Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

155

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Văn nghệ Quân đội tọa đàm tưởng nhớ vào sáng 26/9.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh ngày 27/10/1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1974, nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhập ngũ, biên chế thuộc Sư đoàn 341. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất non sông, nhà văn Nguyễn Quốc Trung tham gia Binh đoàn Cửu Long bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Chính những năm tháng chống lại tội ác diệt chủng Khmer đỏ, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã có được trải nghiệm khốc liệt và sâu sắc để viết những tiểu thuyết “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Người đàn bà khóc mướn”, “Đất không đổi màu”…

Ở mảng truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Quốc Trung có các tập “Người đàn bà hồn nhiên”, “Đêm trừ tịch”, “Trong tiết thanh minh”, “Người đến từ nước Mỹ”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”…

Sau khi học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1986 – 1989, nhà văn Nguyễn Quốc Trung về công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và nghỉ hưu với cấp bậc đại tá. Ông mất ngày 10/9/2021 vì mắc virus corona. Ông đã được một số giải thưởng văn chương và mới đây được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tại tọa đàm “Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung – Cuộc đời và tác phẩm” tổ chức sáng 26/9 ở TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội Nguyễn Bình Phương cho rằng: “Nhà văn – đại tá Nguyễn Quốc Trung sống giản dị, lặng lẽ và chân thành. Vì vậy, khi ông mất đi, để lại không ít ngậm ngùi cho đồng nghiệp và đồng đội. Ông để lại một khoảng trống khiêm nhường nhưng khó quên”.

Với tiểu thuyết “Đất không đổi màu” được chọn làm tác phẩm chính để trao Giải thưởng nhà nước cho nhà văn Nguyễn Quốc Trung, đại tá – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng ở tác phẩm này thì Nguyễn Quốc Trung đã chứng tỏ là một nhà tiểu thuyết thực thụ: “Ông viết trực diện về cuộc xâm lấn cướp bóc tàn ác của quân Khmer đỏ và không ngần ngại khi nói về những thất bại đau đớn của bộ đội ta buổi đầu trên tuyến biên giới Tây Ninh. Đơn giản chỉ vì sau hào quang chiến thắng, người lính dễ mất cảnh giác, chưa nhận rõ âm mưu hiểm độc của kẻ mới hôm qua còn là láng giềng.

Hầu hết các nhân vật trong sách đều có thật, đó là các cán bộ chỉ huy Quân đoàn, Sư đoàn, nhưng tác giả chỉ lấy họ và tên đệm. Đó là Binh đoàn phó Trân, Tham mưu trưởng Bảy Khánh, hay nói trại đi, như Tham mưu phó Tạ Quảng… Những vị chỉ huy như Tư lệnh Hoàng Cầm, Tư lệnh phó Bùi Cát Vũ, hay tướng Lê Trọng Tấn, xuất hiện đúng tầm vóc và vị thế. Bởi vậy, có thế nói đây là một tác phẩm hư cấu cũng đúng mà phi hư cấu cũng chẳng sai.

Bên cạnh đó là những người Campuchia chạy sang đất Việt lánh nạn, như Mút Thon, Miên Xman, Khang Rin… mỗi người đều có số phận riêng, họ được sống trong ân tình bảo bọc của người Việt Nam. Nếu không lăn lộn trong lửa đạn chiến tranh, hẳn tác giả không thể có được cái vốn sống ngồn ngộn về cuộc sống chiến đấu của những người lính tình nguyện sâu sắc đến vậy. Cái thời, cả nước đói khổ, lính tráng trệu trạo nhá bo bo, nuốt vắt mì luộc… để đánh giặc, mới cao cả và thật đáng khâm phục làm sao”.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân đánh giá về đóng góp của nhà văn Nguyễn Quốc Trung: “Ngoài việc dùng huyền sử để góp phần soi rọi lịch sử trong quan hệ kết nối hai quốc gia Việt Nam và Campuchia, nhà văn Nguyễn Quốc Trung cũng đề cập đến cuộc giằng co gìn giữ phẩm giá con người giữa đời thường chen lấn cơm áo danh lợi, qua các tiểu thuyết “Thời chúng mình yêu nhau”, “Người trong cõi người”, “Thành phố độc thân” hoặc “Dòng sông bên chùa”.

Ưu điểm văn chương không ai phủ nhận được ở nhà văn Nguyễn Quốc Trung là vốn sống thực tế phong phú và dồi dào. Không chỉ thấu hiểu người lính trận và người nông thôn, mà ông còn quan sát và kiến giải sâu sắc về người thành thị trong cuộc chuyển đổi kinh tế thị trường. Những mưu ma chước quỷ luồn lách làm giàu, những chiêu trò tranh đoạt thù hận đê hèn, những dằn vặt tâm lý lỗi lầm quá khứ… đều được phơi bày dưới ngòi bút Nguyễn Quốc Trung một cách bề bộn và day dứt. Trong tiểu thuyết Nguyễn Quốc Trung, giữa cái xấu và cái ác đan cài như muốn đè bẹp nhân tính, độc giả vẫn thấy sự kiên trì của cái thiện ở mỗi nhân vật, ở từng hoàn cảnh”.

THEO TUY HÒA/ BÁO NÔNG NGHIỆP