Đón xuân Canh Tý 2020, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ bước sang tuổi 84, nhưng vẫn khỏe mạnh và hóm hỉnh bên cạng người bạn đời là nhà thơ Lê Giang. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như “Chiều trên bản Mèo”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Bài ca đất phương Nam”… Còn trái tim yêu đương của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng bao phen lận đận gió mưa trước khi bình yên bên một “nàng Cà Mau” theo cách gọi riêng ông!
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vốn họ Lê, sinh ra và lớn lên ở Thủ Dầu Một – Bình Dương. Chập chững vào đời, ông từng mơ ước trở thành thi sĩ. Mùa hè năm 1953, chứng kiến người dân thành kính chôn cất một chiến sĩ Việt Minh đánh bót Lò Heo vừa hy sinh, chàng trai Lê Văn Gắt 17 tuổi đã viết bài thơ “Mồ chiến sĩ” gửi in báo Dân Ta ở Sài Gòn, ký bút danh Lư Phong: “Cho tôi hưởng chút tinh thần ấy/ Cho kiếp người tôi dạn gió sương/ Tôi xin thề quyết liều thân trẻ/ Giải phóng cho đời cảnh đau thương”.
Tháng 7- 1955, thi sĩ trẻ Lư Phong vượt tuyến ra Bắc, và tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong làm việc ở Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống, đến năm 1956 mới thi vào học Trường Âm nhạc VN. Những ngày nhàn rỗi ở thủ đô, thường đến phố Tôn Đản để thăm một gia đình miền Nam tập kết là nhà má Thế. Người con gái thứ chín của má Thế có tên là Vũ đang học trường học sinh miền Nam khiến thi sĩ trẻ Lư Phong say mê. Nhân dịp Trường Âm nhạc VN làm trang báo tường chào mừng Xuân Đinh Dậu 1957, thi sĩ trẻ Lư Phong viết bài thơ “Giờ chia ly” tham gia và đổi bút danh thành Lư Nhất Vũ. Bút danh thể hiện sự si tình rất rõ ràng, Lư Nhất Vũ nghĩa là chàng Lư Phong chỉ yêu duy nhất một nàng tên Vũ. Đồng thời, ca khúc đầu tay “Gửi bạn Algerie” cũng dùng bút danh Lư Nhất Vũ luôn. Nàng Vũ cũng đáp lại tấm lòng ngưỡng mộ của Lư Nhất Vũ, nhưng mối duyên ấy kéo dài không bao lâu. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ hồi ức: “Cuối năm 1958, tôi cùng Nguyễn Đồng Nai, Đình Hùng được nhà trường cho đi chữa bịnh tại An dưỡng đường sinh viên Á Phi Bắc Kinh. Được 3 tháng trở về Hà Nội tiếp tục học lại. Và cũng từ thời gian này, tôi và cô ấy chia tay nhau. Bạn bè gọi đùa tôi là Lư Mất Vũ!”.
Mối tình thứ hai của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng xảy ra ở Hà Nội. Đây là thời điểm nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã có bài hát “Chiều trên bản Mèo” đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Gió Đại Phong – Sóng Duyên Hải – Cờ Ba Nhất” nên cũng là một gương mặt văn nghệ Nam bộ khá được yêu mến. Yêu một cô sinh viên văn khoa thuộc loại “hàng hiếm” trong số những người tập kết, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rất chiều chuộng người đẹp. Ông kể: “Cứ mỗi chiều thứ bảy nghỉ học, tôi cuốc bộ vào Trường Đại học để “săn đón” người tình, bất kể trời mưa, gió rét, đường sình lầy. Có những đêm trăng gió mát hoặc những đêm trời se lạnh, hai đứa sóng đôi dạo trên đường làng. Rồi dự định: hè 1962, tôi tốt nghiệp. Hè 1963, cô nàng ra trường. Và năm 1964 thì chúng tôi tổ chức đám cưới. Đúng như kế hoạch, năm 1964 có đám cưới thiệt, nhưng trớ trêu thay, chàng rể không phải là tôi!”. Lỗi tại ai? Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cười, chắc do nợ nần với nhau chỉ có chừng ấy thôi!
Qua năm 1965, Lư Nhất Vũ sơ tán ở làng Ải – Bắc Giang, thì có mối tình thứ ba với một cô gái nội đô, tên HT, làm ngành thương nghiệp. Nguyên nhân để họ quen nhau là HT cần ca khúc “Hàng em mang đến chiến hào” của Lư Nhất Vũ để tham gia hội diễn văn nghệ. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ thú nhận: “Đây là một mối tình đầy chất lãng mạn, cháy bùng lên dữ dội”. Sau vài lần thư đi thư lại, nàng HT gửi cho nhạc sĩ chưa lần tao ngộ một bài thơ có sáu câu “Khi bếp lửa cháy lên câu tình tự/ Chim gõ nhịp đêm, gió thổi sáo đàn/ Những cặp tình nhân ở khắp thế gian/ Dễ thành thi nhân hay thành trẻ nhỏ/ Một chiếc khăn mù soa ta biến thành buồm căng lộng gió/ Đi tới cõi vô cùng”. So với hai mối tình trước, thì mối tình thứ ba có vẻ nhiều đồng điệu hơn hẳn. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rộn ràng bước vào chuyến phiêu lưu êm đềm mới: “Trong cái rét mưa lẫn mưa phùn lất phất của gió mùa đông bắc, tôi hát nghêu ngao phổ nhạc sáu câu thơ trên thành một bài tình ca với phần đệm piano hẳn hoi. Tôi nắn nót từng nốt nhạc, chép thành bản nhạc bướm xinh xắn. Ngoài bìa vẽ minh họa cây đàn piano có cái nắp được chống lên. Khoảng 3 giờ khuya, tôi đạp xe vượt trên 50 km về Hà Nội để kịp “đón lõng” cô nàng trước giờ đi làm. Tôi nép mình sau gốc cây đối diện cái ngách nhỏ trên phố Bà Triệu. Trời rét cóng mà trái tim tôi đang “quậy” phập phồng trong lồng ngực. Khoảng 30 phút thì “bóng hồng” xuất hiện. Nàng công chúa không ngồi trong kiệu mà đạp xe hiệu Favorist sáng giá. Tôi bám theo như thám tử tư trong phim hình sự”. Kết quả, nàng HT dung mạo kiều diễm khiến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ suýt ngất.
Quá tam ba bận, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đinh ninh đã tìm được hồng nhan tri kỷ. Phẩm chất thi sĩ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lại thức dậy cồn cào, ông làm bài thơ có tựa “Bài ca về tên đạo chích” dài đến 40 câu để tặng nàng HT: “Có phải anh là tên đạo chích/ Lén chui vào cửa sổ tâm hồn em…/ Dày vò anh đi! Cứ tra khảo từng giây/ Em sẽ thấy tên tù này không phản phúc/ Không phá khám, cũng không thèm vượt ngục/ Anh chỉ cần một mảnh chiếu manh”.
Thời gian yêu nàng HT, miền Nam có sự kiện lớn là Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Trong khi các nhạc sĩ khác đều có sáng tác hưởng ứng nhiệt liệt, như nhạc sĩ Đỗ Nhuận có ca khúc “Đô thành nổi dậy”, nhạc sĩ Trọng Bằng có ca khúc “Bão nổi lên rồi” hoặc nhạc sĩ Hồ Bắc có “Sài Gòn quật khởi”, khiến một nhạc sĩ Nam bộ như Lư Nhất Vũ rất sốt ruột. Ông đóng cửa suốt cả tuần, không mơ tưởng gì đến nàng HT để sáng tác. Dựa theo âm hưởng của điệu “Lý con sáo sang sông”, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã có được ca khúc về lực lượng nữ dân quân đô thị góp sức cho cách mạng: “Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang. Sương đêm, sương đêm ướt đầm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân…”. Ca khúc ban đầu có tên là “Đội nữ tải đạn Sài Gòn”, được in trên báo Nhân Dân. Thế nhưng, khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mang đến Đài tiếng nói VN để thu âm, thì nhạc sĩ Lê Lôi và nhạc sĩ Triều Dâng đã góp ý sửa tên thành “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”. Ngày 1-9-1968, ca khúc “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” được phát lần đầu tiên với tiếng hát Vũ Dậu.
Lâu ngày gặp lại nàng HT, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lập tức đem thành quả ra khoe với mỹ nhân. Vừa đạp xe song song với nàng HT, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa hát vang “Chị em ơi, mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta, cùng các anh góp lửa diệt thù. Dù bom rơi, dù bao bốt đồn, mong các anh yên lòng, từng trái pháo tới tay anh…”. Nghe xong, nàng HT nhận định: “Hay thì có hay, nhưng nghe sao buồn quá” khiến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tự ái về giọng ca khàn khàn của mình! Rồi sau đó, nàng HT cũng lặng lẽ về làm dâu nhà người khác. Đau đớn và bẽ bàng, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kết luận: “Mấy chục năm sau, người trong cuộc cũng không hiểu rõ nguyên nhân nào mà mối tình này không tiến đến hôn nhân. Ở đời, tôi thường hay gặp chuyện tình trái khuấy, tréo ngoe: hễ có duyên thì chưa có phận, mà hễ có phận thì không có duyên!’
Đầu năm 1970, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vượt Trường Sơn vào Căn cứ trung ương cục miền Nam. Sau 15 năm sống trên đất Bắc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa đặt chân đến Tân Biên – Tây Ninh thì bị sốt rét. Tình cảnh thê thảm như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ miêu tả: “Tóc tôi đã rụng gần hết. Bụng to chong bóc lớn hơn trái dưa hấu. Đùi, tay chân bị teo lại. Hễ ăn thịt cá thì bị trả giá bằng một cơn sốt khủng khiếp. Tôi có thể ăn một hơi mấy thau cơm, một rổ me sống”. Thế nhưng, một người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời ông đã xuất hiện, mà ông tha thiết: “Nàng với tiếng chày giã lá thuốc rừng miền Đông khi chiều xuống, nàng đã đem sự sống cho tôi. Nàng Cà Mau!”. Đó là nữ sĩ Lê Giang, vốn công tác ở Ban Dân y, rồi chuyển sang làm tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ . Nữ sĩ Lê Giang lớn hơn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đến 6 tuổi. Từ năm 1945, nữ sĩ Lê Giang đã tham gia kháng chiến ở quê nhà Cà Mau, sau đó tập kết ra Bắc học hành, và trở về R từ năm 1963.
Khi gặp nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở Căn cứ trung ương cục miền Nam, thì nữ sĩ Lê Giang đã có một đời chồng và hai đứa con. Tác phẩm kết nối họ là nhạc cảnh “Tiếng cồng vượt thác”, mà bối cảnh vẫn còn rất rõ nét trong trí nhớ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Tôi bị sốt rét cách nhật. Mỗi lần lên cơn sốt cập nhiệt hơn 40 độ. Tôi vừa run lẩy bẩy vừa lẩm nhẩm một số giai điệu. Nhà thơ Lê Giang viết lời hát đến đâu, tôi phổ nhạc tới đó”.
Cuộc đời quả có những sự đưa đẩy hữu tình. Tác phẩm đầu tiên ký bút danh Lư Nhất Vũ là bài thơ “Giờ chia ly” mà ông viết bằng sự tưởng tượng “Nàng đứng trên Mũi Cà Mau/ Bóng in lên sóng biển/ Áo bà ba quyến luyến/ Cánh khăn rằn âu yếm ngọn tràm xanh”, không ngờ số phận lại cho ông gắn bó với một phụ nữ Cà Mau thật sự. Khi cơn sốt rét đi qua, thì không điều gì có thể tách lìa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ra khỏi nữ sĩ Lê Giang nữa. Tháng 5-1974, Ban Văn nghệ Giải Phóng đã sắp xếp cho cặp đôi Lư Nhất Vũ – Lê Giang một chuyến công tác về tận U Minh, để ông có được cảm giác bay bổng: “Sau ba tháng hành quân chúng tôi đặt chân trên chót mũi Cà Mau. Ôi, quê vợ đây rồi! Sao em sinh ra trên cái Đất Cuối Trời này chi vậy, để cho hai đứa ta lặn lội hụt hơi…”. Đáp lại chân tình của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang có bài thơ “Em vẫn đợi anh về” tặng ông: “Năm tháng đội mưa rừng/ Ngày đêm vùi sương núi/ Em vẫn chờ vẫn đợi
Anh sẽ về với em…/ Đợi phút giây bình yên/ Chờ đạn bom ráo tạnh/ Để được ngồi bên anh/ Để được yêu được giận/ Để được hờn được ghen/ Để vui và ưu phiền/ Để làm chồng làm vợ”.
Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang là hai mảnh ghép hoàn hảo, dù cả hai đã nếm trải không ít gập ghềnh và đắng cay. Họ cũng nhau làm nên những ca khúc được ưa chuộng như “Hãy yên lòng mẹ ơi” hoặc “Bài ca đất phương Nam”, và cùng nhau làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như “Hò trong dân ca người Việt”, “Hát ru Việt Nam”, “300 điệu lý Nam bộ”…
Tuy Hòa