Nhìn lại văn xuôi Việt 2022

364

Văn xuôi 2022 không quá sôi động song khá nhiều sắc thái. Về sự kiện, có hai cuộc tọa đàm đáng chú ý: Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại (Viện Văn học Việt Nam, ngày 18/7); Nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Trần Chiến – hai hiện tượng của văn xuôi đương đại (Hội Nhà văn Hà Nội, ngày 10/8). Đối tượng tọa đàm đều là các tác giả nổi tiếng, tên tuổi đã được đóng dấu trong cộng đồng văn học. Việc phát động cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2022 – 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam là một điểm nhấn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các cây bút tài năng. Trên bình diện sáng tác, dấu ấn văn xuôi khá phong phú, và dầu không có những kì hoa dị thảo thì cũng đủ đầy các thanh sắc, nhịp màu.


Nhà phê bình Phùng Gia Thế

Bay trong gió xanh

Năm 2022 ghi dấu ấn sự trở lại ấn tượng của Phạm Duy Nghĩa. Phạm Duy Nghĩa viết không nhiều. Phải đến hơn 10 năm, anh mới trở lại với Người bay trong gió xanh (Nxb Hội Nhà văn), gồm 12 truyện, ghi lại dấu ấn “giai đoạn Hà Nội” của anh, một giai đoạn không ít lần nằm “chung cư ngoại thành” còn thảng thốt ngỡ mình đang bay trên núi đồi thảo nguyên đầy hoa cỏ và nắng gió, trong miền kí ức xa xôi…

Đọc Người bay trong gió xanh, có thể nhận ra sự chuyển dịch mạnh mẽ của Phạm Duy Nghĩa về mã truyện. Người bay trong gió xanh chạm sâu vào các vấn đề xã hội, văn hóa, tâm linh. Có thể nói, chính những suy tư về thời cuộc và luận đề thế sự đã giúp Phạm Duy Nghĩa trở lại và vượt qua chính mình, trong một chiều sâu mới. Người bay trong gió xanh cũng ghi dấu sự chuyển dịch về thi pháp truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa: xu hướng viết truyện luận đề xã hội mang màu sắc tâm linh, phơi mở những nghiền ngẫm của nhà văn về cõi thực và cõi khác.

Có thể nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, ít có cây bút văn xuôi nào miêu tả thiên nhiên đẹp, sinh động, hấp dẫn như Phạm Duy Nghĩa. Bước vào thế giới truyện Phạm Duy Nghĩa là bước vào không gian lóng lánh của thiên nhiên. Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa còn hấp dẫn bởi không khí truyện lãng đãng khói sương. Nhà văn có xu hướng đẩy không gian, thời gian lùi ra xa để gợi vào luyến nhớ. Mặc dầu Người bay trong gió xanh đậm tính phúng dụ luận đề, không gian truyện mở sang tận cõi âm, song dường như đồi núi, chính xác hơn là thiên nhiên, con người đồi núi vẫn được nhà văn biệt đãi. Không phải ngẫu nhiên, Phạm Duy Nghĩa chọn Đi về vùng thảo nguyên để khép lại tập truyện của mình. Đi về vùng thảo nguyên là một giấc mơ đẹp đẽ, u sầu, gửi gắm niềm thương nỗi nhớ khôn khuây về người xưa chốn cũ.

Từ sau Cơn mưa hoa mận trắng, đặc biệt là với Người bay trong gió xanh, Phạm Duy Nghĩa trở lại trong một nhân dạng mới: đẹp, sâu, hấp dẫn, li kì. Có thể khẳng định, với những tìm tòi bứt phá ở mạch truyện luận đề xã hội nhân sinh và tâm linh kì ảo, bằng lối viết gai góc, kĩ lưỡng, biến hóa tự nhiên, sát ván nhưng tinh tế, vừa chua chát đắng cay vừa lãng mạn u sầu, Phạm Duy Nghĩa tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong bản đồ truyện ngắn Việt Nam đương đại. Có cảm giác, trong trùng điệp núi đồi truyện ngắn tiếng Việt hôm nay, đứng ở xa vẫn thấy Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa.

Nhân gian vạn sắc

Vạn sắc hư vô là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Khắc Ngân Vi, sau Đàn bà hư ảo (2016) và Phúc Âm cho một người (2018). Vạn sắc hư vô xoay quanh vài ba nhân vật (Tôi, Chỉ Kỳ…), u uẩn như những cái xác không hồn, không chút nỗi niềm vương sót thế nhân. Với một giọng văn gần như chạm đến vô âm sắc, một lối viết ở độ không, Vạn sắc hư vô gợi ra vũ điệu của tang ma, không phải cuộc thế phồn sinh. Vạn sắc hư vô hội đủ sắc màu của tuyệt vọng, chán chường: rượu, ma túy, đồng tính, thủ dâm, tình dục ba người… Nhân vật của Ngân Vi không sống, mà trôi trong cõi sống.

Vạn sắc hư vô gợi nhớ không gian tâm trạng trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng. Tuy nhiên, khác với Đoàn Minh Phượng, câu chuyện hư vô ở đây không hướng vào dòng tâm tư, mà gắn với câu chuyện vụn rời về một “thế hệ vứt đi”, lạc loài, vô định, vô hướng, vô nghĩa. Đó không phải một nỗi buồn đèm đẹp, mà là một sự trầm nhược thuần toàn. Vạn sắc hư vô có một lối viết cực sắc sảo, già dặn, thông minh. Nhìn trên phương diện văn học, đó là một tiếng nói đanh sắc, đầy cá tính của văn xuôi 2022.

Bài ca đất phương Nam

Bửu Sơn Kỳ Hương của Lý Lan bao quát một thời đoạn lịch sử đầy giông bão với bao long đong khuất khúc phận người. Bửu Sơn Kỳ Hương có một hệ thống nhân vật và sự kiện dày đặc. Một phương Nam của người Hoa tha hương, một phương Nam của người Việt bản địa, và trên hết là một phương Nam của tình người, tình đời mãnh liệt thẳm sâu. Trên một ý nghĩa nào đó, Bửu Sơn Kỳ Hương là câu chuyện hàn gắn (gia đình, dòng máu, sắc tộc…), kéo người với người xích lại với nhau trước ba đào lịch sử, nổi nênh kiếp người.

Bửu Sơn Kỳ Hương thể hiện một sự kiên trì của tự sự. Các đối thoại bị khuất chìm. Tiểu thuyết gần như chỉ còn lời người trần thuật với miên man thương nhớ. Kết truyện, chen lấn giữa cái chua xót của thân phận, cái đau đớn của chìm nổi can qua là ngọn lửa tình người, khát vọng dựng lại nhà dựng lại người trong đổ nát đau thương. Bửu Sơn Kỳ Hương có lối viết rất hiện đại, đậm chất tiểu thuyết, và cũng thử thách lòng kiên nhẫn của bạn đọc. Nó rầu rầu như điệu lí phương Nam, da diết, buồn thương, nhưng nghe nhiều không ít mệt.

Nhà thơ và tiểu thuyết

Trong số các ấn phẩm văn xuôi 2022, Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành là một “ca” đặc biệt. Vốn nổi tiếng với thơ, và khi dư âm của “lục bát sông Thương” vẫn còn vương vấn đâu đây thì Nguyễn Phúc Lộc Thành trình làng bộ tiểu thuyết “khủng” Cõi nhân gian gồm 8 tập. Đây là bộ tiểu thuyết đạt nhiều kỉ lục: đồ sộ nhất của năm (gần 1800 trang in), viết nhanh nhất (7 tập trong 5 tháng), nhưng có lẽ cũng là lâu nhất tính từ tập đầu cho đến hết (gần 30 năm). Nếu ví quá trình sáng tác như một cuộc thai nghén thì Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành là một trong những ca chửa đẻ lâu nhất của văn học Việt Nam hiện đại, và thay vì sinh đôi, sinh ba, đó là một ca sinh tám.

Cõi nhân gian, đúng như tên gọi, là một hiện dạng của tấn trò đời với đủ cung bậc buồn vui. Điều đáng nói là, nhân vật trong Cõi nhân gian dầu có ngụp lặn với đủ thứ sân si, cuối cùng vẫn tìm kiếm được những lí do và cơ hội để sống một cuộc đời tử tế. Cõi nhân gian vạm vỡ, ngồn ngộn chất liệu đời sống, song có lẽ bởi hơi tham chi tiết nên có chỗ không tránh khỏi rườm rà. Tuy nhiên, việc đi ngược với xu thế tiểu thuyết ngắn là một cuộc vượt thoát làm thay đổi nhận thức của bạn đọc về bản chất của tiểu thuyết, và đó cũng là một sự dũng cảm, một thành công đáng kể của nhà văn.

Có phần tương đồng với Nguyễn Phúc Lộc Thành, sau khi định danh vững vàng bản mệnh người thơ, Trần Gia Thái công bố Sóng độc, một biên bản văn chương độc đáo, phơi bày chi tiết hậu trường của một nhà đài. Sóng độc là một trải nghiệm, có lẽ lần đầu tiên, tường tận, chân tơ kẽ tóc về lĩnh vực phát thanh truyền hình. Sóng độc là tiểu thuyết của sự kiện, không thiên nhiên, không ngoại đề, chỉ có lớp lớp “sóng độc” bung toang. Đọc tiểu thuyết, có cảm giác nhà văn đang rút tỉa, bóc trần một ai đó, rất gần. Hơn 400 trang với bao mưu mô hiểm độc của lòng người có thể khiến bạn đọc khó tránh cảm giác mệt mỏi, song nhìn đại thể Sóng độc là một bức tranh nhiều sắc diện, có đủ tốt xấu, buồn vui và không ít niềm tin. Lối hành văn sắc sảo và sự tường tận của người viết trong lĩnh vực của mình khiến bạn đọc khi gấp cuốn sách lại vẫn không khỏi ngỡ ngàng: Tiểu thuyết có thể thật đến thế sao?

Khi nhà nghiên cứu viết văn

Năm 2022 ghi dấu ấn các nhà nghiên cứu viết văn, điển hình là Đào Tuấn Ảnh với Bà Đỡ và Phạm Quang Long với Mùa rươi, nhưng là dấu ấn của một chân dung khác, ở một chân trời khác.

Đọc Bà Đỡ của Đào Tuấn Ảnh, bạn đọc vượt thoát hẳn khỏi những mường tượng không mấy khả quan về việc một phó giáo sư, tiến sĩ, dịch giả nhiều thành tựu “bỗng dưng sáng tác”. Không lí tính, khô khan, không lên gân sắp đặt, Bà Đỡ trình hiện một lối viết cực kì linh hoạt, tự nhiên. Có lẽ, sức hấp dẫn của truyện trước tiên đến từ sắc màu cổ tích của nó. Bà Đỡ có cái khó bởi kiểu viết hồi kí dễ biến câu chuyện thành sự kể công, hoặc dễ sa vào luộm thuộm. Nhưng bản chất hồi kí xem chừng cũng thuận thảo cho tác giả, vì nó không phải, hoặc không được xem như một câu chuyện hư cấu thuần toàn. Sườn truyện do tác giả tạo ra, nhưng con người, cảnh vật, sự kiện lại là cái sẵn có, ít nhất là trong tâm trí của người viết, trong khi, một thế giới hư cấu hoàn toàn lại có những thách đố riêng. Thế giới của Bà Đỡ ấm áp, nhẹ nhàng, bình dị, biến cố lịch sử được hiện hữu tự nhiên qua những gương mặt, câu chuyện bé nhỏ, thân quen. Văn phong Bà Đỡ hấp dẫn, lôi cuốn, gây xúc động, đây đó điểm xuyết sự hài hước thông minh và đặc biệt giàu chất văn chương.

Khác với Đào Tuấn Ảnh, tính đến Mùa rươi, nhà giáo, PGS,TS Phạm Quang Long đã gần cán mốc tiểu thuyết thứ mười (Lạc giữa cõi người, Lốc xoáy, Cuộc cờ, Bạn bè một thuở, Chuyện mình chuyện người, Chuyện làng, Chuyện phố, Đối mặt…) Và cũng có phần khác với các sáng tác của Phạm Quang Long ở chặng đầu, Mùa rươi là một tiểu thuyết theo đúng nghĩa, vạm vỡ, chặt chịa, nhiều sự kiện, đặc biệt là chuyện nhân tâm thế sự, chuyện nhà quê. “Làng bé tí, nhưng lắm chuyện”. Chuyện làng mà cũng là chuyện nước, chuyện ba đào lịch sử với dồn điền đổi thửa, quy hoạch đất đai, dự án, sốt đất, xuất khẩu lao động… Không biết Phạm Quang Long chọn tiểu thuyết hay tiểu thuyết chọn ông trong cuộc chơi với văn chương. Bởi lẽ, để viết được tiểu thuyết, tác giả phải có vốn sống cực kì dày dặn, và nếu không có một nội lực mạnh mẽ thì chỉ sau một cuốn là hết vốn, hẳn rồi. Đọc Mùa rươi, thấy tác giả rất khéo tạo không khí truyện, để từ đó nhân vật được tự nhiên sống đời mình. Nhân vật Mùa rươi (Hoản, Đỉnh, Thao, Hiên…) như những “người lạ mà quen”, sinh động, nhấp nhô hình khối, và dầu tốt xấu khác nhau thảy đều châu tuần “cái nghĩa của làng”. Đọc Mùa rươi, thấy trong cốt cách nhà giáo, nhà quản lí lịch duyệt Phạm Quang Long còn nguyên một nếp người quê. Ông xa quê từ lâu, nhưng xa mặt mà chẳng cách lòng.

Mùa rươi có văn phong rất hoạt, ngôn ngữ nhân vật sống động, nhiều khi rất tục, nhưng tự nhiên quen thuộc vô cùng trong không gian ấy. Mùa rươi khép lại với bao nỗi niềm thế sự nhân tâm nhưng ấm áp tình đời.

Từ vi mạch điện tử đến vi mạch văn chương

Dù không phải cá biệt, song GS, TSKH, nhà vật lí nổi tiếng Trần Xuân Hoài thuộc số không nhiều các nhà khoa học tự nhiên dấn thân văn chương. Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay Kim thiếp Vũ Môn (2015) dưới bút danh Thâm Giang Trần Gia Ninh gây được tiếng vang, năm 2022, Trần Xuân Hoài trình làng tập truyện Thằng ngố tàu (Nxb Nghệ An). Thằng ngố tàu đặt ra vấn đề nhân tâm thế sự sâu sắc với không ít day dứt, xót xa. Cuộc chiến nơi trận mạc còn chưa vơi nỗi đau, người ta đã phải đối diện với cuộc chiến lòng người với bao đứt gãy, rạn vỡ thế cuộc, thế hệ. Cái mất mát lớn nhất trong đây không phải đất đai hay những lời hứa vinh quang, mà là sự hư hao của niềm tin. Thằng ngố tàu ám ảnh day dứt một nỗi niềm: Những người có công với đất nước, với lịch sử có lẽ nào đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên?

Trở về tuổi thơ

Năm 2022 ghi dấu sự trở về thơ ấu của Uông Triều và Trung Sỹ. Điều thú vị là cả hai tác giả đều bước từ những thế giới văn xuôi đặc biệt (hoặc những tra tấn tinh thần khắc nghiệt hoặc với bom mìn, bạo lực, chiến tranh) sang thế giới trẻ thơ. Viết Ong Béo và Ong Gầy, Uông Triều dành những trang viết trong veo cho bạn đọc nhỏ tuổi, cũng là hành trình sống lại tuổi thơ của chính mình. Ong Béo và Ong Gầy là cuộc du hành trong thế giới thơ mộng song cũng rất nhiều thử thách (trải nghiệm với thiên nhiên, bài học sinh tồn…) 94 trang truyện và những bức tranh minh họa đáng yêu đã gói lại một thế giới tuổi thơ tựa như cổ tích. Trong một ý nghĩa nhất định, Ong Béo và Ong Gầy là sự bổ sung nguồn năng lượng mát lành cho bạn đọc nhỏ tuổi trước áp lực của các phương tiện giải trí hiện đại.

Khác với tác giả Cô độc, Người mê, Trung Sỹ thiết dựng Thung lũng Đồng Vang sau những câu chuyện chiến tranh, đạn bom tàn khốc, đưa bạn đọc trở về thời thơ ấu tinh khôi, trong trẻo, đầy hoài niệm: “Có những nơi ta chưa ra khỏi mà đã nhớ sâu thẳm, một nỗi nhớ sẵn có tự ở trong lòng.” Thế giới Đồng Vang có người bố, người ông, người thầy giản dị, có những cô cậu học trò mới lớn tinh nghịch, thông minh, đáng yêu, có phố núi mênh mang vọng động giọng nói, tiếng cười… Thung lũng Đồng Vang với nhiều trang viết đẹp, thấm đẫm xúc cảm nhân văn là món quà ý nghĩa cho tuổi nhỏ. Môtíp gieo trồng (cây muồng hoàng yến được ươm mầm từ Campuchia) là một cách thể khác của thông điệp “mượn phù sa đắp lên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng” mà Trung Sỹ muốn trao gửi với bạn đọc, phải thế chăng.

Trong không gian liêu trai

Năm 2022 ghi dấu sự trở lại của Võ Thị Xuân Hà, một cây bút nữ nhiều thành tựu với Câu chuyện của nàng Thê (Nxb Hội Nhà văn). Có phần tương đồng với Nguyễn Phúc Lộc Thành trong Cõi nhân gian, Võ Thị Xuân Hà tiếp nối câu chuyện nàng Thê từ một truyện ngắn, để rồi gia công tinh xảo trong hình hài tiểu thuyết với một nguồn năng lực âm ỉ sục sôi. Như nhan đề cho thấy, nhân gian trầm luân và phù du hiện lên qua số phận nàng Thê. Để rồi, kiếp nào của nàng cũng đày đọa đắng cay. Một kiếp hay muôn kiếp thì vẫn tìm nhau, trong cõi vô thường. Nàng lựa chọn sống thế, và không hề mảy may hối hận. Câu chuyện của nàng Thê đưa ra thông điệp: Phải trải qua bao kiếp nạn, khổ đau, người ta mới có được tình yêu, hạnh phúc? Và đó là một câu hỏi xót xa, hẳn thế, vì nàng Thê dường như chưa có hạnh phúc bao giờ.

Hành trình miên man phố

Có câu nói đùa, bao giờ nước Nam hết cỏ thì Đỗ Phấn mới hết chuyện về Hà Nội. Lan man nghìn năm phố (Nxb Trẻ), như thường lệ, là câu chuyện Hà Nội bất tuyệt của ông với muôn thứ vụn vỡ li ti của kí ức, thời gian, của lòng người. Một “Hà Nội bình thường” của Đỗ Phấn với đủ thứ để ăn, chơi, để hoài niệm, suy tư. Nào chầm chậm ngày xuân, chơi tết, tứ đại đồng đường, nhớ bác Phái; nào dìu dặt hơi thu, mùa hè đã xa, xe máy Hà thành… Tóm lại, đó là tất thảy những chuyện Hà Nội “từ nhà ra ngõ” và nỗi tiếc nhớ mang mang những ngày tháng cũ. Tinh tường, lịch lãm, tài hoa, tản văn Đỗ Phấn tựa như một bảo tàng về một Hà Nội xa xăm trong miền nhớ. Đỗ Phấn là người ưa đi nhịp chậm. Tha thiết, sâu thẳm, kì khu, ông kiên nhẫn bày cuộc chơi của riêng mình, để luôn có một Đỗ Phấn Hà Nội trong một góc trời riêng như thế.

Văn xuôi 2022 còn được đánh dấu bởi sự góp mặt của ba tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả do Nxb Văn học ấn hành: Truyện ngắn đặc sắc 2022 (Sbook tuyển chọn), Những đoản khúc mơ (Lê Anh Hoài tuyển chọn) và Truyện ngắn hay 2022. Bên cạnh những cây bút lão luyện, thành danh còn có sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ rất đáng đọc hôm nay. Các tuyển truyện cho thấy sự đa dạng và hiện đại trong tư tưởng, lối viết, câu chuyện và nhịp văn in đậm hơi thở đời sống hiện thời…

Văn xuôi 2022, nhìn trong đại thể, tuy không có bước ngoặt về tác giả, hiện tượng, quá trình, song bù lại ở khá nhiều sắc vẻ. Thực tế cho thấy, thật khó có thể thống kê, đánh giá đầy đủ, thuyết phục khi nhìn lại văn xuôi của một năm với tất cả sự bộn bề của nó. Hi vọng là, bất cứ sự thiếu sót nào, nếu có, sẽ sớm được bổ khuyết và cũng xin được thể tất, vì dầu sao, đây cũng chỉ là một góc nhìn.

Theo Phùng Gia Thế/Văn Nghệ Quân Đội