Khi được báo chí đề nghị phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường nói: “Những cuốn sách sẽ nói thay tôi. Chúng làm điều đó tốt hơn tôi nhiều”.
Song lần này, một lần hiếm hoi, sau một năm tiếp tục tạo thêm nhiều tiếng vang từ ngòi bút của mình, Nguyễn Nhật Ánh tâm sự cùng Tuổi Trẻ.
Ông nói về thế giới người trưởng thành, về ý định cầm bút cho đến khi “bạo chúa thời gian” ghé thăm: “Tôi luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Động bút đến đề tài người lớn
– Ông từng chia sẻ rằng ông có nhiều ý tưởng viết văn dành cho người lớn. Qua cuốn sách mới nhất “Con chim xanh biếc bay về”, có thể thấy ông quan tâm đến tuổi trưởng thành. Có phải kể từ đây, Nguyễn Nhật Ánh sẽ viết về người lớn chứ không phải như bao năm qua chỉ viết về thế giới của tuổi thơ?
Các nhân vật trong Con chim xanh biếc bay về là sinh viên hoặc sinh viên vừa ra trường, bắt đầu lập nghiệp. Tức là vẫn ở trong độ tuổi thanh niên.
Tuy vậy, so với đa số tác phẩm tôi từng viết thì trong Con chim xanh biếc bay về (cả trong Ngày xưa có một chuyện tình), các đứa trẻ của tôi cũng đã lớn lên và bắt đầu đối diện với những vấn đề của người trưởng thành.
Dĩ nhiên thế giới người lớn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người viết. Vì ở thế giới này, biên độ đề tài sẽ được nới rộng hơn, có nhiều thứ để khai thác hơn. Số phận nhân vật sẽ lắm chìm nổi, kéo theo sự phong phú của tình tiết.
Nhưng như bạn thấy đó, những “người lớn” trong tác phẩm của tôi luôn có dấu vết tuổi thơ của họ. Tuổi thơ nói chung và đề tài tuổi thơ nói riêng có sức ám ảnh rất lớn đối với tôi.
Vì vậy chắc sẽ không có chuyện tôi sẽ chỉ viết về người lớn. Có thể rồi tôi sẽ động bút đến đề tài này, nhưng chỉ khi nào bất chợt có cảm hứng thôi.
Có một thực tế là hiện nay những nhà văn viết cho người lớn rất đông đảo, còn những nhà văn viết cho trẻ em rất ít. Nên nếu vì lý do nào đó tôi “quay lưng” với các độc giả nhỏ tuổi của mình, tôi sẽ cảm thấy như mình phụ lòng các em. Đó là điều tôi khó lòng làm được.
– Sự khác biệt cơ bản của người trưởng thành so với lứa tuổi mới lớn, theo ông, là ở đâu, nếu không chỉ là cách yêu?
Dĩ nhiên là khác nhiều. Trong yêu đương thì khác rõ rồi. Trong khi các cô gái mới lớn nôn nao với lời tỏ tình, những phụ nữ trưởng thành lại quan tâm đến lời cầu hôn.
Điều khác quan trọng nhất là cuộc sống người lớn có nhiều va đập, nhiều cảnh ngộ éo le, kịch tính, nhiều nỗi niềm thân phận, có những phân vân về thành-bại, yêu-ghét, được-mất, tốt-xấu, đúng-sai, tóm lại là sự lựa chọn cách thế sống ở đời, là sự đấu tranh giằng xé bên trong luôn gay cấn, quyết liệt, có tính sống còn.
Nói khác đi, bảng giá trị của người trưởng thành phức tạp và nhiều màu sắc hơn. Ở tuổi mới lớn, cuộc đời đơn giản chỉ có hai màu đen trắng. Khi trưởng thành, các em dần dần nhận ra cuộc đời còn có những mảng xám, những chỗ đục mờ…
“Chắc tôi phải sống thêm nhiều cuộc đời nữa”
– Những mảng xám, đục mờ ấy hiện lên qua những trang văn gần đây của ông: người trẻ mưu sinh ở Sài Gòn, trao nhầm con ở bệnh viện, kinh doanh và đạo đức kinh doanh… Còn những vấn đề xã hội nào khiến ông suy tư và có thể sẽ động bút?
Những vấn đề ngoài xã hội luôn đa dạng, bộn bề, cái xấu cái tốt, cái hài kịch cái bi kịch đan xen nhau. Tuy tôi có quan tâm nhưng viết về nó là một chuyện khác, vì văn chương không giống với báo chí.
Một nhà văn không thể viết tất cả mọi thứ, vì năng lực của nhà văn không phải là vô hạn. Một nhà văn thường chỉ thích viết và viết hay về đề tài nào mình cảm thấy ám ảnh nhất, gần gũi với thiên hướng sáng tạo của mình nhất.
Từng có người hỏi tôi “Sao anh không viết về đề tài này, đề tài kia?”. Tôi thầm nghĩ chắc tôi phải sống thêm nhiều cuộc đời nữa mới có thể viết hết những đề tài mà người khác yêu cầu. Trong khi đó, nhà văn cũng chỉ có một cuộc đời. Và trong kiếp người hữu hạn đó, nhà văn chỉ có thể tập trung làm thật tốt những gì thuộc về sở trường của mình, tức là điều mà người viết tin rằng mình có thể làm tốt nhất.
Chưa kể một nhà văn đâu có thể am hiểu mọi thứ, mọi đề tài, mọi cảnh sống để có thể làm thay công việc của các nhà văn khác. Mỗi nhà văn có một thế mạnh riêng, am tường riêng, trải nghiệm riêng và đóng góp riêng. Nhiều cái riêng như vậy sẽ góp phần tạo nên diện mạo chung của một nền văn học.
Tôi có cảm hứng với đề tài tuổi thơ vì tôi luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất. Tôi nhớ nhung tất cả và tôi muốn lưu giữ cảm xúc của mình trong những cuốn sách.
– Cảm nhận được mất mát cũng là điều nên có trong tuổi thơ. Khi dựng vở kịch “Làm bạn với bầu trời” với các em học sinh, đạo diễn Việt Linh từng nói: học kịch không phải là để đưa các em vào showbiz, mà để các em thêm khả năng đồng cảm và hướng đến chân – thiện – mỹ.
Đó là một quan điểm đúng đắn. Thực hành nghệ thuật là cách tốt nhất để khám phá tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người, mở rộng đường biên của cuộc sống, cũng là dịp để làm tâm hồn mình thêm giàu có, đặc biệt là với trẻ em. Đó mới là ý nghĩa đích thực của nghệ thuật.
– Sau những “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc lên màn ảnh”, “Thiên thần nhỏ của tôi” lên sân khấu kịch, nay đến kịch “Làm bạn với bầu trời” sắp công diễn vào tháng 1. Ông nghĩ sao về giá trị của sân khấu để tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng?
Sẽ thật tốt khi có nhiều sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng, nhất là khán giả trẻ. Một tác phẩm văn học được chuyển thể thành điện ảnh hay sân khấu, khán giả sẽ có cơ hội tuyệt vời để thưởng thức nhiều lần một món ăn. Cũng nguyên liệu đó nhưng cách chế biến khác, với những đầu bếp khác nhau, sẽ cho ra những hương vị khác nhau. Ở đây khán giả là người hưởng lợi.
“Mong thời gian bỏ sót tôi càng lâu càng tốt”
– Nhiều người cho rằng bây giờ người ta mua sách nhiều hơn đọc. Người ta mua sách để trưng, để tặng, để khoe lên mạng nhưng thực sự đọc thì chưa chắc. Ông có lo lắng vậy không?
Nếu đúng vậy thì tôi thấy mừng hơn lo. Tặng bạn bè một cuốn sách vẫn có ý nghĩa hơn là tặng một món quà thiên về vật chất. Cũng như trưng một tủ sách trong nhà vẫn tốt hơn là trưng một tủ rượu.
Ngay từ khi chưa trở thành nhà văn, tôi vẫn rất thích ghé các hiệu sách. Cứ bước vào hiệu sách là tôi “chìm” trong đó hàng giờ, đôi khi chỉ để lục lọi ngắm nghía vì không phải lúc nào tôi cũng có tiền mua.
Tới chơi nhà ai mà thấy trong nhà họ có một tủ sách là tôi thấy có cảm tình, thậm chí ngưỡng mộ. Mua sách để trưng, để tặng hay để khoe trên mạng, dù với bất cứ lý do gì cũng là cách quảng bá tuyệt vời cho sách, nhất là trong tình trạng chúng ta vẫn kêu ca là việc đọc đang xuống cấp, đang thui chột.
Chưa kể sống giữa những cuốn sách là sống trong một bầu khí quyển lành mạnh. Bạn không đọc bây giờ thì một ngày nào đó bạn cũng sẽ sờ tới nó. Nếu bạn không đọc thì ba bạn, mẹ bạn, anh bạn, chị bạn, em bạn, cháu bạn hoặc bạn bè ghé chơi cũng sẽ có người đọc.
– Tôi biết có những nhà văn thành danh đã mất cảm hứng, mất bút lực. Động lực nào khiến ông vẫn miệt mài sáng tác bao nhiêu năm qua dù đã thành danh, dù đã là một nhà văn có kỷ lục hiếm có về số lượng sách xuất bản, dù chỉ cần nghe cái tên Nguyễn Nhật Ánh là một “thương hiệu” tốt để nhiều người mua sách?
Tôi thích viết văn, giản dị vậy thôi. Tôi viết văn không vì những lý do ngoài văn chương nên tôi không bị mất cảm hứng hay động lực. Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích.
Dĩ nhiên rồi sẽ đến ngày “bạo chúa thời gian” đến trước mặt tôi lạnh lùng bảo “Nghỉ ngơi thôi, ông bạn!”. Đó là lúc tôi không còn đủ sức để làm những điều mình thích nữa. Nhưng biết sao bây giờ, lực bất tòng tâm thì phải chịu. Chỉ mong thời gian bỏ sót tôi càng lâu càng tốt.
Mong ước năm 2021
– Năm 2020, một năm đầy sóng dữ, vừa khép lại. Ông có suy ngẫm gì về năm 2020 và năm mới 2021?
Trong năm 2020, điều thu hút sự quan tâm nhiều nhất cũng như gây lo lắng nhất cho cả thế giới là đại dịch COVID-19. Việt Nam tuy ở trong nhóm nước khống chế dịch bệnh khá tốt nhưng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Lĩnh vực xuất bản và phát hành sách cũng bị tác động không nhỏ.
Vì sức khỏe cộng đồng, khi ra mắt tác phẩm Con chim xanh biếc bay về, tôi cũng không thể gặp gỡ và tặng chữ ký cho độc giả như mọi năm. Trước thềm năm mới, chắc chắn mong ước lớn nhất của tôi là thế giới sớm vượt qua tai ách này để cuộc sống trở lại bình thường.
Theo Mi Ly/TTO