Nhà văn Nguyễn Trí và những bông hoa trong bóng tối

520

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hàng trăm bài báo, bài phê bình văn học đã khám phá, giải mã các truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Trí theo kiểu đối chiếu, so sánh hiện thực trong tác phẩm và hiện thực đời sống xã hội. Các tác giả phê bình văn học đánh giá ông như một nhà văn chịu nhiều thăng trầm trong đời sống xã hội và các nhân vật của ông hầu hết là những con người dưới đáy xã hội sống nặng về bản năng với những mối quan hệ phức tạp nhưng trong thẳm sâu con người của họ vẫn còn sót lại vẻ đẹp của tính người. Ít có tác giả phê bình nào tham chiếu về cơ chế sáng tạo văn học và khám phá thế giới quan nghệ thuật, chiều sâu tâm hồn, tư tưởng của nhà văn Nguyễn Trí.


Nhà văn Nguyễn Trí

Ở Nam bộ có hai nhà văn không chuyên tâm, chuyên chú làm thơ nhưng lại viết được những câu thơ, bài thơ để đời. Nhà văn Sơn Nam chỉ với hai câu thơ viết về số phận lưu lạc, nhỏ nhoi của kiếp người cũng đủ để lưu danh muôn thuở:

“Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.”

Hay nhà văn Trang Thế Hy với tập thơ song ngữ: “Đắng và ngọt” (Bitter- Sweet) chỉ mười mấy bài thơ về thế sự cũng đã đủ để tôn vinh ông như một nhà thơ đích thưc. Rất nhiều nhà văn đương đại Việt Nam không hiểu, không có khả năng cảm thụ thơ, thậm chí dị ứng với thơ. Họ sợ chất thi vị, bay bổng của thơ làm cho câu văn ẻo lả và làm cho tác phẩm văn xuôi của họ xa rời thực tại của đời sống.

Tôi nhận biết, Nguyễn Trí là một trong số ít nhà văn đương đại ở Việt Nam mà tác phẩm văn xuôi của ông thấm đẫm vị muối mặn mòi của đời sống xã hội nhưng vẫn tiềm ẩn chất thi vị của tâm hồn. Nguyễn Trí không làm thơ nhưng tâm hồn ông mang phẩm chất của một nhà thơ đích thực. Phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Trí không bộc lộ nhiều qua phong thái, dáng vẻ bên ngoài mà tiềm ẩn trong thẳm sâu tâm hồn ông. Nguyễn Trí mê thơ và ông thường đọc thơ của các nhà thơ nổi tiếng nhiều thời kỳ lịch sử như: Cao Bá Quát, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Bính, Tô Thùy Yên… Ông thường thích những câu thơ bộc lộ sự khí khái, ngang tàng của những con người dám sống với tận cùng khát vọng và tự do. Chất thi sĩ của ông biểu hiện qua việc ông yêu thơ, cảm thụ nhạy bén về thơ và say mê đọc những bài thơ yêu thích cho bạn bè nghe. Theo tôi, phẩm chất thi sĩ của một nhà thơ không chỉ bộc lộ qua những bài thơ đã viết mà quan trọng ở chỗ nhà thơ đó có sống đẹp hay không, sống có thi vị và có chất thơ hay không. Nếu nhìn ở góc độ này, theo tôi Nguyễn Trí là một nhà thơ đúng nghĩa.

Các nhân vật trong một số truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Trí hầu hết đều trải qua sự trầm luân, chấp nhận bao biến động, bi kịch của đời sống. Thế nhưng, nhà văn vẫn phát hiện và khắc họa sự lương thiện và vẻ đẹp của lương tri còn sót lại, dù le lói trong tâm hồn của nhân vật. Đó chính là chất thơ tiềm ẩn giữa nội tâm, tính cách nhân vật mà nhà văn tạo dựng, khắc họa.

Giữa hai thể loại tự sự và trữ tình, văn xuôi và thơ luôn có sự tương tác, giao hòa với nhau. Những tác phẩm văn xuôi có giá trị nghệ thuật vừa có sự dung chứa giữa chất thế sự, chất nhân văn của đời sống vừa ẩn chứa chất thơ bay bổng, thi vị của tâm hồn con người. Nhà văn tài năng phải là người biết phát hiện vẻ đẹp của những bông hoa ẩn mình trong bóng tối và những viên ngọc náu mình trong lòng đá. Đó chính là chất thơ của đời sống và chất thơ trong tâm hồn của nhà văn. Tôi nhận biết văn của Nguyễn Trí và tâm hồn của ông cũng chính là những bông hoa trong bóng tối và những viên ngọc trong đá. Nó nở, ẩn giấu và đẹp âm thầm trong sự lãng quên của người đời.

V.T.C