Nhà văn Mường Mán – Cạn một chén đời chưa viết hết

565

Bùi Tiểu Quyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bao năm qua, nhà văn Mường Mán chọn cách sống ở ẩn với văn chương, cũng chỉ vì “cảm thấy viết đủ rồi, không muốn viết thêm nữa” như lời ông nói…

Họ là những tên tuổi gắn liền với nhiều tác phẩm dành cho tuổi mới lớn cách đây khoảng 30 – 40 năm, giai đoạn mà người ta không ngần ngại cho rằng đó là thời huy hoàng của văn chương tuổi “ẩm ương”. Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những con chữ của họ, qua những tập san như Áo trắng, Nữ sinh, Tuổi ngọc… Giờ, mỗi người trong họ không còn gắn mình mỗi ngày với con chữ nữa, thậm chí có người “rửa tay gác kiếm” với nghiệp văn chương…

Nhà văn Mường Mán bảo, xưa giờ ông vẫn luôn là người thích nghe hơn thích nói. Kể cả với vai trò là người viết văn, ông cũng không muốn xuất hiện trước đám đông. Hơn 10 năm rồi, nhà văn “lui về ở ẩn” cùng hội họa, thảng hoặc hàn huyên với bạn bè ở quán Ruốc của ông (Q.Phú Nhuận, TPHCM). Mọi thứ thuộc về văn nghiệp xem như ông đã “rửa tay gác kiếm”.

Yêu hội họa, nhưng trở thành nhà văn

Quán Ruốc đón khách yêu ẩm thực Huế, đón bạn hữu tri kỷ và cũng trở thành không gian trưng bày tác phẩm hội họa của nhà văn Mường Mán. Những năm sau này khi không còn viết văn nữa, ông cầm cọ vẽ. “Đến nay được tầm hơn 60 bức tranh sơn dầu. Có thể năm nay tôi tổ chức triển lãm cho vui” – ông nói.

“Thật ra hồi đó tôi mê vẽ, từ năm học cấp 3 ở trường Quốc học Huế tôi đã mê rồi. Mua sách hội họa lặng lẽ ngâm cứu khá nhiều, nhưng anh Cả tôi bảo “cậu theo nghề cầm cọ, sau này chỉ có nước đàn đúm bạn bè rong chơi lang thang chết đói, vẽ vời sao mà nuôi nổi thân mình, còn trở thành danh họa để bán được nhiều tranh thì hiếm lắm, chỉ có trong mơ thôi nhóc ạ!” – nhà văn Mường Mán nói vui.


Những năm sau này, nhà văn Mường Mán chỉ cầm cọ vẽ. Ảnh: Một tác phẩm của ông.

Nếu cuộc đời là cộng trừ nhân chia những duyên nghiệp, thì với ông, văn chương hình như cũng là nghiệp vận vào số mệnh. Văn chương chọn ông như một trò đùa thử thách năng lực chịu đựng, tận hiến, tận hưởng mùi vị của các đợt sóng vuốt ve, mơn trớn hoặc vùi dập thô bạo, thực ảo khôn lường giữa đời thường có tên gọi là hỉ, nộ, ái, ố.

Nhà văn Mường Mán khởi nghiệp cầm bút vào những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX. Trước năm 1975, hầu hết báo chí miền Nam tập trung ở Sài Gòn. Các tờ báo văn học nghệ thuật mỗi tờ có một phong cách hình thức và nội dung bài vở riêng, rất khó để “chen” vào.

Từ sự kiên nhẫn ban đầu, chăm chỉ viết, chăm chỉ gửi bản thảo qua bưu điện thành phố Huế vào làng Văn Sài Gòn tuần tuần tháng tháng, dần dà cái bút danh Mường Mán xuất hiện trên tạp chí Văn, rồi trở nên quen thuộc trên các tờ tạp chí, tuần báo văn học nghệ thuật khác như Tuổi Ngọc, Văn, Bách khoa, Ý thức, Trình bày, Nhà văn…


Nhà văn Mường Mán.

“Nhuận bút lúc ấy phải nói là cũng đủ cho một tay nhà quê tỉnh lẻ mới chân ướt chân ráo vô làng văn tiêu thoải mái. Xưa tôi hay đến thư viện Hội Việt-Mỹ, mùa đông mưa phùn gió bấc những ngày nghỉ học thường trốn lạnh cùng vài đứa bạn, mỗi đứa giấu trong cặp sách một ổ bánh mì và chai nước, vậy là có thể ngồi đọc sách từ sáng đến chiều” – nhà văn hồi tưởng.

Năm tháng đó, chàng thanh niên tuổi 20 với tên khai sinh là Trần Văn Quảng, rất nhẹ cân. Lần đầu có dịp vào Sài Gòn đến tạp chí Văn gặp “ngài” thư ký tòa soạn để nhận nhuận bút, ông ấy không tin cái gã thư sinh dáng điệu rụt rè, trẻ măng này lại là tác giả của những bài thơ, truyện ngắn có văn phong già dặn của một cây bút tầm ba, bốn mươi tuổi.

Ngồi với ông vào một buổi trưa nắng xiên qua vòm hoa giấy dưới hiên quán Ruốc, tôi thấy ông không quên bất cứ chi tiết nào – dù nhỏ – trong cuộc đời. Ký ức không bao giờ nguôi dù người cưu mang nó đi bao lâu, bao xa. Trò chuyện với ông, thấy thời gian hun hút với bao giai đoạn sống đầy những đổi thay, biến động, từ thời bị lệnh tổng động viên vào quân trường sau Tết Mậu Thân 1968, vài lần chết hụt trên mặt trận khi làm phóng viên chiến trường…

Bao năm qua, ông chọn cách sống ở ẩn đối với văn chương, cũng chỉ vì “cảm thấy viết đủ rồi, không muốn viết thêm nữa” như lời ông nói. Nhưng càng mở ra những lối về ký ức, lại thấy còn rất nhiều đoạn đời, hình như chưa từng được ông viết ra.

Nhiều bạn bè quen thân từng bảo nhà văn Mường Mán viết hồi ký đi, ông cũng chỉ cười. “Tự nhiên giờ tâm trí dưng không bỗng trống rỗng, không còn chút cảm hứng thống khoái hay bén nhọn nào đủ ma lực hối thúc mình cầm bút, hay chờ đến một tuổi nào chăng…?” – ông nửa đùa nửa thật.


Tiểu thuyết “Hồng Hạ”, in vào những năm cuối thập niên 80.

Viết văn, mua nhà

Thiên hạ thường nói “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, hay “cơm áo không đùa với khách thơ” để ám chỉ việc nhà văn khó sống được bằng ngòi bút. Đó cũng là lý do cho những người đã dừng cuộc chơi trên trường văn trận bút; hoặc có sáng tác cũng chỉ xem đó là phần việc tay trái, còn phải nặng nợ mưu sinh bằng nhiều công việc khác. Nhưng thời của nhà văn Mường Mán, sách in lần đầu lên vài ngàn bản là chuyện bình thường. Nhuận bút một cuốn sách thời ấy của ông có thể lên đến vài chục triệu.

Thật ra, có gần 10 năm Mường Mán gián đoạn văn chương. Những năm thập niên 80, ông về Cần Thơ sống và làm việc. Trong tâm thế “an phận thủ thường”, ông từng nhủ lòng hãy quên sạch quá khứ, sống thật thinh lặng, bình thường, chí thú biến mình thành nông dân. Ròng rã 10 năm, ông làm công việc lao động chân tay để mưu sinh, lúc buồn thì đi nhậu. Uống rất nhiều. Con đường văn nghiệp tưởng chừng đã đóng kín cửa.

“Hồi đó bạn bè Sài Gòn nghe đồn ở Cần Thơ tôi nhậu bạt mạng, nhậu nổi tiếng ai cũng lắc đầu, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ và nhà văn Ngụy Ngữ – bạn thân của tôi từ thời còn rất trẻ – về Cần Thơ xem hư thực ra sao. Gặp, anh Hồ trừng trợn: Nghe nói mày tính mượn rượu để lấy đà chống gậy xuống địa ngục phải không? Bỏ đi Tám! Trở lại tiếp tục viết đi, tao sẽ tìm việc làm, nơi ở cho mày ở Sài Gòn.

Sau này tôi coi anh Hồ và chị – nhà báo Minh Hiền như anh chị kết nghĩa. Nhờ lời thức tỉnh đó mà tôi bắt đầu viết trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sách tôi viết lúc đó không nhà xuất bản nào in. Năm 1987, có nhà thơ Lê Chí, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, biết tin, ông bắt xe lên Cần Thơ gặp tôi hỏi xin bản thảo. Tôi hỏi ông dám in à? Lê Chí đáp: Dám sao không?

Vậy là in, tiểu thuyết Hồng Hạ, in lần đầu 35.000 cuốn lập tức bán khá chạy. Tôi nể anh Bảy (Lê Chí) lắm, một giám đốc nhà xuất bản dám in sách của nhà văn Việt Nam cộng hòa”! – nhà văn Mường Mán kể.


Tác phẩm “Cạn chén tình” in lần đầu

“Lúc tôi chuẩn bị khăn gói dời nơi ngụ cư từ miền Tây Nam bộ lên Sài Gòn, nói với bà xã tôi sẽ lên kiếm tiền mua nhà trước, rồi đón gia đình lên sau. Nàng cười bảo mơ mộng vừa thôi chàng của tui, nếu không có phép lạ thì làm sao có thể mua được nhà ở Sài thành đắt đỏ?

Dỗ dành nàng êm xuôi, tôi đơn thân độc mã từ giã Cần Thơ lên Sài Gòn nhận việc ở công ty Văn hóa Phương Nam qua sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Hồ. Không đêm nào không ôm cái máy đánh chữ Olimpia gõ muốn rã rời cả tay đến tận 2 giờ sáng. Chỉ một năm sau, tôi mua được miếng đất 7 cây vàng ở Gò Vấp (mảnh đất mà gia đình nhà văn vẫn sinh sống đến tận bây giờ – PV). Bạn bè mới vỡ lẽ: “Hóa ra bấy lâu nay ông lo cày kiếm tiền mua đất, hèn chi cuộc nhậu nào rủ rê ông cũng tránh mặt. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy nỗ lực của mình cũng ghê gớm thật. Có lẽ do tật cầu toàn thúc giục” – ông nói vui.

Thi thoảng giữa buổi trò chuyện, ông dặn dò tôi: “Cháu cứ viết, thẳng thắn, tự do, đừng kiêng dè gì cả”. Thời tôi biết yêu thích văn chương, tác phẩm đầu tiên của Mường Mán tôi tiếp cận được là Trăng không mùa (NXB Trẻ, in năm 1995), sau đó là Muối trăm năm (NXB Trẻ, 2000). Những mốc thời gian đã quá xa những đổi thay của thời cuộc. Chỉ nhìn thấy trong các tác phẩm của nhà văn là những trang viết trong trẻo dành cho tuổi mới lớn, nỗi u hoài đau đáu về một Huế xưa trong tiềm thức, và những thân phận con người trong thời chiến và cả thời bình…

“Chú tin là cháu có thể hiểu được” – nhà văn trầm ngâm khi kể cho tôi nghe về những giai đoạn sống của ông từ những năm thập niên 1960-1990. Trong hun hút của những vàng son, những gãy đổ của quá khứ, tôi thấy Người trong cuộc (phim nhựa, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, 1988), Chuyện ngã Bảy (còn có tên là Tiếng đờn kìm, 1997), Gió qua miền tối sáng (viết chung, 1995)…

Những bộ phim khắc dấu tên tuổi cho nhà văn Mường Mán, nhưng cũng từng là nguyên cớ làm ông lao đao. “Suýt bị rắc rối hai lần vì kịch bản phim nhựa ‘Người trong cuộc’ và kịch bản phim truyền hình ‘Chuyện ngã bảy’ đó cháu” – ông cười nói nhẹ tênh trong năm tháng này. Cũng có thể, những chán chường với văn nghiệp đã bắt đầu từ những năm tháng ấy…


Bìa tái bản tác phẩm “Cạn chén tình”.

Cạn chén tình

Đầu năm 2019, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ in lại các tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của các nhà văn Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện… (nằm trong Tủ sách Thiên đường không tuổi). Nhà văn Mường Mán cũng có tác phẩm Cạn chén tình tái bản dịp này.

“Hồi đó nhà văn Duyên Anh (chủ tuần báo Tuổi ngọc – PV) mời tôi viết cho tờ Tuổi ngọc. Trước đó chưa viết truyện dài kỳ bao giờ, cũng nhận thử, không ngờ hai truyện dài đầu tay ‘Lá tương tư’ và ‘Một chút mưa thơm’ đăng nhiều kỳ trên tuần báo Tuổi ngọc được nhiều độc giả tuổi mới lớn yêu thích” – Nhà văn Mường Mán nhớ lại.

Ông vẫn nhớ những người có duyên, có ơn nghĩa với mình. Còn những ai từng không tốt với ông thì nhanh chóng lãng quên.

Cạn chén tình chỉ là một trong gần 30 tác phẩm của nhà văn Mường Mán, vẫn còn Trộm trái vườn người, Bèo nước long đong, Sáu Giang Hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác, Những ràng buộc êm ái, Chuyện kể từ đồng bằng, Phố hoa phai, Cô bé gác mây… chưa có kế hoạch tái bản. Với thơ, ông cũng đã có hai tập Vọng (1995) và Dịu khúc (2008).


Nhà văn Mường Mán (trái) tham dự buổi giao lưu ra mắt Tủ sách Thiên đường không tuổi.

Buổi trò chuyện của các nhà văn Tủ sách Thiên đường không tuổi với độc giả tại Đường sách TP.HCM, nhà văn Mường Mán có tham dự giao lưu. Nhưng hỏi ông có vui không thì ông lại… lắc đầu. “Giờ ngại di chuyển lắm, ngại gặp gỡ, không thích đám đông. Hồi còn làm việc ở công ty Phương Nam đi lắm nơi giới thiệu sách, giao lưu với độc giả nhiều lắm rồi” – nhà văn cười.

Hôm ấy trên sân khấu ấy thoáng nghe có giọng miền Tây, khiến ông nhớ đến thời gian sống gắn bó với miền Tây sông nước – đã từng ngỡ đó là quê hương thứ hai của mình, sau cố hương làng Chuồn (làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế…

Nhiều người vẫn thắc mắc bút danh Mường Mán của ông. Đây là một cái tên lạ và thật sự ấn tượng. “Đầu năm 1960, lần đầu tiên tôi thấy cái tên này trên bản tin thời sự của nhật báo Sóng Thần: “Đêm qua trường tiểu học Mường Mán bị pháo kích sập…”. Khoảng chừng vài tháng sau, trên tạp chí Sáng Tạo có in truyện ngắn Mường Mán của Tô Thùy Yên, viết về cuộc chia tay của một đôi tình nhân nghèo ở ga xép có tên Mường Mán. Từ đó tôi luôn nhớ, nghĩ, thậm chí bị cái tên mộc mạc ấy ám ảnh. Nhiều độc giả nói với tôi họ vô cùng thích chữ “Mường”, nghe hay hay lạ lạ thế nào”! – nhà văn chia sẻ.

B.T.Q
Rút từ tập KÝ ỨC VÀ DẤU ẤN 40 NĂM HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH

* Đôi nét về nhà văn Mường Mán

Nhà văn Mường Mán tên khai sinh là Trần Văn Quảng, sinh ngày 20/5/1947 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, ở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lĩnh vực sáng tác: Văn, thơ, kịch. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam và là cựu phóng viên chiến trường miền Nam chính quyền Sài Gòn trước 1975.

Nhiều người vẫn thắc mắc bút danh Mường Mán của ông. Ông chia sẻ: “Đầu năm 1960, lần đầu tiên tôi thấy cái tên này trên bản tin thời sự của nhật báo Sóng Thần: “Đêm qua trường tiểu học Mường Mán bị pháo kích sập…”. Khoảng chừng vài tháng sau, trên tạp chí Sáng Tạo có in truyện ngắn Mường Mán của Tô Thùy Yên, viết về cuộc chia tay của một đôi tình nhân nghèo ở ga xép có tên Mường Mán. Từ đó tôi luôn nhớ, nghĩ, thậm chí bị cái tên mộc mạc ấy ám ảnh. Nhiều độc giả nói với tôi họ vô cùng thích chữ “Mường”, nghe hay hay lạ lạ thế nào”!

Tác phẩm:

Truyện dài và tiểu thuyết: Lá tương tư; Một chút mưa thơm; Hồng Hạ; Thương nhớ người dung; Kiều Dũng; Ngon hơn trái cấm; Bâng khuâng như bướm; Tuần trăng mê hoặc; Khóc nữa đi sớm mai; Người đàn ông tội nghiệp của tôi; Mùa thu tóc rối; Chiều vàng hoa cúc; Trộm trái vườn người; Bèo nước long đong; Trăng không mùa; Muối trăm năm; Cạn chén tình; Sáu Giang Hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác.

Truyện ngắn: Những ràng buộc êm ái; Chuyện kể từ đồng bằng; Người đàn ông hay cười; Cô bé gác mây; Phố hoa phai.

Thơ: Vọng; Dịu khúc.

Kịch bản phim: Người trong cuộc (hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, phim nhựa, 1988); Gió qua miền tối sáng (viết chung, 30 tập, hãng phim truyện Truyền hình Việt Nam, 1995); Tiếng đờn Kìm hay Chuyện ngã bảy (hãng phim Truyền hình TP.HCM, 1997); Trăng không mùa (hãng phim Giải Phóng, 1998); Duyên phận (hãng phim Truyền hình Bình Dương, 15 tập, 2003).