Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tội sơ lược hóa con người”

1066

Vinh Huỳnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Vinh Huỳnh trò chuyện với Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

VINH HUỲNH(VH): Chào tiên sinh, hồi này anh có viết gì không?

NGUYỄN HUY THIỆP (NHT): Tôi gác bút lâu rồi! Bây giờ có ai đến tào phào như ông thích thì ghi lại thôi. Còn tôi thở ra ý nghĩ trong lòng đã thấy chán rồi mà viết nhiều nó nhàm, bọn trẻ nó ghét nữa. Văn chương nó là một món chơi sang. Nó làm cho cuộc đời mình lý thú, nó có giá trị cộng đồng. Đời người được mấy chục năm, họp hành, bon chen làm gì cho nhọc.

VH: Người ta bảo truyện của tiên sinh cứ ác ác thế nào ấy?

NHT: Đâu có, nhân đạo đấy chứ, nhưng nhân đạo gồm cả thiện ác. Thiện ác là tương sinh ông ạ. Trong “Mưa Nhã Nam” tôi đã viết: “Điều thiện buồn tẻ vì nó nhạt nhẽo/ Điều thiện tầm thường vì nó an toàn/ Điều thiện tệ hại vì nó giết đi đam mê/ Anh có sợ điều thiện không?/Chị có sợ điều thiện không?/Và em nữa?/ Em có bao giờ ghê tởm điều thiện/ Bằng như điều ác?/ Thiện Ác là thị phi, hai cái nó là như nhau. Tội lớn của văn học mình là sơ lược hóa con người, nghĩ đời, nghĩ xã hội, chính trị đơn giản quá. Thực ra con người cực kỳ hóc hiểm và kinh lắm.

VH: Gần đây có cuốn “Văn học và cái Ác” của Georges Bataille rất hay đại thể cho rằng, một khi con người vi phạm những quy định & điều cấm được hình thành trong xã hội có tổ chức, ít nhiều đều bị coi là mang dấu ấn của cái Ác.Nhà văn viết về những thứ nằm ngoài khuôn phép của thế giới lý trí, thứ văn chương đó được coi là viết về cái ÁcCon người ta luôn luôn có tính hai mặt, em khoái nhất là tác phẩm “Tội ác & Trừng Phạt” của Doxtoiepxki. Raskolnikov là hiện thân của con người, tuyệt vời nhân văn nhưng cũng là một tội đồ, chính vì hai cái mâu thuẫn ấy khiến đầu anh ta lúc nào như một thùng thuốc súng, căng thẳng chứa chất, bức bối nung nấu, những căm uất, dằn vặt ám ảnh sám hối thường trực vì lẩn tránh tội lỗi nhưng lại đầy quyền năng của một tâm hồn cao thượng: “Ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?” Là con người hay là dã thú. Tiên sinh có thể khẳng định được ở anh chàng này không ?

NHT: Văn học ngoại nó tinh vi lắm, bọn sinh viên ngoại nó tốt nghiệp đại học xong là oách lắm. Văn học mình không những đơn giản hóa mà người ta còn dựng nên một chủ nghĩa nhân đạo mơ mộng, đấy là ảo tưởng, nó làm cho người ta mê đi, vẽ ra một thứ nhân đạo dở hơi.

VH: Trong khi văn chương là một món chơi đầy ngẫu hứng nhưng trên nền tư tưởng

NHT: Đúng vậy. Người viết cần một khoảng trống tự do rất cao. Cần phải có tư tưởng. Tư tưởng cũng chả phải cái gì ghê gớm đâu nhưng phải có. Đọc một cái có tư tưởng nó khác. Nó phải là triết, chứ cứ loanh quoanh thì không có văn chương đâu. Ngày xưa những bài luận văn thi Đình ghê lắm, đề ra vấn đề Phương Tây sang nước ta thì cần cải cách thế nào. Nêu lên những cải cách đất nước thế kinh bang tế thế. Vua đọc là biết ngay loại như thế nào.

VH: Văn học nó là hồn cốt dân tộc

NHT: Mỗi dân tộc đều có một thể thơ cổ truyền và đấy nó là gốc gác… Tôi nghĩ có 3 loại thơ: Loại 1: Thơ thiên tài là của cái bọn choai choai 15-20 tuổi, giai đoạn xưa như Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Huy Cận ư… nó là chân khí, nguyên khí… Thơ ở tuổi này nó hay, vì nó trẻ trung như gái đồng trinh, như trai tân ấy, sướng lắm. Chả có khái niệm, chả có học thuyết này nọ nọ kia gì cả.

VH: Nó từ tiềm thức bật lên, nhưng mà: “Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.

NHT: Đúng đấy. Văn chương là công việc nặng của đàn ông, nó tiêu diệt trí tuệ và thời gian rất kinh. Không cẩn thận lộ thiên cơ, ám vào số phận gia đình con cái, nó phá tan cả bản thân. Người ta bảo kiếm khách vô tình, chữ nghĩa cũng thế.

VH: Lời đã nói như mũi tên bay ra…

NHT: Trung Hoa có truyện “Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm” đọc hay lắm. Với Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng hay như tôi, người ta cứ bảo là kiêu bạc nhưng có phải đâu, bản chất của chữ nghĩa nó thế, nó là KINH, là KỆ cơ mà. Loại 2: Khi trưởng thành, có gia đình rồi, thơ phải nói cái chí con người: chí của Tú Xương, Nguyễn Khuyến là chí thanh cao. Nhiều tay chí cao, chí lớn trùm thiên hạ. Mao Trạch Đông lúc 24 tuổi đứng trên núi Tiêu Sơn mà rằng: Trên là Mây, ta đứng đây cách trời 3,3 thước (3,3 thước theo thước đo của Trung Quốc đúng bằng chiều cao của Mao). Đấy, đấy, ông thấy không, thơ phải NGÔNG như thế chứ. Ở ta xưa có Nguyễn Hữu Cầu làm thơ hoàng tráng: “Bay thẳng cánh muôn trùng vân hán/ Phá vòng vây bạn với kim ô”. Mấy ông cách mạng nhà mình như Xuân Thủy là cũng kinh đấy chứ, có đùa được đâu. Thơ nó HÙNG lắm. Đám thơ mới oách lắm ông ạ, Nguyễn Bính cũng là chí tình.

VH: Theo tiên sinh nếu Nguyễn Bính có thêm Tây học thì thơ có khá hơn không?

NHT: Không. Ông ấy là “chân quê” rồi; giống như Xuân Diệu là Tây cao cấp rồi, lệch kênh là hỏng, hỏng to.

VH: Làm thơ hiện đại đến Tây cũng phải phục chắc là Hàn Mặc Tử?

NHT: Ông này được thiên chúa giáo đẩy lên, người ta coi như Thánh!

VH: Đâu phải vậy tiên sinh, do ông ta bệnh Phong phải tách ra sống biệt lập trên đảo ở Phú Yên được các bà Xơ (Soeur) tận tâm chăm sóc nên cảm kích quá mới làm thơ về thiên chúa đấy chứ. Ông này chỉ số IQ cao, học giỏi lắm, Tây định đưa qua Pháp học nhưng chẳng may mắc bệnh. Thơ Hàn có đầy chất nhục cảm của thơ Tây hiện đại.

NHT: Đấy là loại oách nhất. Còn lại là loại thơ bình thường, lăng nhăng… được người ta đôn lên chứ chẳng có ý nghĩa gì.

VH: Mảng tiên sinh viết về các văn nhân là một ĐẶC SẢN NGUYỄN HUY THIỆP; Em rất thích hai cái viết về Nguyễn Bính (“Hạc và bay vừa kêu thảng thốt”) & Tú Xương (“Thương cả cho đời bạc”), tiên sinh là một thầy tướng cao tay có thể đọc vị của các văn nhân như thần. Nhưng em thích nhất truyện “Bài Học Tiếng Việt” quả là tuyệt chiêu. Âm dương cách trở vậy mà tiên sinh đọc vị Vũ Trụng Phụng vanh vách như một ông bạn chí cốt vậy. Tiên sinh khắc họa đươc cái chất khinh bạc, sự ngất ngất của một thiên tài, vì một niềm đam mê mãn tính của một ông ông…

NHT: Ông vua! Vu phóng sự Bắc Kỳ, nhưng ở trong đấy là cả một tư tưởng về tiếng Việt của tôi. À mà tôi cũng có một tập lấy tên là “Tình Yêu – Tội Ác & Trừng Phạt – trong này có “Bài Học Tiếng Việt”.

VH: Biên độ dao động của tiên sinh, rất rộng, tiên sinh cầm bút như kiếm sỹ lao vào chỗ không người, không khoảng nào không xông vào.

NHT: Nó cũng là chán đời thôi ông ạ, chán nhể.

VH: Nhưng em khoái món truyện ngắn của tiên sinh nhất. Truyện ngắn của tiên sinh là đỉnh cao.

NHT: Ờ, nó như hòn đá ném xuống nước từ đó các vòng sóng tỏa ra.

VH: Có một bài luận so sánh văn của Nguyễn Huy Thiệp & Ma Văn Kháng. Luận văn này đọc vị rất trúng phoóc văn phong của tiên sinh và Ma Văn Kháng. Trong đó nêu rằng, văn của Ma Văn Kháng là lối viết thể hiện cái nhìn toàn tri nghĩa là tác giả chủ quan cái gì cũng biết và bày hết lên trang viết khiến người đọc có cảm giác như đang “bị dạy” trong khi đó văn của tiên sinh lại tiêu thổ hết các yếu tố râu ria chỉ lộ ra, xoáy vào bản chất câu truyện nom rất “lạnh lùng” khách quan.

NHT: Ờ trong nghề biết nhau ngay ấy mà. Mỗi người một kiểu, ông Kháng ông ấy có nhiều cảm hứng, viết rất khỏe. Nhưng văn học cần cô đọng nó đơn giản “Tâm Viên Nhĩ Mãn”, tâm người như con Vượn, chữ nghĩa như con Ngựa. Chữ nghĩa phải thật thanh đạm, đơn giản. Ông cứ đòi nhanh là loạn tâm đấy. Các cụ lấy đơn sơ tiết chế cô đọng.

VH: Viết như trời đất, cỏ cây. Không hiểu tiên sinh đã đọc truyện của Raymond Carver chưa chứ theo em thì đấy là một tay viết cừ khôi, tự nhiên đến độ siêu phàm khiến người đọc tưởng như không phải đấy là tác phẩm mà chính là cuộc sống

NHT: Ờ thế thì nhất.

VH: Tiên sinh nhìn nhận thế nào về tương lai văn học Việt Nam?

NHT: Tương lai văn học thế nào là do đám trẻ các ông. Các ông phải làm một cái gì ra hồn chứ. Nó phải hoà nhập với trong nước, khu vực và thế giới. Đừng nghĩ nó là một trò chơi kiểu nhóm, lèm nhèm, vớ vẩn. Các ông phải có ý thức làm một cái gì đấy nên hồn. Chứ tiền tiêu vào những thứ quá vô ích: Chơi gái, uống rượu Tây… làm gì, chán lắm. Tôi có cô bạn ở Sài Gòn mua đất 400 m2 làm cà phê bảo lấy tên Cà Phê NGUYỄN HUY THIỆP. Nhưng mà làm gì trong khi đấy chỉ cần bỏ ra một ít tiền thôi nhưng mình có thể có một sản phẩm tinh thần rất oách và chơi được lâu. Cửa sắt với lầu son tầng cao hoa đá lát làm gì, các cụ ngày xưa bảo đấy là núi dòi bọ. Các ông phải có ý thức bảo vệ văn hóa, bảo vệ tiếng Việt chứ không thì chết, không còn tiếng Việt – hồn cốt Việt, thì cướp giết hiếp, tệ nạn sẽ lan tràn. Ông bảo cái bọn bảo vùng cao nguyên nó đặt tên con là Sony, Honda có chết không chứ!

VH: Cám ơn tiên sinh về cuộc trò chuyện này.

V.H

(Theo Văn+)