Nhà văn Vũ Minh Nguyệt về lại mảnh vườn xưa

647

Vũ Minh Nguyệt sinh ngày 17.12.1961 quê ở xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, vì lâm trọng bệnh bà đã từ trần hồi 5h15’ ngày 4.10.2020 (tức ngày 18.8 năm Canh Tý), tại Hà Nội, hưởng thọ 60 tuổi; được đưa về an táng ở Ninh Bình.


Nhà văn Vũ Minh Nguyệt.

Nhà văn Vũ Minh Nguyệt là tác giả các tác phẩm đã xuất bản: Hoàng hôn của cha, tập truyện ngắn Nxb Thanh Niên, 2007; Truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt, Nxb Văn học, 2010; Những người đàn bà ở bến sông, tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn, 2011; Khi cuộc chiến đi qua, tiểu thuyết, Nxb QĐND, 2017. Vào năm 2007, bà còn in chung với chồng một tập Truyện ngắn Sương Nguyệt Minh & Vũ Minh Nguyệt, Nxb Công an nhân dân. Bà từng nhận Giải 3 Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, năm 2001-2002.

Để tưởng nhớ nữ nhà văn gốc Ninh Bình, xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng về một thời kỳ sáng tác của bà.

Về lại mảnh vườn xưa

Từ truyện ngắn đầu tay Những người đàn bà ở bến sông in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1999) đến tập truyện ngắn đầu tiên Hoàng hôn của cha là một khoảng thời gian đủ để thử thách ngòi bút Vũ Minh Nguyệt, vì từ một truyện đứng riêng rẽ – dù rất hay đi chăng nữa – đến một tập truyện là cả một vấn đề nghề nghiệp (bởi không ít người viết được nhiều truyện in báo, tạp chí đứng được nhưng khi tập hợp trong một tập lại trở nên lễnh loãng, thiếu gắn kết thành một chỉnh thể nghệ thuật). Đáng mừng là Vũ Minh Nguyệt tránh được tình trạng tản mạn khi huy động các truyện in riêng vào trong một tập. Tôi coi đó là một thành công đáng ghi nhận của cây bút nữ nhiều triển vọng này.

Vũ Minh Nguyệt là người viết ý thức được “sở trường sở đoản” của mình nên dường như chị chăm chút hơn cho những truyện viết về quê hương, họ hàng, làng xóm thân thuộc – đó là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mỗi người. Tôi thấy những trang viết của Vũ Minh Nguyệt về làng quê, về người nhà quê, về lề thói thôn quê có cái phóng khoáng, vô tư của mạch văn, hơi văn – nói cách khác là tạo được cái không khí truyện đặc trưng cho một vùng quê có con sông Hoàng Long chảy qua trong các truyện Sau mưa, Đồng quê, Hoàng hôn của cha, Làng Phú Tang, Người làng Bãi Trữ, Những người đàn bà ở bến sông, Về lại mảnh vườn xưa…

Không biết có phải vì cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho mà Vũ Minh Nguyệt nhìn đâu cũng thấy trăng: “Bây giờ thì tôi đã về tới làng. Làng tôi như nửa vành trăng nằm trong khúc vòng cung của con đê ngăn nước lũ. Ngước mặt lên là nhìn thấy núi. Núi cao vời vợi. Cúi xuống thấp hơn là gặp được sông. Nước sông trôi lững lờ. Quay phải, quay trái là đồng ruộng trải dài” (Đồng quê). Truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt, nếu có thể nói, tràn đầy và thấm đẫm ánh trăng: “Trăng mười bảy vằng vặc, vãi sáng xuống mảnh sân nhỏ” (Cha, mẹ và con), “Những đêm trăng sáng, ông nội trải chiếu dưới nền sân gạch, ông gọi tất cả cháu nội lại” (Làng Phú Tang), “Đêm ấy, đêm mười tám cuối thu. Trăng sáng vằng vặc ngoài cửa sổ (…). Đêm ấy trăng sáng như đêm nay (…). Ánh trăng mơ hồ” (Đêm trăng thanh)… Tôi cứ nghĩ vui vui rằng, đọc truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt có được cái cảm giác lạ và thú vị của ẩm thực đồng quê, khi mà con người hiện đại sống ở các đô thị lớn đã bắt đầu chán những “thức ăn nhanh” có vẻ tiện lợi cho đời sống công nghiệp vốn rất ít thời gian rảnh rỗi. Đọc truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt, theo tôi, không thể vội vã.

Vì lẽ đó mà tôi gọi Về lại mảnh vườn xưa là một cấu tứ bao trùm những truyện ngắn hay nhất của Vũ Minh Nguyệt. Viết truyện ngắn mà thiếu sự tìm tòi cấu tứ thì khác nào ngọn cờ thiếu gió sẽ ủ rũ. Tôi nhìn thấy rất rõ, Vũ Minh Nguyệt có ý thức tìm tòi những cấu tứ mới mẻ và độc đáo trong các truyện Người đàn bà và cái tổ sẻ ri, Người trở về sau chiến tranh, Tiếng sáo, Về lại mảnh vườn xưa, Những người đàn bà ở bến sông, Hoàng hôn của cha, Đồng quê, Trăng mọc trên đỉnh núi… Điển hình tìm tòi cấu tứ truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt là tác phẩm Bầu trời qua ô cửa đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2001-2002: “Cô gái tật nguyền buồn tẻ, tù túng trong căn phòng, nhìn đời sống qua ô cửa sổ và cô không cảm được cái ồn ào, ngổn ngang, sinh động ở bên ngoài, nên cô chỉ vẽ ra những bức tranh nhàn nhạt, tẻ nhợt. Chỉ đến khi chàng trai lạ không tặng hoa cô giáo Hiền và họ không ôm hôn nhau như thường thấy nữa, mà chàng trai đem bó hóa ấy tặng cô gái vẽ tranh tật nguyền thì “lần đầu tiên, bầu trời ngoài ô cửa vỡ òa ra…“. Nhà văn Lê Lựu chấm thi chung khảo đã có những nhận xét rất tinh tường về cái chớp lóe sáng của tứ truyện ngắn này: “Chỉ đến khi Vũ Minh Nguyệt dựng lên khung cảnh phía ngoài cửa sổ ấy, để cho sự yên lặng tẻ nhạt, lạnh lẽo như chết ở phía trong cửa sổ như sống lại, thấy xốn xang, phập phồng… thì ta mới ‘à’ lên rằng đúng quá, hay quá, như chính mình đang thổn thức đấy, đang mong đợi, đang khát cháy đấy“.

Là người theo sát bước đường viết văn của Vũ Minh Nguyệt, tôi biết Nguyệt không thể viết về đời sống của cư dân thành thị sành điệu như các nữ văn sĩ Lê Minh Khuê, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Châu Giang, Phong Điệp… được. Tuy đã sống ở Hà Nội vài chục năm có lẻ, nhưng Nguyệt chưa chắc đã thấu thị được cái “vũ điệu thị dân” nhiều khi đến chóng mặt chóng mày này. Vì thế mà những truyện viết chưa tới, chưa đạt, chưa hay của Vũ Minh Nguyệt về chốn thị thành là điều dễ. Theo tôi, mỗi người có một cái “tạng văn” khác nhau. Có lần tôi đùa với Minh Nguyệt rằng: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người tìm chốn lao xao“. Tôi thấy Vũ Minh Nguyệt trở nên tinh tế và đắm đuối khi trải lòng mình để viết những chuyện nho nhỏ trong mảnh vườn xưa yêu dấu chìm trong mưa bụi ẩm ướt, ở đó con người có thể lâng lâng trong trạng thái say say. Chính cái mảnh vườn nhỏ hoang hoải ấy đã nhen lên bao ước mơ mát lành, tinh khiết của con người. Mỗi người trong chúng ta đều đã lớn lên từ mảnh vườn xưa ấy.

Có người nhận xét văn của Vũ Minh Nguyệt hơi điệu đàng. Riêng tôi, có lúc tôi chợt cười thú vị một mình khi đọc truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt, cứ váng vất nhớ tới hơi văn và khẩu khí văn chương của một thời Tự lực văn đoàn xa ngái.

Tôi biết Vũ Minh Nguyệt đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhưng, tôi chỉ kì vọng Vũ Minh Nguyệt trong truyện ngắn mà thôi. Bởi vì, hình như có một quy luật bất thành văn: chính thể loại chọn nhà văn chứ không phải nhà văn chọn thể loại. Không biết là đúng hay không đúng, xin nhờ Vũ Minh Nguyệt trả lời hộ!

Hà Nội, tháng 11.2011
Bùi Việt Thắng

Theo Văn học Sài Gòn