P.N Thường Đoan
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi vào Báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1990, nhưng mãi đến khi tòa soạn Báo dời về số 45 Nguyễn Phi Khanh, Quận 1 thì tôi và nhà văn Võ Phi Hùng mới bắt đầu thân nhau hơn, nhất là khoảng thời gian bộ phận biên tập, viết bài, dàn trang và Tổng biên tập về “lưu trú” ở khu nhà ngang của Trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (số 81 Trần Quốc Thảo, Phtfờng 7, Quận 3). Tên gọi thân mật của địa chỉ này do anh em văn nghệ sĩ đặt, là “81”.
Nhà văn Võ Phi Hùng (1948 – 2011)
Ở “81”, dãy nhà ngang bắt đầu từ cửa sau của Trụ sở (nằm trên đường Trần Quốc Thảo), đầu tiên là quán nhậu bình dân, tên mỹ miều của nó là “Căn tin Nghệ sĩ”, sát vách quán nhậu là phòng dàn trang, kế bên là phòng của biên tập và phóng viên, hai phòng giữa là phòng tài vụ kế toán của Liên hiệp, còn Sếp tổng Biên tập ngồi phòng cuối cùng của dãy nhà kế bên cái kho của Liên hiệp.
Khi còn ở bên địa chỉ 45 Nguyễn Phi Khanh, buổi sáng đám nhà báo chúng tôi tụ nhau cà phê trà đá ở quán cóc bên kia đường, vì phòng khách của tòa soạn quá nhỏ, không thể chứa một lúc cả chục người, vừa khách, vừa chủ, lại càng không thể được tự do cười nói (cả văng tục chửi thề nữa).
Khi được “biệt phái” về “lưu trú” ở 81, sáng sớm thì cả bọn gồm nhà báo kiêm nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ hài, diễn viên điện ảnh… bắc cái bàn bằng mủ màu xanh ngồi cạnh bụi tre vàng, lúc nắng lên nóng quá thì mới dời vào phòng, vì phòng ở đây rất nóng, nhỏ, mà chỉ có một cái quạt cùi bắp cũng nhỏ xíu treo trên tường, lúc quạt chạy kêu tạch tạch đầy vẻ mệt nhọc, nhắc nhớ tiếng kêu của máy bay đầm già giám sát thời chiến tranh.
Ở phòng viết và biên tập, anh Võ Phi Hùng lúc nào cũng là người đến sớm nhất, tiếp đến là Trần Hữu Dũng, Mạc Can, Ngọc Anh, tôi… đây là nhóm người thường xuyên có mặt trong tuần, còn cộng tác viên, bạn bè văn chương thì tùy ngày, ai rảnh thì ghé nói chuyện trên trời dưới đất, đông tây kim cổ tới 10 giờ thì cánh đàn ông rủ nhau ra quán nhậu lai rai. Cánh phụ nữ ngồi tụm “nhiều chuyện” khác.
Tuy phòng của Báo nhỏ, nhưng ngoài kia là một khoảng sân rộng chứa một cái biệt thự cổ, 15 cây sứ trắng, một cây nhãn lão, một bụi tre vàng, một cây hoa đào, một cây hoa sữa, một cây trâm cổ, hai cây cao su và bốn cây si thuộc hàng đại thụ có tuổi đời gần 100.
Buổi sáng không khí ở đây rất mát, nhưng đến trưa thì rất oi nồng, một khoảng sân rộng đầy nắng chan, cứ đến đúng 9 giờ sáng thì tiếng cuốc kêu nổi lên, đều đặn như đọc kinh, ngày nào như ngày nấy. Võ Phi Hùng thường trầm ngân ngồi trong phòng nhìn ra khoảng sân lởm chởm đất đá, những lúc vắng người, anh bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, khởi đầu bằng một sự so sánh giữa con cuốc và anh.
Con cuốc cứ đúng 9 giờ sáng là nó bắt đầu kêu “cuốc, cuốc, cuốc…”, khi kêu từ phía Đông, lúc phía Tây, khi trên ngọn cây lúc sau biệt thự. Chắc ai đó đã hẹn nó giờ này gặp nhau, mà không tới, nên cứ đúng 9 giờ, là nó thê thiết cuốc cuốc cuốc. Như anh, 7 tuổi, theo mẹ ra chợ – cái chợ có bảng tên đàng hoàng “Chợ Buôn Ma Thuột” – mẹ để anh đứng ở hàng rào bằng lưới B.40, dặn đi dặn lại:
“- Con đứng đây, mẹ vào chợ mua bắp luộc cho ăn, đừng đi đâu nghe chưa”.
Và anh đứng đó, tới trưa, tới chiều, tới tối…, và anh bắt đầu khóc. Người qua đường thấy thằng bé khóc, cho cái bánh, cho bịch nước, hỏi thăm, rồi báo cảnh sát, có thằng bé bị bỏ rơi giữa chợ. Người ta dẫn nó về nhà cho ở, cho ăn, nó không đi, vì sợ, nếu nó đi, mẹ nó không tìm thấy thì sao! Trong đầu nó vẫn in sâu câu nói : “- Con đứng đây, mẹ vào chợ mua bắp luộc cho ăn, đừng đi đâu nghe chưa”.
Rồi thằng bé 7 tuổi được một người phụ nữ dẫn về nhà nuôi, chờ tìm mẹ. Nó chịu rời khỏi cái lưới B.40 rào chợ là vì người phụ nữa nói “dẫn đi tìm mẹ”. Bà là dân buôn bán đường dài, hay dẫn nó theo. Một ngày, trên đất Sài Gòn, nó bị lạc mất người đàn bà tốt bụng. Sài Gòn thênh thang, bụng đói, mệt, thằng bé đi men theo con đường rộng, đi hoài, đi hoài, cuối cùng, chỗ ngủ của nó là cái bàn đá trong chùa Bà Thiên Hậu, Quận 5. Đêm đêm, nằm co quắp trên mặt đá lạnh, thằng bé mớ, kêu mẹ, nó thò tay tìm chiếc mền nỉ, chỉ đụng phải gió và sương. Chung quanh nó là bóng đèn đường vàng vọt và mùi nhang trầm lướng vướng, mẹ ơi, mẹ ở đâu???
Nó thành trẻ em đường phố từ đó.
Võ Phi Hùng kể cho tôi nghe nhiều chi tiết về cuộc đời mình bằng một giọng trầm, cay, cuối cùng là một tràng cười ha hả, anh cười mà như khóc, vì hai con mắt đỏ hoe, anh nói nhỏ với tôi, là mình không phải là trẻ mồ côi, không phải ở viện mồ côi, giận mẹ bỏ rơi giữa chợ nên mới nói với mọi người như vậy. Mẹ và ba anh là mối tình đầu của nhau, nhưng khi mẹ có thai anh thì gia đình ba anh không chịu cưới mẹ. Sau đó ba anh lấy vợ, có thêm năm người con gái, rồi ông đi định cư ở Pháp. Chắc vì vậy mà mẹ hận. Rồi anh lan man kể vể chuỗi ngày ở với mẹ trên Buôn Ma Thuột, về những ngày thành trẻ bụi đời Sài Thành. Khi lang thang, đói rách, đau bệnh, mới đầu thì rất giận và hận mẹ, nhưng càng lớn, anh bỗng thông cảm với mẹ, thông cảm cả việc tự dưng mình bị bỏ rơi. Người lớn có nhiều bí ẩn đôi khi không thổ lộ được nên anh nói anh tha thứ cho mẹ, luôn quyết tâm tìm mẹ để hỏi, đã nói tha thứ rồi, mà lòng cứ thắc mắc, muốn gặp mẹ để hỏi, vì sao mẹ nỡ bỏ rơi con chỉ vì hận một người đàn ông. Nhưng bao nhiêu năm tìm mẹ mà không gặp, cả khi thành danh, có tiếng, có địa chỉ, các tin nhắn của anh đều trôi vào lặng thinh đáng sợ.
Anh nói: – Chắc mẹ anh chết rồi, chứ nếu còn sống, thế nào bà cũng đọc được tin nhắn của anh, cũng biết anh đang tìm bà…
Để tồn tại, Võ Phi Hùng kể, anh phải kiếm sống với đủ nghề, như bán báo dạo, phụ bán quán cơm, giữ xe … một ngày, có một ông bụt hiện ra, ông bụt giúp anh đi học chữ và có một chỗ đi về yên ổn.
Anh kể, tuy khó khăn về đời sống, nhưng Võ Phi Hùng rất thích đọc sách, vớ đtfợc cuốn nào là anh đọc một mạch đến hết. Chắc vì vậy mà nghiệp viết đã chọn anh, anh bắt đầu tập viết từ những câu chuyện của cuộc đời mình, của bè bạn bụi đời xung quanh, của những người tốt bụng. Anh sử dụng bút danh Thánh Thu để ký dưới những bài viết của mình, nơi anh gửi đến là trên báo Văn, Phổ Thông… đây là những tờ báo nổi tiếng trước năm 1975, nhiều truyện ngắn đăng trên báo Văn, Phổ Thông… biến thành cơm cho anh no bụng.
Anh nói, đời mình là những khúc quanh như đường đèo uốn lượn, sau năm 1975, nhà nước mở nhiều điểm để xóa mù chữ cho nhân dân, anh được giới thiệu làm giáo viên bổ túc dạy văn hóa lớp đêm ở Quận 6 (TP. HCM), thời điểm này anh đã cộng tác với các báo ở Thành phố, như Văn Nghệ Thành phố, Tuổi Trẻ, Công Nhân…
Năm 1979, Báo Xuân Tuổi Trẻ đăng truyện ngắn “Đời có tên tụi mình”, truyện có hiệu ứng tốt từ đọc giả, nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy dựng thành phim cùng tên do Hãng phim Giải Phóng sản xuất.
Năm 1981, CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn ra đời, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đỡ đầu, thu hút nhiều người viết mà bây giờ họ đã trở thành những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, nhtf: Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Võ Phi Hùng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lý Lan, Hoàng Ngọc Tuấn, Bùi Chí Vinh, Lê Thị Kim, Đỗ Trung Quân, Đoàn Vị Thượng, Ung Ngọc Trí, Lưu Thị Lương…
Rồi Võ Phi Hùng nằm trong số những người sáng lập ra Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1985, Võ Phi Hùng được nhận vào Báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, công việc của anh là biên tập truyện ngắn. Anh được những người viết trẻ thế hệ sau quý mến vì luôn ủng hộ họ, dành cho họ những ưu ái nhất trong thẩm quyền được phép.
Võ Phi Hùng say viết, thường khoe với tôi, là lúc nào trong cặp táp của anh cũng có sẵn một tệp giấy dành để ghi chú những ý tưởng chợt có, những sự kiện đang xảy ra, xây dựng một cốt truyện mới. Anh thtfờng chọn quán cóc, quán cà phê vắng người để ngồi viết. Nhân vật anh hướng đến là những người mưu sinh ở vỉa hè, ăn, ở, sống bám vào vỉa hè, anh viết về cả thân phận những cô gái đứng đường hàng đêm, anh tả góc phố, con hẻm, những mãnh đời đói rách tận cùng xã hội, đó là những nơi anh đã ở, đã ngủ, đã ăn từng ổ bánh mì không cứng đơ, đó là ký ức của một đứa trẻ đường phố của Sài Gòn hoa lệ. Các thể loại anh hay sử dụng là phóng sự, tản văn, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sau này nghe lời bạn bè rủ rê, anh viết phim dài nhiều tập cho Đài Truyền hình.
Kho sách của Võ Phi Hùng ngày càng nhiều hơn và nổi tiếng hơn, nhất là khi bộ sách Sống sót vỉa hè hơn 5.000 trang cho NXB Kim Đồng ra đời; rồi anh viết kịch bản phim, thành công với bộ phim Giã từ dĩ vãng, Chim phóng sinh do Xưởng phim TFS sản xuất. Nội dung các cuốn sách, kịch bản phim đa số hướng đến số phận của những con người có hoàn cảnh khó khăn, trắc trở, mưu sinh bên lề xã hội nhưng luôn khát khao một cuộc sống hạnh phúc.
Anh kể với tôi, khi cưới vợ, có được một trai, một gái, không nghĩ mình là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, anh từng “nhổ lông gà vịt cho vợ bán ngoài chợ”. Nhưng hạnh phúc không thuộc về anh, năm 2002, hai vợ chồng anh ly dị… anh bán nhà được 600 triệu đồng, chia đều cho hai đứa con, rồi đi.
Anh nói: – Hồi nhỏ nó là con mình, lớn lên nó là bạn mình, đôi khi là hàng xóm nữa, có tự do, suy nghĩ riêng. Nên anh nói với con anh, rằng, anh đã tròn bổn phận làm cha, anh mong hai đứa sống tốt.
Năm 2005, Báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thông báo, vì khó khăn, tòa soạn không đóng bảo hiểm cho Võ Phi Hùng, tôi, và Trần Hữu Dũng nữa. Một buổi sáng thật nắng, khi tiếng con cuốc kêu đã chấm dứt, cà phê đã hết nhỏ giọt, ly tách cạn trơ đáy, anh quảy ba – lô lên vai và nói với tôi:
– Em và Trần Hữu Dũng ở lại khỏe, làm việc tốt nhen. Nhớ đừng tìm anh, dù sau này tổng biên tập mới có kêu em đi tìm anh về làm lại nhen. Anh sẽ nhớ mãi tiếng cuốc kêu vào những buổi sáng ở 81. Rồi anh cười ha hả, cười như lần đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, tiếng cười của anh luôn là tiếng khóc với tôi.
Tôi biết anh buồn vì cái quyết định của tòa soạn. Nhiều nhà văn, nhất là cánh nhà văn trẻ, họ rất thương anh, nể anh, sau khi biết chuyện này, họ cười cợt, bông đùa mặn lạt, là “Võ Phi Hùng đã được về hưu”.
Rồi anh xa biền biệt, mất dấu. Các anh chị làm bên NXB Kim Đồng cứ réo tôi hỏi, có biết tin tức, chỗ ở của Võ Phi Hùng không thì nhắn giùm, anh có tiền của nhà xuất bản trả nhuận bút, đến lấy. Nhưng tôi nào có biết anh ở đâu mà nhắn với gửi.
Một ngày, khi đang ngồi lắng nghe tiếng con cuốc kêu “cuốc, cuốc, cuốc…” thắt ruột thì Võ Phi Hùng điện thoại cho tôi và nói:
– Anh điện cho em bằng cái điện thoại của NXB Kim Đồng tặng anh, họ nói mua điện thoại cho anh để dễ liên lạc, nhưng anh thấy phiền toái quá, nên em có qua bên đó, nhắn giúp anh là anh gửi lời cám ơn, và xin được bỏ không dùng điện thoại.
Từ đó, chỉ khi nào anh xuất hiện thì mọi người biết, chứ coi như mọi đường liên lạc với anh bị chấm dứt. Nhưng không phải là tuyệt lộ, vì Võ Phi Hùng chơi rất thân với một người từng tham gia phim do anh viết kịch bản, đó là anh Phan Văn Sáng. Anh Sáng bị tật ở chân, ngồi xe lăn, người cuối cùng có mặt trong bệnh viện khi Võ Phi Hùng bệnh phổi rất nguy cấp, cấp cứu ở bệnh viện Hồng Đức (Quận Gò Vấp, TP.HCM), sau đó nơi này đã chuyển anh sang bệnh viện chuyên khoa Phạm Ngọc Thạch để điều trị. Tuy nhiên, lúc 16h ngày 16/11/2011 bác sĩ thông báo Võ Phi Hùng mất. Do không có gia đình, bạn bè văn nghệ nghệ sĩ, báo chí làm đơn gửi bệnh viện bảo lãnh nhận xác anh về quàn ở Nhà Tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn). Lễ động quan diễn ra lúc 6h sáng ngày 19/11/2011 và linh cữu nhà văn Võ Phi Hùng sẽ đtfợc hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM. Tro cốt anh để ở chùa Già Lam, Gò Vấp.
Những ngày Võ Phi Hùng nằm ở bệnh viện, anh Phan Văn Sáng là người cận kề duy nhất, đến khi Võ Phi Hùng mất, chính anh là người đầu tiên xin mang xác về, nhưng không được chấp thuận, sau đó Trần Hữu Dũng vào cuộc, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc, có công văn đứng ra bảo lãnh chịu trách nhiệm, với sự hỗ trợ của các đơn vị ban ngành liên quan. Khi hai đứa con anh Võ Phi Hùng chưa về kịp, anh Sáng lại một mình anh túc trực thường xuyên tại Nhà Tang lễ Thành phố.
Bây giờ, bạn bè vẫn nhớ anh mỗi khi uống trà đá, nhắc các tác phẩm của anh như: Kẻ lang bạt trở về (1987), Đời có tên tụi mình (1992), Đóng đinh vào khoảng không (1993), Bất trắc (1996), Trong cơn lốc (1997), Chàng cóc siêu phàm (2010)… rồi , Tên bắt cóc, Tấm lá chắn, Sống sót vỉa hè…
Anh Sáng chính là người được Võ Phi Hùng tâm sự nhiều nhất, biết nhiều chuyện nhất về anh. Còn tôi thì không dám nói với ai về cái chuyện anh không phải trẻ mồ côi, không một ngày ở viện mồ côi, và cứ nhớ cái chuyện rất buồn cười, là cứ vài ba ngày anh lại nhắn gọi vài người bạn đến dự sinh nhật tôi, anh nói, bày ra cái chuyện này cho vui, có bạn uống trà đá nói chuyện phiếm cho quên nỗi buồn là rất lâu rồi bọn tôi không được nhận lương vì báo đình bản.
Tôi cũng không quên một buổi trưa tôi và Ngọc Anh tình cờ gặp anh chạy trên đường Phan Đình Phùng, chúng tôi bám theo, thấy anh quẹo Phan Đăng Lưu, quẹo Phan Xích Long, rồi biến mất trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo…
Lại nhớ, lúc báo đình bản, anh về Long An canh ao nuôi tôm cho con gái, khi trở lên Sài Gòn đã có một tập bản thảo hoàn tất. Chúng tôi cười nhạo, có ai mua đâu mà viết, anh cười khì khì rồi nói:
– “Kệ, dù nhà xuất bản có in tiếp hay không tthì vẫn cứ viết… Viết là để giải tỏa chính mình, được sống thật với mơ ước hồi nhỏ của mình đó là niềm hạnh phúc vô tận… Bây giờ, nghỉ làm báo, tập trung viết, viết trong một tâm trạng thoải mái, không ràng buộc hay cân nhắc về chuyện cơm áo gạo tiền như xưa kia! Tự mình độc thoại với các nhân vật của mình qua từng trang bản thảo sống động về các nhân vật thần tiên, người hùng, quái thú lẫn phàm phu… thật không gì bằng! Là người sáng tác, chúng ta nên chỉ quan trọng về cảm xúc trong diễn tiến mạch truyện sao cho hấp dẫn, chứ không tự gò mình là phải viết cho lứa tuổi nào, không đặt nặng vào việc khoanh vùng đối tượng trước khi viết. Anh thấy, tự bản thân những cốt truyện thú vị (như Harry Potter, Tây Du Ký, hay các truyện cổ tích nước ta…) đều đã lôi cuốn được mọi giới, mọi lứa tuổi bạn đọc, mà không hề tự giới hạn (đóng khung) theo kênh thị trường hiện nay đang phân định quá rõ ràng…”.
Tôi cũng nhớ, anh kể cái chuyện sáng lập ra Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh bằng giọng bông đùa. Anh nói, nhà thơ Bùi Chí Vinh, Trần Hữu Dũng, Đoàn Vị Thượng, … cũng là những thành viên sáng lập ra cái Hội này. Cái Hội Nhà văn này ra đời sau một chầu nhậu bình dân bằng bia lên cơn…
Tôi cũng nhớ, cái chỗ ngồi cuối cùng để viết ra những cuốn sách là quán cà phê cóc ven kênh Nhiêu Lộc mà hôm nay ôm lấy cái kênh này là hai con đường tên Hoàng Sa và Trường Sa.
Sân 81 bây giờ vẫn rộng, nhưng nhiều cây cổ thụ đã bị chặt đi khi chỗ này biến thành tòa nhà 8 tầng. Con cuốc lâu lâu lại quay về, nó đậu trong lùm cao và “cuốc, cuốc, cuốc…”
Tiếng kêu của nó và tiếng cười cay của Võ Phi Hùng mỗi buổi sáng là lại rơi vào ly cà phê của tôi, lạt và đắng là vị đọng lại khó diễn tả.
81 – vĩnh viễn là một khoảng sân không nắng trong tôi.
07/7/2021
P.N T.Đ
* Thông tin về nhà văn Võ Phi Hùng:
Nhà văn Võ Phi Hùng sinh tại Buôn Mê Thuột. Ông bắt đầu thành danh với sự nghiệp viết văn từ những năm cuối thập niên 1980; gây dấu ấn từ tác phẩm đầu tay Dưới cầu thang in trên báo Văn vào năm 1972, ông tiếp tục cho ra mắt các tập truyện Kẻ lang bạt trở về, Đời có tên tụi mình, Bất trắc, Đóng đinh vào khoảng không, Trong cơn lốc…
Sau khi nghỉ hưu tại Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM, ông lui về “ở ẩn” và hoàn thành bộ truyện Sống sót vỉa hè. Ngoài sáng tác văn chương, nhà văn Võ Phi Hùng còn viết kịch bản phim với những bộ phim nổi tiếng và đã được vinh danh như Long xích lô, Cầu thang tối, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng…
Năm 2009, ông chuyển sang viết truyện tranh dành cho thiếu nhi Chàng cóc siêu phàm. Tác phẩm Chú nài giông tố (NXB Kim Đồng ấn hành năm 2011) cũng là tác phẩm sau cùng của nhà văn Võ Phi Hùng.
Tác phẩm:
Kẻ lang bạt trở về (1987); Đời có tên tụi mình (1992); Đóng đinh vào khoảng không (1993); Bất trắc (1996); Trong cơn lốc (1997); Long xích lô; Cầu thang tối, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng… Chàng cóc siêu phàm (2010); Chú nài giông tố (2011).