Chủ nghĩa lưu manh hiện đại”, thì nhà văn Lê Văn Nghĩa phô diễn bút pháp trào phúng.

Không ai khẳng định sự cao thấp giữa trào phúng, châm biếm và đả kích. Thế nhưng, châm biếm có ưu điểm ở câu chuyện khái quát, đả kích có ưu điểm ở thái độ đáo để, còn trào phúng có ưu điểm ở ngôn ngữ dí dỏm. Xét sự bền vững theo thời gian, thì ngôn ngữ sẽ bị mai một nhanh hơn câu chuyện và thái độ. Một người thông minh như nhà văn Lê Văn Nghĩa thì thừa hiểu điều ấy, nhưng anh không có sự chọn lựa khác.

Thành thật mà nói, khi chỉ trông cậy vào các tác phẩm trào phúng như “Thằng láu cá”, “Vua lừa”, “Hoa hậu phường Cây Mít” hoặc “Nô tế bồ” thì vai trò nhà văn của Lê Văn Nghĩa khá mờ nhạt. Thật may, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn có một mỏ quặng quý báu nữa để khai thác, chính là tư cách nhân chứng hết lòng với Sài Gòn của một người sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn. Lúc biết mình mắc bạo bệnh, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã rút tỉa kỷ niệm bản thân để viết “Mùa hè năm Petrus” như một cách đền đáp ân tình cho mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, lập tức được bạn đọc hoan nghênh.

Từ thành công của “Mùa hè năm Petrus” và từ kết quả khả quan của những lần can thiệp y khoa, nhà văn Lê Văn Nghĩa tiếp tục viết các truyện dài thiếu nhi về lứa tuổi học trò thập niên 60-70 thế kỷ trước của Sài Gòn như “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, “Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”, “Mùa tiểu học cuối cùng”…

Viết về Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Nghĩa như đứa con phiêu dạt bơ vơ được chạm vào tường cũ mái rêu của ngôi nhà thơ ấu, tất cả chi tiết cứ trào dâng, tất cả hình ảnh cứ tuôn chảy, tất cả nhân vật cứ lấp lánh. Với Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa có sự nhạy cảm gắn bó vừa có sự tỉ mỉ tư liệu, nên sau những truyện dài thiếu nhi là những cuốn tạp bút “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ”, “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ”…

Và đặc biệt hơn, nhà văn Lê Văn Nghĩa có công trình biên soạn “Văn học Sài Gòn – 1954-1975, những chuyện bên lề” tập hợp những dữ kiện về một dòng văn chương ít được nhắc đến và sắp bị lãng quên. Chỉ với “Văn học Sài Gòn – 1954-1975, những chuyện bên lề”, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã xứng đáng nhận được sự tri ân từ giới nghiên cứu và công chúng văn chương Việt Nam.

L.T.N