Nhà văn Phạm Thông – Những trang viết về chiến tranh cách mạng

930

                                                                                                 Võ Văn Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1 – Nhà văn Phạm Thông bút danh Phạm Tỉnh Thủy, Cát Trắng, sinh 1951, quê xã Tam Thanh, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hiện ông là Hội viên Hội VH-NT Quảng Nam, Chủ tịch Hội VH-NT thành phố Tam Kỳ. Ông là nhà văn khá đặc biệt, bởi đây là nghề tay trái. Ngoài hai tập thơ “Lời của cát”, “Xin giữ chút tình” ông xuất bản trước khi về hưu thì 7 tập bút ký, truyện ký toàn về đề tài chiến tranh cách mạng ông đều hì hục viết khi tuổi đã về hưu. Đó là chưa nói vốn ông không được đào tạo nghề viết lách, mà gốc là cán bộ ngành thú y được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

Nhà văn Phạm Thông

Vậy điều gì thôi thúc ông viết và viết rất khỏe lại thủy chung một đề tài chiến tranh cách mạng. Nhà văn Phạm Thông cười rất tươi, bộc trực như bản tính vốn có của mình: “Viết để trả nghĩa quê hương, viết cho những đồng đội, viết cho những người bà con ruột thịt của mình… không được may mắn như mình, khi thơ đã không thể chuyển tải hết được những câu chuyện của quê hương một thời đi qua lửa đạn với bao mất mát đau thương để có được ngày hôm nay”. Ngẫm ngợi một hồi ông bảo, chín mươi phần trăm những câu chuyện ông viết ra đều là sự thật nhưng phải gọi là truyện ký bởi chiến tranh có những góc khuất riêng của nó. Có những con người, câu chuyện địch ta thật đấy nhưng không thể điểm danh lại ở hiện tại khi cuộc chiến đã đi qua gần một phần hai thế kỷ, đó cũng chính là tính nhân văn của văn chương và của người cầm bút.

Xuyên suốt các tập truyện ký của nhà văn Phạm Thông lần lược ra đời trong 10 năm sau khi về hưu (2010-2020) đó là “Cát đỏ” xuất bản năm 2010, “Ám ảnh vùng đông” năm 2011, “Tam Kỳ thời lửa đạn” năm 2012, “Những bình thường lấp lánh” năm 2014, “Quế Sơn đất và người kiên trung” năm 2015, “Núi Thành đất và người kiên trung” năm 2017, “Núi Chúa hòn Rơm” năm 2018 và hiện nay ông đã hoàn thành tập 1 trong bộ 2 tập truyện ký “Con của biển” đã có giấy phép xuất bản. Tập truyện ký “Gia tộc yêu nước và cách mạng” sắp viết xong, sẽ xuất bản trong thời gian tới đây.

2 – Đọc truyện ký của nhà văn Phạm Thông sẽ bắt gặp làng quê xứ Quảng trong chiến tranh rất gần gũi bởi những con người, sự việc giản dị nhưng cũng đầy bi tráng, đậm chất sử thi nhất vẫn là ngôi làng Tỉnh Thủy, Tam Kỳ nơi đã sinh ra ông, mới 14 tuổi đã thoát ly gia đình lên rừng theo các anh, các chú làm cách mạng, tham gia công tác ở Ban giáo dục rồi Nhà in báo Cờ giải phóng, Quân khu 5 như một người lính thực thụ. Năm 19 tuổi ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của đảng. Và cũng chính từ đây ông có điều kiện chứng kiến, gặp gỡ nhiều văn nghệ sỹ, báo chí cũng như các vị tiền bối cách cách để những trang viết về lịch sử đấu tranh cách mạng thấm đẫm hởi thở của cuộc kháng chiến bởi chính số phận tác giả cũng đã dự phần vào những năm tháng đó. Nhà thơ Thanh Thảo khi viết giới thiệu cho tập bút ký “Cát đỏ” nhận định Phạm Thông là con người cả nghĩ và nhân hậu. Không đao to búa lớn, nhà văn Phạm Thông viết những chuyện nhỏ, những điều bình dị như anh dân quân, cô du kích, người đội trưởng công tác… Họ đều là người dân quê ông với những chuyện có thật, có chuyện ông chứng kiến, có chuyện nghe người trong cuộc kể lại. Dưới góc nhìn của ông họ là những bình thường lấp lánh!

Song như tôi biết, trong các trang viết của nhà văn Phạm Thông đó còn là câu chuyện chân thực về những nhân vật được khá nhiều người biết đến như liệt sỹ nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhà báo Đặng Minh Phương, nhà điêu khắc Lý Châu Hoàng, những vị tiền bối cách mạng như Võ Chí Công, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đỗ Thế Chấp, Võ Ngọc Hải, Nguyễn Thanh Khối…

Là người đi qua chiến tranh, nhà văn Phạm Thông thấu hiểu nỗi đau vô bờ bến mà cuộc chiến đã gây ra. Bằng cảm xúc từ chính cuộc đời mình, ông đã viết cho đồng đội, trong đó có nhiều người nằm lại nơi chiến trường như một nghĩa tri ân. Đặc biệt Phạm Thông vô cùng trân quý lớp đàn anh là nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong cả cuộc sống ngoài đời và những trang viết tìm thấy sau này. Theo Phạm Thông, những trang viết mà Chu Cẩm Phong để lại cho chúng ta hôm nay còn lâu mới bằng con người anh. Những điều anh muốn nói đã chưa kịp nói ra. Đó là một tổn thất cho văn chương…

3 – Một niềm an ủi lớn lao mà nhà văn Phạm Thông chia sẻ, qua các trang viết của mình, một số cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát bổ sung hồ sơ để trả lại sự trong sạch cho một số người trước đây bị đồn đoán là làm tay sai cho giặc, nhưng thực chất là vỏ bọc để giúp đỡ cách mạng hay cung cấp thêm cứ liệu mà ông biết được trong chiến tranh để Đảng, Nhà nước ghi nhận những chiến công xuất sắc của họ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là việc góp công để đảng, nhà nước công nhận anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai cán bộ ở cơ sở đó là Lý Công Bích ở Quế Phong, Quế Sơn và Nguyễn Quang ở Tam Giang, Núi Thành…

Một số tác phẩm của nhà văn Phạm Thông đã xuất bản

Gần mười đầu sách trong vòng 10 năm ở tuổi về chiều cũng có thể coi như gia tài của nhà văn Phạm Thông. Tất cả các truyện ký của ông đều chung thủy một đề tài chiến tranh cách mạng. “Con của biển” mới hoàn thành tập 1 chuẩn bị xuất bản cuối năm 2020 cũng là tiếp nối cái mạch nguồn ấy. Bối cảnh nhà văn Phạm Thông đưa vào tác phẩm chính là ngôi làng biển Tỉnh Thủy quê ông. Như trong một truyện ký ông kể, sức hấp dẫn của lý tưởng giải phóng dân tộc cuốn hút gần như toàn bộ thanh niên vùng quê ông rồi cả vùng đông Tam Kỳ ra đi. Những làng nông, làng biển nơi đây đã vắt sạch người cho kháng chiến. Thế nhưng đến ngày đất nước thống nhất, có mấy người được trở về quê hương bản xứ. Cái làng Tỉnh Thủy bé nhỏ của ông có trên 400 người chết trong cuộc chiến. Đám con trai trong làng học cùng lớp chỉ mỗi mình ông sống sót. Và ông đã cất thành lời, ôi chiến tranh để lại đời sau nỗi buồn thăm thẳm…

Với nhân vật trung tâm là Cát cũng chính là tác giả, hành trình “Con của biển” tiếp tục là những trang viết về những câu chuyện của thì quá khứ và còn tiếp nối đến những năm tháng sau ngày đất nước giải phóng. Trong niềm tự hào qua từng trang viết về đất và người xứ Quảng kiên trung thì vẫn không thiếu những trang viết về nỗi đau, niềm trăn trở về những số phận đi qua chiến tranh đối mặt với những thực tế phủ phàng mà người cầm bút không thể né tránh, nhất là khi nhà văn đang vào vai như người viết sử cho quê hương của mình.

Đó cũng là lý do cắt nghĩa vì sao những tác phẩm của nhà văn Phạm Thông viết khá dài hơi, những mấy trăm trang nhưng ông không muốn đặt tên cho nó là tiểu thuyết…

V.V.T

Tam Kỳ 30.11.2020