Nguyễn Công Thanh-Nguyễn Thị Cúc
(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm mở đầu, cũng là đỉnh cao của thể loại truyện truyền kỳ trong văn học trung đại Việt Nam. “Áng văn hay của bậc đại gia”, “Thiên cổ kì bút” đánh dấu bước phát triển vượt bậc của văn xuôi tự sự chữ Hán Việt Nam về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm.
- Nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục luôn khát khao về tình yêu và hạnh phúc gia đình
Trong nền văn học trung đại Việt Nam có nhiều tác phẩm đề cập đến tình yêu lứa đôi nhưng có thể nói Truyền Kỳ Mạn Lục là tác phẩm đầu tiên các nhân vật nữ được bộc bạch những suy nghĩ, những cung bậc tình cảm của mình trong tình yêu. Dù là người hay tiên giáng trần hoặc yêu tinh, ma quái; dù là nhân vật chính diện hay nhân vật phản diện nhưng ở họ có một điểm chung là luôn khát khao yêu đương và sẵn sàng hy sinh vì tình yêu. Chính họ đã tạo nên những mối tình trong sáng, đẹp đẽ, thủy chung đầy mơ mộng.
Truyện nàng Túy Tiêu là một bản tình ca về tình yêu. Túy Tiêu dù chỉ là một món quà ông Nguyễn tặng cho Dư Nhuận Chi nhưng nhờ thông minh và sắc đẹp, nàng đã chinh phục được trái tim của chàng. Họ say mê nhau, mến phục nhau và trở thành cặp “trai tài gái sắc” chứ không còn ranh giới ông chủ- nàng hầu. Đây là một cuộc gặp gỡ thú vị, đầy bất ngờ, đưa họ về sống chung dưới một mái nhà hạnh phúc. Sức mạnh tình yêu giúp con người vượt thoát lên tất cả, xóa nhòa mọi ranh giới, đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, nhấn chìm mọi toan tính nhỏ nhen, triệt tiêu mọi xấu xa, đê hèn để sống cao thượng, nhân văn, hóa ra đã có từ thời xa xưa, trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, không coi trọng tình yêu.
Túy Tiêu và Dư Nhuận Chi đang dệt nên mối tình đẹp như mơ thì tai họa ập đến. Sắc đẹp lộng lẫy, thanh tân của nàng đã làm cho quan Thân Trụ Quốc háo sắc mê đắm. Hắn đã sai người bắt Túy Tiêu về phủ làm nàng hầu. Ở đây, nàng được cung phụng, được phục dịch, được cưng chiều như một bà hoàng nhưng Túy Tiêu luôn buồn rầu, ốm đau vì lo lắng và nhớ thương Dư Nhuận Chi. Hơn thế, nàng còn dám bày tỏ một cách mạnh mẽ những suy nghĩ của mình với Thân Trụ Quốc. Thậm chí, nàng còn đem cái chết ra thách thức quan Trụ Quốc nếu như không được gặp Dư Nhuận Chi.
Còn Dư Nhuận Chi cũng tìm đủ mọi cách để cứu Túy Tiêu. Kiện không thành lại bị quan Trụ Quốc lừa thế nhưng chưa bao giờ chàng có suy nghĩ sẽ từ bỏ Túy Tiêu. Cả hai đã cùng nhau nghĩ kế chống lại âm mưu xấu xa, bỉ ổi của tên quan háo sắc. Cuối cùng chàng đã cứu được nàng và sống hạnh phúc bên nhau. Túy Tiêu là tấm gương về lòng chung thủy. Dư Nhuận Chi là tấm gương về tinh thần đấu tranh chống cường quyền để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Cả hai đều có niềm tin vào sức mạnh tình yêu. Và chính sức mạnh đó đã giúp họ vượt qua sự cám dỗ của tiền tài, địa vị, cường quyền.
Truyền kỳ mạn lục đã dựng nên mối tình lãng mạn, đầy mộng mơ giữa người với tiên nữ. Từ Thức và Giáng Hương (trong Truyện Từ Thức lấy vợ tiên) là một mối tình đẹp đẽ đầy thi vị, thể hiện khát vọng tình yêu trong sáng, mãnh liệt của con người. Bằng một hành động nghĩa hiệp “cởi tấm áo cừu gấm trắng đưa vào tăng phòng để chuộc lỗi cho người con gái ấy’’, Từ Thức đã chinh phục được trái tim tiên nữ Giáng Hương. Bởi thế, khi chàng lạc vào hang động, Giáng Hương đã “dẫn” chàng vào cõi tiên. Có thể khẳng định cuộc gặp gỡ lần này do chính Giáng Hương sắp đặt và chủ động đi tìm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Nàng đã bố trí người hầu đón đợi và coi chàng là “lang quân”, bởi thế khi Từ Thức vừa xuất hiện, họ đã reo lên: “Lang quân nhà ta đã đến!”.
Tình yêu của nàng rất mạnh mẽ, gắn kết nhưng không hẹp hòi, ích kỉ. Dù rất yêu thương Từ Thức nhưng khi thấy Từ “buồn bâng khuâng” không ngủ được và bày tỏ nguyện vọng về thăm quê nhà “cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, rồi sẽ đến đây với nàng cùng già ở chốn làn mây bến nước’’, nàng đã gạt lệ để chàng thỏa nguyện.
Những mối tình đẹp đẽ, trong trắng trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ phản ánh khát vọng tình yêu tự do, trong sáng, đẹp đẽ. Đó là những cuộc “tình duyên không mối lái, nghĩa kết keo sơn’’. Nó phá vỡ những nguyên tắc “tam tòng, tứ đức” hà khắc, cứng nhắc của lễ giáo phong kiến.
Bên cạnh những mối tình trong sáng thủy chung, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ còn có những trang viết táo bạo về tình yêu xác thịt và những khoái lạc trần thế. Đó là những mối tình người với yêu ma, người với hồn hoa, hoặc người trần tục với bậc tu hành. Dù là những mối tình hoang đường, hư ảo nhưng cũng là cách phản ánh hiện thực xã hội của tác giả “Thiên cổ kỳ bút”. Nguyễn Dữ để cho họ thoát khỏi cuộc sống thực tại phủ phàng, đạp nhào những giá trị đạo đức cổ hủ, khuôn sáo, được sống với con người bản năng đầy khao khát của mình.
Nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ được chia làm hai mẫu người. Đó là mẫu người phụ nữ chính chuyên và mẫu người phụ nữ mất nết hư hỏng. Khi đề cập đến vấn đề “đời sống ân ái”, nhà văn thường sử dụng mẫu người phụ nữ hư hỏng. Họ đã mạnh dạn tỏ tình, táo bạo giành giật thú vui xác thịt nhằm thỏa mãn ham muốn khoái lạc trần tục. Họ là những con người coi thường lễ giáo phong kiến, theo đuổi tình yêu tự do. Họ quan niệm trời để sống ngày nào thì nên tìm cuộc hoan lạc kẻo một sớm chết đi sẽ không còn nữa. Có thể xem đây là một cuộc vượt ngục trong tư tưởng của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến.
Đào Thị trong Truyện nghiệp oan của Đào Thị là một người phụ nữ luôn khát khao đời sống ái ân. Vốn là một cung nhân xinh đẹp, thông minh, có tài làm thơ, được vua ân sủng nhưng sau khi vua băng hà, nàng bị thải loại ra ngoài phố. Nàng không cam chịu cuộc sống đơn côi, buồn tủi mà vẫn tìm cách quyến rũ đàn ông. Từ quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân cho đến bác sư Vô Kỷ đều không thoát khỏi lưới tình nàng dăng mắc. Dù sư già Pháp Vân không nhận và cảnh báo, cản ngăn: “Người con gái này, nết không cần nguyện, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người; tuy sen hồng chẳng nhuộm bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt. Vậy người nên liệu lời từ chối, đừng để hối hận về sau”. Nhưng bác sư Vô Kỷ không cưỡng nổi sắc dục, đã lờ đi lời dạy của thầy, biến thiền viện thành nơi hành lạc: “Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng Vô Kỷ tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa”.
Còn ở Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Nguyễn Dữ đã mạnh bạo miêu tả cuộc tình tay ba giữ Hà Nhân với hồn hoa Đào, Liễu. Hai nàng đã lả lơi, quyến rũ Nho sinh Hà Nhân. Đến khi Hà Nhân không thể làm ngơ, đứng lại trò chuyện, hai nàng đã mạnh dạn bày tỏ tâm tình của mình: “Chúng em một người họ Liễu, tên gọi là Nhu Nương, một người họ Đào, tên gọi Hồng Nương, nguyên là những tỳ thiếp của quan Thái sư… Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương, để khỏi hoài phí mất xuân quang’’. Từ đó, Hà Nhân trễ nãi việc đọc sách thánh hiền, suốt ngày đêm vịnh thơ và ngụp lặn trong bể ái :“Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào nghiêng ngả” với Đào, Liễu.
Trong Truyền kỳ mạn lục, không ít phụ nữ đã trở thành yêu tinh, ma quái nhưng vẫn khao khát đời sống ái ân. Nhị khanh trong Truyện cây gạo dù “chết nửa năm, hiện quàn ở ngoài đồng” nhưng đêm đêm vẫn hiện thành cô gái đẹp, chủ động quyến rũ chàng thương gia Trình Trung Ngộ. Nàng đã sử dụng sắc đẹp, tiếng đàn lả lướt để khêu gợi. Khi “cá đã cắn câu” nàng táo bạo bày tỏ sở nguyện của mình: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm thấy thú vui, kẻo một sớm chết đi sẽ thành người ở suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa’’. Sau khi đưa nhau xuống thuyền, nàng chủ động đề nghị: “Ngày tháng quạnh hiu không người săn sóc. Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mần khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén hơi xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa’’.
Dù là người hay ma quái hiện hình nhưng nhà văn luôn thể hiện sự đồng cảm với khát vọng ái ân của người phụ nữ, coi đó là nhu cầu chính đáng của con người. Chính sự đồng cảm ấy đã tạo nên những trang văn say sưa miêu tả những khoái lạc trần thế của con người. Từ Thức treo ấn từ quan say đắm trong mối tình với tiên nữ. Bác sư Vô Kỷ và Đào Hàn Than biến nơi tu hành thành nơi hành lạc. Nho sinh Hà Nhân và Đào, Liễu đắm chìm trong sắc dục.
Trong Truyền kỳ mạn lục, những khát vọng giải phóng bản năng phần nhiều do người phụ nữ chủ động khêu gợi. Các nàng Đào, Liễu (Truyện kỳ ngộ ở trại Tây) đã nói với Hà Nhân: “Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương để khỏi hoài phí mất xuân quang”. Còn Nhị Khanh (Truyện Cây gạo) bày tỏ ước vọng với Trình Trung Ngộ: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui, kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”.
Khác với mẫu người phụ nữ hư hỏng, chủ yếu đi tìm khoái lạc cho bản thân bằng những cuộc tình chớp nhoáng, trong Truyền kỳ mạn lục còn có mẫu phụ nữ chính chuyên, đề cao đạo lý, coi trọng hạnh phúc gia đình. Họ là những người phụ nữ được cưới hỏi theo phong tục truyền thống của dân tộc, có cha mẹ họ hàng hai bên chứng dám như Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu). Đối với họ, người phụ nữ đã có chồng là phải theo chồng, sinh con đẻ cái và chăm lo cho gia đình nhà chồng.
Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương) là mẫu người phụ nữ chính chuyên, trung liệt. Nàng luôn chu đáo, cẩn thận trong thiên chức của một người vợ. Nàng luôn biết cách giữ lửa trong nhà, giữ gìn khuân phép để không xẩy ra “tiếng bấc, tiếng chì” trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Biết chồng hay ghen nên nàng tính toán một cách kỹ lưỡng từ lời nói, cử chỉ, hành động đến việc làm của mình. Lúc chồng ra trận, nàng đã nói: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”.
Từ đó, nàng phụng dưỡng mẹ già, nuôi con thơ, một lòng một dạ chờ chồng nhưng khi bị chồng nghi ngờ, mắng nhiếc và đánh đuổi đi, nàng cho biết ý nguyện của mình: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao”. Trước lúc quyên sinh nàng đã thề với thần sông, khẳng định tấm lòng trong sạch: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.
Còn Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) là tấm gương về lòng chung thủy. Nàng không màng giàu sang, phú quý, một lòng thủ tiết chờ chồng, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác”. Nhưng khi chồng ham mê cờ bạc, mắc mưu gian kế của Đỗ Tam đến nỗi phải gán cả vợ thì nàng đã thắt cổ tự tử chứ quyết không trao tấm thân thanh bạch của mình cho kẻ khác: “Nàng về nhà ôm lấy hai con, vỗ vào lưng mà bảo rằng: Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt ly là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi. Nói xong, lấy đoạn dây tơ thắt cổ mà chết”.
Những người phụ nữ này nhận thức được rằng muốn có hạnh phúc gia đình thì trước tiên phải làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ. Tác giả đã đặt các nhân vật của mình vào chung một hoàn cảnh là có chồng đi xa (một người chồng đi chinh chiến, một người chồng đi cùng cha vào nơi biên ải). Đây được xem là phép thử để kiểm chứng lòng chung thủy và trách nhiệm của người phụ nữ. Đó cũng là “môi trường” để nhân vật tự bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Chi tiết “chiếc bóng” góp phần nói lên tâm niệm về gia đình của Vũ Nương. Khi nàng trỏ tay vào chiếc bóng và nói với con đó là cha con, phải chăng nàng xem người vợ và người chồng luôn gắn bó với nhau như hình với bóng? Và cũng chính từ chi tiết “chiếc bóng”, nàng đã cố gắng tạo ra khoảng cách gần nhất giữa cha và con, tạo nên sợi dây nối tình phụ tử với nhau. Chính suy nghĩ của Vũ Nương về các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã thể hiện khát vọng về một gia đình hạnh phúc.
Khát vọng hạnh phúc gia đình không chỉ có khi họ sống bên nhau trên cõi đời mà còn có cả khi họ đã xa lìa nhau. Dù phải gieo mình xuống nước (Vũ Thị Thiết) hay thắt cổ tự tự (Nhị Khanh) trong nỗi đau oan uổng, tủi nhục nhưng họ vẫn luôn nhớ chồng con, vẫn luôn hoài vọng về mái ấm gia đình nơi trần thế. Cả hai đã quay lại trần gian một lần nữa để gặp chồng trong hạnh phúc đoàn tụ, dù rất ngắn ngủi.
- Nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục là hiện thân của bi kịch
Số phận của người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục là một vấn đề trăn trở cho cả tác giả và độc giả. Dù họ là mẫu phụ nữ chính chuyên hay mẫu phụ nữ hư hỏng, dù tác giả để cho họ sống ở cõi khác hay để Diêm Vương bắt đi thì họ đều chịu chung số phận là rơi vào bi kịch.
Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương) là một mẫu hình phụ nữ lý tưởng (xinh đẹp, đảm đang, chu đáo, thủy chung, yêu chồng, thương con) nhưng vẫn rơi vào bi kịch, phải tìm đến cái chết tức tưởi, oan khuất. Gấp trang sách lại, người đọc cảm thấy bí bức, ngột ngạt và cảm thương vô hạn cho người phụ nữ bạc mệnh, phải chịu nhận bi kịch về lòng chung thủy không được giãi bày. Tại sao một người phụ nữ như thế mà Trương Sinh và cả xã hội phong kiến ruồng bỏ? Ở nàng luôn toát lên vẻ đẹp tuyệt vời về phẩm giá, nhân cách của người vợ, người mẹ. Nàng ý thức một cách rõ ràng, đời người phụ nữ chỉ mong được sống yên ấm cùng người mình yêu thương. Nhưng tất cả những việc làm và phẩm chất tốt đẹp của nàng không cảm hóa được người chồng hay ghen. Chỉ một lời nói dối vô tình của mình với con trẻ, khiến nàng phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Duyên phận hẩm hiu, chồng con ruồng bỏ, tiếng chịu nhuốc nhơ” rồi lao xuống sông tự kết liễu cuộc đời. Thoạt nhìn, đây là cách giải quyết tiêu cực nhưng suy cho cùng đó là con đường duy nhất để nàng chứng minh mình vô tội. Mặc dù tác giả để cho Vũ Nương được sống với Linh Phi phu nhân của Nam Hải Long Vương trong Quy động nhưng thử hỏi một người phụ nữ “có cái thú vui nghi gia nghi thất”, yêu chồng, thương con, nay phải thui thủi một mình, luôn sống trong nhớ nhung, luyến tiếc liệu có hạnh phúc không?
Càng đọc Truyền kỳ mạn lục, chúng ta càng thấm thía nỗi đau của người phụ nữ. Dù họ rất yêu chồng, thương con, gắn kết với gia đình bé nhỏ của mình nhưng hiểm họa luôn rình rập. Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), trong thời gian ở nhà nuôi con để chồng đi cùng cha vào biên ải phải luôn chống chọi với âm mưu của bà cô muốn gã cháu mình cho người giàu sang. Nàng không màng giàu sang phú quý, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để làm đẹp cho kẻ khác” và nhờ người giúp đưa chồng về đoàn tụ nhưng không ngờ lại bị chồng đem ra làm vật thế chấp cá cược trên chiếu bạc, phải đánh đổi bằng cái chết thương tâm. Trọng Quỳ đã đánh cược vợ mình – một người vợ đảm đang, chung thủy – mà không đắn đo, thương tiếc, xót xa. Hóa ra anh ta coi vợ chỉ là một món hàng trao đổi, phục vụ cho sự đam mê cờ bạc đỏ đen của mình!
Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, vị trí của người phụ nữ bị hạ thấp. Họ bị ràng buộc bởi lễ giáo “tam tòng, tứ đức” hà khắc, không có quyền tự quyết định cuộc đời mình. Tiếng nói của họ không mấy giá trị, ít được chấp nhận. Giá như Trương Sinh chịu nghe những lời giải thích của Vũ Nương, Trọng Quỳ nghe lời khuyên của Nhị Khanh thì hai người phụ nữ rất đáng kính trọng ấy đâu phải chịu cái chết thảm thương, oan khuất! Vấn đề ở đây là tiếng nói, vị thế của người đàn ông quá lớn. Xã hội ban cho họ những quyền lực tối thượng trong gia đình. Họ gây ra tội lỗi, gây ra cái chết cho người khác nhưng không bị xã hội lên án. Ngay cả những người bị họ đẩy vào đường chết cũng không một lời oán thán, trách móc. Vì thế, bi kịch của những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục không chỉ là bi kịch gia đình mà rộng hơn là bi kịch của cả xã hội phong kiến.
Thoạt nhìn, nàng Túy Tiêu (Truyện nàng Túy Tiêu) là người phụ nữ duy nhất trong mười hai truyện viết về phụ nữ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng để được sống hạnh phúc bên nhau, họ đã phải trải qua những chuỗi ngày đắng cay khi Túy Tiêu bị quan Thân Trụ Quốc háo sắc, nham hiểm cướp về làm vợ. Nỗi ám ảnh về những ngày sống với Trụ Quốc có hành hạ Túy Tiêu không? Liệu tâm hồn nàng có thanh thản sống vui vẻ với chồng như trước nữa không? Ngay cả tác giả cũng đưa ra lời bình khinh thường nàng ở cuối truyện: “Than ôi! Người con gái bất chính, kẻ sĩ trung thường xấu hổ lấy làm vợ. Túy Tiêu là một ả ca xướng, chẳng là người chính chuyên, không hiểu Nhuận Chi ham luyến về cái gì? Vì nàng hiền chăng? Nhưng hết lại vợ Trương lại làm hầu họ Lý? Vì nàng đẹp chăng? Thì hết làm mê Hạ Sái lại làm hoặc Dương Thành… Như chàng Nhuận Chi, thật là một người ngu vậy”. Khi đọc truyện, ta thấy tác giả đã ca ngợi, ủng hộ cuộc đấu tranh để giành lấy hạnh phúc của hai người. Thế nhưng ở lời bình là một thái độ hoàn toàn khác. Dù là tác giả hay người đời sau hạ bút viết lời bình, họ đều dựa vào cái lí của luân thường đạo lí phong kiến. Đây chính là sự mâu thuẫn trong con người tác giả. Mặc dù ông rất yêu đứa con tinh thần của mình và luôn tìm mọi cách cho các nhân vật nữ được hạnh phúc, thế nhưng ông cũng đang rơi vào bế tắc khi tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chủ đạo trong quá trình sáng tác Truyền kỳ mạn lục.
“Công dung ngôn hạnh” là bốn chuẩn mực xã hội phong kiến đặt ra cho người phụ nữ nhưng không phải người phụ nữ nào đạt được những chuẩn mực ấy cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Trong Truyền kỳ mạn lục, ta thấy Vũ Nương và Nhị Khanh là hai thiếu phụ nhan sắc, tài năng, nhân phẩm trở thành khuôn mẫu của người phụ nữ phong kiến. Thế nhưng số phận của họ cũng phải hứng chịu bi kịch bị chà đạp nhân phẩm. Sống tủi nhục, đắng cay, khổ đau, chết oan uổng, tức tưởi.
Cái chết của Vũ Nương trong Truyện người con gái Nam Xương là một cái chết oan khuất đầy tủi nhục. Nàng tìm đến cái chết vì lòng tin bị xói mòn, nhân phẩm bị chà đạp, chịu tiếng nhơ nhuốc ngoại tình. Bi kịch từ đâu đến với một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn như nàng? Tin vào lời nói của trẻ thơ: “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, những chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh đã không cần tìm hiểu, không cho vợ giãi bày, để ngoài tai mọi lời “bênh vực, biện bạch cho nàng” của họ hàng, làng xóm mà phũ phàng đẩy vợ mình vào cõi chết. Nàng chết mà không biết ai đã đặt điều, vu khống! Chết mà không được cất lên tiếng nói bảo vệ phẩm giá của mình.
Cũng như Vũ Thị Thiết, nàng Nhị Khanh trong Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu công dung ngôn hạnh đủ cả mà bị chồng đưa ra làm vật thế chấp trên chiếu bạc, phải tìm đến cái chết tủi nhục. Ngay trong lời bình Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Nguyễn Dữ đã thốt lên: “Có người vợ như thế mà để cho hàm oan một cách ai oán, Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn”. Trọng Quỳ đã coi thường nhân phẩm, giết chết niềm tin trong con người Nhị Khanh. Là người trọng danh dự, phẩm giá, nàng không bao giờ chấp nhận tấm thân ngọc ngà, trong trắng của mình trở thành vật đổi trao, rơi vào vòng tay của kẻ khác. Vì thế, nàng đã chọn cái chết để bảo vệ nhân phẩm và để khẳng định nàng là một con Người.
Khác với Vũ Nương, Nhị Khanh, sau khi chết còn được “sống” ở thế giới khác; Đào Thị trong Truyện nghiệp oan của Đào thị, Thị Nghi trong Truyện yêu quái ở Xương Giang, Nhị Khanh trong Truyện cây gạo số phận vô cùng thảm thương. Đào Thị (Truyện nghiệp oan của Đào thị) là một cung nhân tài sắc, được vua ban cho tiểu tự “ả Hàn Than”. Nhưng khi vua băng hà, nàng bị “thải ra ở ngoài phố”, phải “đi lại nhà quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân” để kiếm sống và sau đó bị vợ ông ta “đánh nàng một trận rất là tàn nhẫn”. Đến khi chết đi, làm yêu ma để trả mối thù xưa lại bị cao tăng Pháp Vân dăng đàn phù yểm. Nắm xương tàn cũng bị họ lấy đá “ném nát ra tro”. Thị Nghi (Truyện yêu quái ở Xương Giang), từ nhỏ đã bị mẹ bán cho một phú ông để lấy tiền “đưa ma chồng về quê”. Vừa lớn lên, nàng đã bị bố nuôi cưỡng dâm, mẹ nuôi ghen tuông đánh chết, dân làng “đào mả tán xương vứt xuống sông”, linh hồn bị bậc đạo nhân bùa yểm, Diêm vương “tống giam vào ngục”. Nhị Khanh (Truyện cây gạo), phải lìa đời năm 20 tuổi, linh hồn quyến rũ được thương nhân Trình Trung Ngộ giàu có, đẹp trai cho đỡ lạnh lẽo nơi suối vàng thì bị người làng đào mả phá quan tài, vứt hài cốt xuống sông cho trôi theo dòng nước. Sau đó bị đạo nhân “lập một đàn tràng cúng tế” để “lính đầu trâu gông trói hai người dẫn đi”.
- Mặc dù ra đời từ thế kỷ XVI, khi xã hội phong kiến Việt Nam mới bắt đầu chuyển từ thời kỳ cực thịnh sang thời kỳ rối ren, khủng hoảng, nội chiến, nhưng Truyền kỳ mạn lục đã có cách nhìn khác đối với chế độ phong kiến. Nhà văn không chỉ mượn yếu tố hoang đường kì ảo để gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian thần nịnh hót đầy triều đình, những kẻ quyền cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành mà còn quan tâm đến số phận người phụ nữ như trân trọng vẻ đẹp phẩm chất, đề cao những khát vọng chân chính và thương cảm với bi kịch của người phụ nữ.
Nguyễn Dữ là người đầu tiên xây dựng nhân vật nữ thành những hình tượng nghệ thuật có sức lay động mãnh mẽ trong lòng người đọc. Đồng thời, cũng là tác giả đầu tiên đề cao những khát vọng chân chính về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình và thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những khát vọng ái ân của người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam. Sức lan tỏa của “Thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục ít nhiều ảnh hưởng đến những sáng tác viết về số phận người phụ nữ của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Phạm Quý Thích, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du,…trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, http://www.Vietnamthuquan.net.
[2] Đinh Gia Khánh (Chủ biên)-Bùi Duy Tân-Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam (Thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb Giáo dục, Hà Nội-2001.
[3] Nguyễn Đăng Na (Chủ biên)-Lã Nhâm Thìn-Đinh Thị Khang, Văn học trung đại Việt Nam, Tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội-2005.
[4] Nguyễn Hữu Sơn, “Nguyên nhân cái chết của nhân vật Vũ Nương?”, Văn học và Tuổi trẻ, số 09-2008, tr. 57-59.
[5] Đinh Văn Thiện, “Hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của nhân vật Vũ Nương…?”, Văn học và Tuổi trẻ, số 12-2010, tr. 57-59.
[6] Phạm Tuấn Vũ, “Về những truyện truyền kì trong chương trình Ngữ văn”, Văn học và Tuổi trẻ, số 7 + 8 + 9-2011, tr. 49-53.