Diễm Mi
Hơn 140 câu chuyện bên lề thú vị liên quan đến sự nghiệp, cuộc đời của các nhà văn hoạt động trước năm 1975 được nhà văn Lê Văn Nghĩa tiết lộ.
Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề mở ra một không gian, đời sống văn học trước năm 1975 ít được bạn đọc biết đến bởi ở đó, nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa không đi sâu nghiên cứu phong cách văn học, giọng văn của từng tác giả mà góp nhặt những câu chuyện bên lề của họ để giúp độc giả hiểu hơn về cuộc đời, tác phẩm của các nhà văn.
Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề là 1 trong số 45 cuốn sách mới ra mắt trong Tuần lễ Sách hay lần thứ 14 do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức
Trong 141 câu chuyện được giới thiệu, gần như đều do tác giả Lê Văn Nghĩa đọc được từ các nguồn tư liệu sách báo xưa, hồi ký của các nhà văn. Một số ít còn lại, là chuyện bên lề do chính ông khai thác được từ nhân vật mà bản thân có sự gắn bó, thân thiết. Do đó, ở cuốn Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề, nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ nhận mình là “người hệ thống lại, không làm được gì to tát”.
“Chỉ là cóp nhặt trong thời đại làm biếng, lười lẫm khi có máy tính với các nút chức năng cắt và dán. Tác giả chỉ có xíu công trạng là đọc, viết và chép lại, trích đoạn những hồi ký, tạp chí, sách vở”, ông viết trong lời giới thiệu.
Nhiều câu chuyện bên lề thú vị được nhà văn Lê Văn Nghĩa giới thiệu trong tác phẩm
Trong Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề, ngay từ cách đặt tựa đề các tiểu mục, tác giả Lê Văn Nghĩa đã khéo kích thích sự tò mò từ độc giả. Ông liên tục đặt ra những câu hỏi như Nhà văn nào ký vào sách trực tiếp cho bạn đọc đầu tiên?, Mai Thảo đặt tay chỗ nào?, Nguyễn Đình Toàn – mật đắng hay mật ngọt?, Tại sao Nhã Ca – Tuý Hồng “em chả chơi” với văn nữa?… hay những mệnh đề khiến người đọc muốn tìm hiểu như Nơi tàng trữ thư tình, Tự tử trên chồng sách, “Thơ bị đau”, Nhà thơ đi hỏi vợ, 55 cái nhất của các nhà văn…
Nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận mình chỉ “cóp nhặt” để làm nên Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề nhưng dù có “cóp nhặt”, công sức ông bỏ ra cũng không hề nhỏ so với số lượng câu chuyện được tổng hợp.
Văn học Việt Nam giai đoạn trước 1975 tồn tại một khoảng trống, hiện vẫn có một số công trình nghiên cứu về văn học giai đoạn này nhưng nếu muốn đầy đủ, vẫn chưa thể có một tác phẩm đủ đồ sộ, tường tận mọi ngõ ngách.
Tác phẩm mới của nhà văn Lê Văn Nghĩa là một trong những đầu sách tiếp theo, góp thêm vào “khoảng trống khó lấp đầy” của dòng văn học Sài Gòn trước 1975. Dù chỉ gồm những câu chuyện hậu trường nhưng nếu xâu chuỗi, độc giả vẫn cảm nhận được một không gian văn học Sài Gòn đậm chất.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho độc giả vào chiều 31/10 tại Đường sách TPHCM
“Nhà văn nào viết ra tác phẩm cũng muốn gửi gắm điều gì đó, còn với tôi, tôi chẳng rõ mình muốn gửi điều gì lớn lao cho Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề. Chắc có lẽ, tôi chỉ muốn dành sự tôn trọng cho nhóm tác giả trước năm 1975. Tác phẩm của họ có thể được khen ngợi, có thể không nhưng bạn phải biết rằng, hành trình mỗi tác giả viết ra tác phẩm không dễ dàng, luôn có nhiều câu chuyện đằng sau. Những tác giả, tác phẩm thuộc giai đoạn văn học trước năm 1975 đã tạo nên hồn cốt của một Sài Gòn ngày xưa”, nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ.
Trong thời gian thực hiện tác phẩm, nhà văn Lê Văn Nghĩa gặp nhiều khó khăn khi tình hình sức khoẻ không tốt và quỹ thời gian không có nhiều. Thậm chí, sau khi gửi bản thảo cho Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, ông phải lập tức nhập viện điều trị bệnh.
Còn về hạn chế thời gian, nhà văn Lê Văn Nghĩa lý giải rằng trong lúc hoàn thành cuốn sách, đã có 5 nhà văn được ông nhắc đến trong sách qua đời vì bệnh tật, già yếu. Do đó, ông muốn nhanh chóng ra mắt tác phẩm để như một món quà, một lời tri ân gửi đến những nhà văn, nhà thơ đã đóng góp cho văn học trước năm 1975.
Theo Phụ Nữ