Nhớ anh Sáu Thượng

702

Trương Nguyên Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuối năm 1959, đang từ một đơn vị của sư đoàn 338 (sư đoàn của những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết) đóng ở Xuân Mai (Hòa Bình cũ), anh Sáu được Quân ủy Trung ương gọi về Hà Nội, chuẩn bị một công tác mới. Cả một sư đoàn hàng nghìn người, mà trên chỉ gọi một vài anh em, hẳn là một nhiệm vụ gì quan trọng lắm. Một linh cảm rạo rực trong anh: Hay mình chuẩn bị được trở về quê với mẹ? Mới là linh cảm thôi, nhưng đã cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô vàn…

Quê của anh – một làng nhỏ, tên gọi Đức Hòa, miền Chợ Lớn cũ. Ở nơi ấy, má sinh ra anh, tiếng ru ầu ơ của người mẹ nghèo suốt đời tê tái trong anh. Cha đi làm thuê được chút tiền nào, là dành hết cho con theo thầy đi học chữ. Nhưng rồi mới được dăm ba buổi, mẹ mất, nhà nghèo lại càng nghèo hơn, vậy là anh phải bỏ học và lại theo nghề làm thuê cuốc mướn của cha.

Cái quê mẹ ấy của anh, nghèo thì thiệt nghèo, nhưng kiên cường cách mạng thì không thua kém bất cứ một miền đất nào. Năm mới 13 tuổi, chính mắt anh đã chứng kiến cả quê hương đứng dậy làm Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong đoàn người đi diệt tề, diệt lính ở Gồng Cám, Mỹ Hạnh, có cha anh, có chú, bác và bà con ruột thịt của anh. Máu cách mạng đã bắt đầu ngấm vô anh từ ấy. Rồi một thời gian ngắn sau, khi phong trào bị đàn áp, tại trường bắn do quân thù dựng lên, trái tim tuổi thơ của anh đã lần đầu nhói đau khi những loạt đạn của quân thù bắn vô lồng ngực của nguời bác, người chú ruột trong một chiều bị tử hình cùng với đồng chí Võ Văn Tần.

13 tuổi, lần đầu tiên anh thấy đau đớn khi những viên đạn của quân thù bắn vào những người chiến sĩ cách mạng, bắn vào chú bác ruột của mình, bắn vào quê hương, như bắn chính vào da thịt của mình.

Đất mẹ của anh là thế, nghèo và kiên cường. Anh lớn lên không chỉ bằng bát cơm của cha, lời ru của mẹ, mà còn bằng cả không khí, bằng cả phong trào cách mạng của quê hương. Chính từ nơi này, ngày giặc Pháp quay lại gây hấn, anh đã ra đi làm một người chiến sĩ, chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ quê hương.

Những năm tháng đánh Pháp tuy chiến trường của anh không ở ngay trên miền đất quê mình, nhưng sự cách xa cũng chẳng bao nhiêu. Anh chỉ thật sư xa quê từ năm 1954, cùng đồng đội lên tàu ra Bắc tập kết, hẹn hai năm sau trở về.

Hai năm, bốn năm, rồi gần sáu năm. Quân thù đã phản bội Hiệp định, hằng mong biên giới của Hoa Kỳ vĩnh viễn kéo dài tới vĩ tuyến 17. Không những thế, biết bao tội ác của chúng gây ra chất chồng trên đất mẹ này. Với những người con của quê hương trên đất Bắc, có thể nói rằng không bữa cơm nào được ngon, không giấc ngủ nào được trọn, không chỉ vì nỗi thương nhớ quê hương, mà còn bởi sự âu lo cho số phận bà con, cô bác, của quê hương đang bị quân thù giày xéo.

Giờ đây, tất cả đang kêu gọi và chờ đón các anh trở về.

***

Ngay khi rời đơn vị về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, dù chưa biết cụ thể là nhiệm vụ gì, nhưng linh cảm đã làm anh có cảm tưởng như đã bắt đầu được lên đường, thực hiện khao khát của mình. Nhưng nghiệt ngã làm sao, tới Hà Nội chưa được ấm chỗ, thì anh lại bị trả về đợn vị.

Nguyên do là tất cả các anh em được đưa về để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới này đều phải qua phòng khám sức khỏe. Khi khám cho anh, đồng chí thiếu tá bác sĩ đã bàng hoàng khi phát hiện trong buồng phổi của anh còn cả một mảnh đạn. Đó là một mảnh đạn của giặc Pháp còn găm lại từ cuộc kháng chiến lần trước, mà tới giờ vẫn chưa gắp ra được, hoặc nói đúng hơn là không thể lấy ra được nữa. Và đây là lý do duy nhất để anh bị trả về.

Khi biết đích xác rằng việc các anh được tập trung về đây là để chuẩn bị cho những đoàn quân đầu tiên trở về miền Nam chiến đấu thì anh nhất quyết không chịu bó tay nữa. Không thể vì một vết đạn “xoàng” ấy mà mất đi hạnh phúc lớn lao, không có tới lần thứ hai trong đời. Anh nhất quyết ở lại, tìm đến cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, của quân đội để trình bày nguyện vọng của mình. Và rồi nhiệt tình cháy bỏng của anh đã được chấp thuận, anh lại được ở lại để chuẩn bị lên đường.

Có thể nói, đây là một trong những đơn vị quân đội đầu tiên của chúng ta vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu. Các anh có 28 người,là những sĩ quan trẻ, quê ở miền Nam. Đồng chí Bùi Thanh Vân (sau này là Trung tướng) là trưởng đoàn và anh Sáu Thượng được làm bí thư chi bộ.

Trước ngày lên đường, các anh được đưa về tăng cường sức mạnh chiến đấu ở một vùng rừng núi kín đáo, lặng lẽ thuộc tỉnh Hòa Bình cũ. Mặc dù ở nơi xa xôi này, nhưng cả Bác Hồ, Bác Tôn, cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng… đều đã lên thăm và trực tiếp giảng bài cho các anh. Có thể nói, đó là những tình cảm vô cùng lớn lao của toàn Đảng, toàn dân dành cho những người con trở về miền Nam chiến đấu, hay nói đúng hơn là dành cho cả miền Nam ruột thịt.

Anh nhớ đó là một buổi chiều đông, trong cái lạnh thấu da thấu thịt của vùng núi rừng Tây Bắc, mặc dù bận trăm công nghìn việc, từ thủ đô Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã vượt đường xa, gió lạnh để lên thăm các anh. Đó là điều mà thật sự mọi người đều không ngờ tới. Khi Bác xuất hiện, mọi người cùng đứng lặng đi, rồi cùng ào tới ôm chầm lấy Bác.

Người ôm hôn từng người con, từng giọt máu của miền Nam ruột thịt. Rồi Người thân mật căn dặn các anh rất kỹ lưỡng mọi điều để có thể hoàn thành các nhiệm vụ lớn lao sắp tới. Và lời dặn cuối cùng của Bác, làm mọi người không kìm được nước mắt:

– Các chú đi trước, nhớ chuyển lời thăm hỏi của Bác tới đồng bào, đồng chí của miền Nam ruột thịt. Rồi nhất định một ngày, bác sẽ vô thăm miền Nam.

Thật sư, hơn tất cả mọi điều, ngay khi được nghe lời dặn dò của Bác, mọi người đã muốn khoác ba lô lên đường ngay. Hãy sớm mang tình cảm của Bác tới từng đồng bào, đồng chí, từng người mẹ, người chị, người em của miền Nam quê hương. Bởi đó chính là nguồn sức mạnh lớn lao cho cả miền Nam vượt qua hết thảy đau thương, chết chóc, để vững bước trên con đường giải phóng.

Khi Bác ra về, các anh còn đứng lặng, vẫy tay theo mãi. Tay vẫy mà nước mắt mọi người cứ rơi rơi. Bởi tất cả đều cùng hiểu rằng, sẽ rất lâu nữa mới được gặp Bác. Ngày thống nhất, Bác sẽ vô thăm miền Nam. “Thưa Bác, chúng con sẽ cùng quê hương chiến đấu hết mình, cho mau chóng tới ngày thống nhất, để chúng con và cả miền Nam lại được gặp Bác”.

Nghĩ vậy, nhưng không có ai có thể ngờ được rằng chỉ ít ngày sau đó lại một lần nữa, các anh được gặp Bác, Bác và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, của quân đội đến tiễn đưa đơn vị lên đường.

Anh nhớ buổi ấy, anh được may mắn ngồi rất gần Bác. Khi Bác mời cơm anh em, anh còn được Bác gắp thức ăn ngon cho vào bát của mình nữa. Xúc động quá anh không ăn được. Nhìn sang Bác, anh thấy bát cơm của Bác cũng vẫn đang đầy. Còn tay đũa của Người thì chăm chăm gắp các món ăn cho từng chiến sĩ.

Anh cứ ngồi nhìn Bác, như nhìn một người Cha hết sức thiêng liêng mà xiết bao gần gũi…

Cũng trong những ngày ở Hòa Bình chuẩn bị ra đi ấy, các anh thường gặp một người anh lớn: Anh Ba, tên mà đông đảo cán bộ và chiến sĩ miền Nam thường gọi đồng chí Lê Duẩn kính mến từ những ngày đánh Pháp ở chiến trường Nam Bộ.

Anh Ba thường đến với anh em giảng bài, thăm hỏi, tâm sự với từng cán bộ, chiến sĩ. Mỗi lần gặp anh Ba như thế, dù là giữa vùng rừng núi Tây Bắc, mọi người lại cứ ngỡ như đang lại được cùng sống với anh Ba ở núi rừng chiến khu Đ của quê hương Nam Bộ.

“Thưa anh Ba, tôi không sao quên được những ngày được sống và chiến đấu gần anh ở chiến khu Đ. Ngày đó gian khổ và ác liệt quá phải không anh? Tôi nhớ có những thời gian anh em ngược xuôi khắp nơi, ráng tìm được một chút dầu trắng cho anh thắp đèn làm việc đêm, mà cũng còn hết sức khó khăn. Nhưng không bao giờ chúng tôi quên anh đã nhường cho chúng tôi và các chiến sĩ bên anh từng lon gạo trắng. Tôi còn nhớ hoài một lần anh Sáu Thọ (tức đồng chí Lê Đức Thọ) đi công tác miền Tây về, lặn lội mang theo về được ít lon gạo trắng. Anh em bàn để bồi dưỡng cho riêng anh, vậy mà rồi nồi cơm nấu lên, anh lại gọi anh em tới xới cho mỗi người lưng bát ăn cùng. Tôi nhớ hoài nụ cười của anh lúc đó “Quà của anh Sáu đó, anh em!”.

Thưa anh Ba, tới đây chúng tôi lại trở về chiến trường thân thiết xưa. Có thể khó khăn, gian khổ, ác liệt còn nhiều hơn nữa, nhưng trong chúng tôi, không một ai thối chí đâu anh. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, trái tim của Bác, của anh, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này đang ở miền Nam. Trái tim những người chiến sĩ chúng tôi đang ở đó. Chúng tôi sẽ nguyện hết sức mình để chiến đấu giải phóng quê hương, thực hiện tốt những lời chỉ bảo của Bác, của anh và của các đồng chí lãnh đạo khác…”

Đã nhiều lần anh Sáu Thượng đã tính thưa với anh Ba như vậy, Nhưng rồi cứ mỗi lần tính nói, lại thấy cổ họng nghèn nghẹn. Dường như anh Ba hiểu được điều đó. Cho nên mắt anh Ba cũng ánh lên bao tình cảm thân thương…

Tháng 11, các anh lên đường. Do yêu cầu bí mật tuyệt đối, cuộc hành quân này tuy trang nghiêm, nhưng hết sức lặng lẽ, không một khúc quân hành vang theo,

Qua Nam Định, Thanh Hóa, Vinh… những xóm làng miền Bắc thân yêu hằng ấp ủ và chấp cánh cho các anh trở về quê mẹ hôm nay. Cho tới Vĩnh Linh, khi dòng sông Bến Hải bên trong, bên đục hiện ra trước mắt, thì đơn vị đột ngột ngoặt sang một bến kín vượt sông. Rồi từ đây, các anh bắt đầu cặp theo triền Trường Sơn đi miết về phía Nam.

Hành trang trên vai mỗi người lúc ấy quãng hơn 30 ki-lô-gam. Ngoài một bộ quần áo và thuốc men, lương thực, còn lại là vũ khí. Đây là những khẩu súng, những viên đạn… đầu tiên của miền Bắc trang bị cho miền Nam. Cũng không thể không nhắc đến một mặt hàng hết sức quan trọng khác mang trên vai các anh lúc đó là vàng. Vàng của đất nước, của miền Bắc gửi cho miền Nam để chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.

Cả đơn vị cứ lặng lẽ đi men theo triền núi. Theo những con đường do chính mình khai phá. Nhưng lại không được để lại một dấu vết gì. Nhất là dấu giày, vết dép. Chính do vậy nên mọi người phải lội đất trong khi đó thì giày dép lại phải mang cả trên vai. Cứ đầu trần, chân đất như vậy mà vượt núi, băng rừng, đạp gai, dẫm đá. Những buổi đầu đôi chân phồng rát lên, có người còn bị tướt cả máu nữa. Nhưng đi mãi rồi cũng thành quen…

Riêng với anh Sáu, một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn đến với anh. Đi được quãng một phần ba chặng đường, bỗng thấy nhói bên ngực phải. Cứ nghĩ do quai ba lô siết. Nhưng nới quai rồi vẫn thấy đau, càng đi càng đau. Cho đến lúc anh ói, ói ra máu đỏ nọc. Đồng đội nhìn anh ói mà nước mắt lưng tròng. Cái mảnh đạn tai quái trong buồng phổi của anh đó, rình lúc căng thẳng, mệt mỏi,lại trỗi dậy hành hạ anh. Trước tình hình sức khỏe của anh như vậy, chi bộ họp và quyết định phải đưa anh trở lại miền Bắc. Nhưng với quyền bí thư, anh gắng thuyết phục mọi người cho mình đi tiếp. Có lẽ do quá thông cảm và nể tình, cho nên mọi cánh tay lại giơ lên phủ quyết lại quyết định trước đó của mình. Và rồi chính những cánh tay đồng chí đã mở ra, gánh vác dùm anh những khối hành lí nặng nề trên vai.

Mỗi chặng đường đi, lại gặp mỗi khó khăn mới. Càng về cuối con đường lương thực càng vơi cạn.

Cho đến lúc chỉ còn lại những lon gạo cuối cùng. Chi bộ lại phải họp và quyết định từ đây chỉ được ăn rau rừng, dành phần gạo còn rất ít ỏi đó phòng những trường hợp thật đặc biệt. Hai tháng trời ròng rã chỉ ăn rau rừng, lá rừng, người ai cũng xanh mướt. Mãi cho tới lúc gần tới Phước Long, anh Sáu mới reo lên với anh em:

– Yên tâm đi! Sắp tới Phước Long rồi. Bí thư ở đó là anh Bảy Thẩm, trước kia mình rất thân. Mai này qua đó, mình sẽ vô xin chi viện cho chúng mình lương thực…

Khi đi ngang qua vùng căn cứ Bà Rịa, anh Sáu Thượng dặn anh em đứng chờ bên ngoài, để anh tìm vô căn cứ của các đồng chí Tỉnh ủy Phước Long. Nhưng thiệt không thể tưởng tượng nổi. trong những rừng le, anh Bảy Thẩm cùng ba đồng chí còn sót lại của Tỉnh ủy đang phải chịu đựng một cuộc sống gian khổ gấp nhiều lần nỗi cực khổ của các anh. Hàng tháng trời nay các đồng chí trong Tỉnh ủy này không có lấy một hạt bắp, chứ đừng nói gì hạt gạo để ăn. Ngoài ra, lại còn bị bệnh tật, sốt rét triền miên mà cũng không có lấy một viên thuốc. Nhìn thấy các đồng chí còn da bọc xương, anh Sáu ôm lấy anh Bảy mà nước mắt giàn giụa trên má. Mãi rất lâu, anh Bảy mới run run đề nghị:

– Mới ở miền Bắc vô, còn gạo ủng hộ cho bọn mình với…

Anh Sáu lặng lẽ đi ra ngoài, ngồi kể lại với anh em. Và mọi người dốn hết số gạo còn lại cho các đồng chí Phước Long. Riêng anh Sáu còn lại một củ sâm duy nhất mà Trung ương dành bồi dưỡng cho các anh phòng khi đi đường, anh cũng mang vô tặng anh Bảy và anh em ở Tỉnh ủy…

***

Cho đến khi đặt chân tới Mã Đà, vùng rừng núi chiến khu Đ lịch sử ngày đánh Pháp, cũng đang là căn cứ địa đánh Mỹ lúc bấy giờ, thì cả 28 anh em mới hiểu rằng mình đã về tới đất mẹ, nước mắt cùng chảy trên má họ. Miền Nam đây rồi. Quê hương đây rồi. Đồng chí, đồng bào đây rồi. Các anh ùa hết xuống sông Đồng Nai, vốc nước uống cho đã khát đã thèm, rồi quỳ xuống hất nước khắp người cho đẫm ướt tình yêu…

Trước mắt họ là những cánh rừng già trang nghiêm. Nơi đây, suốt bao năm đen tối qua, bao trái tim kiên cường của Đảng, của quê hương vẫn thao thức bền bỉ nhen nhóm ngọn lửa đánh Mỹ. Khi các anh vừa đặt chân tới, tất cả các đồng chí có mặt ở chiến khu lúc ấy cùng ùa ra mở rộng vòng tay ôm chầm lấy anh em, mừng mừng, tủi tủi. Thay mặt toàn đoàn, anh Vân, anh Sáu Thượng đã báo cáo lại với các đồng chí trong Khu ủy tình cảm của Bác,của Trung ương của quân đội ,và cả của nhân dân miền Bắc với miền nam.Rồi các anh trao lại cho Khu ủy tất cả súng đạn và vàng bạc, máy móc mà Trung ương trang bị cho Cách mạng miền Nam. Cầm những khẩu súng trên tay, các đồng chí Khu ủy cùng run lên vì xúc động. Võ khí của Đảng đây rồi. Võ trang đây rồi. Có võ khí, có võ trang, có quân đội là có ngày chiến thắng.

Một thời gian rất ngắn sau, vào tháng 7-1961 từ 28 cán bộ quân đội này, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Chiến trường Nam Bộ được thành lập. Đồng chí Hai Xô, Thường vị Khu ủy phụ trách quân sự chỉ rõ: “Tiểu đoàn đầu tiên là đốm lửa, và sau này cháy thành rừng lửa để góp phần cùng toàn quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”

Từ tiểu đoàn đầu tiên đó, chiến dịch sau đã trở thành trung đoàn Bình Giã và rồi trưởng thành lên thành một sư đoàn anh hùng. Và trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn góp phần xứng đáng vào trận cuối cùng quét sạch Mỹ, Ngụy trên đất nước chúng ta, hoàn thành sứ mệnh lịch sử và lời hứa thiêng liêng của những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên đã hứa trước Trung ương và Bác Hồ yêu quý ngày trở về quê hương…

T.N.V