Nhà văn Y Ban: AI có thể thay thế được nhà văn, nhà thơ khi tất cả con người đều biến thành robot

175

Trong tác phẩm “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” xuất bản năm 2012, tôi đã viết: “Internet ngày một phát triển, các mạng xã hội ngày càng phát triển, Google là một ông kễnh khổng lồ. Tương lai hứa hẹn Kap cũng sẽ là một ông kễnh trong thập niên tới…”. Sau 10 năm, trí tuệ nhân tạo đã tương tác với con người như một con người thực sự và có thể tham gia vào công việc sáng tác điều tưởng chừng như con người mới có được.


Nhà văn Y Ban

Trò chơi hủy diệt cảm xúc” ra đời trong bối cảnh tôi thấy rằng là tất cả mọi người lúc nào cũng cầm điện thoại, lúc nào cũng tình yêu online và tôi tự hỏi tình yêu online có giống như tình yêu đích thực hay không?

Tôi thấy nó còn ghê gớm hơn tình yêu truyền thống. Khi chúng ta gặp nhau, nhìn vào mắt nhau có khi còn không nói nên lời, đây lại không nhìn thấy mặt nhau mà con chữ vẫn tuôn ra vô kể, nó cũng làm người ta thăng hoa, cũng làm người ta buồn, vui nhưng thực sự thì chỉ là sự tưởng tượng trong đầu được dẫn dắt bởi dòng tin nhắn.

Từ thực tế như vậy tôi đã viết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”. Chúng ta phải nhìn vào hiện thực bây giờ. Thực ra các nhà văn cũng phổ cập công nghệ rất nhiều. Nếu như tôi lựa chọn theo truyền thống thì tôi không có những trang viết như vậy. Đó cũng nói lên một điều là nhà văn nhà thơ ngoài việc truyền tải cảm xúc và vấn đề của xã hội thì cũng có chức năng dự báo.

Trong cuộc sống hiện đại gấp gáp như thế này, cái gì cũng chỉ cần hỏi “ông Google”, chúng ta trở nên quá lười biếng, trở nên vô cảm thì cũng không cần nhà văn, nhà thơ nữa. Thực chất trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người tạo ra. Nếu không có chúng ta làm sao có trí tuệ nhân tạo. Tất cả ngôn ngữ để viết ra văn, thơ đều do những nhà lập trình, họ cũng phải lấy nguyên liệu câu chữ từ chúng tôi, từ nhà văn, nhà thơ, và của nhiều người khác sáng tạo ra. Nếu chúng ta cứ sống vô cảm thì chúng ta sẽ thành robot.

Vì thế tôi nghĩ rằng trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người bởi khi chúng ta trở thành một robot. Mà quá trình con người trở thành người máy đang đến rất gần. Mỗi chúng ta đều đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thiết bị máy móc, nhất là những bạn trẻ bây giờ.

Khi chúng ta vô cảm trước tất cả, chúng ta hành động như một người máy, lúc nào cũng nhìn vào màn hình điện thoại, lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào công nghệ mới thì các bạn sẽ từ chối trang viết của chúng tôi. Các bạn sẽ chỉ thích những con robot nó sáng tạo ra cho các bạn những thứ bạn thích. Tôi nghĩ rằng khi mà con người thành robot rồi thì còn ai cần đến một nhà văn nhà thơ bằng xương bằng thịt nữa.

Với các dữ liệu chúng ta cần trí tuệ nhân tạo để làm tốt nhất, nhưng những cái tâm tư tình cảm, những cái phụ thuộc vào trái tim chúng ta thì không một trí tuệ nhân tạo nào có thể thay đổi. Trí tuệ nhân tạo báo hiệu một nguy cơ rất lớn dành cho những người lười, ăn xổi ở thì. Họ sẽ dựa toàn bộ vào trí tuệ nhân tạo mà đánh mất đi cái chất riêng của mình.

Trong đời sống của văn chương nghệ thuật, ngoài việc sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ thì còn một thành phần khác là độc giả. Tôi nghĩ rằng nhà văn nào thì độc giả đấy. Xã hội của chúng ta đang phát triển và không thể định hướng được người đọc. Các bạn trẻ rất thích lướt mạng, đọc ngắn, thích trò giải trí cho nên một số nhà văn trẻ đã nắm bắt rất nhanh nhạy gu người đọc để sáng tác những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tôi vẫn quan điểm rằng văn học đích thực bây giờ viết thực sự rất là khó. Bây giờ mạng xã hội đang chi phối đến vấn đề đọc, viết, xuất bản rất nhiều nên sẽ cực kỳ khó khăn với những bạn trẻ mới sáng tác mặc dù các bạn sáng tác rất tốt nhưng để thị trường chấp nhận ngay thì rất khó.

ChatGPT chỉ có thể dọa được nhà văn… hạng 2


Bài thơ về đề tài trăng  được ChatGPT tạo ra trong buổi tọa đàm “Viết – Đọc trong bối cảnh thời đại  số và trí tuệ nhân tạo

Cuối tháng 3 vừa qua, tại tọa đàm “Viết – Đọc trong bối cảnh thời đại số và trí tuệ nhân tạo” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Ban tổ chức đã thực hiện một “thực hành” với ChatGPT, yêu cầu công cụ này trong vai trò của một nhà thơ, hãy làm một bài thơ 5 chữ viết cho thiếu nhi về đề tài trăng. Rất nhanh sau đó ChatGPT đã viết xong một bài thơ với 4 khổ, đáp ứng đúng yêu cầu của đề tài. Trước sự trả bài nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người cảm thấy thích thú, nhưng khi đọc từng câu thơ mới thấy sự vô cảm trong đó. Bởi ChatGPT chỉ làm nhiệm vụ của một công cụ tập hợp những dữ liệu mà con người đưa cho để tạo nên một sản phẩm mới phảng phất câu chữ của nhiều người.

PGS.TS Phùng Gia Thế – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo trong đó có ChatGPT là một sự thay đổi vô cùng lớn lao của nhân loại. ChatGPT có thể giải đáp cho các bạn một số câu hỏi trong một vài tình huống cực kỳ thông minh nhưng cũng có tình huống chưa sáng suốt vì nguồn dữ liệu tiếng Việt đưa vào chưa thực sự tốt, nếu hỏi bằng tiếng Anh thì nguồn dữ liệu vô cùng phong phú. Nó thông minh hơn ta tưởng. Còn văn học nghệ thuật là câu chuyện của tâm hồn, tình cảm của con người vươn tới cái cao đẹp.

Đó là thứ không một máy móc nào có thể thay thế được. Máy tính không thể thay được nhân tính. Sự thông minh của máy tính không thể thay thế được những xúc cảm của con người. Cho nên đối với người viết thì tôi nghĩ nhà văn chính là người thể hiện những nhạy cảm tinh tế nhất để lắng nghe sự nảy nở hay sự rạn vỡ thầm thì của thời gian, của cuộc đời mà không máy tính nào thay thế được. Bởi vậy ChatGPT chỉ có thể dọa được nhà văn hạng 2 nhưng không dọa được nhà văn đích thực với sự tự tin, những trải nghiệm vui buồn trên mặt đất này thì không có ChatGPT hay AI nào làm được.

ChatGPT đọc nhanh nhưng suy cho cùng nguồn dữ liệu vẫn là những điều con người nạp vào cho nó và nó cũng có đầy những sai sót và nhầm lẫn. Cho nên không bao giờ có thể thay thế được những trải nghiệm đích thực của tâm hồn con người trong cảm nhận về sự sống, về văn chương nghệ thuật.

Theo Phạm Ngọc Hà
Báo Đại Đoàn Kết