Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: ‘Cần dẹp sách giả mới phát triển được văn hóa đọc’

642

Gia An thực hiện

Là tên tuổi có nhiều sức hút với độc giả và cũng là tác giả có rất nhiều đầu sách bị làm giả khi vừa phát hành, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không giấu trăn trở khi trao đổi với phóng viên về ‘quốc nạn’ sách giả, sách lậu.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cho độc giả khi ra mắt sách mới – Ảnh: Quỳnh Trần

Dở khóc dở cười khi ký tặng phải… sách giả

*Trước đây, những tác phẩm bán chạy của anh do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành thường hay bị in lậu. Gần đây nhất, bộ Kính vạn hoa nổi tiếng của anh do NXB Kim Đồng ấn hành bị làm giả và được bán công khai trên mạng khiến NXB phải gửi văn bản “kêu cứu”. Là tác giả có nhiều đầu sách thường xuyên bị in lậu, anh có suy nghĩ gì về thực trạng nhức nhối này?
– Chuyện sách giả, sách lậu đã diễn ra từ lâu. Nó như một căn bệnh mãn tính và công khai hủy hoại tất cả những gì tốt đẹp nhất mà các nhà văn hóa, các nhà giáo dục muốn đem lại cho đời sống tinh thần của con người. Nhiều lúc tôi không hiểu nổi tại sao nạn in và bán sách giả, sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại đến tận hôm nay. Sách giả, sách lậu có mặt ở khắp nơi, ở các trường học, ở các hội sách, bây giờ được rao bán công khai trên mạng. Và theo mức độ lộng hành táo tợn của nó, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là “quốc nạn”. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng.
* Có người làm lâu năm trong ngành xuất bản từng nhận xét:“Những buổi ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng đông. Nhưng hầu như lần nào anh Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cũng có sách giả”. Anh có thể chia sẻ thêm về việc này?
– Trong những dịp đi giao lưu và tặng chữ ký cho bạn đọc, tôi nhiều lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì sách giả, sách lậu. Các em đưa sách cho tôi ký tên nhưng khi nhận ra đó là sách giả, sách lậu, tôi đành phải lịch sự từ chối và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu tại sao tôi từ chối. Tác giả ký tên vào một cuốn sách giả, sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tự nhiên trở thành đồng lõa với những kẻ làm sách lậu. Thông thường, nếu lúc đó có một cuốn sách thật trên bàn, tôi sẽ vui vẻ đổi cho các em. Không có sách, tôi sẽ ký vào một tấm thiệp chẳng hạn, để các em có cái đem về làm kỷ niệm. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có sẵn sách hay thiệp bên cạnh. Hầu hết các trường hợp, các em lỡ mua nhầm sách giả, sách lậu chỉ biết buồn bã và lủi thủi ra về. Những lúc đó tôi rất đau lòng nhưng không biết làm gì. Nhà văn chỉ biết viết sách. Nhà văn không có công cụ để chống sách lậu. Nhà văn viết cho trẻ em cũng mỏng manh như các độc giả bé thơ của mình.
Có em đứng xếp hàng bốn, năm tiếng đồng hồ dưới nắng dưới mưa, đến khi gặp được tác giả thì mới biết cuốn sách trên tay mình là sách lậu. Nhìn các em bật khóc quay ra, tôi vô cùng sượng sùng, thất vọng, thậm chí khủng hoảng. Tôi tin không nhà văn nào muốn rơi vào tình cảnh trớ trêu này, dù chỉ một lần trong đời. Tôi không biết điều gì đang diễn ra đằng sau vẻ mặt ngây thơ đang đẫm nước mắt kia, nhưng tôi chắc chắn tâm hồn trong trẻo non tơ của các em sẽ hụt hẫng, đổ vỡ giống như những gì đang diễn ra trong tôi. Những rạn nứt bên trong đó, tôi lo rằng nó sẽ để lại những chấn động tinh thần và ảnh hưởng tiêu cực đến các em sau này. Niềm tin vào sự tốt đẹp, vào xã hội, vào thế giới người lớn chắc chắn sẽ bị sứt mẻ, thui chột đi trong lòng các em sau những chuyện như vậy.

Rõ ràng, thiệt hại mà những kẻ làm sách giả, sách lậu gây ra cho đời sống tinh thần của độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi, còn lớn và nguy hiểm hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế.

Mạnh tay dẹp sách giả để thúc đẩy văn hóa đọc

* Gây nhiều thiệt hại như thế, nhưng vì sao sách giả, sách lậu vẫn cứ ngang nhiên lộng hành và gây nhức nhối trong xã hội?
– Theo tôi biết, sản xuất và buôn bán sách giả, sách lậu không bị khép vào tội sản xuất và buôn bán hàng gian, hàng lậu; được cho là không mang tính nguy hiểm tới xã hội, quốc kế dân sinh nên theo Nghị định 159/2013 thì hành vi in lậu, in giả từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng. Mức phạt này quá thấp so với lợi nhuận khổng lồ mà các đơn vị in lậu thu được. Mức phạt nhẹ nhàng đó không thể trừng phạt những kẻ làm sách giả, sách lậu.
Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của VN nói riêng. Chẳng ai muốn đầu tư hay hợp tác với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này, nó sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm chính trị của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.
* Vậy theo anh, làm thế nào có thể đẩy lùi và dẹp được “quốc nạn” sách giả, sách lậu, để tạo ra môi trường văn hóa đọc lành mạnh?
– Tôi nghĩ các nhà làm luật cần phải điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu mới đủ khả năng răn đe.
Chúng ta vẫn kêu ca văn hóa đọc xuống cấp, chúng ta băn khoăn biện pháp nào để nâng cao việc đọc, làm thế nào để trẻ em thích đọc sách, thì bây giờ khoan nói đến những kế sách cao xa, trước tiên chúng ta phải tạo ra môi trường lành mạnh để các em luôn mua và đọc được sách thật. Chúng ta không thể xây dựng văn hóa đọc bằng cách để phát tán ngày càng nhiều sách giả, sách lậu, sách vi phạm bản quyền, vi phạm luật pháp, vi phạm các công ước quốc tế. Tóm lại, văn hóa đọc không thể xây dựng trên nền tảng phản văn hóa.
Đến lúc này, câu chuyện sách lậu đã là chuyện lớn, chuyện quốc gia đại sự và nếu tiếp tục chỉ có nạn nhân thâm niên của nó là các NXB, các nhà văn lên tiếng thì đó là hiện tượng bất thường trong xã hội mất rồi. Tôi nghĩ rất cần sự lên tiếng và sự mạnh tay chấn chỉnh tình trạng này của những cơ quan có trách nhiệm cũng như có thẩm quyền. Như vậy họa may mới đẩy lùi được tệ nạn này.
Theo Thanh Niên