Nhà văn Võ Quảng: Những sáng tác thân thuộc cho thiếu nhi nhiều thế hệ

626

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

“Nhịp điệu và âm sắc trong thơ, văn Võ Quảng là tiếng vang trong trẻo của tâm hồn anh” – Nhà văn Vũ Tú Nam.

Nhà văn Võ Quảng là một trong những tác giả được yêu mến của văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. Đúng như nhận định của Hội Nhà văn Việt Nam: “Với ‘Tảng sáng’, ‘Quê nội’, ‘Gà Mái Hoa’, ‘Anh Đom Đóm’, ‘Ai dậy sớm’… những trang văn, câu thơ, truyện kể của ông đã trở nên thân thuộc, không chỉ với trẻ em mà là với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ suốt mấy chục năm qua.”


Nhà văn Võ Quảng (1920-2007)

Bộ ấn phẩm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của “Nhà văn của tuổi thơ – Nhà thơ của tuổi hoa” của Nhà xuất bản Kim gồm 5 cuốn: Tiểu thuyết “Quê nội” (gồm 2 truyện “Quê nội”, “Tảng sáng”) – tác phẩm mang đậm dấu ấn của nhà văn xứ Quảng, tập thơ “Ai dậy sớm”, tuyển giới thiệu những bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi với minh họa mới sinh động của họa sĩ Chu Linh Hoàng; tuyển tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng” do họa sĩ Vũ Xuân Hoàn minh họa; tập truyện “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng”; và đặc biệt là tuyển thơ, truyện, phê bình, chân dung “Võ Quảng – Một đời thơ văn”.

Độc giả thiếu nhi nhiều thế hệ hẳn sẽ không thể quên nhân vật Cục và Cù Lao trong “Quê Nội” – tiểu thuyết mang tính tự truyện gắn với tên tuổi của nhà văn Võ Quảng, bối cảnh sau cách mạng Tháng Tám ở làng Hòa Phước bên dòng sông Thu Bồn.

Lớp lớp trẻ em từ thuở ê a tập nói vẫn sẽ ngân nga những câu thơ như đồng dao trong “Ai dậy sớm”, “Mầm non”, “Chị chổi tre”, “Anh đom đóm”, “Anh nắng sớm”, “Mời vào”…

Những truyện đồng thoại tươi vui, ngộ nghĩnh, ngôn ngữ trong trẻo đầy chất thơ như “Những chiếc áo ấm”, “Trăng thức”, “Anh Cút lủi”, “Mắt Giếc đỏ hoe”… in trong tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng” hẳn sẽ còn được lưu nhớ trong tâm trí độc giả.

Ấn phẩm đặc biệt “Võ Quảng – Một Đời Thơ Văn” do tác giả Châu Tấn – trưởng nam của nhà văn Võ Quảng biên soạn. Trong ấn phẩm này có những bài thơ nổi tiếng của Võ Quảng; thưởng thức truyện ngắn đầu tay “Cái lỗ cửa”, truyện vừa “Cái thăng”, tiểu thuyết “Kinh tuyến và vĩ tuyến”, những truyện cổ tích kể lại “Chuyện kể ở Đầm Vạc” (truyền thuyết thời Hùng Vương); cùng những bài viết về văn học thiếu nhi của nhà văn Võ Quảng.


Những sáng tác thân thuộc cho thiếu nhi nhiều thế hệ của nhà văn Võ Quảng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, Võ Quảng được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế, và cũng từ năm này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc.

Bắt đầu với sự nghiệp văn chương khá muộn so với các nhà văn cùng trang lứa, năm 1957, khi đã ở tuổi 38, Võ Quảng mới trình làng tác phẩm đầu tiên, tập thơ “Gà Mái Hoa” và lập tức đã chinh phục được bạn bè văn chương. Cũng trong năm này, Võ Quảng về làm Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng mới thành lập.

Ngoài sáng tác thơ, truyện, Võ Quảng còn viết kịch bản phim hoạt hình và dịch một số tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Ông là tác giả kịch bản phim hoạt hình “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Những chiếc áo ấm” – hai tác phẩm được “khắc tên vào bảng Vàng của ngành Hoạt hình Việt Nam” theo đánh giá của họa sĩ Trương Qua  (Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam từ 1967-1977). Ông cũng là người đầu tiên  phỏng dịch và giới thiệu “Truyện Đông Ky-sốt” (tức Hiệp sĩ Don Quixote) và “Người anh hùng rừng Séc Vút” (tức Robin Hood – Hiệp sĩ rừng xanh) sang tiếng Việt.

Trên cương vị là Tổng biên tập của nhà xuất bản dành riêng cho thiếu nhi, là một tác giả viết cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng rất tích cực tham gia các lớp đào tạo nhà văn trẻ, giảng dạy về văn học ở các khóa bồi dưỡng viết văn.

Là một trong số ít các nhà văn dành trọn vẹn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng ý thức rất rõ tầm quan trọng của văn chương trong việc giáo dục thẩm mỹ, nhân cách cho trẻ em. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi.

Nhà văn Võ Quảng từng nói: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”. Ông luôn tâm niệm mình là một nhà giáo dục, cả cuộc đời dành trọn vẹn “những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”. Thơ văn Võ Quảng đã được lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều cấp học suốt mấy thập kỉ qua.

Những bài phê bình, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về tác phẩm Võ Quảng.

“Cuộc đời ông có thể ví như một cây đại thụ có gốc sâu, rễ bền, thấm đẫm tinh hoa văn hóa nước nhà và thế giới, mạnh mẽ trụ vững giữa phong ba bão táp của những năm tháng ác liệt, để rồi nửa đời sau đâm cành, nảy lộc, nở hoa tươi đẹp, kết trái văn chương ngọt lành dành cho bao lớp trẻ thơ của đất nước.” – lời của dịch giả Phương Thảo – phu nhân của nhà văn Võ Quảng là nhận định xác đáng về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

***

“Trong số những người viết cho các em, Võ Quảng là người dành hết tâm hồn, hết sức lực, có nghĩa là toàn vẹn cho sự nghiệp ấy.”- Nhà văn Hà Ân.

***

“Tôi nghe người yêu thơ xưa nay nói rằng thơ thật là thơ thì cứ tự nhiên đến và ở với ta như thế. Tình thơ vào hồn người. Một cảm tưởng ấy, tôi đọc thơ Võ Quảng… Tôi không còn tuổi nhỏ đọc thơ anh. Nhưng trong tôi nguyên vẹn cái háo hức của trẻ thơ. Tôi không phải ngỡ mình là em bé để vào thơ anh mà tôi được tỏa hết sức vào thơ – câu thơ, chữ thơ, ý thơ cho mọi người!”- Nhà văn Tô Hoài.

***

“Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên giữa bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam. Chẳng những sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỉ đã từng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian. Về phần tôi, mong muốn trước hết là được Cục và Cù Lao đưa lại cho chúng ta mọi sự hiểu biết nhiều hơn về một nước Việt Nam hầu như còn hoàn toàn xa lạ đối với người Pháp.” – Nhà văn Pháp Alice Kahn –  người dịch “Quê Nội” sang tiếng Pháp.

Theo Phùng Hà/VOV5