‘Nhặt những hạt vàng’ văn chương miền Tây Nam Bộ

516

Lê Thiếu Nhơn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà phê bình Lê Xuân không chỉ gắn bó với ngành giáo dục Cần Thơ nhiều năm, mà còn là một cây bút gạo cội xứ Tây Đô. Ngoài hai lĩnh vực ngôn ngữ học và văn hóa dân gian, nhà phê bình Lê Xuân cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu và giới thiệu thành tựu văn chương vùng sông nước Cửu Long. Sau hai cuốn sách “Lời đồng vọng” và “Tiếng nói tri âm”, nhà phê bình Lê Xuân ở tuổi 78 vừa có thêm cuốn sách “Nhặt những hạt vàng” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.


Bìa tập “Nhặt những hạt vàng” của nhà phê bình Lê Xuân.

Không ai bắt buộc nhà phê bình sinh sống ở khu vực nào thì phải tập trung viết về văn chương khu vực ấy. Thế nhưng, phê bình văn chương luôn đòi hỏi sự đồng cảm sâu sắc và sự sẻ chia kịp thời của những con người hít thở cùng môi trường sinh thái. Vì vậy, đề tài được chờ đợi nhất và cũng đáng tin cậy nhất ở mỗi nhà phê bình là khi họ viết về những tác giả và những tác phẩm xuất hiện xung quanh họ.

Tập “Nhặt những hạt vàng” của nhà phê bình Lê Xuân có mở rộng biên độ khảo sát đối với những gương mặt văn chương ở Hà Nội hoặc ở TP.HCM, nhưng giá trị chính vẫn nằm ở thái độ trân trọng văn chương miền Tây Nam Bộ. Nhà phê bình Lê Xuân viết rất duyên và rất hoạt khi thẩm định tác phẩm của các tác giả vui buồn với kênh rạch miệt vườn như Trúc Linh Lan, Phan Huy, Thai Sắc, Vũ Hồng, Lâm Tẻn Cuôi, Nguyễn An Bình, Nguyễn Thanh, Huệ Thi… Thậm chí, thông qua những bài thơ và những truyện ngắn của đồng nghiệp, nhà phê bình Lê Xuân bày tỏ được tâm sự riêng tư về đời sống và văn hóa trên chín nhánh sông phù sa.

Gần 300 trang sách, tập “Nhặt những hạt vàng” của nhà phê bình Lê Xuân giúp công chúng có thể hình dung tương đối đầy đủ diện mạo văn chương miền Tây Nam Bộ trong hai thập niên vừa qua của thế kỷ 21. Với tập truyện ngắn “Bến Mỵ Nương” của Lương Minh Hinh, nhà phê bình Lê Xuân đánh giá: “Anh khéo miêu tả các loại ghe xuồng, các con nước lớn, nước ròng, nước sát… Và cứ nghe tiếng bìm bịp kêu là người ta có thể mường tượng ra con nước đang ở mức độ nào”. Còn với tiểu thuyết “Chuyện tình nàng Sa Ra” của Nguyễn Khai Phong, nhà phê bình Lê Xuân nhận định: “Anh khắc họa hình tượng Sa Ra, một cô gái có hai dòng máu Hoa – Khơ Me, đã giác ngộ cách mạng bằng sự dẫn dắt của đồng đội, bằng lòng căm thù lũ giặc và bọn người phản bội. Truyện còn đặt ra nhiều vấn đề về tình bạn, tình đồng chí sau cuộc chiến đã có sự “đổi màu” vì đồng tiền, vì danh vọng”.

Mỗi thế hệ sáng tác, mỗi vùng đất văn chương luôn cần có một nhà phê bình tận tụy. Nhà phê bình Lê Xuân là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành lý luận phê bình, và ông đang thể hiện tích cực vai trò của mình trong hành trình “nhặt những hạt vàng” văn chương miền Tây Nam Bộ.

L.T.N