Nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ văn học thiếu nhi

340

Có những nhà văn giời phú cho nhiều tài năng nên ở lĩnh vực nào chúng ta cũng nhìn thấy họ sừng sững như một cây đại thụ. Tô Hoài là một nhà văn như thế. Ở lĩnh vực nào (tiểu thuyết, truyện ngắn, du kí, tự truyện – hồi kí, thiếu nhi, miền núi) Tô Hoài cũng nổi bật, cũng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc. Ngay cả về tuổi thọ và số lượng tác phẩm văn chương của ông thì Tô Hoài cũng đáng được xếp vào hạng siêu (Tô Hoài thọ 94 tuổi và có gần 200 tác phẩm được in). Nhà văn Nga Marian Tkachov đánh giá Tô Hoài là một trong những người viết văn xuôi hay nhất Việt Nam. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ nói đến Tô Hoài với tư cách là cây đại thụ của văn học thiếu nhi.


Nhà văn Tô Hoài.

Sức viết vị nể

Tô Hoài là một nhà văn viết đều, viết khoẻ. Trước cách mạng, ông viết như chạy thi: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khoẻ như vậy đấy” (Tự truyện).

Sau cách mạng, Tô Hoài vẫn cần mẫn, đều đặn viết và in như thế. Đấy chính là sự say mê công việc, một cách làm việc chuyên nghiệp của người cầm bút. Hiện chưa có một thống kê chính xác nhà văn Tô Hoài viết và in bao nhiêu tác phẩm cho thiếu nhi, nhưng có thể thấy các truyện đồng thoại, truyện cổ tích, gương thiếu nhi là những đóng góp vô cùng quan trọng của Tô Hoài, và ông đã được dư luận tôn xưng là cây đại thụ văn học thiếu nhi.

Những tác phẩm của Tô Hoài hay được nhắc đến gồm: Dế Mèn phiêu lưu kí, Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới Chuột, Chuột thành phố, Gã chuột bạch, O chuột, Mụ ngan, Con gà ri, Đôi ri đá, Ngọn cờ lau, Chim chích lạc rừng, Con mèo lười, Con chim gáy, Cá đi ăn thề, Ò ó o, Con le nghiện, Bồ nông, Kim Đồng, Vừ A Dính, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử…

Theo thống kê của nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh, Tô Hoài khi “bước vào tuổi 75, đã có trên 50 tác phẩm cho mọi lứa tuổi thiếu nhi” (Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, Nxb Từ điển Bách khoa, 2002, tr. 14). Như vậy số lượng đã nhiều, đủ loại đồng thoại, người thật việc thật, cổ tích, lại rải đều cho mọi lứa tuổi, chất lượng lại tốt. Điều đó ngay cả một nhà văn dành cả đời chuyên viết cho thiếu nhi cũng phải vị nể.

Nổi trội với ba loại

Như đã nói trên, tuy Tô Hoài viết nhiều cho thiếu nhi, nhưng tác phẩm của ông, tựu trung, có thể chia làm ba loại. Mà loại nào cũng có những thành công nổi trội.

Truyện đồng thoại

Những truyện đồng thoại về loài vật tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu kí, O chuột, Đám cưới chuột, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ri đá, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan, Chim chích lạc rừng… Qua các tác phẩm đó chúng ta thấy rằng nhà văn thường viết về cái tốt đẹp, khẳng định cái thiện trong cuộc sống, bày tỏ mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, bình yên trong xã hội, một cuộc sống tốt đẹp mang tính lí tưởng. Đồng thời ông cũng phê phán lối sống nhàm chán, ru rú một chỗ, hoặc kiêu căng, ngạo mạn, hoặc ù lì, an phận của những con vật khác.

Thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô Hoài thật phong phú và độc đáo. Thế giới đó được miêu tả thật sinh động nhờ sự quan sát tinh tế và chọn lọc chi tiết của nhà văn. Thế giới ấy gợi lên ở người đọc sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Có thể nói, từ trước cho đến khi Tô Hoài xuất hiện, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài. Tác phẩm nổi tiếng nhất, thành công nhất, tiêu biểu nhất về mảng này chính là Dế Mèn phiêu lưu kí.

Truyện người thực việc thực

Về đề tài này, Tô Hoài có hai tác phẩm tiêu biểu là Kim Đồng và Vừ A Dính, hai thiếu niên người dân tộc miền núi phía Bắc. Chính thời kì làm phóng viên báo Cứu Quốc, Tô Hoài đã viết báo ca ngợi hai tấm gương Kim Đồng và Vừ A Dính. Sau này có điều kiện tiếp xúc với mẹ và chị Kim Đồng; lên Pú Nhung, xuống bản Ban nơi Vừ A Dính bị bắn, nhà văn mới viết thành truyện.

Với Kim Đồng, một thiếu niên người Nùng, tác giả dùng thể loại kịch phim để dựng lại hình ảnh người thiếu niên ham học, chăm làm vui tươi và rất mưu trí trong công tác, dũng cảm hi sinh. Cùng với các bạn đi canh gác, học văn hóa, lấy củi, Kim Đồng đã thể hiện là một người có tinh thần tập thể và tính kỉ luật cao… Cái chết của Kim Đồng được tác giả miêu tả gây nhiều xúc động, cảm phục.

Đối với Vừ A Dính, tác giả không trực tiếp miêu tả cuộc đời của nhân vật. Thông qua hồi ức của những người có điều kiện gần gũi, làm việc với nhân vật để khẳng định và nêu bật phẩm chất anh hùng của em. Biết không thoát được tay kẻ thù, Vừ A Dính đã đánh lừa địch, bắt chúng cáng em đi hết núi này sang núi khác tìm du kích. Không tìm được, bọn địch đã tức giận, treo Vừ A Dính lên cành đào và bắn chết em.

Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Vân Thanh đánh giá: “Có thể nói Kim Đồng, Vừ A Dính là hình ảnh tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn của thiếu nhi Việt Nam trong cách mạng. Tô Hoài đã cố gắng thể hiện một số khía cạnh trong phẩm chất anh hùng ở các em. Cái chết của hai em ở cuối mỗi truyện cũng được Tô Hoài miêu tả với khá nhiều xúc động, không gây bi thảm, mà trái lại còn có khả năng gợi lên trong các em lòng căm thù đối với đế quốc, gợi cho các em suy nghĩ về trách nhiệm của mình phải làm gì để xứng đáng với bao nhiêu hi sinh của những người đi trước” (Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, đã dẫn, trang 246).

Bộ ba truyện cổ tích viết lại

Đây là 3 tác phẩm khá dài hơi được viết từ cốt lõi là ba truyện cổ dân gian. Một cách tiếp cận khác của Tô Hoài nhằm giúp các em hiểu thêm về lịch sử và truyện cổ dân gian, hiểu thêm tổ tiên ta trong cuộc chinh phục thiên nhiên, đánh giặc giữ nước.

Đảo hoang (1980), Chuyện nỏ thần (1982), Nhà Chử (1985). Bộ ba tiểu thuyết này nhằm dựng lại đời sống của người Việt cải tạo thiên nhiên hoang dã, chống giặc ngoại xâm, mong muốn sống một đời sống ấm áp tình người. Tôi có may mắn năm 1980 – 1984 sang Nga và được đọc bài phê bình của Marian Tkachov viết về cuốn Đảo hoang được dịch ra tiếng Nga. Tôi đã dịch và gửi về đăng ở báo Văn Nghệ. Tôi chỉ nhớ là nhà văn Nga đã rất khen văn của Tô Hoài, khen sự lao động công phu để viết về ý chí và nghị lực của người Việt cải tạo thiên nhiên.

Về Chuyện nỏ thần, nhà văn Văn Hồng đánh giá: “Theo tôi nghĩ, gần 250 trang sách, cả một cuộc “trường chinh”, tác giả đã như một người làm xiếc, như một diễn viên lão luyện luôn giữ được thăng bằng, thì đến vài trang cuối, người diễn viên ấy đã vứt cả dây bảo hiểm, bất chấp cả luật thăng bằng mà bay vút lên. Càng đẹp chứ sao! Cái hư đã hoàn toàn thoát cái thực để trở nên thực hơn – thực với lịch sử và thực với suy tư của người đọc hôm nay” (Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, đã dẫn, trang 265). Ba truyện này Tô Hoài đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu lịch sử, phục dựng lại đời sống của tổ tiên ta chinh phục, cải tạo thiên nhiên và chống giặc giữ nước.

Dế Mèn phiêu lưu kí – một kiệt tác cho thiếu nhi và mọi lứa tuổi

Phải nói công bằng rằng trước khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thì tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài đã được các nhà văn nước ngoài tự phát dịch và giới thiệu, quảng bá ở nước họ. Hiếm có một nhà văn Việt Nam nào, mà ngay từ tác phẩm đầu tay đã thành danh và nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu kí được ông viết từ năm 17 tuổi, đã dịch ra 37 thứ tiếng và vẫn không ngừng được tái bản hàng năm ở trong nước và trên thế giới.

Chưa có một bảng thống kê chi tiết những ngôn ngữ (thứ tiếng) nào, nhưng chắc chắn những thứ tiếng khá phổ biến như: Anh, Pháp, Nga, Đức, Hán, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn,… đều dịch ghi chép cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Đó cũng là một kỉ lục mà không phải nhà văn nào ở xứ ta cũng có được. Điều đó cũng nói lên sức cuốn hút của kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu . Điều độc đáo, đặc sắc nhất của tác phẩm là nhà văn đã viết rất nhanh (Tôi viết “Con Dế Mèn” chả lâu tí nào, viết bằng mực tím chỉ 1 – 2 tối là xong, còn “Dế Mèn phiêu lưu kí” thì chỉ mất 3 – 4 đêm. Có lẽ vì tôi thuộc con Dế Mèn quá, thuộc thực tế, cả thực tế xã hội nữa. Cứ thế là in thôi, không phải chỉnh sửa tí nào hết). Nhà văn viết về những con vật quen thuộc gần gũi bằng một sức tưởng tượng phi thường, một lối quan sát tinh tế, và với một mong muốn tiến bộ về thế giới hoà bình, muôn loài đều là anh em.

Về sức tưởng tượng phi thường, nhà văn Nga Marian Tkachov đã đánh giá: “Hẳn là cái thế giới to lớn ấy, nơi Mèn đi chu du bao năm, thì có lẽ tôi cùng các bạn chỉ dạo bước một ngày là hết. Cái thế giới ấy chỉ là ven làng Nghĩa Đô. Bằng sức mạnh tưởng tượng của mình, nhà văn đã cải biến nó để tạo ra bao nhiêu vương quốc với những điều kiện thiên nhiên khác nhau, các chế độ quốc gia khác nhau và những cư dân khác nhau” (Tạp chí Văn học nước ngoài, đã dẫn).

Thế giới các con vật trong Dế Mèn với những tính cách khác nhau quả là một xã hội loài người thu nhỏ. Ông anh Dế Mèn tính tình bảo thủ, cổ hủ, không dám đi xa. Dế Choắt ốm yếu, gầy gò, nhút nhát. Dế Mèn, Dế Trũi như anh em kết nghĩa gắn bó, hăng hái, sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng hi sinh vì bạn, vì nghĩa lớn. Chị Cốc bực mình, bắt nạt kẻ yếu dám trêu ghẹo. Ông Xiến Tóc trầm lặng, vừa yêu đời lại vừa chán đời. Bọ Ngựa hách dịch, kiêu căng, ngạo mạn. Cóc huênh hoang, dở hơi. Ếch Cốm Đại Vương thông thái rởm, Bà Kiến Chúa tháo vát, lanh lợi, nghiêm nghị đường hoàng…

Người đọc nhiều nước đều thú vị về sự quan sát và miêu tả sinh động những cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Hơn thế nữa, cái lí tưởng mà Dế Mèn theo đuổi thật tiến bộ và cao cả: Đó là lí tưởng Hòa bình. Trải qua các cuộc phiêu lưu, những sự hiểu nhầm, Dế Mèn, cùng Dế Trũi và các bạn đã đi đến lòng tin rằng chiến tranh chỉ mang đến cái chết, bất hạnh và đau khổ. Với sứ mệnh hoà bình, hoà hợp, chúng đã đi khắp thế gian, đã kêu gọi đoàn kết và đã đạt được thắng lợi. Lí tưởng nhân đạo ấy, đến bây giờ vẫn còn biết bao ý nghĩa khi mà nhân loại vẫn còn chiến tranh, khi mà việc sản xuất bom nguyên tử chưa bị thay thế hoàn toàn bằng việc sản xuất bánh ga tô cho trẻ em như mong muốn trong thông điệp của nhà văn Yalia R.Rodari với cuốn sách Giữa trời chiếc bánh ga tô.

Một điểm kỉ lục khác cũng cần ghi cho tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Ấy là tác phẩm này luôn luôn đồng hành với các thế hệ học sinh Việt Nam. Khi còn là một chú bé đi học trường làng, tôi đã thích thú với đoạn trích “đấu võ” giữa Dế Trũi, Dế Mèn với Bọ Ngựa. Sau nhiều lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa, chương trình Ngữ văn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Dế Mèn phiêu lưu kí vẫn có mặt. Và sách giáo khoa Trung học cơ sở thì ngoài đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” dành cho phân môn văn, còn có các đoạn trích làm ngữ liệu cho môn Tiếng Việt và văn liệu cho phân môn tập làm văn, đặc biệt là văn miêu tả.

Có thể nói tóm lại, đối với truyện thiếu nhi cũng như truyện cho người lớn, Tô Hoài đã sử dụng tài năng quan sát, khả năng miêu tả chi tiết, tinh tế, huy động mọi vốn hiểu biết trực tiếp và gián tiếp và bằng một lối văn trong sáng, giàu hình ảnh, những từ ngữ chính xác, ông đã chinh phục các bạn đọc nhỏ tuổi và cả những người lớn tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là cây đại thụ văn học thiếu nhi của Việt Nam.

Theo Vũ Nho/Vanvn