Nhà văn Nguyễn Quốc Trung – chiến binh thầm lặng

387

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dịch Covid-19 thật quái ác, nó đã cướp trắng sinh mạng của biết bao người. Bất ngờ. Độc ác và tàn nhẫn. Có người vừa mươi ngày trước nói cười vô tư lự, thế mà mươi ngày sau gia đình đã nhận về lọ tro cốt. Than ôi!

Một trong những người như thế là nhà văn Nguyễn Quốc Trung.


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung – một người lính cầm bút – giã biệt đồng đội và đồng nghiệp lúc 13h50 ngày 10/9 tại Quân y viện 175 TP.HCM.

Nguyễn Quốc Trung là lứa nhà văn đàn anh của chúng tôi ở Văn nghệ quân đội. Anh thật quá đỗi bình dị và thầm lặng. Đến nỗi, chúng tôi còn tưởng anh ở đâu đó chứ không phải ở cơ quan. Cứ như là anh đang ở Campuchia? Thật lạ! Mỗi khi tôi gặp anh đều tưởng anh là người Campuchia. Cảm giác ấy vẫn còn nguyên cho tới tận bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung vào Viện Quân y 175 vì mắc Covid-19 ngày 30 tháng 8 năm 2021. Đúng mười ngày sau, ngày 10 tháng 9, ông ra đi không trăn trối một lời. Tro cốt còn phải tìm mãi mới về được nơi cần đến. Thế đấy! Chúng tôi đã mất đi một người anh, người bạn văn thầm lặng. Cuộc sống lại vơi đi.

Nhưng cuộc sống vơi đi để đầy lên. Chúng tôi sẽ thay anh viết những trang văn phía trước. Chúng ta không thể bị đánh bại dễ dàng. Vợ chồng tôi vẫn quen có anh, vẫn quen mỗi khi vào Sài Gòn có anh đến đón đi ăn lẩu cá kèo nơi ngõ ngách. Và anh lại đem chai rượu đã mốc meo ra chiêu đãi chúng tôi. Anh uống mà như không uống, chai rượu chả có vẻ gì là vơi đi cả. Nó vẫn y nguyên từ lần trước tới lần sau tôi tới Sài Gòn. Anh dường như chưa bao giờ để ý tới điều cũ kỹ ấy!

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đúng là người Campuchia chăng? Tại sao các tiểu thuyết Biên giới; Bên vùng thốt nốt; Đất không đổi màu; Người trong cõi người của anh đều là viết về Campuchia? Thế thì rõ ràng anh là người Campuchia còn gì? Anh đích thực là một chiến binh thầm lặng.

Trong những ngày ở viện, anh thường xuyên trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Anh có lo lắng gì cho văn học? Anh có lo lắng gì cho chúng tôi chăng? Anh thường lặng lẽ, ít nói còn cả ít cười, lúc nào cũng lo lắng xa xôi cho những gì xộc xệch, bất ổn trên thế giới và những con người nông nổi chúng tôi? Thực ra chúng ta có hiểu quái gì nhau đâu trong cuộc sống lúc nào cũng vật vã bon chen sùng sục.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vùng đất của những trượng phu lừng lẫy văn võ kiêm thông. Anh thường hay về quê. Hôm bố anh mất, bọn tôi vào Hương Sơn thấy gia cảnh nhà anh cũng bần hàn phong quang lắm. Nào có hề gì? Chúng ta nào có thêm bớt được bao nhiêu về vật chất trên cõi đời này?

Nhưng tinh thần thì dứt khoát không. Chúng ta phải phải giàu có về tinh thần. Nhất định là như thế. Có vẻ như anh luôn lo lắng cho chúng tôi nghèo kém về tinh thần sao đó mà anh luôn băn khoăn nghĩ ngợi. Có thể anh cho rằng chúng tôi hoắng huýt hợm hĩnh chăng? Như là lúc này đây, tôi bỗng thấy mình vớ vẩn nghèo nàn khi đội ngũ của chúng tôi khuyết đi một người như anh – một chiến binh thầm lặng.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung không chỉ cầm bút mà còn cầm súng đánh nhau ở Campuchia. Đánh nhau như một chiến binh thực sự. Tại sao chúng ta phải đánh nhau ở đó? Điều này anh đã trả lời bằng năm tiểu thuyết và hàng chục truyện ngắn, hàng trăm bài báo rồi. Vậy mà vẫn chưa trả lời xong.

Nguyễn Quốc Trung là một nhà văn chăm viết. Các báo chí Sài Gòn luôn có bài viết của anh. Như thế mới là có trách nhiệm trong cuộc sống. Trong đó lứa chúng tôi, nhiều người còn lười nhác, phát biểu rất to và viết rất ít, rất vớ vẩn là tại làm sao? Tại sao không ai chịu trách nhiệm về điều đó? Thực là xấu hổ khi nhà văn không chịu viết, lúc nào cũng như thánh phán mà viết lách chẳng được bao lăm?

Những ngày chiến sự ở Campuchia, Nguyễn Quốc Trung đã sống và viết như thế nào? Anh đã phải đối phó với “Chính ủy” Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung ra sao? Điều này mọi người đều biết và đều chưa biết. Với bản tính của anh, để hiểu kỹ về anh với chúng tôi là không thể? Tại sao lại như thế? Thực ra là chúng tôi đã vô tâm, đã có lỗi với anh.

Những ngày ở Campuchia đối với anh nhất định là những ngày đáng giá nhất của cuộc đời mình. Bởi vì anh chính là như được sinh ra từ đất nước Chùa Tháp vậy. Sinh ra ở đó hay từ đó sinh ra nào có gì quan trọng? Cái quan trọng là anh đã máu thịt ở đó, cam tâm ở đó trong suốt tuổi thanh niên, trung niên và tới bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung chưa bao giờ có được cảm giác hòa bình. Anh luôn tự coi mình là một chiến binh. Những ám ảnh của chiến tranh trong con người anh dày đặc đến mức anh luôn nghe thấy tiếng súng? Mỗi khi đi trong khu vườn cây ở thành phố, nhất là như bách thảo chẳng hạn, chúng tôi thường thấy anh rất bồn chồn, luôn nhìn quanh quất như sắp bị địch phục kích. Hay anh cho rằng chúng tôi có vẻ gì đó giống địch chăng?

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung có những trang văn viết về phụ nữ rất hay. Đó là ở trong tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn viết về mối tình huyền thoại để từ đó khái quát vẻ đẹp của hai dân tộc Việt và Khơ me của một người lính tình nguyện Việt Nam với cô gái từng là đào hát làm vũ nữ hoàng gia. Văn hóa và đức tin chính là vẻ đẹp cao nhất của con người qua ngòi bút Nguyễn Quốc Trung. Nó không chỉ sống động mà đã đạt tới tầm biểu tượng. Đây chính là cuốn sách tạo nên dấu mốc thương hiệu văn chương Nguyễn Quốc Trung.

Trong đời sống, anh có vẻ như là người tổ chức không chặt chẽ lắm cuộc đời mình. Anh có vẻ như không đoái hoài gì tới hạnh phúc cá nhân? Thật lạ! Gia đình vợ con anh luôn là một ẩn số với chúng tôi. Tại sao lại như thế nhỉ? Đã nhiều lần chúng tôi tìm cách làm rõ điều này nhưng đều không có kết quả. Tới tận khi anh đã ra đi, bạn bè và cơ quan phải rất vất vả mới tìm được người nhà của anh, kể cũng là một sự lạ thường. Hay là anh muốn như thế chăng? Thôi thì anh đã như thế rồi cũng được, giống như câu thơ tôi nhớ trong trí óc: “Sông Hồng xanh như một sự đã rồi”.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhất định là một người có tài. Nhà văn nào chả có tài nhưng cũng có anh chỉ tài mồm tài miệng. Nguyễn Quốc Trung lại là kẻ vụng miệng đôi khi gần sát đến vạ miệng nhưng chẳng ai chấp nhất gì anh. Anh nói thật hay nói giỡn chơi đều rất giống nhau, người đời thường coi như mây bay gió thoảng. Nhưng đến khi anh mất, chúng tôi mới nghiệm ra anh là người nghiêm chỉnh và trách nhiệm với bạn bè, với cơ quan. Còn gia đình thì như đã kể ở trên, chúng tôi xin chịu.

Nếu có chia ra văn phái thì tôi xếp đặt nhà văn Nguyễn Quốc Trung vào văn phái thầm lặng. Cả trong viết cả trong sống Nguyễn Quốc Trung đều xứng đáng ở khu vực này. Hay là do chúng tôi quá ồn ào? Hay là tại do anh bẩm sinh đã là như thế? Như thế cuộc đời có yên hàn ổn thỏa hơn chăng? Chưa chắc đàn anh trong cuộc đời này đã bao giờ được thực sự yên hàn tĩnh tại. Chúng ta lúc nào cũng phải chiến đấu với những cái vớ vẩn của chính mình.

Cơ quan nào cũng mỗi người mỗi tính thì Văn nghệ quân đội càng như vậy. Mỗi ông một mặt đất hiền một bầu trời xanh độc lập. Hai bên đôi bờ tre trúc đã chẳng như nhau. Sông Hồng hai cánh cửa đã chẳng như nhau. Cơ quan hai người đại diện phía Nam đã chẳng như nhau. Như thế mới chính là lẽ công bằng.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự mở ra một thế giới khác cho mình. Anh đã hoàn toàn tự do độc lập danh chính ngôn thuận mà điền tên vào trời xanh mây trắng. Mây trắng bay thanh bình. Mây trắng có bao giờ thành mưa rơi xuống mặt đất xanh không?

Bây giờ Nguyễn Quốc Trung đã ra đi. Có vẻ gì như vội vã? Hay là anh vội vã trở về? Về với những đồng đội tuổi đôi mươi đã dừng lại với nước bạn Campuchia những ngày đẫm tiếng súng, mạng người như lá mỏng. Để làm nên sắc cờ Tổ quốc thảo thơm.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự hoàn thiện cuộc đời mình. Anh tự đi tự đến. Chừng mực? Hay là quá lặng thầm? Dứt khoát anh ít véo von hơn chúng tôi. Điều đó quả là có ích.

Bài viết này về anh cho phép tôi được dùng nhiều dấu hỏi. Đó cũng là tôi đang tự chất vấn chính mình.

P.V.K