Nhà văn Nghệ An một tuyển tập văn chương có chất lượng và là tư liệu quý cho hoạt động nghiên cứu phê bình văn học

1733

Nguyễn Đình Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuyển tập tác phẩm tuyển chọn Nhà văn Nghệ An do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành tháng 11 năm 2019 đã giúp cho người đọc đễ dàng nhận ra được những nét tiêu biểu về phong cách nghệ thuật của riêng từng nhà thơ, nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống và công tác tại Nghệ An.

Tuyển tập Nhà văn Nghệ An 

I-  Các nhà thơ 

Phần thứ nhất của bài viết này xin điểm qua các nhà thơ: Trong 14 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống và làm việc tại Nghệ An thì đã có tới 9 Hội viên thơ.

Trước hết xin nói tới Nhà thơ nữ Vân Anh. Từ 10 bài thơ mà chị lựa chọn để nhà xuất bản đưa vào tuyển tập Nhà văn Nghệ An gồm: Ám ảnh, Giọt đau, Bản nháp, Chân dung, Trái tim thức giấc, Hồn quê, Điều ước ở Truông Bồn, Tổ quốc, Đàn bà, Độc thoại trước biển.

Vân Anh  đã hiện lên là một nhà thơ nữ có cá tính mạnh mẽ: Trong bài thơ “Ám ảnh” chị  đã ví minh như “Một con ngựa hoang” bản thân chị cũng sợ ngay cả chính mình, sợ cả những gì diễn ra theo đúng quy luật của sự tồn taị

“Sợ

trái tim ta

con ngựa hoang

không học thuộc bài

phi nước kiệu

tình yêu”

Thơ Vân Anh ngoài sự thể hiện cá tính mạnh mẽ còn giàu chất triết lý. Chị đưa ra những triết lý khá sâu sắc do chị là người từng trải, là một nhà giáo lâu năm. Một trong những bài thể hiện sự nhìn nhận, trải nghiệm mang tính triết lý sâu sắc của chị là bài thơ “Đàn bà”:

“Đàn bà/Là nước/Đàn bà đẩy con thuyền công danh đàn ông

sang bờ bên kía khát vọng./Là nước đàn bà nhấn con thuyền công danh đàn ông chìm đáy đại dương tuyệt vọng./Là nước đàn bà tự vỗ sóng

Cho mình, cho nhau

Là nước

Đàn bà mạch nguồn vô tận

Tình thương con tuôn chảy vĩnh hằng”…

Trái ngược với phong cách Vân Anh là nhà thơ Phan Quốc Bình. Phan Quốc Bình là nhà thơ sớm định hình được phong cách. Phong cách thơ của Phan Quốc Bình trầm tư, sâu lắng nhưng ý tứ, câu từ của từng bài thơ lại thâm thúy sâu sắc gây xúc động âm ỹ lâu dài trong lòng người đọc. Phan Quốc Bình đã thực sự thành công ở những bài thơ viết về mẹ và viết về những người thân yêu. Anh có các bài thơ đáng nhớ như thơ “Dâng mẹ”:

“Mẹ giờ yên giấc cùng núi Mồng Gà nơi tuổi thơ mẹ chăn bò, cắt cỏ/ Con trở về quê nhìn lên giơ hai bàn tay tìm hơi ấm của người/

mẹ để lại cánh đồng nắng vàng hương mùa quấn quýt/ rạ rơm thao thức đường quê/mẹ để lại phù sa thiêm thiếp vàng giấc mơ Ngàn phố/trời cao thả cánh buồm mãi mê tìm phía chân trời/ núi non vẩn như xưa mãi mãi mãi làm nên quê hương xứ sở/ núi non vẩn như xưa sao vắng bóng hình bóng mẹ?

Thơ Phan Quốc Bình người đọc phải đọc lâu và cảm nhận thật sâu thật chậm thì mới thấy được thơ anh không thuộc dạng khó hiểu mà thơ anh là ltiếng thơ cất lên từ một con ngừơi trầm tư, chín chăn. Càng có thêm thời gian để cảm nhận thì người đọc càng  thấy được vẻ đẹp của thơ anh.

Với Nhà thơ Trần Thu Hà: Từ 10 bài thơ do chị tuyển chọn để nhà xuất bản đưa vào tuyển tập. Mỗi bài đề cập đến một vấn đề của nhân sinh như nói về quê hương, nói về tuổi trẻ nhưng điều rõ nét nhất, gây xúc động nhất cho người đọc là những bài thơ mà chị hướng ngòi bút của mình tới đề tài tổ quốc, chiến tranh và viết về Hoàng Sa, Trường Sa. Trong bài thơ:“Tổ quốc ơi con không chết hai lần” Nhà thơ Trần Thu Hà đã nhắc tới Trường Sa bằng những câu thơ mạnh mẽ ,tâm huyết đầy xúc động  như sau:

“Trường Sa

Chín mươi triệu trái tim đang nóng lên, đang nhân thắp sáng

Mảnh quá khứ găm đầy bia tưởng niệm.

Những oan hồn nằm sắm hối dưới dòng sông

Trường Sa là trái tim đất Việt

Máu chảy về tim là điều không thể thiếu

Tổ quốc ơi con không chết hai lần”

Viết về tổ quốc đau thương thời chiến tranh. Trong đó có bài thơ chị viết về người anh liệt sỹ của mình và bài thơ viết về nổi mất mát quặn lòng của những người đàn bà không có cơ hội gặp lại người thân sau chiến tranh:

“Anh nằm nghiêng không tăng không bạt

Bốn mươi năm anh nằm lại bìa rừng

Bốn mươi năm anh hóa người dưng

Nắm xương gửi rừng không bia không mộ

(Anh tôi)

“Người đàn bà đi qua chiến tranh

Náu mình đếm niềm vui chờ tiếng kêu gọi mẹ

Những đúa trẻ  như giọt mưa xít lăn vào khóe mắt chị một đêm

thoi thóp đợi

Đời người vỡ giấc chiêm bao”.

(Người đàn bà đi qua chiến tranh)

Khác với phong cách thơ của Vân Anh, Phan Quốc Bình, Trần Thị Thu Hà; Thơ in trong tuyển tập Nhà văn Nghệ An của nhà Thơ Lê Quốc Hán lại có giọng điệu khác biệt. Sự khác biệt đó tạo nên phong cách riêng của nhà thơ Lê Quốc Hán. Thơ của anh là thơ nặng về sự hoài niệm, thơ của tình yêu. Tình yêu và chất hoài niệm trong thơ Lê Quốc Hán tha thiết và trong lành, thánh thiện. Vì nặng về hoài niệm cho nên thơ Lê Quốc Hán cũng có những bài thơ, nhưng câu thơ có phần xa xót về phận người. Người đọc cảm nhận được những điều đã nói  trên qua các đoạn thơ câu thơ sau:

“Ta yếu mềm cánh liễu

Lắt lay sống đến giờ

Mượn gió mưa gẫy điệu

ru kiếp người bơ vơ“

(Ru)

“Trời sinh ra để yêu thương

Xòe tay nhặt hết hạt buồn gần xa

Đem về gieo lấy bài ca

Trái tim neo bến quê nhà nổi trôi

 

Mai sau từ giã cõi người

Biết đâu tìm được chính tôi bây giờ”

(Tìm)

Hoặc:

“Con đường lên dạo cung trăng

Xưa là hư ảo nay gần tấc gang

Sao đường ở giữa thế gian

Người không mở được lối sang với người”

(Đường)

“Nửa phần hồn với cánh diều

Nửa phần xác thịt lựa chiều néo dây

Trót sa địa ngục đọa đày

Vùi trong nước mắt chuỗi ngày hư vô

Cỏ xanh đang đợi trước mồ

Thương tôi tôi vẩn mơ hồ kiếp tôi”

(Cõi người)

Nhà thơ thứ 5 được giới thiệu trong tuyển tập là nhà thơ Nguyễn Văn Hùng. Nguyễn Văn Hùng từng làm giảng viên Đại học, từng làm Thư ký Tòa soạn cho tạp chí Hồng Lĩnh, từng biên tập cho một số tờ báo lớn ở Nghệ An. Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An. Với mối bang giao như thế của công việc cho nên thơ anh cũng có phần khác hơn so với các nhà thơ chúng tôi vừa đề cập ở trên.

Điều dễ nhận thấy để có một nhà thơ Nguyễn Văn Hùng được bạn văn ưa thích thơ ông là: Bài thơ nào của Nguyễn Văn Hùng cũng có ý, có tứ thơ mạch lạc rõ ràng. Thơ Nguyễn Văn Hùng còn có thế mạnh thứ hai là giàu chất thế sự. Anh có thể viết thơ nói về bóng đá, có thể viết về chân dung các văn nghệ sỹ…

Viết về thế sự phải kể đến bài “Vô cảm chào mi”:

“Nạn xe điên cán người vô tội?

-Chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân!

Chiếc cầu phút chốc đổ sụp?

-Chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân!

Đám cháy thiêu rụi cả cánh rừng?

-Chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân!…

Tìm nguyên nhân đặt ở đầu môi

Và vô cảm lan tràn như dịch hạch

Vô cảm cái nguyên nhân rất thật

Xui con người ít đến với người hơn”

(Vô cảm ơi chào mi)

Anh có những câu thơ hay viết về bè bạn, viết về các văn nghệ sỹ. Sau đây là câu thơ anh viết về nhà thơ quá cố Nguyễn Trọng Tạo.

“Giàu vì bạn chút gì như bụi bặm

Tiếc việc ham chơi đã lãi lắm rồi…

“Sau chạm chén hãy trả lời câu hỏi

Nghe đâu đây anh dặn lại và cười“

(Về một nhà thơ)

Nhưng Nguyễn Văn Hùng cũng có những câu thơ làm cho người ta có thể băn khoăn về anh:

“Thế giới phẳng sao ít người nhiều thú

Giữa hội hè sao thấy quá cô đơn“

Khác với Nguyễn Văn Hùng có lẽ chính là nhà thơ Nguyễn Trường Thọ. Trong 10 bài thơ của Nguyễn Thọ được giới thiệu trong tuyển  tập này (Sóng quặn ở Trường Sa, Tìm lại tháng giêng, Đặt tay lên ngực trống đồng, Mái tranh quê, Chân mùa, Tiếng chim ở Ngã ba Đồng Lộc, Lưng mùa, Từ trong ký ức, Miền Sen, Hai mặt đồng tiền) có vài bài thơ có giọng hào sảng hơi dàn trải còn lại phần đa là những bài thơ êm đềm viết về làng quê.

Bài thơ hay nhất của Nguyễn Trường Thọ theo quan điểm của chúng tôi là bài:

Mái tranh quê

Bã bời nắng tầm tã mưa

Thời gian níu giữ ngày xưa đến

Giọt chiều tướp giữa xác xơ

Cũ càng đứng lặng bên bờ tre xanh

Liếp phên cài giữ mong manh

Lụt nâng đổ chái bão thành mái nghiêng

Củi rơm giữ đốm lửa thiêng

 

Mùa đi theo những tháng giêng chuyện đời

Chở che biết mấy phận đời (người)

An nhiên chống đất đội trời mà khôn

Mái tranh dưới nắng khô giòn

Dưới mưa ướt đẫm ủ hồn khói chan

Như ngày lật mở từng trang

Trăm năm còn vẩn dở dang kiếp người.

Ngoài ra ở một số bài khác Nguyễn Trường Thọ đã có được nhiều câu thơ hay làm xúc động người đọc:

“Khi xa tiền gọi người về

Khi gần người bỏ bạn bè người đi..

Lật nghiêng hai mặt ưu phiền

Để ta lắng những nỗi niềm thế gian”

(Hai mặt đồng tiền)

Tiếp theo Nguyễn Trường Thọ là nhà thơ thành danh sớm và khá nổi tiếng trong làng thơ Nghệ An và trong cả nước là nhà thơ Vũ Toàn. Anh đã chọn các bài thơ sau để đưa in vào tuyển tập: Thơ ơi, Hoa Lông Chông, Bà mẹ Quơn Long, Thơ viết ở trại tâm thần Tân Kỳ, Chuyện trong nghĩa trang, Anh là cát, Ám ảnh, Đêm ngủ bên suối Nậm Típ, Những người lính bình thường không thích hát, Tôi làm người bình thường. Có thể nói Vũ Toàn là nhà thơ có tài năng. Thơ anh bao giờ cũng đưa đến những nhận thức mới mẻ cho người đọc. Về nghệ thuật anh luôn quan tâm tới việc lập tứ cho bài thơ. Không có bài thơ nào của anh được viết dàn trải mà bài nào cũng súc tích ý tứ rõ ràng.

Trong tuyển tập này Vũ Toàn có những bài thơ hay đáng được bạn đọc chú ý đó là các bài thơ:

“Thơ ơi”: Nói về đất nước quê hương mến yêu và nói về sự trường tồn của thơ ca (nói về thơ trần Hữu Thung).

Bài thơ “Hoa lông Chông”: Sự cần mẫm kiên cường của con người của người lao động chân chính nói chung và  người cầm bút nói riêng.

Nói về sự hy sinh và nỗi đau thầm lặng của một người mẹ liệt sỹ ít có nhà thơ nào viết được như Vũ Toàn:

“Ngày nắng mẹ âm thầm đội nắng

Ngồi lau từng bia mộ cho con

Đêm mưa mẹ mang đèn lặng lặng

Sang nghĩa trang cho con đỡ lạnh lùng

 

Có ai hay người quản trang là mẹ

Thương từng ngôi mộ bằng nỗi thương chung

Nào ai biết giữa chiều xưa quạnh quẽ

Mẹ ngồi mơ nhìn thấy mộ chồng con”

(Bà mẹ Quơn Long)

Vũ Toàn có một mảng thơ lớn viết về chiến tranh nhưng điều anh thể hiện trong thơ lúc nào cũng độc đáo và đưa đến cho người đọc sự bất ngờ và nỗi đau nhói lòng.

“Bốn phía trời mây trắng vây quanh

Núi tiếp núi trùng trùng như thế trận

Những người lính trong đầu mang mảnh đạn

Bao nhiêu năm ở trại tâm thần

Họ cười,  họ khóc

Tôi đứng lặng câm”

(Thơ viết ở trại Tâm thần Tân Kỳ)

“47 năm đi tìm giờ mới tới nơi

Tìm thấy mộ, mẹ các anh đã mất

Mang theo bao đau đáu kiếp người

Những người lính thời bình không thích hát

Những người lính thời bình không thể hát

Giữa rừng Lào tìm mộ, các anh ơi”

(Những người lính thời bình không thích hát)

 

“100 vòng hoa cho một ngôi mộ

100 ngôi mộ chưa từng một vòng hoa“

“… Theo khói nhang những vòng hoa được sẽ chia

Cho tất cả ngôi mồ trong nghĩa trang chiều ấy

… đó là một chiều quê tôi thấy

Nắng rơi trên đồng nội nắng vàng

Những đúa trẻ không đùa trong nghĩa trang”

(Chuyện trong nghĩa trang)

Có mặt cùng với những nhà thơ lớp sau, trong tuyển tập Nhà văn Nghệ An lần này bạn đọc vui mừng vì một lần nữa được gặp lại Nhà thơ Thạch Quỳ. Thể hiện tầm vóc và giá trị thơ Thạch Quỳ năm 2018 Nhà xuất bản Nghệ An đã đầu tư xuất bản tuyển tập thơ dày trên 400 trang của nhà thơ. Nhưng đối với bạn đọc thơ của Thạch Quỳ không bao giờ là cũ. Những bài thơ ông đưa vào tập tuyển chọn này một lần nữa khẳng định thêm phong cách thơ Thạch Quỳ:

Thơ Thạch Quỳ giàu suy tưởng; Giàu tính triết lý và có tính xã hội sâu sắc.

Ngôn ngữ thơ ông mộc mạc giản dị. Nhưng mức độ triết lý, sức suy tưởng ở các bài đưa vào tuyển tập này cao hơn những bài thơ thời “Nói với con”. Bài  thơ “Ông già nghễnh ngãng” là một bài thơ thuộc hạng đó’

“Chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng lại

Ông già không xuống tàu và quay về ga đầu tiên,

con tàu dừng lại

Ông già không xuống tàu

Người lái tàu hỏi: ông già về đâu?

Ông già hỏi: Con tàu về đâu?

Ga cuối, ga đầu

Ga đầu, ga cuối

Ông già nói lảm nhảm

Người bán vé tàu cứ bán…

Chạy đến ga cuối cùng

Con tàu quay lại

Chạy về ga đầu tiên, quay lại con tàu

Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa

Rằng ông già nghễnh ngảng

Đi đâu

Về đâu?”

Cảm nhận ban đầu về bài thơ “Ông già nghễnh ngãng” chúng tôi cho rằng: Thông điệp đưa ra của tác giả trong bài thơ này có thể là: Chúng ta đang sống trong sự bảo vệ của quốc gia nhưng trong quốc gia này đã có sự xuất hiện của lối sống của một bộ phận người có thói vô cảm.

Bài thơ “Bức tượng” cũng là một bài thơ có tính triết lý cao, giàu suy tưởng:

Em đã sống bình yên như tượng

Chẳng đàn ông em chẳng đàn bà

Mưa hay nắng cứ trôi  ngoài vỏ

Nắng hay mưa cứ trôi

 

Ngoài da

Chẳng đàn ông em chẳng đàn bà

Em đã sống bình yên như tượng.

Em đấy ư

Thiên thần

Quỹ dữ

Ai thổi vào tượng đá một con tim

Ai biến đá thành người biến đá thành em”

Tuyển tập Nhà văn Nghệ An còn dành vị trí xứng đáng để giới thiệu mảng thơ trào phúng của nhà thơ Dương Huy. Dương Huy có các bài thơ sau đây đưa vào tuyển tập: Ông ngỡ, Các phó cơ quan, Xòe cụp xòe, Khuyết điểm lang thang, Ai làm bằng tôi, Nhất trí giữ nguyên, Chùa, Cầm đơn đến gặp, Một kiểu phê bình đáng phê bình, Có máy cơ quan.

Nghe qua tiêu đề các bài thơ, người đọc đã nhận ra giọng thơ của một nhà thơ trào phúng từng nổi tiếng trong làng thơ xứ Nghệ trong hàng chục năm qua.

Đọc thơ Dương Huy người đọc cảm nhận được những điều ông phê phán những thói hư tật xấu của các tầng lớp nhân dân bây giờ cũng giống như những thực trạng ông đã phê phán cách đây hàng chục năm.

“Của công ông ngỡ của mình

Ông xài thoải mái ông mang về nhà”

(Ông ngỡ)

“Thường trực là phó đầu tiên

Ký tên cộp dấu liên miên tháng ngày

Phó hai ngồi căt móng tay

Chờ giấy mời họp là bay khỏi phòng

Phó ba phụ trách nữ công

Hô hào quyết liệt đặt vòng quanh năm

Phó tư là phó… bệnh nhân

Tiền thuốc cấp, gấp mấy lần tiền lương…

*Phó nhiều loạn cửa loạn nhà

Bàn vào thì rồi, bàn ra thì nhiều”

(Các phó)

“Khuyết điểm chạy nháo chạy nhào

Gõ cửa ông nào cũng bị tống ra

Đầu tiên tìm đến ông A…

 

Khuyết điểm chạy ngược chạy xuôi

Rồi cũng đành chịu suốt đời lang thang”

(Khuyết điểm lang thang)

             

Phần II – Các nhà Văn 

Trước hết xin được nói tới nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi. Anh chỉ chọn đưa vào tuyển tập một chuyện dài (gần 60 trang. Từ trang  97 đến trang 150). Đó là tác phẩm: “Dưới tán rừng Phù Ạt”

Nhà Văn Nguyễn Ngọc Lợi là một nhà văn lao động nghệ thuật hăng say. Cho đến nay ông đã có 7 tập truyện và tiểu thuyết. Truyện dài “Dưới tán rừng Phù Ạt” của ông  mang đầy đủ những mặt mạnh vốn có của ông trong việc xây dựng cốt truyện. Đặc biệt ngôn ngữ văn xuôi của ông có sức truyền cảm và gây niềm tin yêu lớn cho bạn đọc.

Khác với các tập truyện và tiểu thuyết khác của ông là không gian nghệ thuật của truyện dài này là không gian nghệ thuật rộng lớn tỏa ra ngoài quốc gia lãnh thổ Việt Nam. Không gian miêu tả trong “Dưới tán rừng Phù Ạt” rộng lớn hơn, vượt cả biên giới dân tộc. Truyện dài “Dưới tán rừng Phu Ạt” kể chuyện diễn ra trên đất nước Lào

Cốt truyện có thể tóm tắt như sau:

Một đơn vị thông tin thuộc bộ đội tình nguyện Việt Nam đóng quân tại rừng Lào. Người lính có tên là Vinh yêu Duyên một nữ thanh niên xung phong. Họ là bộ đội và thanh niên xung phong sang giúp Lào đánh Mỹ. Sau hòa bình hai người xây dựng gia đình và đưa nhau sang Lào kinh doanh. Chính Vinh là người kết nối cho đồng đội cũ có chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Chuyện ca ngợi những người lính Việt Nam tình nguyện trước đây đã chiến đấu rất dũng cảm giúp nước bạn Lào đánh đuổi quân xâm lược Mỹ nay lại làm ăn kinh tế giỏi. Mọi người quan tâm giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyện mang nội dung và chủ đề lớn hơn là ngợi ca tình hữu nghĩ đặc biệt Việt -Lào.

Cùng có mặt trong tuyển tập có nhà văn La Quán Miên. Là người cùng thời với Sầm Nga Di, Vi Văn Thứa nhưng cho đến nay anh vẫn là cây bút miền núi sung sức nhất. Trong tuyển tập này anh có 1 truyện ngắn và một truyển phỏng tác truyện dân gian của người Thái đưa vào tuyển tập đó là truyện ngắn “Cái rìu““Mường Tôn”.

“Cái rìu”: Phản ảnh hiện thực cái thời khó khăn về kinh tế của đất nước. Hiện thực đó đã  được anh miêu tả một cách hết sức sinh động. Nhà giáo cũng phải đi làm trái lời mình dạy các em là dùng cái rìu để đi phát rừng làm rẫy cứu đói. Câu hỏi: “Thầy giáo cũng đi phát rẫy à” khiến anh tủi hổ vì chính anh đã nói với học sinh cần phải chấp hành luật bảo vệ rừng mà bây giờ anh lại đi phá rừng. Tủi hổ vì anh ý thức được rừng là mội trường sinh thái để con người có cuộc sống bền vững đã hàng bao đời nay. Phá rừng làm mất căn bằng sinh thái, hậu quả khôn lường. Vậy mà bây giờ anh lại dùng rìu đi phá rừng… “Anh thấy ta phá rừng ghê quá, đêm hôm ấy anh nằm trằn trọc bên vợ “. Chao ôi bao nhiêu là cây gỗ đẹp, gỗ quý. Rừng phải mất hàng trăm năm, hàng ngàn năm mới có được như thế. Vậy mà chỉ qua một ngày cả khu rừng Pu Chê đã bị đốn sạch tinh. Ta chỉ phát một khoảnh thôi nhưng có nhà lại phát rộng mênh mông”. “Cái rìu” là sự day dứt, cào xé tâm can của người trí thức sông trong cái thời khốn khó.

Truyện phỏng tác của dân tộc Thái “Mường Tôn”: Nội dung truyện gián tiếp lý giải nguồn gốc hình thành các mường  bản của miền Tây Nghệ An Việt Nam… Các tác phẩm của La Quán Miên đưa vào tuyển tập là các ttác phẩm giàu tính hiện thực và giàu bản sắc riêng của người Thái sinh sống ở Quỳ Hợp.

Sau nhà văn La Quán Miên tiếp đến là sự có mặt của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc. Có một điều khá lý thú khi đọc tuyển tập Nhà văn Nghệ An các tác phẩm của Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc lại có một giọng điệu và kết cấu khác nhiều so với ngôn ngữ và kết cấu của các tác phẩm văn xuôi đã từng xuất hiện trước đây của chị.

Truyện ngắn “Đêm ấy cũng mưa như bây giờ”: Có cốt truyện đơn giản. Cách xây dựng nhân vật độc đáo, hiện đại. Ngôn ngữ văn xuôi nhưng lại giàu chất trữ tình gần ngôn ngữ thi ca.

Truyện cuốn hút người đọc bằng cách dẫn truyện truyền cảm và có giá trị nhân văn cao. Tóm tắt truyện như sau: Vào một ngày mưa nhân vật Tôi của truyện tìm được một cái quán, vừa để trú mưa vừa uống rượu vừa chọn thời điểm quán ít khách yên tỉnh  để ngồi viết thư tâm sự độc thoại với nhân vật em. Em là một thanh niên xung phong có tinh thần làm chủ tập thể cao. Trong trí nhớ của nhân vật tôi cô gái đó đã dũng cảm hy sinh trong một trận lũ đột ngột tràn về lđể cứu hàng cho đơn vị… Ngồi một mình trong quán ngày mưa, nhân vật tôi đã nhớ và nhắc tới hành động dũng cảm của nhân vật được anh ta gọi bằng em…Qua màn độc thoại của nhân vật tôi, nhân vật tôi bày tỏ sự cảm phục thương yêu với người đã hy sinh dũng cảm vì tập thể và phê phán lòng tham và vô trách nhiệm của một số ít lãnh đạo của đơn vị mà anh và cô gái đó đã từng công tác.

Truyện thứ hai nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc đưa vào tuyển tập có cái tên khá đặc biệt: “Chuyện tình cuối thế kỷ“.

Truyện ngắn này có cốt  truyện đơn giản nhưng giàu kịch tính. Cốt ruyện có lối viết khá hiện đại. Không gian và thời gian nghệ thuật của truyện không sắp xếp theo trình tự thời gian nhưng người đọc vẩn hiểu  nội dung truyện lại rất mạch lạc. Câu chuyện có kết thúc mở. Dành sự kết luận cho bạn đọc về số phận của các nhân vật.

Nhìn chung Đàm Quỳnh Ngọc là một hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Kết quả lao động của chị tương xứng với danh hiệu mà chị đã có từ lâu: Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Đọc truyện của chị mọi người sẽ thấy rõ những cảm nhận mà chúng tôi đã nêu ở trên… Trong tuyển tập này còn có tác phẩm  của hai nhà văn Nguyễn Thị Phước và Nguyễn Thế Quang.

Nguyễn Thị Phước có 2  truyện ngắn: “Cau non”“Gió mùa đi qua”. Nguyễn Thị Phước đã dựa vào ý của câu thành ngữ “Chị em gái như trái cau non” để đặt tên cho thiên truyện ngắn thứ nhất của mình. Điều chị muốn gửi đến người đọc là đề cao tấm lòng cao cả của một người mẹ. Qua “Cau non” Nguyễn Thị Phước muốn nói lên trách nhiệm cao cả của nhà văn là các tác phẩm văn học luôn phải giúp người đọc hướng tới các giá trị nhân văn cao cả.

Còn với truyện ngắn “Gió mùa đi qua“ Nguyễn Thị Phước muốn gửi đến bạn đọc thông điệp. Sự tha hóa của con người ở thời ta sống đã diễn ra ngay cả những nơi đáng lẽ không bao giờ có điều xấu về nhân cách xẩy ra. Đó là trường học.

Câu văn trong các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Thị Phước ngắn gọn, súc tích. Nội tâm nhân vật trong tác phẩm văn xuôi của của Nguyễn Thị Phước được miêu tả khá rạch ròi giúp người đọc dễ dàng nhận ra những điều tốt đẹp tác mà giả muốn gửi gắm và những điều xấu xa tác giả muốn phê phán.

Đặc biệt  tuyển tập Nhà văn Nghệ An còn có một nhà văn mà bạn đọc trong cả nước đang hướng sự trân trong khâm phục tới anh đó là nhà văn Nguyễn Thế Quang, người vừa được nhận giải thưởng nhà văn ASEAN cho cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Thông reo Ngàn Hống” có độ dày 600 trang. Là nhà văn Việt Nam trong vòng chưa đầy 10 năm đã xuất bản được 4 tiểu tuyết lịch sử danh giá nhưng ông chỉ chọn đăng trong này một đoạn trích có độ dài 41 trang trích từ tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống”.

3 – Lời kết về tuyển tập Nhà văn Nghệ An.

Tóm lại tuyển tập Nhà văn Việt Nam là một tuyển tập văn học có chất lượng đúng tầm vóc như tên gọi của mình: Nhà văn Việt Nam. Tuyển tập sẽ là tập tư liệu quý về đời văn của 14 nhà văn thuốc thế hệ Chống Mỹ và thế hệ sau 1975 đang sống và làm việc tại Nghệ An; cho những người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học và bạn đọc yêu mến văn chương và yêu mến các nhà văn nhà thơ đang sống và làm việc tại Nghệ An. Bởi đây là một tuyển tập văn chương có giá trị lớn về cả về nội dung và nghệ thuật. Một tuyển tập văn học đáng được mọi người tìm đọc.

N.Đ.A

(Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội LH VHNT Nghệ An)