Nhặt lại giấc mơ em – Những vần thơ tự tình của nhà thơ xứ Quảng

879

Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vẫn biết thơ ca thường lấy đối tượng trữ tình là em để cảm xúc trữ tình thêm tha thiết, với nhà thơ Bùi Đức Ánh không ngoại lệ.

Nhà thơ Bùi Đức Ánh

Vẫn biết thơ ca thường lấy đối tượng trữ tình là em để cảm xúc trữ tình thêm tha thiết, với nhà thơ Bùi Đức Ánh không ngoại lệ. Nhưng như tiêu đề của tập thơ “Nhặt lại giấc mơ em”, thì em ở đây không là chung chung, mà chắc chắn phải có một em nào đó có thật nhiều kỉ niệm với thi sĩ, để rồi trong bất cứ tình huống nào, ở địa danh nào, với kỉ niệm nào, thì em cũng đã là giai điệu, là nhạc điệu, là luyến lưu, là xao xuyến, là thao thiết, là nhớ nhung… phía không em đã dệt nên những vần thơ nhiệm mầu: “Anh biết mình như kẻ đến sau/ Nên tình yêu chất chồng những vết xước/ Em chất buồn lên đời anh xuôi ngược/ Em, người đàn bà trong giấc mơ anh”(Nhặt lại giấc mơ em).

Đấy chính là nguyên cớ cho những tứ thơ đích thực, những tứ thơ níu kéo tâm hồn người đọc, níu kéo tuổi thanh xuân, níu kéo tình yêu cuộc sống trong mỗi con người; và nhất là với nhà thơ, khi bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, thì anh vẫn rong ruổi trên mỗi địa danh, trong mỗi phong cảnh đẹp để trải nghiệm, suy tư và sáng tác. Có những nơi anh đã đến, lâu rồi chưa ghé lại, cũng trở thành miền nhung nhớ, luyến lưu: “Anh về thăm xứ Huế được không?/ Nhớ Cầu Tràng Tiền nắng chiều lưu luyến/ Nhớ Sông Hương mây giăng ngang kỉ niệm/ Mưa cuối mùa trắng xóa bước chân quen” (Nhớ Huế). Khi nhớ về em trái tim thi sĩ chợt trở về tuổi đôi mươi: “Nếu anh không đến Phan Thiết em có buồn không?/ Có cồn cào như biển không em chiều nay nổi sóng/ Gió thốc vào tim anh từng cơn rát bỏng/ Môi bỗng mặn mòi như nụ hôn thuở ban sơ”. (Phan Thiết không em).

Bìa tập thơ “Nhặt lại giấc mơ em”

Thơ Bùi Đức Ánh thường hay bởi tứ thơ bất ngờ, cũng như những câu hỏi tu từ đột ngột xuất hiện trong bài thơ, tạo điểm nhấn, sự ngừng nghỉ đột ngột, đánh thức tư duy, lối ngoặt hay liên tưởng bất ngờ đó cũng mang dấu ấn riêng trong hành trình sáng tác của nhà thơ: “Bao mùa hạ chất chồng lên nhau mãi/ Ủ tình này bừng cháy giấc chiêm bao/ Em cứ để tình anh rêu phủ/ Trái tim này đã hóa xanh xao” (Tương tư). Thường những câu mở đầu mỗi bài thơ dung dị, như tự sự, tự tình, thế rồi tứ thơ đột ngột chuyển tông sang những vần thơ trữ tình, khiến cho cả bài thơ như có hồn, linh hoạt.

Thơ anh hay bởi thể loại thơ quen thuộc anh sử dụng, phần lớn là những bài thơ có câu thơ dài 6, 7 chữ; một vài bài trong tập thơ có sử dụng câu thơ ngắn cũng làm nên đặc điểm riêng cho thơ anh: “Mùa hè/ phố Sài Gòn/ hờ hững những cơn mưa/ vẫn đủ ướt câu thơ/ anh…trầm mình vào nỗi nhớ/ em …ngồi hứng những giọt mưa tan vỡ/ Mưa kí ức vụng về/ Bỗng trỗi dậy/ tự tình/ khát khao” (Mưa kí ức).

Dấu ấn riêng cho tập thơ mới này vẫn là cái nhìn trìu mến, thương nhớ, tiếc nuối, khao khát và hy vọng về em – “giấc mơ em” là nguyên cớ làm nên ý nghĩa trong hành trình đi và viết của nhà thơ. Cầu mong nhà thơ “chân cứng đá mềm”, để tiếp tục đặt những bước chân lãng du phiêu bồng của mình trên mỗi miền đất của Tổ quốc và những vần thơ về “giấc mơ em” sẽ chắp cánh cho những hy vọng và tình yêu ở mỗi con người: “Em nhớ gì về những kỉ niệm xưa?/ Gởi trong gió xôn xao lời ve gọi/ Tình yêu ơi, em chờ mấy mùa trăng/ Có bao điều anh chưa kịp nói/ Để nắng chiều quay quắt nhớ hoàng hôn” (Tình yêu mùa hạ)

Huế mùa mưa 2018