Nhạc sĩ Thế Hiển – Hành trình của những ca khúc nổi tiếng

1759

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhạc sĩ Thế Hiển được công chúng biết đến qua những ca khúc nổi tiếng đi vào lòng người từ mấy mươi năm qua như: Nhánh lan rừng, Hát về anh, Tóc em đuôi gà, Nhong nhong nhong, Chuyện đời xưa đời nay… Nhân dịp xuân về, nhạc sĩ Thế Hiển có cuộc trò chuyện khá thú vị về hoàn cảnh ra đời những ca khúc do anh sáng tác.

Nhạc sĩ Thế Hiển

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng nhạc sĩ Thế Hiển vẫn còn hăng say sáng tác và hoạt động khá sôi nổi trong các lãnh vực nghệ thuật. Anh luôn tham gia các chuyến đi biểu diễn từ Nam ra Bắc, từ đất liền cho đến hải đảo xa xôi. Trong một lần cùng ngồi nhâm nhi, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều về hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc qua những cảm xúc khác nhau, ở nhiều vùng đất khác nhau.

Anh kể, ca khúc đầu tiên “Bong bóng bay” được anh viết vào năm 1982, lúc đó anh còn chơi nhạc theo kiểu nghiệp dư, sinh hoạt và ca hát trong CLB Ca sĩ trẻ tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Không ngờ ca khúc này sau đó được lan tỏa, được nhiều nhạc sĩ đàn anh trong CLB Sáng tác trẻ như Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Ánh, Vũ Hoàn, Nguyễn Ngọc Thiện ủng hộ và động viên anh viết tiếp.

Cũng từ đây, mọi thứ đã thay đổi trong anh. “Lúc bấy giờ, những ca khúc cách mạng mới thật sự được tự do phổ biến rộng rãi. Còn trước đó, đa số sinh viên tụi tôi được nghe là những ca khúc phong trào học sinh, sinh viên không hà. Nghe nhạc cách mạng, tôi ngộ ra rằng: Âm nhạc cách mạng đích thực là đây! Âm nhạc đích thực luôn gắn với vận mệnh đất nước. Từ đó, tôi thay đổi quan điểm sáng tác từ khi được nghe lời khuyên của chú Sáu Dân, tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là dịp trong một lần đón đoàn cùng dùng cơm với chú, tôi đã hát cho chú nghe bài này. Nghe xong chú bảo các cháu hãy bớt cái tôi của mình đi, tình hình biên giới đang rất căng thẳng, hãy đến đó mà chia lửa với anh em bộ đội” – NS Thế Hiển nói.

Đến năm 1983, trong một chuyến đi biểu diễn tại biên giới phía Bắc, anh đến Đặc khu Quảng Ninh và trực tiếp nhìn thấy cảnh sinh hoạt và chiến đấu của những người lính nơi đây vô cùng gian khổ và căng thẳng. Như để cổ động tinh thần chiến sĩ luôn vững chắc tay súng bảo vệ biên cương, anh đã viết bài hát thứ hai với tựa đề “Hát về anh” như để tặng cho cán bộ chiến sĩ nơi đây. Bài hát sau đó được chính tác giả và nhiều ca sĩ hát, được nhạc sĩ Triều Dâng cho phát sóng trên đài truyền hình TPHCM. Điều đặc biệt là bài hát này không những được công chúng đón nhận mà hầu người lính nào cũng thuộc lòng qua nhiều thập kỷ.

“Cái tên Thế Hiển lúc đó được nhiều người biết đến và yêu mến, họ luôn dành cho tôi thứ tình cảm rất đáng trân trọng. Đấy chính là động lực để tôi luôn sáng tạo và cống hiến. Từ đấy tôi bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp và hăng say trong công việc sáng tác. Thế rồi hàng loạt các ca khúc được ra đời và được đón nhận, đặc biệt ca khúc “Nhánh lan rừng” đã để lại nơi tôi rất nhiều kỷ niệm”, Thế Hiển tâm sự.

Nhạc sĩ Thế Hiển được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao động hạng 3

Năm 1986, anh xin mẹ cho phép được theo đoàn Bông Sen đi biểu diễn tại Mặt trận 479 khóc liệt ở Cambodia. Mẹ anh đồng ý và ký giấy, anh lập tức lên đường sang Cambodia cùng với các anh em văn nghệ trong đoàn. Trong những ngày biểu diễn ở đây, anh tận mắt chứng kiến nhiều chiến sĩ lập công được về phép theo quy định. Điều làm anh chú ý là mỗi chiến sĩ về phép đều mang theo một nhánh lan rừng mà họ đã hái trong những ngày đánh địch ở tận rừng sâu, để hy vọng nếu được về phép sẽ mang về quê hương như món quà tặng của núi rừng biên giới. Hình ảnh đó đã làm cho anh xúc động và ngay lập tức anh đã viết bài hát “Nhánh lan rừng” ngay tại Bộ chỉ huy mặt trận. Và chính bài hát này đã nâng anh lên một tầm mới, khẳng định được tên tuổi khi anh liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng, được công chúng yêu mến, đồng nghiệp quý trọng .

“Dù đã sáng tác được nhiều bài hát gây được tiếng vang, tuy nhiên khi đó tôi viết nhạc chưa qua trường lớp gì cả. Sau này, được nhạc sĩ Xuân Hồng khuyên nên đi học Đại học sáng tác để viết vững tay và có nội lực hơn. Vậy là sau 5 năm, từ năm 1995, tôi đã hoàn thành bậc Đại học Sáng tác và Thanh nhạc ở nhạc viện”, nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ.
Với NS Thế Hiển, chỉ có đi mới nghe, mới thấy và cảm nhận được đất nước, con người và viết ra những điều mình biết, mình yêu và trăn trở. Thế nên, đa số những ca khúc của anh ra đời đều từ những chuyến đi thực tế ấy: “Chuyện đời xưa chuyện đời nay” viết năm 1984 trong chuyến đi biểu diễn phục vụ công nhân tại công trình nhà máy Thủy điện Trị An; “Nhánh lan rừng” viết năm 1986 trong chuyến đi phục vụ văn nghệ cho bộ đội tình nguyện tại mặt trận 479 khốc liệt của vùng biên giới Tây Nam (Xiêm Riệp, Campuchia); “Vỏ ốc biển” sáng tác năm 2012, là 1 trong 5 ca khúc mà anh viết về biển đảo quê hương nhân chuyến đi công tác nhiều ngày tại quần đảo Trường Sa. Ca khúc này được NS Thế Hiển sáng tác ngay trên tàu và cũng trong chuyến đi ấy, chính anh đã biểu diễn phục vụ các anh chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió… Người ta bảo NS Thế Hiển viết nhật ký bằng âm nhạc cũng là vì thế.

Ngoài những sáng tác về người lính, thanh niên tình nguyện, công nhân, về quê hương… NS Thế Hiển còn viết rất nhiều ca khúc về đề tài xã hội: những nạn nhân chất độc màu da cam, những trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, về người dân bị thiên tai lũ lụt… Đó là những: “Dấu chấm hỏi”, “Người mẹ và hoa sứ trắng”, “Mỗi trái tim một tấm lòng” “Người phu xe”,… Bên cạnh đó, sự đa dạng trong phong cách sáng tác của Thể Hiển còn thể hiện ở chỗ, anh còn viết những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân ca Nam Bộ như “Hoàng hôn màu tím”, dân ca Bắc Bộ như “Cho dù có đi nơi đâu”, hay “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” mang âm hưởng dân tộc Chăm…
Có thể nói, sáng tác của NS Thế Hiển đã len lỏi vào tận mọi ngõ ngách của cuộc sống.

NS Thế Hiển hiện đang sống trong căn hộ chung cư nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Tôi hẹn gặp khi anh vừa đi biểu diễn từ Trường Sa về. Anh tâm sự: “Hơn 40 năm theo nghiệp sáng tác và ca hát, tôi vẫn phơi phới sự nhiệt tình, niềm lạc quan, vẫn đi, vẫn sáng tác và ôm đàn cất cao tiếng hát. Tôi luôn yêu thành phố này và anh tự hào vì được sống ở đó. Hơn 40 năm trôi qua, dù có đi đâu thì rồi thì tôi vẫn quay về cái tổ ấm của mình. Cả khi tôi có cơ hội định cư ở nước ngoài cùng vợ con nhưng tôi vẫn từ chối”.

Cũng chính vì tình yêu ấy, nên nhạc sĩ Thế Hiển đã dồn rất nhiều tâm huyết để viết nên ca khúc “Tự hào thành phố tôi yêu”. Tác phẩm được tác giả xem như một khúc khải hoàn ca cho những năm tháng đã sống và gắn bó với thành phố thân yêu mang tên Bác.

Theo MT&ĐT

.