Nhớ Bác Hồ mỗi khi giao thừa đến – Tạp bút của Đinh Trung Hưng

513

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những năm tháng đi qua tưởng như không xa lắm, mới gần đây thôi vậy mà đã hơn 50 năm rồi, tức là hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua nhanh như một giấc mơ đối với tôi. Trong mỗi chúng ta chắc ai cũng hoài niệm về một thời mà chúng ta đã đi qua và để lại trong lòng, trong tâm mình những điều thầm kín và lắng đọng một tình cảm ấm áp lạ thường mà ít khi chia sẻ.

Hàng năm khi mỗi mùa Xuân đến mỗi người chúng ta dù đang ở quê hương hay sinh sống và làm việc ở xa quê hương hay ở nơi đất khách quê người, nơi chân trời góc bể đều nhớ về tết nguyên đán của dân tộc mình với một nỗi nhớ mong da diết trong lòng. Riêng với tôi ngoài những nỗi nhớ còn một nỗi nhớ là mỗi đêm giao thừa đến lòng lại bồi hồi bâng khuâng khôn tả, không bao giờ nguôi quên. Đó là được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết tới đồng bào và chiến sỹ năm nào. Tôi còn nhớ hiển hiện trong đầu vào những năm 1964 – 1965, độ đó lứa chúng tôi mới 6 đến 7 tuổi là học sinh cấp một của trường làng còn ngây thơ và hồn nhiên đến thật hiền. Mỗi khi xuân về tết sắp đến là được “nghỉ tết” và được mẹ mua cho quần áo mới để “diện tết” đón năm mới, lại được theo bà, theo mẹ đi chúc tết anh em nội ngoại và còn nhiều điều thích nữa. Nhưng đối với tôi điều mong mỏi, háo hức nhất là đón đợi giao thừa. “Ở lứa tuổi này mà thức đợi giao thừa đã là hiếm lắm”, ông tôi bảo thế, vì nhiều lý do không thể thức đến 12 giờ đêm do đang ở “tuổi ăn tuổi ngủ”, hai nữa là trong những ngày giáp tết suốt cả ngày chúng tôi được đi chơi, đùa nghịch phần nào giúp mẹ làm các việc vặt nên chí ít tối đến sẽ buồn ngủ sớm. Với tôi đón đợi thời khắc giao thừa để được nghe Bác Hồ chúc tết là điều mà tôi đã mong đợi cả năm với một lòng thành kính mong nhớ Người, được nghe giọng nói của Bác muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.

Độ đó nhà bố mẹ tôi, nơi tôi ở cách nhà ông tôi chưa đầy 100m. Mỗi độ cuối năm tuy đã sang xuân nhưng tiết trời lại giá rét lạ thường. Trong xóm, trong làng cũng như nhà ông tôi tất bật công việc cho đón giao thừa, như nấu bánh chưng và trang trí tết. Mặc dù cuộc sống khi đó còn nghèo, vật chất còn đạm bạc nhưng vui náo nức trong lòng. Từ chiều 30 tết đến chập tối tôi không quên dặn ông là xin ông đêm giao thừa cho cháu nghe Bác Hồ chúc tết. Nói vậy tuy đơn giản nhưng cũng phải làm sao để có thể thực hiện được ước muốn ấy. Thế rồi tôi được ông đồng ý khuyến khích cho tôi được ngủ cùng ông để đón đợi giao thừa, lòng tôi rất vui và hồi hộp đến lạ thường, chỉ mong sớm được đến cái giờ phút thiêng liêng ấy.

Đêm ba mươi tết trời tối đen như mực, không khí lạnh tràn về cùng với mưa phùn nặng hạt làm cho mọi người càng thấy lạnh hơn. Độ đó trong xóm, trong làng đâu có điện như bây giờ, phần lớn là đèn dầu những ngọn đèn “Hoa kỳ” nhỏ nhoi, chỉ nhà ông tôi và vài nhà nữa ở trong xóm mới có đèn tọa đăng là sáng hơn nhiều cũng là “hạnh phúc” lắm rồi. Càng gần đến giao thừa, càng nhiều tiếng bước chân dậm dịch của người “đi sắng tết” vì đều muốn các công việc ổn thỏa trước thềm năm mới. Vào lúc này tôi đã được ngủ cùng ông trong chăn ấm để đợi giao thừa. Tôi không quên dặn ông đến gần 12 giờ đêm thì ông đánh thức tôi dậy. Trên tường nhà ông rất giản dị là treo một cái đài nơi trung tâm nhất của gian nhà. Âm thanh vừa đủ nghe các chương trình phát thanh của Đài Tiếng Nói Việt Nam, phát đi chương trình văn nghệ và các bản tin về kinh tế xã hội, bản tin về không khí đón tết nguyên đán của các địa phương. Cùng với các tin về chiến sự chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Chiếc đài hay nói cho đúng hơn là chiếc “loa kim” treo ngay ngắn trên tường được nối với hệ thống truyền thanh của “tổng đài” của hợp tác xã nông nghệp tiếp âm và truyền dẫn qua đường dây truyền thanh đến mỗi gia đình trong thôn chứ đâu có được hệ thống radio thu sóng trực tiếp của đài tiếng nói Việt Nam như các thập kỷ 70 đến nay. Chờ mãi chờ mãi rồi đến lúc tôi đã ngủ say trong chăn ấm cùng ông. Nhưng lòng tự tin đã có ông thức để gọi tôi khi giao thừa đến, gần 12 giờ đêm tôi được ông đánh thức dậy, cả ông và cháu hồi hộp đón giao thừa. Mở đầu là hồi chuông reo lên vang ngân của đài Quốc gia điểm báo thời khắc giao thừa đã đến. Lời giới thiệu của phát thanh viên đài tiếng nói Việt Nam nghe rất thiêng liêng qua lời đọc trịnh trọng và xúc cảm “Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đón nghe thơ chúc tết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh”.

Tôi nhớ không nguôi, đó là vào năm 1967 khi đó tôi mới 9 tuổi đã cùng ông tôi nghe Bác Hồ chúc tết xuân Đinh Mùi, giọng Bác Hồ ấm áp, âm vang trong thời khắc thiêng liêng giao hòa của đất trời, Bác đọc thơ chúc tết đến toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta. Với toàn bài là:

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa

(Xuân 1967 – Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Lần đầu tiên tôi được nghe rõ giọng nói của Bác Hồ qua lời thơ chúc tết, trong lòng mới cảm động biết nhường nào. Lúc đó cả hai ông cháu đều vui mừng khôn tả. Khi mà Hà Nội chỉ cách quê tôi, một làng quê ở Ninh Bình chỉ chừng một trăm km mà tưởng như Bác đang ở ngay trên quê hương mình vậy. Được đón nghe giọng Bác, thơ Bác chúc tết đêm giao thừa là một điều thiêng liêng vô cùng đối với tôi.

Nghe xong chương trình đặc biệt của đài Tiếng nói Việt Nam, tôi lại ngủ cùng ông cho đến sáng mồng một tết. Tôi chào ông bà để về nhà đón tết cùng bố mẹ và anh em và như thế tôi cũng là người “xông nhà” sớm nhất cho bố mẹ rồi. Về đến nhà tôi vui mừng khoe với mọi người là đêm giao thừa vừa qua tôi đã được nghe giọng Bác Hồ chúc tết. Cả nhà đều vui mừng và chia sẻ niềm vui ấy.

Lòng xúc động và tràn ngập niềm vui còn hơn như vừa nhận được một phần thưởng cao quý. Thế rồi tôi lại cùng gia đình đón tết. Tuy cuộc sống của gia đình tôi còn nghèo, vật chất còn đạm bạc mà sao tôi thấy lòng vẫn vui. Khi tôi còn đang ở độ tuổi thiếu nhi hàng ngày được đi học ở trường và được học 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, được bố mẹ, thầy cô, bạn bè truyền cho tôi những tình cảm và dạy dỗ tôi trong mỗi năm học. Cũng từ đó tiếp nối mỗi năm khi tết đến xuân về, vào những ngày 29, 30 tết tôi lại hồi hộp chờ mong đón đợi đêm giao thừa để lại được nghe giọng Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Vào những năm 1968, 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai ở miền Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt với cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 với khí thế hừng hực của quân dân ta trên cả hai miền nam bắc với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với khí thế mới, tinh thần mới, thắng lợi mới, giao thừa tết Mậu Thân 1968 giữa Thủ đô Ba Đình lịch sử Bác Hồ đã chúc tết. Vẫn theo thường lệ như năm trước để rồi lại được cùng ông đón giao thừa, nghe Bác Hồ chúc tết, vẫn ngôi nhà ấy  vẫn cái “đài” loa kim ấy tôi lại được ông đánh thức dậy vào giao thừa để nghe Bác chúc tết xuân Mậu Thân lòng vẫn hồi hộp và cảm động khi nghe giọng Bác ấm áp vang lên trên làn sóng đài TNVN, mà tôi nhớ và thuộc toàn bài:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên toàn thắng ắt về ta

(Xuân 1968 – Hồ Chí Minh )

Sáng hôm sau mồng một tết chào ông bà tôi về nhà lại khoe với bố mẹ là đêm giao thừa tôi đã được cùng ông nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết, cả nhà đều vui mừng. Thời gian qua mau, năm Mậu Thân đi qua để bước sang năm Kỷ Dậu 1969 và cũng như năm ngoái đến giao thừa tôi lại được đón nghe lời thơ qua giọng nói ấm áp của Bác chúc tết đêm giao thừa mùa xuân năm ấy cùng với ông tôi. Với lòng mong đợi cả năm. Cũng như 2 năm trước, tối ngày 30, tôi vẫn dặn ông cho ngủ cùng để được ông đánh thức khi đến giao thừa để được nghe Bác Hồ chúc tết và thời khắc giao thừa đã đến cũng với tiếng Bác vang vang,  ấm áp trên làn sóng đài TNVN được truyền qua cái đài của nhà ông tôi với bài thơ của Bác. Nghe Bác đọc thơ mà cả hai ông cháu chăm chú lắng nghe như nuốt lấy từng lời trong lòng trào dâng xúc động:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào

Bắc nam sum họp xuân nào vui hơn.

(Xuân 1969 –  Hồ Chí Minh)

Nghe Bác đọc thơ chúc tết xong hai ông cháu đều rất cảm động, ông tôi nói với tôi “Bác Hồ kính yêu là vị thánh trong lòng nhân dân, trong lòng dân tộc Việt Nam, dân tộc ta , nhân dân ta ngàn đời ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, cháu ạ”.

Với khí thế mới của năm mới được Bác truyền cho, những người con của quê hương tôi cũng như mọi miền của Tổ quốc, lại nô nức lên đường nhập ngũ vào các chiến trường miền Nam đánh Mỹ, người ở hậu phương hăng hái tham gia thi đua yêu nước lao động sản xuất giỏi để làm ra nhiều lương thực, thực phẩm, góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh thắng quân thù. Những ước mong phấn đấu cùng cả nước thực hiện mong ước của Bác qua lời thơ chúc tết vừa qua.

Thời gian này tôi và các bạn cùng lứa tuổi mới học lớp 3 phổ thông cấp 1 ở trường làng. Các lớp học được đặt ở các xóm có đắp lũy đào hào bảo vệ lớp học để tránh máy bay Mỹ đánh phá. Chúng tôi hàng ngày đi học phải đội mũ rơm hay khoác trên lưng một cái nùn rơm tránh bom Mỹ. Lứa tuổi còn đang vô tư học tập ca hát dưới khoảng trời mà luôn có tiếng máy bay Mỹ từ biển vào oanh tạc các trọng điểm của huyện và cả ở làng tôi nữa. Cuộc sống sinh hoạt của dân làng cũng như không khí, tinh thần học tập của học sinh chúng tôi vẫn diễn ra bình thường như ở các miền quê khác. Nhưng đột ngột vô cùng là khi nghe đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi thông cáo đặc biệt Bác Hồ kính yêu của dân tộc đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969. Lúc đó hai ông cháu và cả nhà đều hồi hộp, xúc động lắng nghe chị phát thanh viên đọc thông báo đặc biệt này. Mọi người đều lặng đi, bồi hồi, không nói nên lời. Riêng với tôi nghẹ ngào nói với mọi người là từ nay cháu không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết vào đêm giao thừa hàng năm nữa!

Cũng như thiếu niên nhi đồng cả nước vô cùng nhớ thương Bác Hồ kính yêu, anh em tôi cùng với bà nội lập một bàn thờ có ảnh Bác để thắp hương tưởng nhớ Bác trong suốt thời gian Quốc tang cả nước và thế giới tưởng niệm Người. Những ngày này chúng tôi đi học đều gắn trên ngực áo bên trái một băng tang màu đỏ có giải màu đen ở giữa với tình cảm nhớ thương Bác khôn cùng.

Sau này đọc tài liệu tôi mới được biết rõ Bác Hồ kính yêu đã làm 22 bài thơ chúc tết kể từ năm 1942  mỗi năm khi giao thừa tết đến. Từ đó đến nay cứ mỗi độ xuân về vào những đêm giao thừa trong tôi lại bồi hồi xúc động một niềm nhớ nhung khôn tả nhớ về giọng nói ấm áp của Bác Hồ đọc thơ chúc tết năm xưa.

      Quê hương năm 2023

    Đ.T.H