Nhà văn Phong Thu và những điều ít được nói đến

558

Phạm Đình Ân – Nhà văn Phong Thu (tên đầy đủ là Nguyễn Phong Thu) sinh năm 1934, quê ở xã Kiên Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngoài bút danh Phong Thu, ông còn có các bút danh là Hồng Trang, Hồng Hương, Hoa Hương, Hiền Hoa… Ông vốn được đào tạo ngành sư phạm ở Trung Quốc.

Từ năm 1952, ông dạy tiểu học ở Mai Châu – Hòa Bình. Đến năm 1961, nhà văn Phong Thu chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu ở Vụ Sư phạm, Bộ Giáo dục. Từ năm 1964-1981, ông là Trưởng ban Văn nghệ báo Thiếu niên Tiền phong.

Trong suốt sự nghiệp, Phong Thu đã có hơn 70 đầu sách, nổi tiếng với các tác phẩm như Hoa mướp vàng, Xe lu và xe ca, Cây bàng không rụng lá, Cái cúc màu xanh, Bồ nông có hiếu… Ông từng giành giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội; Giải thưởng cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn, Nxb Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, kịch bản phim hoạt hình Cá sấu ngứa răng của ông đoạt Bông Sen Bạc, Liên hoan phim Việt Nam năm 1970. Một số bài thơ của ông như Bác Hồ – Người cho em tất cả, Bàn tay mẹ được phổ nhạc, trở thành những ca khúc thiếu nhi quen thuộc.

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Phong Thu đã qua đời vào ngày 30/12/2020. Tang lễ nhà văn đã được tổ chức vào ngày 6/1 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Khi nói đến Phong Thu, bạn đọc rộng rãi thường nhận xét ông là nhà văn suốt cuộc đời sáng tác chỉ chuyên viết cho thiếu nhi. Phong Thu có đóng góp lớn vào nền văn học nước nhà. Nhà văn đã được trao nhiều giải thưởng danh giá.

Nhìn kỹ hơn, thấy đời văn của ông ít gây được ấn tượng sâu, mạnh ở những trường hợp cụ thể. Đời tư thì bình lặng, ấm áp. Lối sống, cách làm việc rất chỉn chu, cần mẫn, cái vẻ “công chức” hơi nhiều, tố chất khái tính, bởi ông tự đẩy mình vào một thế giới riêng, gần như xa cách với sự ồn ào của đời thường. Tuy vậy, Phong Thu vẫn dễ gây được thiện cảm với nhiều người, do ông là người lao động trí óc không mệt mỏi, biết lắng nghe, nhu hòa, nâng niu, khuyến khích cái đẹp trong mọi hành vi ứng xử. Nhiều bạn đọc, bạn văn quý trọng ông, xem nhà văn này thuộc một thế giới riêng.

Do thân quý ông đã nhiều năm, cũng được ông tin cậy và đáp lại, người viết bài này nói thêm một số điều trước nay ít được nêu về nhà văn Phong Thu. Đấy là những ưu điểm, mặt mạnh của Phong Thu, trong đó đôi ba nét có thể là ngược lại cách hiểu quen thuộc về ông.

Nhà văn của học sinh – nhà trường

Đứng lớp rất ít mà tác phong sư phạm, nếp nghĩ của người thầy lại nhuần thấm vào con người Phong Thu suốt cả cuộc đời.

Thuở mới lớn, Phong Thu có đi học Trường sơ cấp sư phạm ở tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc (Cùng lớp có Nguyễn Kiên, còn Ma Văn Kháng thì vào sau một năm). Về nước, ông dạy học ở huyện Đà Bắc, chỉ vài ba năm, rồi ngừng hẳn đứng lớp để về tỉnh làm ở Ty Giáo dục, sau đó về Bộ Giáo dục. Tiếp theo là nhận việc ở Trung ương Đoàn thanh niên làm công tác Đoàn, Đội thiếu niên tiền phong… Để rồi ông được toại nguyện: về báo Thiếu niên tiền phong để viết báo, có điều kiện thuận lợi làm văn thơ phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Rốt cuộc, hơn bảy mươi năm công tác, ông chỉ đứng lớp giảng dạy trực tiếp được mấy năm.

Ấy vậy mà Phong Thu lại viết rất nhiều về học sinh – nhà trường. Nói không thể sai, rằng Phong Thu là nhà văn của học sinh tiểu học, của thầy cô giáo nhà trường tiểu học. Khi nhiều nhà văn viết về thiếu nhi ở ngoài mái trường thì Phong Thu hướng nhiều đến đối tượng hiện thực đời sống là thiếu nhi – học sinh. Khi không đứng lớp, nhà văn dạy trẻ gián tiếp bằng văn chương ở bên ngoài trụ sở nhà trường. Đối với Phong Thu, quan hệ nhà văn – bạn đọc cũng là quan hệ nhà giáo – học trò.

Phải chăng, khi làm Chưởng giáo (hiệu trưởng trường chỉ có một lớp) thời trẻ trai, để rồi có bài báo đầu tiên là truyện Cái mỏ phấn (in ở báo Tiền phong thiếu nhi, số 10, tháng 6/1955), ông đã viết về học sinh – nhà trường, đã thành kỷ niệm sâu sắc, thì Phong Thu suốt đời phải ràng buộc với ngành giáo dục, mặc dù phần lớn cuộc đời ông sau đó chuyển sang nghề khác? Phong Thu viết nhiều văn hiện thực hơn văn đồng thoại bởi tác giả chăm chú vào học sinh, thầy cô giáo – những con người cụ thể, thì ắt phải bớt đi đồng thoại – một phương pháp sáng tạo nghệ thuật lấy đồ vật, thiên nhiên nói hộ con người. Tác giả Phong Thu có nhiều bài văn được tuyển in vào sách giáo khoa tiểu học. Báo Văn nghệ đang bàn sôi nổi về sự học ngày nay thì từ hai ba chục năm trước, nhà giáo- nhà văn Phong Thu đã có ý kiến xác đáng về sách giáo khoa: “Theo tôi, mỗi tác phẩm in trong sách giáo khoa phải là những tác phẩm khi các em đọc xong, học xong, tự các em sẽ nhận ra được những giá trị sống từ những điều rất nhỏ, rất gần gũi đối với các em hằng ngày”. Ông tâm sự với phóng viên báo: “Theo tôi, chúng ta nên in riêng các tác phẩm đọc thêm ra thành những cuốn riêng và cũng đừng gọi là tác phẩm đọc thêm nữa mà hãy gọi bằng một cái tên khác như là “Sách đọc ngoài chương trình học”. Tên sách như thế có thể hơi dài nhưng có vẻ hợp lý hơn. Các em yêu thích môn văn sẽ tìm đọc, học thêm về môn văn, các em yêu toán khắc có sách đọc thêm về toán, thích sinh học, vật lý thì tìm sách đọc ngoài chương trình về sinh học, vật lý… Chúng ta hãy làm mọi cách để các em tiếp cận với kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất chứ đừng làm các em cảm thấy ngại bởi những bài phụ đi kèm bên cạnh bài chính”. Ý kiến của Phong Thu rất xác đáng và bổ ích.

Nhà báo, thuộc số người có bài đăng sớm nhất, nhiều nhất, liên tục nhất trong suốt gần bảy mươi năm

Phong Thu cộng tác thường xuyên với bảy mươi tờ báo, tạp chí trung ương, địa phương cùng các ban ngành. Năm nào ông cũng có trăm bài, đủ loại: truyện ngắn, đoạn văn… in báo, có những năm hai trăm, ba trăm bài, đến nay ông đã in khoảng năm nghìn bài. Bài của Phong Thu hầu hết là rất ngắn, dễ đăng, dễ tiếp nhận, cách viết thay đổi linh hoạt, vậy nên rất lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi. Tất nhiên, cũng như nhiều tác giả, đối với ông, báo lồng vào văn, viết văn là viết báo và ngược lại. Những truyện dài không phù hợp với báo, ông ít gửi đăng. Đấy cũng là một chi tiết đáng lưu ý về cách viết và in báo của Phong Thu. Nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên rồi Trưởng ban Văn nghệ của báo Thiếu niên tiền phong, Phong Thu đã giúp cho báo nhà có thêm nhiều bạn đọc, đào tạo được nhiều cộng tác viên thuần thục về nghề, trong đó có một số tác giả trở thành nhà văn, nhà báo viết cho thiếu nhi.

Phong Thu cũng nêu một tấm gương về đi thực tế để hiểu thêm đời sống, từ đó viết báo, có vốn sâu lắng mà viết văn. Thời trẻ trai ông đã năng nổ đến nhiều làng dân. Cả tỉnh Hòa Bình khi ấy có 103 xã, ông đến 102 xã. Tại huyện Mai Đà, nơi ông dạy học, có 12 xã, ông đến hết và trở lại nhiều lần. Thời bao cấp, những năm 70, 80 thế kỷ trước, ông dùng xe đạp đi xa. Trước đó, mấy năm trời nhà văn tỉ mẩn chịu khó gom nhặt, dành dụm các chi tiết của chiếc xe đạp như: vành, nan hoa, săm lốp, xích – líp, cái đèo hàng (tên hồi đó là gác-ba-ga), cái chắn bùn (gác- đờ – bu), khung… từng được mua phân phối hoặc xin, mua vặt ở chợ đen, để rồi loay hoay tự lắp, hoàn thiện được cái xe đạp trông gần như một đồ dùng nguyên chiếc vừa mới sắm vậy. Cái xe đạp ấy như một người bạn thân thiết giúp ông rong ruổi khắp các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên…

Một nhà thơ ẩn danh

Nhà văn Phong Thu đã viết và in đến ba trăm bài thơ, trong đó có hơn trăm bài dành riêng cho trẻ em, hầu hết là bạn đọc lứa tuổi bé nhất – mầm non hoặc lớp đầu tiểu học. Nhà văn chưa in thơ tập riêng, song ông in báo, có khi cả trang dăm bảy bài hoặc đưa thơ xen vào mạch truyện. Thơ thường ngắn, nhiều bài là thơ lục bát.

Ông tâm sự rằng, cái gì không viết được bằng văn xuôi, thì gắng đưa hết vào thơ cho đỡ phí. Trong bảy năm (2010-2016), là cộng tác viên thân thiết của trang Dành cho trẻ em trên báo Người Hà Nội, Phong Thu góp khoảng ba mươi bài thơ nho nhỏ xinh xinh. Nếu văn của ông khá rõ tính giáo dục, trình bày sự việc cụ thể, thì thơ thiên về đùa vui, nghịch ngợm, thương yêu, mơ ước… Thơ của ông không nhiều chi tiết, sự việc mà mềm mại, dí dỏm, đến với trẻ thơ như những bức tranh đẹp nho nhỏ, góp phần trau dồi xúc cảm thẩm mỹ và tình yêu tiếng Việt cho các em.

Là nhà văn điển hình về nền nếp sư phạm

Chuyên viết về tuổi thơ ngây mà Phong Thu có lúc lại có phát ngôn rất khác đời hoặc căng thẳng đến khó tin. Chẳng hạn: “Càng viết, muốn viết cho trẻ thơ, thì càng phải chạy theo trẻ em”. Hoặc: “Bám lấy các em mà viết, đừng mong các em bám lấy những gì mà mình viết”. Ngẫm ra, thấy ông nói quá đúng. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi nhiều lần nhà văn Phong Thu lại nói rành rọt, đầy xúc cảm căng thẳng với người viết bài này, như sau: “Việt Nam và thế giới không có nền văn học thiếu nhi. Chỉ có một số tác giả (lẻ tẻ, không vào tổ chức nào) viết cho thiếu nhi mà thôi. Xin nhắc lại: không có cái gọi là “nền văn học thiếu nhi” ở nước ta. Nhà văn già khó kìm nổi xúc động bi thương về vấn đề ông nêu ra. Có vẻ như ông chỉ nói điều nghiêm trọng này với một người ông tâm đắc nhất, đang ngồi đối diện với ông. Hãy hiểu ngầm là: tôi cùng anh và tất cả những tác giả khốn khổ, đáng thương khác viết cho thiếu nhi thì hãy cứ lầm lũi, tự giác mà viết thôi, chẳng có mấy ai quan tâm đến đâu, trừ trẻ nhỏ!

Đấy cũng chính là Phong Thu nữa.

Hóa ra Phong Thu không chỉ là Phong Thu như cách hiểu quen thuộc của mọi người. Ông còn là, chính là người viết hóm, nghịch, ngơ ngác và bất chợt, như nhà văn từng tự bạch. Ông lãng tai từ thời trẻ cho đến tận già, đôi mắt mỗi năm một kém đi nhiều, nhưng kỳ lạ là ông có thể nghe được mọi điều trong đời sống đã và đang vang vọng vào tâm trí ông, có thể đọc được những gì người ta chưa viết ra.

Theo Văn nghệ số 3/2021