Nhà văn Phạm Tường Hạnh – nhân chứng của một thời oanh liệt

459

Triệu Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong lòng tôi, nhà văn Phạm Tường Hạnh là người anh giàu tình nghĩa, sống sôi động, bộc trực, thẳng thắn, nhưng với đồng nghiệp thì luôn biết lắng nghe và tôn trọng. Hôm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh, xin có đôi dòng… 


Nhà văn Phạm Tường Hạnh (1920 – 2013).

1. Nhà văn Phạm Tường Hạnh tên khai sinh là Phạm Trọng Hân, sinh ngày 17/7/1920, quê gốc Vân Trường, Tiền Hải, Thái Bình. Ông vô miền Nam khá sớm, tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Sài Gòn, sau đó, làm việc tại Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương).

Chín năm kháng chiến chống Pháp, chàng trai cao lớn quê miền biển Thái Bình đã lăn lộn khắp các chiến trường Nam bộ. Năm 1947, ông làm báo Vệ Quốc quân, Quân khu 7. Năm 1952, làm báo Vệ Quốc quân, Quân khu Tây Nam bộ. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, làm biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1958, ông vào Vĩnh Linh, Quảng Trị làm biên tập của Báo Thống Nhất. Bốn năm thường trú ở đây, ông đã đón tiếp, tận tình giúp đỡ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo vào thực tế tại giới tuyến, trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân mà ông quý trọng, kính phục, coi như người thầy của mình.

Năm 1962, ông trở lại làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong năm này, Nhà xuất bản Văn học xuất bản tác phẩm đầu tay của ông, tập truyện ngắn Vợ chồng Bảy Thẹo. Tôi đọc Vợ chồng Bảy Thẹo năm 1969, khi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ấn tượng của tôi khi đọc văn Phạm Tường Hạnh là ông viết truyện ngắn mà như không cần hư cấu. Truyện ngắn của ông thật như cuộc đời, là truyện ngắn nhưng gọi là ký sự cũng không sai.

Ngồn ngộn trong tác phẩm Vợ chồng Bảy Thẹo là chất liệu đời thường được viết bằng tấm lòng sôi sục yêu nước, cách mạng, căm thù giặc ngoại xâm. Năm 1966, Phạm Tường Hạnh về làm việc ở Tổ sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông sống tại TPHCM, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ Giải phóng cho tới ngày về hưu năm 1979.

Nhiều bạn đồng nghiệp trân trọng gọi Phạm Tường Hạnh là con ong cần cù, dâng mật ngọt cho đời. Sau Vợ chồng Bảy Thẹo, ông cho ra đời các tác phẩm: Búp bê Đức sang Việt Nam (tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng), Buổi sáng trên bến Nhà Rồng (tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng), Ngọn lửa Krông Jung (kịch bản phim truyện, Hãng phim Giải Phóng), Giọt mật cho đời (ký, NXB Văn hóa Thông tin), Đất Sài Gòn (truyện ngắn và ký, NXB Văn hóa Thông tin), Bức thư tìm cha (truyện ngắn và ký, NXB Văn hóa Thông tin), Muôn nẻo đường đời (truyện ngắn và ký, NXB Văn hóa Thông tin), Trong vắt trời xanh (truyện ngắn và ký, NXB Văn hóa Thông tin), Cất cánh (truyện ngắn và ký, NXB Văn hóa Thông tin), Một cuộc đời nghệ thuật (ký, NXB Thành phố Hồ Chí Minh), Anh hùng Phạm Ngọc Thảo (tiểu thuyết ký sự, NXB Công an nhân dân), Tuyển tập Phạm Tường Hạnh (2000, NXB Văn học), Nhân chứng (ký, 2005, NXB Văn nghệ TPHCM).

2. Có thời gian gần hai chục năm, Phạm Tường Hạnh ít viết văn, chuyên viết báo. Rất lạ là những năm 1993-2005, ông viết liên tục, in sách liên tục. Tất niên năm 2005, trong tiệc rượu của Hội Nhà văn TPHCM, khi ký tặng tôi tác phẩm Nhân chứng vừa ra lò, ông nói: “Mình không chuyên viết tiểu thuyết như Triệu Xuân, mình chỉ mê viết ký. Mình sung sướng và tự hào là nhân chứng của một thời oanh liệt của dân tộc, mình say mê ghi chép lại cuộc đời như là sự thôi thúc mãnh liệt từ cõi lòng”. Phạm Tường Hạnh và những nhà văn, nhà báo cùng thời với ông đúng là nhân chứng sống của thời mình!

Cả đời viết văn, Phạm Tường Hạnh tuy viết nhiều thể loại, nhưng ông sở trường với ký. Những tác phẩm viết bằng thể ký của ông có giá trị lịch sử, giá trị nhân văn. Ký sự Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến là một ví dụ. Ký sự này in lần đầu trên báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, đã thành sự kiện xôn xao dư luận xã hội. Chất liệu đời thực, sự nghiệp của Phật sống Lưu Công Danh ly kỳ, hấp dẫn. Ông là một trong những tấm gương sáng, hết lòng vì độc lập tự do cho dân tộc. Từ chất liệu quý giá ấy, Phạm Tường Hạnh đã thổi vào đó tất cả tâm sự, nhiệt huyết của ông với dân với nước.

Viết văn, Phạm Tường Hạnh luôn viết bằng cả trái tim mình, với tư cách là người trong cuộc. Những tập truyện, ký của Phạm Tường Hạnh có giá trị nhân văn sâu là bởi vậy. Sau khi đọc Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến, tôi đã về Kiên Giang tổ chức bản thảo, được Hội Văn nghệ Kiên Giang nhiệt tình giúp đỡ, NXB Văn học xuất bản tập truyện ký Phật sống Lưu Công Danh (2004), được đông đảo bạn đọc văn học trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.

Càng cao tuổi, Phạm Tường Hạnh viết càng khỏe. Có lẽ bởi quá trình chuẩn bị tư liệu đã hoàn tất, cảm xúc đã chín, không viết ra thì không chịu nổi. Đọc những tác phẩm xuất bản sau này, tôi mừng cho ông, bởi bố cục chặt chẽ hơn, câu văn ngắn gọn hơn, súc tích hơn, kiệm lời mà ý tứ sâu rộng, hình ảnh được sử dụng nhiều hơn khi diễn đạt. Chân dung bè bạn, đồng nghiệp, các nghệ sĩ và cả chính khách, ông viết sinh động, nhờ hành văn giản dị, lối kể chuyện chân thành. Quan trọng hơn, nhờ chất liệu thật mà chỉ riêng tác giả mới có. Lấp lánh trong những trang viết ấy là tấm lòng, tâm sự, là tình cảm mãnh liệt của ông với bạn bè, với nhân dân, với cuộc đời. Ông viết về cảnh, về người, về chuyện đã qua từ lâu mà rung động, day dứt, mà đau xót, thiết tha và ngời sáng niềm tin yêu, tự hào!

Tôi trích một đoạn của nhà văn Anh Đức viết về ông để kết thúc bài viết: “Ông có một tuổi thanh niên sôi nổi trong hào khí Cách mạng Tháng Tám, rồi sau đó là cuộc chống Pháp, tiếp đến chống Mỹ. Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng, trải qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với bao gian khổ, đau thương và tự hào; nhờ được tắm mình trong dòng chảy vĩ đại, hòa mình và chứng kiến bao sự kiện và bao con người mà ông từng chiến đấu chung, cùng chia ngọt sẻ bùi, ông đã ghi lại – dưới thể loại bút ký lịch sử – về những sự kiện và những con người ấy. Thế hệ cùng lứa tuổi với tác giả sẽ nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Các thế hệ sau thiết tưởng cần được biết, được thấy – dù chỉ qua ngôn từ – cha anh mình một thời gian truân cứu nước; để biết quý, biết trọng những gì mình có được từ sau 1975, một thời hòa bình được đánh đổi bằng rất nhiều xương máu”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày  01/12/2007

T.X