Nhạc sĩ Cao Văn Lầu với cung buồn phương Nam

1054

Ai cũng rõ trên sân khấu cải lương thì bản ca vọng cổ luôn là số một và có sức thu hút đặc biệt với khán giả. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) sáng tác hàng chục nhạc phẩm, trong đó “Dạ cổ hoài lang” được coi là bài ca “Vua” của âm nhạc cải lương. Tác phẩm này như suối nguồn cảm xúc khai sinh ra những câu ca vọng cổ ở miền Nam. Bài hát có số phận long đong như cuộc đời nhạc sĩ.

Chuyện tình người chơi nhạc tài tử

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến với âm nhạc sau những năm lăn lộn kiếm sống giang hồ. Cha ông cũng là một tay đờn ca tài tử khá sành sỏi nhưng vì nhà nghèo lại đông con nên phải kiếm ăn từng ngày. Gia đình ông bỏ quê xứ Long An xuôi về Bạc Liêu kiếm kế sinh nhai. Ông là con thứ năm trong nhà nên thường gọi là Sáu Lầu.

Khi đời sống tạm ổn, ở tuổi 16, Sáu Lầu được bố dẫn đến gặp nhạc sư Lê Tài Khị nổi tiếng ở Bạc Liêu để học đánh đàn. Sáu Lầu rất ham mê học hành và cũng đã từng theo bố một thời đi chơi đàn cho các đám lễ, giỗ hay đám ma kiếm ăn. May hồi nhỏ tuổi Sáu Lầu được học hành chút ít chữ Nôm và Quốc ngữ nên sáng dạ học đâu nhớ đó. Những ngón đàn tranh hay đàn kìm Sáu Lầu chỉ học qua một lượt là nhớ nằm lòng.

Nhạc sư rất yêu quý cậu học trò thông minh này. Mấy năm tu luyện, ngón đàn Sáu Lầu càng trở nên réo rắt và rung động lòng người. Một lần nhạc sư giao bài cho các học trò sáng tác một bản nhạc nói về nỗi lòng của người phụ nữ ngóng chồng từ biên cương xa xôi.

Nghe câu chuyện thày kể lại để gợi ý hình tượng âm nhạc Sáu Lầu trăn trở suốt đêm. Trong lòng cảm kích và thương người phụ nữ có tên Nhược Lan kia. Nàng phải xa chồng ba năm đi biệt tích. Ngày ngày nàng mong được gặp lại chồng. Nhiều đêm nàng vò võ ngồi đến sáng thêu những bài thơ mà mình viết ra trong cõi lòng tan tác. Đó là mười bài tứ tuyệt ngóng chồng với nỗi buồn lai láng. Mấy năm trời bức thêu mới xong với những dòng chữ run rảy như những giọt nước mắt buồn thương.

Ngày đứng ngóng chồng. Đêm nàng lại ngồi thêu. Cuối cùng nàng dâng tấm tranh thêu chữ lên nhà vua để bày tỏ tâm nguyện được chồng trở về. Nhà vua cảm động đã ra lệnh cho người chồng lai kinh và được về quê với vợ hiền. Hồn thơ với nỗi buồn mênh mông của người vợ ngóng chồng đã làm Sáu Lầu day dứt xót xa. Một giai điệu rung lên trong trái tim Sáu Lầu. Và cũng trong đêm đó bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” (Nghe tiếng trống nhớ chồng) hoàn thành. Một cảm xúc thảng thốt buồn não nề tràn ngập trong từng nốt nhạc. Sáu Lầu vừa đánh đàn vừa rớm lệ sầu thương.


Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Nhưng rồi mọi chuyện chỉ dừng lại ở bản nhạc chưa kịp soạn lời bởi có những sự cố xảy ra. Nhạc sư phiền muộn trong gia đình nên không nhắc lại bài tập sáng tác của các học trò. Hơn nữa cũng vào năm đó ở tuổi ngoài 20 Sáu Lầu bị bố mẹ gọi về dạm hỏi lấy vợ. Đó là một cô gái nết na xinh đẹp ở miệt Tư Ô gần nhà. Sáu Lầu cảm thấy hạnh phúc vì cưới được người vợ thảo hiền. Nhưng cuộc sống vẫn vất vả như hồi nào. Vợ chồng Sáu Lầu phải đi làm mướn tần tảo nuôi nhau.

Sáu Lầu mải mê cùng vợ kiếm sống hầu như đã bỏ cây đàn chùng dây kín tiếng. Hai người chỉ mong đến ngày có tiếng khóc trẻ thơ. Gia đình Sáu Lầu cũng vậy ngày tháng ngóng chờ. Nhưng rồi năm qua năm người vợ vẫn không có tin vui. Đến năm thứ ba theo tục lệ quê nhà, gia đình đã bắt Sáu Lầu phải trả vợ về gia đình cha mẹ đẻ. Trong ngày cuối cùng vợ Sáu Lầu buồn rầu và ngậm ngùi chia tay trong nước mắt. Tình yêu càng đậm sâu thì nỗi lòng càng tan tác.


Tượng đài nhạc sĩ Văn Cao Lầu.

Ngờ đâu tâm trạng Sáu Lầu còn rũ rượi hơn với tình sầu nặng trĩu. Một lần Sáu Lầu sang thăm vợ thì hay tin nàng đã bỏ đi biệt tăm. Trái tim Sáu Lầu ngỡ như chết lặng. Anh trở về nhà lòng ai oán thói đời bạc ác đã dứt bỏ tình nghĩa phu thê. Trong cái đêm cay đắng đó Sáu Lầu chợt lấy đàn chơi bản nhạc “Dạ cổ hoài lang”.

Lúc này lời ca mới vang lên từng chữ đau đớn trong lòng. Nỗi niềm mong nhớ ngân vang: “Từ là từ phu tướng/ Bửu kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Đêm năm canh mơ màng...”. Sáu Lầu vừa cất tiếng ca vừa chép lại trên tờ giấy vẫn còn thấm nước mắt của vợ.

Sau cái đêm đó Sáu Lầu lần đường đi tìm vợ khắp nơi khắp chốn. Bất ngờ có người báo tin người vợ đang làm công quả trong một ngôi chùa nơi xa. Sáu Lầu tìm đến gặp lại vợ trong niềm vui khôn xiết. Từ đó hai người lại hẹn hò gặp gỡ kín đáo không cho gia đình biết. Một hôm người vợ báo tin vui. Một sinh linh sẽ ra đời. Sáu Lầu sung sướng về báo tin cho cha mẹ biết và xin đón vợ về.

“Dạ cổ hoài lang” xung trận

Từ khi tìm được vợ tâm trạng Sáu Lầu như có gió reo. Mơ mộng với những đứa con chào đời cùng những bản nhạc mới vang lên. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tham gia nhóm nhạc đờn ca tài tử. Sau đó ông còn được mời làm trưởng ban nhạc của một đoàn hát. Cái tên Cao Văn Lầu nổi bật khi trình làng bài ca “Dạ cổ hoài lang” vào năm 1919. Bài ca đã gây chấn động làng cải lương miền Nam. Hầu như nghệ sĩ nào cũng trình diễn nó như một tiết mục đinh trong các đêm hát.

Nhưng điều bất ngờ hơn là từ giai điệu âm nhạc này không ít nhạc sĩ đã dùng làm cơ sở sáng tạo với những tiết điệu mới cùng những cung bậc mở rộng tạo nên những bài vọng cổ đặc sắc. Đây là sự mới lạ trong nghệ thuật cải lương Nam bộ. Người sáng tạo đầu tiên biến thể bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” thành những câu vọng cổ phải nói đến soạn giả kiêm nhạc công Tư Chơi ở Mỹ Tho. Từ đó một số nhạc sĩ khác phát triển nhịp tăng dần làm cho những câu vọng cổ da diết và nhiều mầu sắc biểu đạt tâm trạng. “Dạ cổ hoài lang” có sức sống lâu bền. Cho đến nay đã tồn tại hơn 100 năm.

Nhưng có câu chuyện ít ai ngờ tới là “Dạ cổ hoài lang” đã cùng Cao Văn Lầu đi kháng chiến và tham gia một trận đánh tại nhà tù Bạc Liêu. Bởi lẽ gia đình nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sớm tham gia cách mạng. Bốn con trai ông đã nhập quân ngũ. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu hoạt động kháng chiến từ sớm. Ông đã tổ chức những đêm nhạc phục vụ trong trại giam Bạc Liêu để đánh lạc hướng kẻ địch tạo thời cơ cho đội đặc công vào giải cứu các chiến sĩ tử tù (năm 1947).

Đó chính là các chiến sĩ kiên trung của cách mạng sắp bị giặc đưa ra xử bắn. Nhiệm vụ của ban nhạc của Cao Văn Lầu thu hút sự tập trung của bọn lính gác. Bài ca “Dạ cổ hoài lang” cùng các tiết mục khác khiến những tên lính say mê không còn để ý chung quanh. Đến đêm diễn thứ ba, khi tiếng trống cùng dàn nhạc vang lên dồn dập cũng là lúc lực lượng đặc công của ta phá khóa đưa những chiến sĩ tử tù thoát ngục biệt giam. Sau đó ban nhạc của ông hoạt động khắp đó đây phục vụ các đơn vị trong vùng kháng chiến tự do.

Khu vườn âm nhạc

Câu chuyện nhạc sĩ Cao Văn Lầu dùng âm nhạc để cứu tử tù đã được chính quyền công nhận và có giấy xác thực của nguyên Bí thư tỉnh Bạc Liêu. Hiện chứng thực này đã được bày trong Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (ở TP Bạc Liêu). Người ta coi đây là một khu vườn âm nhạc mỗi khi tổ chức thi hát đờn ca tài tử. Điều kỳ thú nhất trong khu vườn này chính là những dấu ấn của các bậc thang đi lên tượng đài âm nhạc. Chúng được bố trí đánh số các bậc 2-4-8-16-32-64. Đó là hình ảnh cho sự phát triển những câu vọng cổ và mở đầu của chúng là số 2 (Nhịp của bài ca “Dạ cổ hoài lang”).

Bạc Liêu được coi là cái nôi nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển mạnh nhất Nam bộ. Phía sau biểu tượng chiếc đàn kìm là tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản nhạc vua của ông. Chung quan đó trưng bày các nhạc cụ biểu diễn đờn ca tài tử được điêu khắc bằng đá xanh. Những bài ca luôn luôn vang lên trong khu vườn nghệ thuật Cao Văn Lầu. Đó là một thế giới tràn ngập những thanh điệu về tình yêu thương con người mãi mãi không bao giờ tàn phai.

Theo Vương Tâm/VNCA