Nhà văn Tống Phước Bảo: ‘Văn chương chiến tranh sẽ như một mạch nguồn chảy mãi’

402

“Tôi nhớ đó là một đêm mưa ở Cần Thơ, chúng tôi đã rợn người khi nghe câu chuyện 6 người lính trên 5 đôi chân. Thời khắc ấy, tôi biết văn chương chiến tranh sẽ như một mạch nguồn chảy mãi trong ngòi bút của người viết”, nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ với Dân Việt quan niệm về dòng văn học chiến tranh.

“Hôm nay, ngày mai, tương lai, tất thảy đều bắt nguồn từ quá khứ”

* Tham gia trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội vừa qua (ngày 18/6/2022 tại Đồng Nai) lần này, điều gì thu hút và làm cho Tống Phước Bảo cảm thấy ấn tượng?

– Thú thật, khi tôi được các anh bên phía Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời dự trại, cảm xúc ban đầu là rất vui, vì làng văn vẫn luôn đánh giá rất cao tờ Tạp chí này, cũng như cách thức tổ chức trại sáng tác của họ. Song song đó, tôi cũng thấy áp lực vì trại sáng tác ngoại trừ các hoạt động đi tham quan thực tế, còn có các buổi sinh hoạt chuyên môn rất thẳng thắn.

Tuy nhiên, chính những áp lực đó lại thu hút tôi, bởi đó chính là điều khiến người viết như tôi sẽ trưởng thành hơn khi được cọ xát, học hỏi từ chính các anh chị trại viên và BBT của Tạp chí. Ấn tượng từ trại viết theo tôi tận khi đã về lại đời thường. Tình cảm của BTC trại, của các anh chị trại viên cũng như sự chăm chút, đóng góp cho nhau khiến tôi thấy một không khí văn chương dâng tràn trong mình, cho tôi nhiều động lực hơn nữa trên con đường viết lách.


Nhà văn Tống Phước Bảo – bút danh Trúc Thiên là nhà văn sung sức hiện nay.

* Tác phẩm dự trại của anh dịp này hướng đến khía cạnh nào khi xây dựng và ca ngợi hình tượng người lính Cụ Hồ?

– Đến với trại, sau khi được đi thực tế nhiều đơn vị của Quân khu 9, nhất là hòa mình vào đời sống thương hồ của người dân Cần Thơ, tôi viết nên một truyện ngắn mang tên “Mắt phù sa”. Truyện ngắn này đan xen giữa quá khứ và hiện thực, những mảnh đời lính sau cuộc chiến, mấy mươi năm họ vẫn sống đời cần lao bám sông, bám đất để trọn vẹn với các đồng đội đã hy sinh.

Đức tính trung nghĩa của người lính khiến tôi ấn tượng nhất, suốt quá trình thực tế sáng tác. Tôi nghĩ thời chiến hay thời bình, người lính đều có những phẩm chất mà chúng ta cần nhìn họ với lăng kính đầy ngưỡng vọng.

* Theo anh, hiện nay tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng thì anh bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa như thế nào?

– Lớp trẻ chúng tôi chưa đi qua chiến tranh. Trong thời bình, nói thật chúng tôi sống rất may mắn. Sự bình yên này là cả một sự đánh đổi bằng xương máu. Cái đánh đổi nào cũng có mặt được và mất. Được sự hòa bình trên đất mẹ, nhưng mất mát hy sinh cũng là một điều không tránh khỏi.

Chính vì vậy, các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ chính là một điều lưu lại, nhắc nhớ những thế hệ mai sau về những chặng đường gian lao anh dũng, về những điều thiêng liêng cao quý của quá khứ.

Dĩ nhiên, chúng ta chẳng ai sống mãi chỉ với quá khứ, nhưng hôm nay, ngày mai, tương lai… tất thảy đều bắt nguồn từ quá khứ mà hình thành. Quá khứ là điều chúng ta không thể quên. Ký ức của người Việt, thiết nghĩ, một phần sẽ phải mang tên “chiến tranh”. Trong một lần có dịp gặp một người bạn quốc tế, họ nhắc về Việt Nam, vẫn là câu thán phục chúng ta quá thay đổi sau thời chiến tranh.

“Đừng đợi trễ, bởi chính nguồn tư liệu sống mới kích thích chúng tôi viết” 

* Với anh, người viết hôm nay khi tiếp cận đề tài này có gặp phải trở ngại nào không?

– Người viết hôm nay, nhất là thế hệ không đi qua chiến tranh, kỳ thực khi viết về đề tài chiến tranh, người lính thì sẽ gặp vài trở ngại. Nhưng đó không phải là điều ngăn cản chúng ta viết. Bởi với thời đại này, chúng ta có rất nhiều nguồn tư liệu, chúng ta có thể đi thực tế gặp gỡ những nhân chứng sống của thời chiến tranh. Đó chính là vốn liếng để viết.

Chúng ta không thể viết trực diện cuộc chiến thì có thể viết hậu chiến hoặc chọn những góc nhìn khác nhau về cuộc chiến, về người lính và khai thác. Quan trọng chúng ta chọn hướng khai thác đề tài như thế nào? Điều đó mới hình thành một tác phẩm đúng nghĩa về chiến tranh, về người lính.


Nhà văn Tống Phước Bảo mong muốn có mảnh đất riêng cho văn chương, như một giải thưởng dành cho người trẻ viết về chiến tranh. 

* Anh nghĩ sao về nhận định: Viết về chiến tranh khi các cuộc kháng chiến đã lùi xa, điều đó có tạo ra độ lùi cần thiết để nhà văn có những góc tiếp cận và điểm nhìn mới về quá khứ về lịch sử dân tộc?

– Khi 20 tuổi, chúng ta nhìn một câu chuyện bằng lăng kính của tuổi trẻ, của sự thanh tân. Khi chúng ta 40 tuổi, chúng ta lại nhìn câu chuyện ấy bằng sự trải nghiệm và lắng đọng. Cho nên, các tác phẩm mang đề tài chiến tranh, người lính ra đời vào thời bình, thật ra lại có một cái hay. Đó chính là góc nhìn tĩnh lặng hơn, thấu hiểu hơn và bao dung hơn, thậm chí hòa hợp hơn.

Quá khứ, lịch sử, tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc chiến không thể phủ nhận, không thể thay đổi, nhưng tâm thế mình có thể thay đổi. Cạn cùng mọi cuộc chiến thật sự tôi nghĩ rằng nỗi đau không dành riêng bên nào hết. Mất – còn; thắng – thua; hay chung quy lại chẳng có bên nào vui trọn vẹn, buồn tất cả.

Thậm chí, tàn một cuộc chiến, bên nào cũng sẽ có ít nhiều mất mát, hy sinh, đau thương. Bên nào cũng có những bà mẹ khóc con, những người vợ mất chồng. Lật bàn tay mình, mu bàn tay hay lòng bàn tay, tất cả đều là thịt.

* Nhiều nhà văn, cựu chiến binh lo lắng vì chúng ta chưa có các tác phẩm văn chương xứng tầm với sự đóng góp hy sinh của người lính, theo anh chúng ta thiếu sự đầu tư, sự định hướng hay nhiệt huyết?

– Thật ra, tôi lại nghĩ không gì phải lo lắng, trong văn chương tác phẩm hay luôn ở phía trước. Tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng, người lính không phải chẳng có tác phẩm hay, tác phẩm gây tiếng vang. Có đấy, rất nhiều nữa là đằng khác như: “Nắng đồng bằng” của Chu Lai; “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh; “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán; “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca; “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi; “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn…

Tuy nhiên, vì chiến tranh đi qua một quãng dài của lịch sử dân tộc, quá nhiều hình ảnh, câu chuyện mà chúng ta mỗi một lần đọc một tác phẩm viết về đề tài này lại như vỡ ra thật nhiều điều về sự hy sinh của thời kỳ lửa đạn, về cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Nhiều quá thì thành ra viết hoài cũng chưa hết, chưa thỏa mãn được thị hiếu của công chúng yêu thích tác phẩm chiến tranh.

Chúng ta cứ chờ đợi và tin rằng, mỗi giai đoạn đều có những tác phẩm đủ sức nặng để khiến chúng ta đắm đuối với dòng văn chương này. Bởi hằng năm, đều có những trại sáng tác dành riêng cho mảng đề tài này, ở đó các tác giả luôn được thực tế các chiến trường xưa, nghe chính những câu chuyện từ người đi qua cuộc chiến kể.

Thậm chí, ngay trong trại sáng tác lần này của Tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi được nghe câu chuyện người lính trở về từ cõi chết khi viên đạn xẹt ngang đầu anh, một phần não đến giờ còn bị ảnh hưởng.

Hoặc câu chuyện chính người lính về thăm chiến trường xưa và đứng nhìn từng góc đất, từng khu vực mà ngày xưa mình tham chiến, giây phút đó người lính như lên đồng, bởi cuộc chiến vẫn ám ảnh đến cả phần đời sau này của anh.

Tôi nhớ đó là một đêm mưa ở Cần Thơ, chúng tôi đã rợn người khi nghe câu chuyện 6 người lính trên 5 đôi chân. Thời khắc ấy, tôi biết văn chương chiến tranh sẽ như một mạch nguồn chảy mãi trong ngòi bút của người viết.

* Là một nhà văn, một người viết trẻ anh có ý tưởng nào cho việc hiện diện nhiều hơn, có chất lượng hơn của mảng văn chương về đề tài chiến tranh, cách mạng, người lính?

– Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi cần được tạo điều kiện tham gia các trại sáng tác về đề tài này hơn nữa. Bởi từ đấy, chúng tôi có những câu chuyện, có những cảm xúc reo vào lòng và trải ra trên trang viết. Cần thêm những buổi tọa đàm, hội thảo thiết thực, trực diện để người viết trẻ tương tác với cựu binh, với các nhân chứng chiến tranh còn sống.

Đừng đợi trễ, bởi chính nguồn tư liệu sống đấy mới kích thích chúng tôi viết hơn những trang tư liệu giấy. Và nên chăng có một mảnh đất văn chương riêng như một giải thưởng dành cho người trẻ viết về chiến tranh.

Một giải thưởng thường niên để ghi nhận sự đóng góp của lớp trẻ với mảng để tài này. Và dĩ nhiên phải có một tư duy mới để chấp nhận những góc nhìn chiến tranh mới lạ, độc đáo, sáng tạo từ người trẻ, để các tác phẩm mảng đề tài này không bị mòn theo lối viết cũ, tư duy cũ, tròn và đẹp nhưng chưa mới lạ.

Theo Vũ Nga/Dân Việt