Nhân vật Tấm trong truyện cổ tích ‘Tấm Cám’

4136

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Từ cuối thế kỷ XX trở về trước, truyện “Tấm Cám” được đưa vào chương trình SGK từ tiểu học đến THPT. Ở bậc tiểu học, truyện “Tấm Cám” được học ở phân môn kể chuyện, THPT học ở môn giảng văn. Khi giảng bài này, giáo viên thường chia ra hai tuyến nhân vật thiện / ác. Cô Tấm, bà hàng nước, vua và ông bụt thuộc tuyến thiện. Dì ghẻ, Cám thuộc tuyến ác. Có lúc say sưa, giáo viên còn gắn cho mẹ con Cám thuộc giai cấp thống trị bóc lột “ngồi mát ăn bát vàng”.

Bởi vậy, khi nói đến nhân vật Tấm người ta nghĩ ngay đến phẩm chất dịu hiền, hiếu thảo. Trong bài thơ Cô giáo với mùa thu, Vũ Hạnh Thắm đã ví cô giáo như cô Tấm:

Cô giáo em

Hiền như cô Tấm

Giọng cô đầm ấm

Như lời mẹ ru.

Từ năm 1979, thầy Hoàng Tiến Tựu, Chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh, mặc dù chưa đưa ra cách đánh giá khác về nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám nhưng khi dạy bài Khái quát văn học dân gian cho sinh viên khóa 19, Thầy đã không đồng tình với quan điểm của GS. Đinh Gia Khánh trong công trình “Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám” (Nxb Khoa học Xã hội, tháng 2/1966). Theo Thầy, truyện Thạch Sanh mới là truyện cổ tích điển hình nhất của người Việt (vừa có đầy đủ các phẩm chất hiền lành, thật thà, dũng cảm, nhân ái, vị tha vừa thực hiện tốt triết lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân).

Đầu thế kỷ XXI, trong bài “Giảng truyện Tấm – Cám ở trường phổ thông” (Văn học… gần & xa, Nxb Giáo dục, 2003) GS. Hoàng Ngọc Hiến đưa ra quan điểm trái ngược với quan niệm truyền thống. Theo GS, SGK và SGV lớp 7, tập 1, phần hướng dẫn giảng văn truyện Tấm Cám chỉ nhấn mạnh hai tư tưởng:

Một là, trong cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng thiện và ác, cuối cùng thắng lợi thuộc về bên thiện.

Hai là, sức sống của chính nghĩa dù bị cản trở vẫn cứ vươn lên, tồn tại và ngày càng rực rỡ hơn.

Mà chưa đề cấp đến tư tưởng trả thù, ở giữa truyện tư tưởng này đã gào lên bằng những lời hăm dọa dữ dằn: “Tao vạch mặt ra”, “ta cào mặt ra”, “chị khoét mắt ra”… Đến phần kết thúc truyện, tư tưởng này bộc lộ bằng hành động trả thù hết sức dã man của Tấm: Tấm đã lừa Cám nhảy xuống hố và đổ nước sôi xuống cho chết tươi. Sau đó, ướp xác Cám (em cùng cha khác mẹ với mình) làm mắm, bỏ vào chĩnh đem biếu mẹ Cám và mẹ Cám cũng mắc mẹo lừa của Tấm.

Trong văn học Việt Nam, không có sự tích báo thù nào man rợ và thâm độc bằng hành động trả thù của Tấm. Truyện Tấm Cám kết thúc bằng sự toàn thắng và sự lên ngôi của tư tưởng “trả thù” được hiện thân ở nhân vật Tấm.

Sau đó, GS bàn luận về hành động “độc ác” của Tấm và Cám: “Công bằng mà nói, so với Cám, hành động của Tấm tàn bạo hơn. Trừ lần đầu trút tôm tép của chị vào giỏ của mình, tất cả những lần độc ác sau, Cám bị động do sự xúi giục của mẹ (một hoàn cảnh giảm tội). Tấm thì hoàn toàn chủ động, có suy tính trong việc giết Cám cũng như trong việc làm cho mẹ Cám phát cuồng chết tươi (…). Cái chết rùng rợn của mẹ con Cám, hoàn toàn do mưu mẹo thâm độc và hành động độc ác của Tấm”.

Bài viết của GS. Hoàng Ngọc Hiến được hầu hết giới nghiên cứu phê bình văn học và độc giả đồng tình, coi đây là phát hiện mới mẻ, độc đáo, sâu sắc. Nhiều người đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa truyện Tấm Cám vào chương trình giảng dạy cho học sinh phổ thông. Tuy vậy, vẫn có một số ít ý kiến bảo vệ quan điểm truyền thống.

Có người dựa vào thi pháp truyện cổ tích, cho nhân vật Tấm là nhân vật chức năng, thực hiện triết lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân.

Có người lập luận: Truyện cổ tích Tấm Cám ra đời khi mối quan hệ con người có những rạn nứt, tình anh em, chị em trong gia đình đã có những xung đột, mâu thuẫn. Tấm trả thù giết mẹ con Cám là để giải quyết mâu thuẫn tốt / xấu; thiện / ác. Theo họ, câu dăm dọa: “Cót ca, cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra” là ngôn ngữ của cổ tích – đặc điểm của ngôn ngữ của cổ tích là vần vè, trong lời của chim vàng anh, lời của khung cửi đó là những cách nói rất vần vè.

2. Theo chúng tôi, những ý kiến cho việc Tấm trả thù mẹ con Cám không tàn ác, “đó là chân lý: tích thiện phùng thiện, ác giả ác báo” và khẳng định Tấm tiểu biểu cho người phụ nữ Việt Nam bình dị, đoan trang, thảo hiền, “dù thế nào cũng hãy gọi như xưa: Em là cô Tấm thảo hiền…” thuộc loại bảo thủ, suy nghĩ theo lối mòn, nếp cũ. Những người này hoặc chưa nắm vững thi pháp truyện cổ tích hoặc cố tình hiểu sai để ngụy biện. Nhân vật Tấm là nhân vật hành động chứ không phải nhân vật chức năng. Trong truyện Tấm Cám, nhân vật chức năng là ông Bụt, chuyên thực hiện chức năng giúp đỡ khi nhân vật chính gặp trắc trở không giải quyết được (đã 4 lần hiện lên giúp Tấm) và phần nào là nhà vua và bà bán nước. Thêm nữa, không thể bào chữa câu dăm dọa: “Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra” là ngôn ngữ của cổ tích – đặc điểm của ngôn ngữ của cổ tích là vần vè. Chả lẽ chỉ có từ “khoét” và cụm từ “khoét mắt ra” mới tạo vần vè mà không thể tìm từ khác và cách nói khác?

Sau khi đọc bài “Giảng truyện Tấm – Cám ở trường phổ thông” của GS. Hoàng Ngọc Hiến, chúng tôi như người mất phương hướng khi lạc giữa rừng rậm, bỗng tìm thấy la bàn và con đường phía trước. Trong đầu luôn xuất hiện câu hỏi: Sao trong kho tàng truyện cổ người Việt lại có câu chuyện trả thù rùng rợn, tàn bạo của chị em trong một gia đình? Trên thế giới cũng có mô-típ truyện dì ghẻ – con chồng như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé lọ lem (Truyện cổ Grimm) nhưng không có cảnh chị em cùng cha khác mẹ trả thù ghê rợn như vậy.

Truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn kể về tội ác của bà hoàng hậu dì ghẻ xinh đẹp nhưng mang lòng đố kỵ, ganh tỵ, tìm mọi cách tiêu diệt Bạch Tuyết vì nàng ngày càng đẹp hơn bà. Tuy vậy, cuối truyện tác giả vẫn để cho bà ta tự chết: “Khi bước vào phòng, mụ nhận ra cô dâu xinh đẹp là Bạch Tuyết. Sợ hãi và hoảng loạn, mụ uất lên, lăn đùng ra chết”.

Còn truyện Cô bé Lọ Lem kể về cuộc đời khổ cực, cay đắng của Lọ Lem khi bị dì ghẻ và hai đứa con riêng hành hạ. Nhưng kết thúc truyện, tác giả để cho chim trừng phạt hai chị em con dì ghẻ: “Khi đám cưới của hoàng tử được tổ chức thì hai cô chị cũng đến phỉnh nịnh để mong hưởng phú quý. Lúc đoàn đón dâu đến thì cô chị cả đi bên phải, cô em đi bên trái. Chim câu mổ mỗi cô mất một mắt. Sau đó khi họ trở về thì cô chị đi bên trái, cô em đi bên phải, chim câu lại mổ mỗi cô mất một mắt nữa. Cả hai chị em suốt đời mù lòa, vì bị trừng phạt do tội ác và giả dối”.

So với các nhân vật cổ tích có cùng mô-típ, rõ ràng hành động trả thù của Tấm mưu mô, xảo quyệt, tàn bạo và độc ác hơn nhiều. Tính cách của Tấm cũng thay đổi theo năm tháng. Lúc nhỏ Tấm là một cô bé mồ côi mẹ thật thà, hiền lành, hay lam hay làm. Theo năm tháng, Tấm tiêm nhiễm thói lừa lọc, xảo trá, bất nhân từ gì ghẻ. Khi trưởng thành, đằng sau bộ mặt xinh đẹp, lời nói dịu dàng là một kẻ đáng sợ, lấy việc trả thù làm niềm vui, làm lẽ sống!

Chúng tôi nghĩ, không phải sau khi sống lại, Tấm mới khôn lên, mới ghê gớm mà chủ yếu trước đó cô chưa biết dựa vào ai để phản kháng, trả thù. Ông Bụt chỉ giúp làm việc thiện chứ không bao giờ giúp làm điều ác (hiền như Bụt). Chỉ khi dựa vào thế lực vua, Tấm mới ra tay và càng ngày càng xứng đáng: “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”?

Chúng tôi cũng chợt nghĩ, những học sinh nào sau khi đọc kĩ bài “Giảng truyện Tấm – Cám ở trường phổ thông” của GS. Hoàng Ngọc Hiến mà được cô giáo hay người lớn khen: “em dịu hiền như cô Tấm” sẽ giãy nãy lên vì nghĩ người lớn đang khen đểu!

Chúng tôi không đồng tình với hành động trả thù hết sức dã man của Tấm (lừa giết em bằng nước sôi, ướp xác làm mắm để dì ghẻ ăn thịt con cho đến khi phát hiện sự thật đã lăn ra chết) nhưng không có nghĩa là để bao che cho tội ác của mẹ con Cám mà vẫn lên án những việc làm xấu xa, bỉ ổi, tàn ác của họ (nhất là thủ đoạn của mụ dì ghẻ).

N.C.T