Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận – phê bình văn học thời kỳ đổi mới (Phần 1)

1723

PGS.TS. Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với những trăn trở và dằn vặt đầy tính tự thức như thế, có thể nói, Nguyễn Minh Châu là một trong không nhiều nhà văn cách mạng có sự phản tỉnh mạnh mẽ về vai trò của nhà văn và của nền văn học, trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Và đây là những tiên đề lý luận và thực tiễn để Nguyễn Minh Châu thay đổi hệ hình tư duy lý luận, phê bình của mình, từ đó, trở thành một trong những nhà văn góp phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định trong việc khai mở cho hệ hình tư duy lý luận phê bình trong tiến trình văn học thời kỳ đổi mới.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Phần 1

  1. Dẫn nhập

Không phải ngẫu nhiên trong Sổ tay viết văn của mình, Nguyễn Minh Châu đã xác quyết: “Không có một thứ nghề nào mà kết quả công việc lại có thể cắt nghĩa rõ rệt chân giá trị của người làm ra nó như nghề viết văn”[1]. Bởi, chính quá trình nghiệm sinh trong hành trành trình sống và viết, với tư cách người cầm bút luôn ý thức về trách nhiệm trước cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã nhận ra rằng: “Người đọc khi lần giở những trang sách chẳng khác nào đang giở từng trang lý lịch tư tưởng của người viết. Và khi xếp những cuốn sách lại người ta có thể hiểu kỹ lưỡng như từng ăn ở với chúng ta, nhìn thấu vào tận trí não và lương tâm chúng ta. Lúc đó là người đọc có thể đánh giá chúng ta, liệt từng người trong chúng ta vào hạng người như thế nào trong xã hội, và cũng căn cứ vào đó người đọc định đoạt một thái độ đối với tên một nhà văn”[2].

Như vậy, trong tư duy sáng tạo và quan niệm của mình về nghề văn, Nguyễn Minh Châu đã ý thức sâu sắc không chỉ về sứ mệnh của nhà văn mà còn ý thức về “lịch sử tư tưởng của nhà văn”, chứ không phải “lý lịch chính trị” như người ta vốn quan niệm. Với Nguyễn Minh Châu sự tồn sinh của một nhà văn chính là sự vận động và phát triển trong tư tưởng nhà văn về phương diện mỹ học, triết học và văn hóa được thể hiện trong tác phẩm chứ không phải là những trang văn “minh họa” một cách tầm thường, dễ dãi, vô cảm. Bởi, ông đã tự ý thức rằng: “Bao giờ cũng thế, bao giờ người đọc cũng khao khát muốn tìm thấy trên trang sách nhà văn một sự rung động sâu sắc, một sự quan tâm thực sự đối với cuộc đời của họ, một niềm tin yêu, một tiếng nói chung”.[3] Và “xét cho cùng cái phần chủ yếu của một người viết văn vẫn là tiếng nói của anh trước những vấn đề mà đông đảo mọi người đang quan tâm tới”.[4] Với những trăn trở và dằn vặt đầy tính tự thức như thế, có thể nói, Nguyễn Minh Châu là một trong không nhiều nhà văn cách mạng có sự phản tỉnh mạnh mẽ về vai trò của nhà văn và của nền văn học, trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Và đây là những tiên đề lý luận và thực tiễn để Nguyễn Minh Châu thay đổi hệ hình tư duy lý luận, phê bình của mình, từ đó, trở thành một trong những nhà văn góp phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định trong việc khai mở cho hệ hình tư duy lý luận phê bình trong tiến trình văn học thời kỳ đổi mới.

2. Nguyễn Minh Châu với sự chuyển đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình

2.1. Sự đổi mới tư duy trong cái nhìn về chiến tranh và thân phận con người

Là một nhà văn đã dự phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trong tư cách là một người lính chiến đấu ở chiến trường, hơn ai hết, Nguyễn Minh Châu không chỉ cảm nhận được những hành động anh hùng của người lính trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc mà ông thể hiện vô cùng sống động trong hai tác phẩm giàu chất sử thi Dấu Chân người lính (1972) và Mảnh trăng cuối rừng (1975) mà ông còn thấy được sự khốc liệt khủng khiếp của chiến tranh đã đem đến khổ đau cho bao phận số con người mà cuộc đời của họ là những mảng màu bi kịch với những bất hạnh không giống nhau được ông minh chứng qua những tác phẩm viết sau chiến tranh như: Miền cháy (1977); Bức Tranh (1982); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983)…

Hiện thực trong những tác phẩm viết sau chiến tranh của Nguyễn Minh Châu là một xác chứng cho sự đổi mới cách nhìn, cách nghĩ của ông đối với cuộc kháng chiến mà khi luận bàn về đề tài chiến tranh ông đã chia sẻ: “Cần tránh một điều: đừng bao giờ biến cuộc sống kháng chiến thành một cảnh “non bộ” xinh xẻo, tĩnh mịch”[5]. Bởi, với sự trải nghiệm của người trong cuộc, Nguyễn Minh Châu đã nhận ra tính chất “thi vị hóa” khi phản ánh về cuộc chiến trong các tác phẩm viết về chiến tranh mà theo ông: “Hình như cuộc chiến đấu anh hùng sôi nổi hiện nay đang được văn xuôi và thơ ca đôi khi tráng lên một lớp men “trữ tình” hơi dày, cho nên ngắm nó thấy mỏng mảnh, bé bỏng và óng chuốt quá khiến người ta phải ngờ vực”.[6] Và muốn tránh được sự ngờ vực nơi người đọc, khi viết về chiến tranh, nhà văn cần viết trung thực về những được, mất trong cuộc chiến, không nên viết theo một công thức định sẵn “ta thắng, địch thua”, “ta tốt, địch xấu” của lối tư duy tuyên truyền hết sức ấu trĩ, không thấy được sự phức tạp của qui luật chiến tranh mà ở đó, không có cái gì là không thể xảy ra.

Đây cũng là điều Nguyễn Minh Châu đã nhận thấy khi nhìn lại những tác phẩm văn học viết về chiến tranh: “Các nhân vật thường khi có khuynh hướng được mô tả một chiều, thường là quá tốt, chưa thực. Hình như tất cả những mặt tính cách đa dạng phải phơi bày trong đời sống thực thì lại có thể tạm thời giấu mình trên trang sách. Vì ý thức cổ động kháng chiến một phần, một phần khác có phải do quan niệm sơ lược về nhân vật anh hùng?”.[7] Và, để thức nhận mọi người thấy được bệnh công thức không chỉ ở người viết mà cả trong cảm quan của người đọc khi tiếp nhận những tác phẩm văn học viết về chiến tranh cách mạng, Nguyễn Minh Châu đã lý giải thấu lý đạt tình khi ông cho rằng: “Không có gì đáng lên án cái khuynh hướng văn chương ấy trong hoàn cảnh một đất nước phải huy động toàn dân, toàn diện kháng chiến. Nhưng trước nhiệm vụ xây dựng một nền văn học làm sao có những tác phẩm xứng đáng với dân tộc và đất nước, chúng ta phải dám nhìn thẳng vào những quan niệm, những khuynh hướng văn học đẻ ra từ một đất nước hàng chục năm phải nỗ lực lấy thắng lợi chính trị và quân sự làm gốc. Những quan niệm, những khuynh hướng ấy có khi nằm trong các sáng tác đã ra đời, có khi vẫn còn nằm trong thị hiếu muôn màu muôn vẻ của các giới người đọc đông đảo”.[8]

Có thể nói, những luận giải trên của Nguyễn Minh Châu khi bàn đến thực trạng văn học viết về chiến tranh là hết sức tỉnh táo, khách quan, công bằng, vừa gắn với thực tiễn cuộc sống, chiến đấu của dân tộc trong một thời kỳ mà mọi vấn đề đều được nhìn nhận theo hướng “lý tưởng hóa”, lại vừa gắn với những yêu cầu của  hiện tại, cần có một phương thức phản ánh mới về cuộc sống trong chiến tranh, làm thế nào tiệm cận với sự thực diễn ra trong kháng chiến, để người đọc không quay lưng lại với văn học cách mạng. Bởi, trong suy ngẫm của Nguyễn Minh Châu: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. Có lẽ nhân loại ít có dân tộc nào lúc nào cũng canh cánh ước mơ như chúng ta”.[9]

Từ những suy niệm đầy sự chiêm nghiệm của một nhà văn đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Minh Châu đã khai mở một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới khi viết về chiến tranh và thân phận con người mà theo ông: “Những người cầm bút của chúng ta vô cùng cảm thông với dân tộc mình nhưng chẳng lẽ chúng ta có thể làm yên tâm mọi người bằng cách mô tả cái hiện thực ước mơ? Những điều trên chỉ cho thấy: trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực đôi khi chúng ta phải khai chiến cả với những quan niệm tốt đẹp và lâu dài của chính mình”.[10] Và chúng ta phải làm thế nào để “tạo điều kiện ra đời những cuốn sách về chiến tranh có giá trị lột tả được những vấn đề bản chất nhất của đời sống dân tộc ta, rọi cho con đường đi của dân tộc và từng con người trong tương lai”.[11] Vì vậy, khi viết về chiến tranh, theo Nguyễn Minh Châu, nhà văn không chỉ quan tâm đến: “Những xu hướng chính trị” mà còn phải quan tâm đến: “những biểu hiện tâm lý và diễn biến tính cách của các tầng lớp người trong xã hội, lúc hòa bình yên ổn và khi cơn bão lốc của cách mạng và chiến tranh ào ào đổ xuống như thế nào? Có những qui luật nào và những yếu tố nào đã chi phối con người ta lúc khởi phát chiến tranh, lúc chiến tranh xen kẻ hòa bình, và khi chiến tranh kết thúc? Trong chiến thắng khải hoàn, những điều gì đã xảy đến trong tâm lý, tính cách của người chiến thắng”.[12]

Để thực hiện yêu cầu bức thiết này trong việc đổi mới cách viết về đề tài chiến tranh, Nguyễn Minh Châu không chỉ lập ngôn đơn thuần mà bằng chính sáng tác của mình như: Bến quê (1985); Mảnh đất tình yêu (1987); Khách ở quê raPhiên chợ Giát (1988); Cỏ Lau (1989)… ông đã minh chứng và hiện thực hóa quan niệm ấy hết sức thuyết phục. Rõ ràng, qua những sáng tác và những diễn ngôn thể hiện quan điểm của mình trong đề tài viết về chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã khai mở cho nền văn học nước nhà một cách nhìn mới, một cách viết mới về cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó là một cách nhìn chiến tranh qua thân phận con người, không phải qua những trận đánh với những số liệu khô khan, những cảm hứng sử thi mang âm hưởng chiến thắng một cách lạc quan đến ngờ nghệch. Trong suy niệm của ông: “Viết về chiến tranh…Mấy tiếng ấy không chỉ đơn thuần là chuyện một đề tài văn chương, mà còn có gì đây? Có máu thịt của mình. Kẻ còn sống và người đã chết. Có kỷ niệm: đồng đội, đồng chí của mình. Có cuộc đời mình và cuộc đời dân tộc”.[13] Bởi, với ý thức của một nhà văn chiến sĩ, Nguyễn Minh Châu hiểu rằng: “Trong bão tố của cách mạng và chiến tranh, con người phải phơi bày cái bản chất của mình ra nhanh chóng hơn lúc bình thường. Trong cách mạng và chiến tranh không có sự ve vuốt để yên tâm, thói lịch sự để che đậy, mọi con người đều là chính mình nhất”.[14]

Quả thật, cái nhìn của Nguyễn Minh Châu về đề tài chiến tranh qua phận số con người là một cái nhìn nhân bản, mang tính phổ quát của nhân loại. Bởi, trên cõi nhân gian này, không có dân tộc nào lại muốn sống trong cảnh tang thương của chiến tranh, ngược lại, khát vọng về cuộc sống hòa bình luôn là điều mà nhân loại hướng đến. Vì vậy, có thể nói, cách nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Minh Châu khi ông luận giải về chiến tranh qua phận số con người thể hiện ở các diễn ngôn trong sáng tác và lý luận phê bình là có tính dự báo và khai mở rất lớn đối với bầu khí quyển văn học lúc bấy giờ. Bởi, những vấn đề ông đặt ra đều ở thập niên bảy mươi, của thế kỷ trước, khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh và phần lớn mọi người còn đang ngủ yên trong men say chiến thắng. Thế mà ông đã “giật mình”, thức tỉnh để nhận ra những gì sẽ đến với phận số con người thời hậu chiến nên có thể xem những quan điểm này là tiên đề quan trọng khai mở cho chính ông và cho nền lý luận phê bình văn học của nước nhà trong thời kỳ đổi mới.

(Còn tiếp)

T.H.A

[1] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.25

[2] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.25

[3] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.26

[4] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 27

[5]Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.32

[6] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn,Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.33

[7] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.57

[8]Nguyễn Minh Châu Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.58

[9] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn,Nxb.. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.62

[10] Nguyễn Minh Châu,Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.62

[11] Nguyễn Minh Châu,Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.63

[12] Nguyễn Minh Châu,Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.72

[13] Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.50

[14] Nguyễn Minh Châu Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.57