Nhà văn Nguyên Ngọc với Tây Nguyên

1284

 (Vanchuongphuongnam.vn) –  Năm 1949, nhà văn Nguyên Ngọc vào bộ đội. Ở Nam Bộ hồi ấy gồm 4 tỉnh đồng bằng không có Thực dân Pháp. Địch dồn sức về Tây Nguyên vì không đủ sức chiếm đồng bằng. Lúc đó khu V (Tây Nguyên) địch tập trung nhiều tại đó. Nguyên Ngọc lên Tây Nguyên để tham gia công tác, đồng bào dân tộc Tây Nguyên lúc đó chưa biết gì về cách mạng. Cán bộ cách mạng phải thực hiện nhiệm vụ đi vận động tuyên truyền giác ngộ. Năm 1952, Nguyên Ngọc rút về làm báo, xin ở Tây Nguyên và trở thành cán bộ quân sự.

Nhà văn Nguyên Ngọc

          Nguyên Ngọc là nhà văn rất am hiểu về Tây Nguyên. Nhà văn nhìn nhận con người, cuộc sống tây Nguyên từ phương diện bản sắc văn hoá dân tộc Tây Nguyên. Nguyên Ngọc khẳng định : “ Tôi nghĩ nếu không có may mắn dược sống ở Tây Nguyên, có lẽ tôi không trở thành nhà văn. Tôi luôn muốn nói hoài, nói mãi về Tây Nguyên , một nền văn hoá hết sức đặc biệt…”.

Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi tạo ra tài năng văn học của Nguyên Ngọc. Mới 23 tuổi, Nguyên Ngọc đã có tác phẩm “ Đất nước đứng lên “-1955”, một tác phẩm có vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.Với tác phẩm này, Nguyên Ngọc có một cách nhìn mới mẻ độc đáo về hiện thực con người trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1965, Nguyên Ngọc viết tiếp về Tây Nguyên qua truyện “ Rừng xà nu” với bút danh Nguyễn Trung Thành . Như vậy sau mười năm Nguyên Ngọc lại viếp tiếp bài ca về Tây Nguyên. Có nhà nghiên cứu văn học cho rằng : “ Cánh cửa Tây Nguyên đã mở ra trước nền văn học đương đại của chúng ta bắt đầu từ Nguyên Ngọc”. Qua những trang bút ký sau này lại tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của Tây Nguyên : Tháng Ninh Nông ( 1996), Người hát rong giữa rừng ( 1996), Rừng trong văn hoá Tây Nguyên, Nhà rông hồn của làng ( 1996), Núp người già làng của của cả Tây Nguyên ( 2000)…. Có thể khẳng định rằng : “ Nguyên Ngọc là nhà văn viết hay nhất về Tây Nguyên đã làm nên phần hay nhất, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương của đời mình.”. Nhà văn tìm về ngọn nguồn của văn hoá Tây Nguyên: “ Ai không biết giá trị của lửa trong đời sống thì không biết gì về Tây Nguyên. Một gia đình trong làng Tây Nguyên không gọi là một hộ, mà là một bếp. Không chỉ để nấu nướng, không nấu nướng gì cả cũng phải đốt cái bếp giữa nhà sàn. Ở đó ngọn lửa sống, lúc lặng lẽ, lúc âm âm ỉ, suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn. Ở Tây Nguyên rừng là tất cả, bao trùm ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người bị hoà tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng.. Bằng ngọn lửa.”. Và ở một đoạn văn khác , Nguyên Ngọc cắt nghĩa: “ Trong nhiều ngôn ngữ của Tây Nguyên, từ rừng cũng có nghĩa là  hoang dã, thậm chí là đồng nghĩa với “ điên “ hay “ ma”. Người Tây Nguyên vừa kiêng sợ rừng, cái lõi bí ẩn có thể làm cho người ta lạc đến mất mình, như sợ sự hoang dại, sự điên ma; đồng thời lại bị nó  cuốn hút hướng dẫn, mê hoặc , đúng như bóng ma mê hoặc vậy. Tức rừng mới tự nó thôi, chưa chuyến biến gì hết, đã là rượu rồi. Hơn nữa rượu cần lại là tinh chất chắt ra từ rừng”. Nhà rông đối với đồng bào Tây Nguyên có một ý nghĩa đặc biệt, nhà văn mô tả nó từ góc nhìn  văn hoá cộng đồng: “ Nhà rông là linh hồn của làng . Ở Tây Nguyên, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là làng “ đàn bà”, tức cũng gần như nói cái làng chưa ra làng, khi lập một làng mới, tức là sự kiện trọng đại nhất trong đời sống cộng đồng. Tây Nguyên đầy dư vị và ấn tượng lâu bền trên những trang văn xuôi Nguyên Ngọc. Nhà văn giúp ta hiểu thêm về cây K’’ Nia và tác giả của bài thơ “ Bóng cây K” Nia”. Hình ảnh cây K” Nia trong cái nhìn thực tế của Nguyên Ngọc : “ K” Nia là vậy, thật tầm thường. Hoa nhỏ li ti, chẳng hề có hương. Thân thẳng đuột, sù sì. Gỗ hạng xoàng. Không mạnh mẽ và dẻo dai  uyển chuyển như cây tre để trở thành biểu tượng tâm hồn dân tộc. Không long lanh thanh bạch như cây bạch dương Nga. Nhưng hoá ra thiên nhiên thông minh và chu dáo đã sắp đặt đâu vào đây cả : Người lữ hành vượt cao nguyên chang chang nắng lửa, tìm đâu ra một chỗ tạm dừng chân trước khi băng tiếp chặng đường dài tít tắp những đồi tranh thiên nhiên trùng điệp ? để ý một chút mà xem, anh sẽ thấy, thật lạ, hình như cứ vừa đúng một quãng ngút hơi , lại gặp 1 cây K’’ Nia, tán nó dày và xanh thẳm quanh năm toả bóng mát rất rộng, như một chiếc lọng xanh đứng giữa  đất trời”. Và Nguyên Ngọc khẳng định : “ Chính tôi mãi về sau  tôi mới biết, tác giả của bài thơ ấy chẳng phải dịch gì cả . Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Nhà văn Nguyên Ngọc và Ngọc Anh cùng nhập ngũ một ngày, cùng làm lính, rồi cùng làm phóng viên mặt trận, cùng rủ nhau lên Tây Nguyên. Sau này Ngọc Anh hy sinh vào đầu 1965 bên kia chân núi Ngọc Linh, huyện Đắc K GLei. Theo Nguyên Ngọc, mộ Ngọc Anh bây giờ ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam). Nguyên Ngọc suy ngẫm và tự vấn lương tâm : “ chỉ có nghệ thuật và người nghệ sĩ mới làm nổi công việc đánh thức kỳ diệu ấy. Hoá ra nghệ thuật và nghệ sĩ là vậy, công việc trên đất này của họ là thế . Họ đánh thức cho ta những gì quí báu nhất, tốt đẹp nhất thường lẫn khuất vô danh trong chính ta, mà sống cả đời ta thờ ơ, ta vô tâm quá, ta chẳng hề hay.

Thiên nhiên và đời sống  văn hoá cộng đồng Tây Nguyên có một vị trí đặc biệt trong văn xuôi Nguyên Ngọc. Một vùng đất linh thiêng, một kho tàng sử thi giàu có. Cái linh hồn , khí thiêng, vốn văn hoá dân gian đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong cuộc đời và trang viết của Nguyên Ngọc . Thiên nhiên là một cơ thể sống. Nhà văn chưng cất thiên nhiên rút ra được thứ men kỳ lạ, mô tả thiên nhiên trong mối quan hệ gắn bó với con người.

 

 

Người viết : Nguyễn Văn Ngọc

Emai: nvanngoc206@gmail.com

Số điện thoại : 0377378607

Địa chỉ : Tòa A chung cư Xa La Kiến Hưng , Hà Đông