Nhà văn Võ Chí Nhất: “Quả ngọt” từ truyện trinh thám

247

An Kha

Võ Chí Nhất sinh năm 1993, hiện đang công tác tại quê nhà ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Anh đã công bố một số tác phẩm như Hoàng cung (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, 2016). Các tập truyện ngắn Khiếu ăn mày (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, 2018), Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020), Muội tro (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022),…

Năm 2022, Võ Chí Nhất nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM cho tập truyện ngắn Muội tro. Theo đuổi dòng sách trinh thám đã lâu, có thể nói đến tập truyện này thì anh mới nhận về được những quả ngọt đầu tiên.

Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất

Võ Chí Nhất bắt đầu đọc truyện trinh thám từ năm học lớp 7. Lúc đó mẹ anh không cho, vì sợ sẽ “nhìn đời bằng ảnh ảo”, nên anh thường tranh thủ đọc trong giờ ra chơi, hoặc là nấp trong nhà nội, cạnh một cửa sổ để đọc. Ban đầu là đọc truyện tranh Thám tử lừng danh Conan, rồi sau đó là những truyện của bộ Sherlock Holmes.

“Tôi mê truyện trinh thám từ cấp 2 và đã tập tành viết. Truyện trinh thám đầu tiên của tôi là Dòng máu bạc, lấy cảm hứng từ Thám tử lừng danh Conan của Aoyama Gōshō. Thay vì Kudo Shinichi bị biến thành bé con, thì nữ thám tử Shouven của tôi bị biến thành một bà già tay chân lọng cọng” – Võ Chí Nhất chia sẻ.

*Vậy thì phải mất bao lâu để viết ra chất trinh thám mà anh tạm hài lòng?

– Lâu. Và cũng nhiều phen trầy trật, vất vả mới ra được “hình hài”. Ban đầu tôi thử sức với thể loại tiểu thuyết lịch sử, đã có tiểu thuyết đầu tay là Hoàng Cung.

Cuốn tiểu thuyết này lấy ý tưởng thời Lý Thánh Tông tại vị, thời kỳ được xem là có vua sáng, tôi hiền, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Tưởng chừng có thể theo đuổi thể loại này, nhưng một ngày nọ, khi tìm lại được bản thảo viết tay truyện Dòng máu bạc, rồi đọc kha khá bài viết về thể loại trinh thám trên mạng, thấy thôi thúc phải viết tiếp.

*Ngoài Aoyama Gōshō, tác giả hoặc tác phẩm trinh thám nào mà anh yêu thích?

– Tôi có rất nhiều sách, nhưng tôi chỉ đọc được một phần nhỏ. Tôi luôn ước mình có thể đọc thật nhiều, nhưng thời gian dành cho công việc lại nhiều hơn cả. Đọc sách trở thành hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Tôi đọc một cách ngẫu nhiên, theo sở thích. Có thể bắt đầu từ thể loại ưa thích, một cái bìa sách bắt mắt, tên tác giả quen thuộc, hoặc là một tác giả đến từ một đất nước yêu thích…

Tôi đọc nhiều sách của Agatha Christie, Conan Doyle, John Sandfor, Philip Roth… cho đến khi tôi có cảm hứng để viết một cái gì đó.

*Anh đang công tác trong ngành công an, nó có thuận lợi hoặc khó khăn gì trong việc sáng tác trinh thám?

– Mười hai năm làm công an, tôi tích lũy được chút ít kinh nghiệm và kha khá vụ án để xây dựng thành cốt truyện, dùng dần trong những truyện ngắn. Quan trọng là tôi được tiếp xúc với các chú, các anh đi trước giàu kinh nghiệm “chinh chiến”. Với tôi, họ như là những cuốn “từ điển sống”, ghi chép lại những trang sử oai hùng của ngành.

Nhưng tôi nghĩ rằng không hẳn phải công tác trong ngành công an hoặc tình báo thì mới theo đuổi dòng trinh thám, mà nó bắt nguồn từ đam mê, phải có đam mê.

*Trước đây, nhắc đến dòng văn học trinh thám ở Việt Nam, độc giả có thể kể ra vài cái tên như thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, hoặc “Lê Phong phóng viên” của Thế Lữ. Anh có định xây dựng riêng một nhân vật trung tâm xuyên suốt các tác phẩm không?

– Đó là điều mà các tác giả trinh thám như tôi mơ ước. Như đã nói ở trên, trước khi viết, tôi thường đọc nhiều những serie truyện trinh thám của nước ngoài để tìm cảm hứng. Họ đều sử dụng một nhân vật chính xuyên suốt cho những tác phẩm của mình. Tôi cũng có tham vọng như vậy.

Tập truyện ngắn Muội tro

*Đọc tập truyện “Muội tro”, có thể thấy nổi lên nhân vật nữ cảnh sát hình sự Hà “ớt”. Anh có định để nhân vật này “tung hoành” trên một sân khấu lớn hơn, như tiểu thuyết chẳng hạn?

– Hiện tại tôi đang trau chuốt cho hai bản thảo mới. Đó là tập truyện Săn gã thợ săn và tiểu thuyết Pho tượng cổ được viết dựa trên một vài sự kiện trong Dòng máu bạc. Tôi vẫn chọn để cho nhân vật đại úy Hà “ớt” “tung hoành” trong hai bản thảo này. Tuy vậy, lối diễn đạt, văn phong, kỹ thuật… sẽ khác lạ hơn so với tập Muội tro.

*Có lúc nào anh thấy “bế tắc”, muốn từ bỏ việc viết trinh thám; hoặc bản thân anh cũng đang “lạc hướng phá án”… trên trang văn?

– Một câu hỏi hay. Tôi cho rằng nếu đã trót… đam mê rồi thì sẽ hiếm khi bế tắc. Tôi không đợi cảm hứng tìm đến, mà thường sẽ chủ động đi tìm nó. Vì một khi đã đọc tác phẩm của một nhà văn khác thì trong đầu sẽ nảy ra một ý tưởng mới. Chỉ tiếc rằng phần đông tác giả hiện nay chuộng thể loại kinh dị, mà tôi thì không thích, nên nhiều khi những ý tưởng kinh dị nảy ra, cũng không sử dụng được.

*Dòng văn học trinh thám Việt hiện nay xuất hiện một số cây bút trẻ đầy nội lực. Nhưng đồng thời độc giả Việt cũng đang tiếp cận với nhiều tác phẩm trinh thám đặc sắc đến từ Mỹ, Bắc Âu, Nhật, Trung… Anh nghĩ có thể làm gì để tạo ra được “chất” riêng cho tác phẩm trinh thám của mình?

– Trinh thám hấp dẫn chỉ gói gọn trong “căng thẳng, bất ngờ”. Nó thường bắt đầu bằng một câu đố hóc búa, một thử thách trí tuệ thú vị cho người đọc, một cái kết bất ngờ.

Một điều cần thiết nữa là cần có một vụ án gây cấn, nhưng lại có nhiều tính nhân văn để xây dựng nên một cốt truyện hấp dẫn. Các nhân vật do mình tạo ra phải có những đặc điểm và lai lịch riêng biệt. Cần lối hành văn đặc trưng, quy trình điều tra, kỹ thuật, đối thoại thông minh… và đặc biệt tận dụng triệt để đặc trưng vùng miền của Việt Nam.

Theo An Kha/Báo Thể Thao Văn Hóa