Nhà văn “Ma làng”

221

“Ma làng” là tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trịnh Thanh Phong. Trong các tác phẩm về nông thôn, đây là một tác phẩm có tính đột phá và thể hiện sâu sắc những biến chuyển quy luật của hiện thực làng quê Việt Nam.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong với tiểu thuyết “Ma làng”

Trong đó, tác giả đề cập rất rõ những mối quan hệ hữu cơ của cộng đồng làng xã với sự biến chất thê thảm của một bộ phận đặc biệt là nhóm quyền lực. “Ma làng” được viết rất mạnh tay về những vấn đề nông thôn miền núi trước thời kỳ khoán 10 bằng một thứ giọng đặc biệt sắc sảo, đầy trào lộng có sức công phá mạnh. Cái hay của “Ma làng” là thể hiện được những nhân vật vô cùng ấn tượng về tính cách, khắc họa thành công chân dung của người dân miền núi trước và sau Đổi mới với những lề thói, tập tục xưa cũ cùng sự tiếp nhận cái mới một cách thực dụng và hồn nhiên tạo nên một bức tranh nông thôn rất đời, rất thực, đầy sinh sắc. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này một cách vô tình khi tìm thấy nó trong một hiệu sách nhỏ vào năm đầu thế kỷ 21. Đọc và chợt nhận ra sự thiệt thòi không nhỏ của những nhà văn tỉnh lẻ. Lẽ ra “Ma làng” phải có một vị trí trang trọng trong mặt bằng tiểu thuyết Việt. Nhưng không, ít người biết đến nó cho dù Trịnh Thanh Phong là một tên tuổi của văn nghệ xứ Tuyên. Khi “Ma làng” ra đời, Trịnh Thanh Phong đã có một bề dày sáng tác và đang đương nhiệm Tổng biên tập báo Tân Trào – diễn đàn của Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang do chính anh là Chủ tịch.

“Ma làng” tạo cho tôi những ám ảnh khôn nguôi, với những hình dung rất rõ về tuyến nhân vật cả thiện lẫn ác, cả tốt lẫn xấu. Một dự định lóe trong đầu tôi. Tại sao lại không chuyển “Ma làng” thành phim truyện? Tôi mang ý định này bày tỏ với nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn đàn anh này gật gù hưởng ứng, “Trịnh Thanh Phong là bạn anh đấy, tay này được lắm, mấy lần đã định bảo chú nên chuyển thể”.

Kẹt cho tôi là trùng thời điểm đó, tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy đang làm kịch bản “Đất và người” cũng từ một tác phẩm nổi tiếng về nông thôn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường nên đành phải tạm dừng “Ma làng” lại cho thời điểm khác.

Chân dung nhà văn Trịnh Thanh Phong qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Sức hút của “Ma làng” mạnh đến mức buộc tôi phải mò lên Tuyên Quang gặp tác giả ngay dù chưa thể biết trước thời gian triển khai kịch bản. Sự gặp gỡ này cũng là do vai trò trung gian của nhà văn Trung Trung Đỉnh, người luôn tự hào có bạn bè văn chương ở đủ sáu mấy tỉnh thành. Anh Đỉnh giới thiệu tôi với Trịnh Thanh Phong một cách không thể long trọng hơn. Cánh nhà văn có cách làm quen nhau rất đơn giản nhưng lại hợp tình hợp lý và nếu trùng gu nhau thì chẳng cần mất nhiều thời gian qua lại. Đó là khi đã đọc đã thích nhau qua tác phẩm và lúc gặp nhau chỉ mươi lượt cụng ly, nâng chén là đã tâm đầu ý hợp như thể biết nhau từ củ tỷ âm ty trước đó.

Có Trung Trung Đỉnh “cầm cái” ngay buổi rượu đầu tiên, tôi đã trình bày với Trịnh Thanh Phong rành rẽ cái kịch bản được hình thành trong trí tưởng. Tác giả “Ma làng” có vẻ phấn khích về điều này. Một giao kèo miệng được ký kết bằng một lần cụng ly đầy tràn, thừa thãi sự tin tưởng. Nhưng cũng phải ba bốn năm sau, khi dư âm “Đất và người” lắng xuống thì giao kèo làm “Ma làng” mới được mang ra thực hiện. Lúc này, xứ Tuyên đã quen thân với tôi, với Trịnh Thanh Phong trở thành người bạn văn chương vong niên rất đỗi chân thành. Hiếm năm nào tôi không lên Tuyên vài lượt. Khi là dự một hội thảo, lần làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn hay là diễn giả về phim truyện cho một lớp sáng tác địa phương nhưng chủ yếu những cuộc gặp gỡ vẫn là sự bù khú bạn bè.

Trịnh Thanh Phong vốn là một người lính chiến đấu ở chiến trường Lào những năm bảy mươi thế kỷ trước. Cánh nhà văn phàm đã qua lính quả thật có dễ gần gụi nhau hơn. Mà cũng chẳng lạ khi lớp nhà văn từ tôi hất ngược lên chả mấy người không khoác áo lính. Như những người lính khác trở về sau chiến tranh, sáng tác của Trịnh Thanh Phong tập trung cho hồi ức chiến trận mà nổi bật là tiểu thuyết “Đất Cánh đồng Chum”. Nhưng nếu thế thì cũng như những nhà văn tầm tầm khác, sáng tác đó chỉ như trang sức của một đời sống hiện đại bởi tôi nghĩ, chỉ có những cây bút thật sự đau đáu vận mệnh đất nước mới xộc thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Trịnh Thanh Phong là như vậy. Những truyện ngắn về một làng Ngò hoán danh được anh cho ra đời mà đỉnh cao phải là tiểu thuyết “Ma làng”.

Biết Trịnh Thanh Phong qua tác phẩm, ngoài cuộc đời tôi càng thấy anh đúng là một lão nông tri điền. Hiểu biết tường tận của anh về người nông dân miền núi được thể hiện thật tài tình trong những trang sách hôi hổi hơi thở cuộc sống. Nhân vật của “Ma làng” nhập vào tôi từ lúc nào. Điều này nói thêm, chả cứ tôi, những ai yêu thích “Ma làng” đều có chung một cảm giác như vậy. Điều này đã được minh chứng bằng cảm nhận của những thành viên đoàn làm phim sau này.

Năm 2006, tôi lên dự đám cưới con của Trịnh Thanh Phong. Tại đây nhà văn giới thiệu với tôi một nhà thơ là doanh nhân – Ngô Đăng Khoa. Anh này giống tôi, đặc biệt yêu thích “Ma làng”. Khoa đề nghị tôi, nếu được nên quay “Ma làng” ở Hà Giang – nơi anh lập nghiệp nên có nhiều điều kiện để giúp việc làm phim tốt hơn. Ngay sau đám cưới, tôi mang “Ma làng” cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đọc và đề nghị anh làm đạo diễn. Hơn cả tôi mong đợi, Nguyễn Hữu Phần bập rất nhanh vào “Ma làng” và đưa ra quyết định cũng rất nhanh. Nói thêm, Nguyễn Hữu Phần chính là đồng đạo diễn của phim “Đất và người” do tôi là đồng biên kịch với nhà văn Khuất Quang Thụy.

Ngay lập tức một ê-kíp làm phim do đạo diễn lựa chọn gồm họa sĩ, quay phim cùng tôi đi Tuyên Quang, Hà Giang. Trịnh Thanh Phong nhiệt tình cùng anh em đoàn phim đi thực địa. Không có phim nào mà kịch bản chưa có nổi một dòng mà các thành viên đoàn phim đã hứng khởi quyết tâm cao như thế. Họ đã đọc “Ma làng” và cũng như tôi, bị cuốn hút vào những vấn đề gay cấn rất đặc trưng của người nông dân trong thời điểm giao thời Đổi mới. Thế nhưng, Tuyên Quang có vẻ không mặn mà với một bộ phim nặng tính phê phán hiện thực như vậy, còn địa thế Hà Giang lại không phù hợp với bối cảnh bộ phim ở một thời kỳ bao cấp khốn khó.

Chuyến đi không đạt kết quả nhưng lại dẫn đến một quyết định sáng suốt là chuyển bối cảnh về Lương Sơn, Hòa Bình. Nói sáng suốt vì có một lý do hy hữu. Nhà thơ Ngô Đăng Khoa, người sốt sắng giúp đoàn phim “Ma làng” chẳng biết làm ăn thế nào mà dính dáng đến pháp luật bị khởi tố, bắt giam. Thật may mắn nếu quay ở Hà Giang thì đoàn phim sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Sau này nhà thơ mất, tôi cùng Trịnh Thanh Phong đã lên Hà Giang viếng anh với vòng hoa có dòng chữ đầy sự biết ơn: “Đoàn phim “Ma làng” kính viếng”.

“Ma làng” được khởi động ngay sau chuyến đi thực địa bối cảnh. Tôi và Nguyễn Hữu Phần cùng chấp bút kịch bản rất nhanh, phim được hoàn thành suôn sẻ, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau khi phim phát sóng, Trịnh Thanh Phong và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được gắn thêm biệt danh “ma làng” vào tên gọi. Một tên gọi kèm tôi nghĩ là rất xứng đáng.

Nhà văn “ma làng’’ Trịnh Thanh Phong còn tiếp tục với phần hai của cuốn tiểu thuyết. Tôi vốn chỉ thích những gì mới mẻ, khai phá nên không tham gia vào bộ phim “Làng ma 10 năm sau” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chuyển từ phần kéo dài tiểu thuyết “Ma làng”.

Trịnh Thanh Phong viết không nhiều, nhưng những tác phẩm của anh đều đặc sắc, chất lượng. Trong đó “Ma làng” là đỉnh cao của anh, một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc của văn học đề tài nông thôn miền núi. Là hội viên của nhiều hội trong đó phải kể đến Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, “ma làng” này từng khiến tôi lầm tưởng anh là người dân tộc thiểu số. Nhưng không, nhà văn “ma làng” Trịnh Thanh Phong sinh năm 1949. Quê quán, xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dân tộc Kinh, chính hiệu!

Theo Phạm Ngọc Tiến/ Vanvn