Chiều 23-4, UBND TPHCM đã ra công văn chính thức về việc tiếp tục hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Những điều kiện nới lỏng hơn so với các quy định của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại tâm lý phấn khởi cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh vừa và nhỏ.
Tuy vậy, việc cho phép các hộ kinh doanh, buôn bán hoạt động trở lại phải tuân theo các quy định của UBND TPHCM. Trên tinh thần chống dịch cao độ được duy trì suốt thời gian qua, người dân thành phố, nhất là bà con sinh sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán, luôn sẵn sàng tâm lý tuân thủ.
Vũ trường, quán bar, spa… tiếp tục đóng cửa
Chiều 23-4, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ký văn bản về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu tiếp tục tạm dừng các hoạt động đối với cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, xông hơi, mát-xa, các tụ điểm vui chơi giải trí spa, vũ trường, karaoke, bar, beer club, điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game online), trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới.
Karaoke, vũ trường, quán bar, spa… tiếp tục đóng cửa
Ngoài ra tiếp tục dừng tiếp nhận khách mới tại cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, AirBnb; tạm dừng các nghi lễ, hoạt động tôn giáo có tập trung trên 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các hoạt động, hội họp tập trung trên 20 người.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục cấm tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học. Mọi hoạt động khác (không có tên trên) sẽ trở về hoạt động bình thường nhưng phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Đặc biệt, cần tiếp tục đeo khẩu trang nơi làm việc và nơi công cộng. Cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức làm việc trở lại bình thường, đẩy mạnh giải quyết thủ tục qua mạng. Thời gian áp dụng từ ngày 23-4 cho tới khi có chỉ đạo mới.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục cấm tụ tập trên 20 người nơi công cộng để phòng tránh lây nhiễm Covid-19
Trước đó, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các dịch vụ tạm ngừng hoạt động từ ngày 1-4; tại TPHCM, tất cả quán bar, rạp chiếu phim, điểm massage, karaoke, vũ trường… trên địa bàn TPHCM đều ngừng hoạt động từ 18 giờ ngày 15-3 theo văn bản chỉ đạo của UBNDTP để chống dịch Covid-19.
10 ngày sau, ngày 25-3, UBNDTP tiếp tục ra văn bản quyết định tạm ngừng hoạt động toàn bộ khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); việc tạm dừng này còn áp dụng đối với câu lạc bộ bi-da, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc… Các quán ăn, uống chỉ phục vụ bán mang đi.
Phố phường “tỉnh giấc”
Khu đường “hoa” (khu dọc trục đường Phan Xích Long), quận Phú Nhuận ngay từ sáng sớm tinh mơ đã tấp nập người qua lại. Những dãy hàng quán suốt nhiều tuần “cửa đóng then cài” nay bắt đầu “rũ bụi”. Anh Tuấn Trí (35 tuổi, họa sĩ) chọn cho mình góc nhỏ quen thuộc tại quán “ruột” trên đường Hoa Sứ để thưởng thức hương vị cà phê sau 3 tuần thực hiện cách ly toàn xã hội.
Trò chuyện với phóng viên, anh cho biết, dù TP đã gỡ lệnh cách ly toàn xã hội nhưng không vì thế mà anh cũng như toàn xã hội có thể nới lỏng cảnh giác. “Chỉ cần một chút sơ suất thì Covid hoàn toàn có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt”, anh bày tỏ.
Các cơ sở kinh doanh cà phê, ăn uống phải tuân thủ theo bảng quy tắc kinh doanh của thành phố ban hành thì mới được mở cửa trở lại
Dọc khu phố cà phê – trà sữa nổi tiếng này, không khí tấp nập đã xuất hiện trở lại. Rải rác các hàng quán kinh doanh ăn uống có quy mô nhỏ lục tục mở cửa. Anh Thế Dân – chủ cửa hàng cà phê trên đường Hoa Lan – cho biết, tối trước đó qua theo dõi tin tức thời sự, anh cùng gia đình hay tin TP đã tạm dừng lệnh cách ly toàn xã hội, khiến vị chủ quán lầm tưởng hoạt động kinh doanh sẽ được tiếp diễn bình thường.
“Từ đêm 22 vợ chồng tôi đã lau chùi, dọn dẹp trong ngoài để sáng 23 có thể mở bán trở lại, nhưng trước diễn biến như hiện tại, chúng tôi cũng đã sẵn sàng tâm lý tạm ngưng việc kinh doanh để tiếp tục phòng chống dịch”, anh Dân bộc bạch.
Nhịp sống thành phố đang dần trở lại bình thường sau suốt 3 tuần cách ly xã hội
Còn tại Q.Thủ Đức, anh Thế Sang – chủ tiệm cà phê nhỏ – quyết định mở cửa từ sáng 23 nhưng cho biết sẽ đặt ra nhiều yêu cầu phòng chống dịch đối với khách hàng. “Nhân viên phục vụ sẽ phải đeo khẩu trang trong toàn bộ ca làm và khách hàng ngồi giãn cách từ 3m để đảm bảo an toàn”, anh chia sẻ.
Ngoài cà phê, dịch vụ cắt tóc cũng thu hút sự quan tâm của người dân TP. Mở cửa từ 7 giờ sáng nhưng chỉ sau ít phút, tiệm cắt tóc nam của anh Ngọc Bình (Q10) đã có tới 6 khách chờ tới lượt. Dù không muốn từ chối nhưng anh Bình cũng chỉ dám nhận tối đa 3 khách, vì còn ngại việc tuân thủ quy định giãn cách, phòng dịch Covid-19.
Một chủ cửa hàng cà phê trên đường Thủ Khoa Huân dọn dẹp quán xá để chuẩn bị mở cửa trở lại.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bình cho biết gần tháng nay cơ sở kinh doanh của anh buộc phải đóng cửa. Doanh thu không có nhưng tiền mặt bằng vẫn phải trả đã trở thành gánh nặng lớn dồn lên vai anh. “Tôi ra đường kiếm sống bằng nghề hớt tóc tới nay đã 10 năm nhưng chưa bao giờ lại trân trọng và mong được mở cửa trở lại như lúc này”, vị chủ tiệm nói.
Chấp hành quy định
Trái ngược với các cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ, trước thời điểm 23-4, nhóm ngành hàng kinh doanh quy mô lớn hơn đã tỏ ra cân nhắc trước quyết định có nên mở bán lại hay không.
Trong đó, thông qua thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội Facebook với nội dung “Kết thúc cách ly xã hội – Quán mở lại chưa? Chúng ta sẽ biết sau ít phút”, chuỗi kinh doanh cà phê Highlands Coffee cũng rục rịch mở cửa trở lại nhưng rồi cùng với các cửa hàng Starbucks, The Coffee House… tất cả vẫn đang cân nhắc về một giải pháp hợp lý.
Một nhà hàng tiệc cưới trên đường Trần Hưng Đạo (Q5) còn chủ động đóng cửa đến đầu tháng 5 và sẽ mở lại từ tháng 6 nếu tình hình cho phép.
Thậm chí một nhà hàng tiệc cưới trên đường Trần Hưng Đạo (Q5) còn chủ động đóng cửa đến đầu tháng 5 và sẽ mở lại từ tháng 6 nếu tình hình cho phép. Nhiều chủ cửa hàng tiếp tục “cửa đóng then cài” hoặc tiếp tục mở bán online hoặc phục vụ mang đi để duy trì hoạt động.
Tuy vậy, Công văn 1490 của UBNDTP ban hành chiều 23-4 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Ông Tư – tiểu thương kinh doanh hàng ăn tại chợ đêm Bến Thành – cho biết, thông tin mà ông vừa nhận được xem là thông tin vui nhất trong ngày. “Ngày mai chúng tôi sẽ hỏi thật kỹ lãnh đạo phường và nếu được phép buôn bán trở lại thì niềm vui càng được nhân lên”, ông tâm sự.
Nhân viên của một quá cà phê tại phố Tây Bùi Viên (Q1) đang chuẩn bị trước giờ mở cửa trở lại.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều nỗi trăn trở, âu lo. Anh Tuấn Thư – chủ nhà hàng karaoke tại Q9 – chia sẻ nỗi niềm: “Những người làm kinh doanh như chúng tôi trước mọi quyết định của lãnh đạo TP đều chấp hành nghiêm. Nhưng giữa thời điểm khó khăn về kinh tế như hiện tại, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để có thể vượt qua”.
Hiện các quận, huyện của TPHCM sẽ tiếp tục bám sát chỉ thị mới nhất của UBNDTP để đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát cũng như xử lý vi phạm liên quan tới hoạt động phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
Nhiều hàng quán vỉa hè đã bắt đầu kinh doanh từ sáng 23-4.
Khảo sát nhanh trong tối 23-4 tại một số địa phương, các hoạt động kinh doanh như ăn uống, cà phê có quy mô nhỏ đã hoạt động trở lại; riêng với những cơ sở quy mô lớn hơn, cùng các loại hình kinh doanh có điều kiện như mát-xa, karaoke, spa vẫn tiếp tục tạm ngưng, chờ chỉ đạo tiếp theo của thành phố.
Theo Công an TP.HCM