Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Sở cầu hay… bất sở cầu?

1122

Tiếp xúc lần đầu, tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp không giống bất cứ một văn sỹ hay thơ sỹ nào mà tôi đã từng gặp trước đây. Khác về diện mạo đã đành, mà còn khác cả về cái thần sắc toát lên từ con người ông. Dường như lúc nào trong ông cũng có những cuộc vật lộn cho những bài toán về sự tồn tại, phát triển của cái nhà hàng mang tên một loài hoa của núi rừng Tây Bắc – Hoa Ban, nơi mà anh đã có một thời gian khá dài sống và dạy học ở đấy và các nhân vật luôn lấp ló đâu đó chỉ chực chui ra khỏi cái đầu bé nhỏ của anh. Nét mặt anh luôn khắc khoải, đợi chờ những cuộc hoá sinh thường trực…


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2006.

Nguyễn Huy Thiệp hiện là một nhà văn được dư luận đánh giá cao. Và ông cũng là người chịu nhiều điều tiếng về những đứa con tinh thần của mình. Song với ông, đấy là chuyện của người đời. Ông là người khá am hiểu lịch sử, nhưng quan trọng hơn là ông luôn biết chuyển hoá những kinh nghiệm và tri thức của tiền nhân thành máu thịt của mình, để rồi nó lại hiện hình trong cuộc sống hôm nay thành những phương châm xử thế của ông. Kính nhi viễn chi, không quá gần mà cũng chẳng thờ ơ, xa lánh, đâu chỉ là câu nói cửa miệng khi tiếp xúc với mọi người, mà ngay cả nét mặt, lời nói, cái bắt tay của ông đều thể hiện rõ điều đó. Ông luôn chủ trương một cách xử thế là Bất sở cầu. Nhưng thực ra từ những hành vi giao tiếp đến cách ăn nói và đặc biệt là những đứa con tinh thần của ông đều lộ rõ Nguyễn Huy Thiệp là người Bất sở cầu đấy và cũng là Sở cầu đấy !

Nếu là một nghệ sỹ chân chính mà Sở cầu hư danh, thà Bất sở cầu còn hơn. Hơn ai hết, Nguyễn Huy Thiệp ý thức rất rõ điều đó. Và ông đã chọn Bất sở cầu hư danh để Sở cầu chính danh. Âu đấy cũng là cái giá cần thiết phải trả cho tư cách của bất kỳ một nghệ sỹ chân chính nào. Và Nguyễn Huy Thiệp đã tính vừa đủ cái giá để trả cho vị trí đỉnh cao trong làng văn xuôi Việt Nam đương đại của mình.

Với tương lai, ông thường nói ở vào cái tuổi tri thiên mệnh, người ta không còn nhiều thì giờ dành riêng cho nó. Ông chỉ còn đủ sức để làm những công việc dở dang cho đến hết đời. Thật hiếm có ai tìm được câu trả lời vừa đủ và thông minh như Nguyễn Huy Thiệp. Ai dám bảo đây là Bất sở cầu hay Sở cầu (?!) Nguyễn Huy Thiệp thường tâm sự: Cuộc đời là tất cả; không có thiện, cũng không có ác, không có thánh thần, cũng không hèn kém, không có thanh tao, cũng không dơ bẩn. Nó là một hỗn mang. Sự phân chia này nọ chỉ là cách làm xiếc của lý trí con người. Ông không thừa nhận những định kiến của lý trí, cũng như những ràng buộc của luân lý thông tục.

Ngay từ truyện ngắn Tướng về hưu cho đến các truyện Phẩm tiết, Con gái thuỷ thần I, II và III, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ… Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn biết cách đánh thức độc giả thoát khỏi những ràng buộc và ảo vọng của đời thường, cái vốn thường dễ bị đóng đinh trong tâm thức người đời. Đối với ông tất cả những gì được coi là chân lý vĩnh hằng của lịch sử, theo một cái nhìn thuận chiều, đơn tuyến đều được xem xét lại bằng một thái độ khách quan, nghiêm túc ở những chiều kích mới. Thô tục và thanh cao, nghiệt ngã và nhân từ, mạnh bạo và chừng mực, lạnh lùng và từ bi, bất chấp và tính toán,… âu đấy cũng chỉ là những thước đo và cách đánh giá của hậu thế, chắc gì nó là cái đã từng tồn tại. Đằng sau nó, con người và sự việc vẫn tồn tại như một bản thể phi ngã đã từng có trong lịch sử. Do vậy, nhận thức lịch sử bao giờ cũng chỉ là những nấc thang hữu hạn, chính vì thế nó là vô hạn.

Nguyễn Huy Thiệp quan niệm rằng văn chương cũng như bất cứ một lĩnh vực nào của đời sống đều cần có những sân chơi bình đẳng. Nhưng các sân chơi chẳng phải tự nhiên mà có. Ngược lại các tay chơi đích thực cần phải tự mình tạo ra một cái sân để mà chơi, nếu họ không muốn chơi ở những cái sân méo mó, bệnh hoạn và xuống cấp. Vì thế ông là một trong số những người đi tiên phong, bổ nhát cuốc đầu tiên lên văn đàn Việt Nam đương đại, để tạo ra một kiểu sân chơi mới dành cho các văn sỹ có tài năng đích thực.

Nguyễn Huy Thiệp là người đã dày công đào sâu suy nghĩ những điều mà nhiều người cho là lẽ đương nhiên, thường tình trong cuộc sống hậu chiến hôm nay. Nhưng thực ra lại là cái không bình thường chút nào, nếu như ta đặt nó ở một góc nhìn khác. Nguyễn Huy Thiệp luôn tìm kiếm những lời giải đích thực cho những vấn đề dường như đã được giải quyết xong theo những luật tục cấm kỵ (taboo customs) nào đấy. Trớ trêu thay những nhận thức được coi là đúng đắn của một thời mà một số kẻ có chức, có quyền cố tình áp đặt cho số đông, như vị tướng già trong Tướng về hưu hay vua Quang Trung trong Phẩm tiết, không phải lúc nào cũng là kẻ vú em cho chân lý lịch sử.


Nhà Lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên

Bằng lối văn giả cổ đầy ma lực ông đã đánh thức độc giả, những người hãy còn ngủ say trong hào quang của quá khứ, đem đến cho họ một cái nhìn tỉnh táo đối với cuộc sống hiện đại, dù có đau đớn và nghiệt ngã đến mấy thì nó vẫn là cuộc sống thực. Còn những mũ mão, cân đai của một thời mà một số người nào đấy vẫn coi là những bái vật (totems) linh thiêng và bất khả xâm phạm, thực ra cũng chỉ là một cơ may, chứ chắc gì đã hoàn toàn là tài cán, và càng không phải là sức lực và công trạng của riêng một số người nào đấy. Chính những mũ mão cân đai đó đã được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao người. Biết đâu chúng chỉ là cái đầu trăn tinh của gã Lý Thông đem dâng hiến nhà vua thuở nào trong truyện cổ tích, hoặc cùng lắm cũng chỉ là những tay Hoàng Sào của thời hiện đại. Đằng sau cái tên Hoàng Sào hay Lý Thông lưu danh thiên cổ là những Đống xương vô định đã cao bằng đầu (Nguyễn Du). Nếu lột bỏ tất cả những mũ mão, đai hia đi thì cùng lắm họ cũng chỉ là những con người bằng xương, bằng thịt như bao chúng sinh khác trên khắp thế gian này. Bởi vậy, lịch sử cần phải được phán xét một cách nghiêm túc và công bằng hơn.

Sự thành công của Nguyễn Huy Thiệp không phải là ông đã biết được các hoàng đế thường thích mặc quần áo gì, cũng không phải anh là người đầu tiên phát hiện ra bộ quần áo của hoàng đế, mà quan trọng hơn là anh biết cho hoàng đế cần phải mặc quần áo vào lúc nào. Sự sòng phẳng về nhận thức lịch sử của anh có thể làm cho một số người nào đấy thực sự cảm thấy khó chịu, nhưng thực chất nó mang một ý nghiã nhân văn sâu sắc. Vả lại, sự thật bao giờ cũng tàn nhẫn hơn sự huyễn hoặc của người đời về nó.

Nguyễn Huy Thiệp là người không chấp nhận sự nhìn nhận và đánh giá lịch sử và xã hội nửa vời theo kiểu một anh chàng yểu tâm, thiểu chí đã giữ chặt được đầu người yêu mà lại không dám hôn. Ông cũng không lý giải lịch sử và xã hội như những ông lang băm luôn quy cho mọi căn bệnh ở đời chỉ do hoặc nhiệt quá hoặc hàn quá. Do vậy chỉ dùng hai vị chủ công trị nhiệt và trị hàn là rau má và gừng là có thể chữa lành bách bệnh. Nếu nóng thì thêm chút rau má, còn nếu hàn thì tăng ít gừng. Thế là mọi căn bệnh trầm kha trên đời này, bất luận do nguyên nhân nào dẫn đến đều được chữa khỏi một cách nhanh chóng theo các tay lang băm trong văn chương.

Chẳng hạn nhân vật Bường trong truyện ngắn Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều người cho rằng nhà văn đã đẩy nhân vật trở thành kẻ quá nhẫn tâm với đồng loại. Nhưng thật là bất công khi biết bao kẻ giết người ở Cosovo, Iraq, Afghanistan hay ở lục địa Phi châu thì nhiều người lại tỏ ra dửng dưng. Còn cái anh chàng Bường chặt một ngón chân của người khác lại trở thành một chuyện tày đình. Cái logic dẫn Bường đến chỗ trở thành kẻ giết người là một sự thật lịch sử, hoàn toàn khả lý. Chỉ có điều không mấy ai đám nhìn thẳng vào cái sự thật trớ trêu ấy của cuộc sống thực, mà phần đông là quay lưng lại mơn trớn, vuốt ve nó, cùng lắm cũng chỉ tiêm cho nó một liều thuốc an thần rồi ném nó ra bên lề lịch sử và đi thẳng. Còn Nguyễn Huy Thiệp đã đứng lại dựng nó lên và chìa thẳng vào mặt mọi người mà bảo rằng sự thật là như thế này đây. Các người hãy mở to mắt ra và nhìn thẳng vào nó, nếu như thực tâm các người căm ghét sự đểu giả và lường gạt. Nếu nhắm mắt, quay mặt đi thì cùng lắm cũng chỉ là lòng thương hại, chứ chắc gì các người đã không là những kẻ vào hùa, tiếp tay cho tội ác mà vẫn xúng xính trong bộ quần áo thầy tu.

Nghiêm túc với chính bản thân mình và trung thành với chân lý lịch sử, tức là tôn trọng và tuân thủ cái logic thật của nó là việc không phải ai cũng làm được, nếu không nói là rất hiếm. Hơn thế, Nguyễn Huy Thiệp còn làm một cách rất thành công. Và vì thế, ông đã góp phần đưa văn xuôi Việt Nam đương đại đi theo một hướng tiếp cận mới tới gần chân lý lịch sử hơn. Âu đấy thật sự là một cố gắng lớn của ông trong việc tìm kiếm cho văn chương nước nhà một sân chơi bình đẳng. Nhưng tiếc thay những nỗ lực ấy khiến nhiều người nghĩ rằng ông là người bất sở cầu, nên chỉ như cầu thủ chơi bóng… một mình, mặc dù những đóng góp của ông đối với văn chương Việt Nam đương đại là không thể phủ nhận được.

Theo Đỗ Ngọc Yên/Vanvn