Nhớ cây ổi sẻ vườn nhà – Tản văn Võ Văn Thọ

608

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ổi là một trong những trái cây dân dã có trong vườn nhà nơi làng quê yêu dấu, lúc còn trẻ thơ tôi thích nhất. Ổi đã gắn bó với tôi cả quãng thời gian dài những năm tháng ngày đất nước mới giải phóng còn khó khăn chung. Nhìn trái ổi từ những cây ổi mọc tự nhiên trong vườn nhà ngày ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ và sẽ mãi còn hiện hữu trên cõi tạm của một đời người.

Có lẽ không riêng gì tôi, mà lũ nhỏ ngày ấy trong xóm, làng nhà tôi cũng rất thích hái ăn trái ổi sẻ vừa chín tới, hương vị ngọt thơm lừng đến nức mũi…cho vào miệng cắn một miếng để thưởng thức vị ngọt thanh của ổi, và ăn đến no bụng vẫn còn thòm thèm.

Ổi sẻ trái không to nhưng thơm ngon hơn các loại ổi to trái hiện nay. Khi có cơn gió thoảng qua là hương vị ổi chín lại bay đi quanh vườn nhà, chỉ hít hà thôi là bụng đã cồn cào muốn được thưởng thức ngay những trái ổi chín như đang chờ những bàn tay trẻ thơ hái trái. Hồi ấy lũ dơi không biết ở đâu bay về rất nhiều và chúng rất thích ổi chín, chúng chọn những trái nào ngon nhất để ăn, chính vì vậy nên lũ trẻ phải thường xuyên quan sát hàng ngày bất cứ lúc nào rảnh rang trong ngày để hái ổi kể cả buổi trưa nắng chói chang vẫn rủ nhau tìm đến cây ổi bờ vườn để hái trái, nhà này hái hết thì kéo nhau sang nhà khác tìm hái ổi, nếu không thì đêm về loài dơi sẽ hớt tay trên. Chỉ trừ những chùm ổi chín trên cao đầu cành phải dùng sào để hái hoặc trèo lên cây ổi để hái trái, vì cây ổi thường nhiều nhánh, cành và thân cây rất dẻo dai khó gãy, nên rất thuận tiện cho trẻ nhỏ leo trèo hái ổi.

Có những hôm vì tiếc trái ổi chín dơi ăn làm rụng, nhặt lên dùng dao hớt bỏ phần dơi ăn để ăn mót lại. Phải nói là loài dơi rất khôn ngoan những trái dơi đụng đến đều là trái ngon nhất.

Ổi là cây mọc tự nhiên, khi chín dơi ăn phần cơm ổi, còn hạt ổi do dơi tha trái đi nên phân phát hạt khắp nơi, nên cây con mọc lên từ hạt ổi, chỉ vài năm sau là đã ra trái; những cây ổi sẻ bờ vườn vừa tạo nên nét đẹp cho khu vườn nhà vừa có trái cho trẻ con nên được người dân quê tôi yêu thích, nhà nào trong vườn, đồi cũng có một vài cây ổi. Ổi là cây chịu hạn và ra trái hầu như quanh năm, là loại trái cây được ưa thích không chỉ trẻ con mà người lớn cũng thích trái ổi.

Cây ổi ngoài việc cho trái còn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ con người, lá ổi được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày của người dân ai cũng biết công dụng của lá ổi như: Lá ổi là một trong những vị lá mùng năm, hàng năm cứ đến ngày tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) là người dân đi cắt lấy lá mùng năm để phơi lúc 12 giờ trưa gọi là lấy Ngọ với quan niệm lá sẽ thơm hơn ngày thường, để thay chè nấu nước uống quanh năm, thì lá ổi là một trong những vị lá không thể thiếu được. Lá ổi còn dùng để lót gói nem thịt heo (thịt lợn) trong mỗi dịp xuân về tết đến, khi nướng nem, vị lá ổi sẽ làm thịt nem thơm hơn, chống đau bụng và nem để được thời gian lâu hơn. Còn đọt ổi sẻ rất có tác dụng trong việc chữa đau bụng đi ngoài hay đại tiện. Lá ổi còn có tác dụng là một trong các loại lá như lá sả, chanh, lá lốt, lá tre, ngải cứu dùng để đung nước xông khi bị cảm nóng lạnh, thương hàn… mà người dân quê tôi thường dùng trước đây và hiện nay cũng vậy.

Hồi đó chưa có thuốc tây bán tại các quày thuốc như bây giờ, nên chỉ biết dùng đọt ổi để thay thế thuốc tây. Chỉ cần hái 7 đọt ổi đối với nam giới rửa sạch và nhai với mấy hạt muối trắng còn gọi là muối biển là mấy phút sau đã ổn định đường ruột và bụng đỡ và hết đau, còn nữ giới thì dùng chín đọt ổi. Nên mới có câu nói dân gian: Nam thất, nữ cửu là vậy.

Tôi còn nhớ như in, hồi nhỏ do kinh tế khó khăn, thiếu cơm lạt muối, nên gặp cái gì ăn được là ăn cho đỡ đói, nên thường hay bị đau bụng đi ngoài nhiều lần dẫn đến mất nước trong cơ thể, có khi đôi chân bước không vững. Ba, mẹ tôi chỉ cần hái 7 đọt ổi non rửa sạch đưa cho tôi nhai với mấy hạt muối và nuốt thế là hết đau bụng. Chính vì vậy, nên tôi nhớ đến tận bây giờ. Lúc đó tôi có hỏi mẹ sao đọt ổi linh nghiệm vậy?

Mẹ giải thích đọt ổi có vị chát nên chữa đau bụng rất tốt và thêm mấy hạt muối là để chống vi khuẩn gây men độc hại làm đau bụng. Còn vì sao trái ổi già sắp chín chi chít dấu móng tay để lại là do lũ trẻ bấm vào trái ổi để thử ổi sắp chín hay chưa. Nếu ổi sắp chín thì bấm vào trái ổi sẽ mềm, còn chưa chín thì cứng hơn. Đây còn gọi là kinh nghiệm dân gian của bọn trẻ. Và riêng tôi đã chuyển tải thành thơ, xin được mạo muội bọc bạch trong bài thơ NHỚ HƯƠNG ỔI TÌNH QUÊ tôi viết:

Tôi yêu ngày tháng tuổi thơ

Vùng quê xứ Quảng mộng mơ thanh bình

Hừng đông sắc nắng bình minh

Khu vườn cây trái thắm tình quê hương

Và:

Có nắng, có gió hạt sương/ Đọng trên ngọn cỏ, ruộng vườn đồng quê/ Thoảng hương ổi sẻ mà mê/ Mít sai trái ngọt khó chê đậm đà…

Học xong cấp 3, một năm sau tôi vào quân ngũ, nên không còn có điều kiện để thưởng thức những trái ổi sẻ bờ vườn, tuổi thơ tinh nghịch như câu nói dân gian truyền miệng: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” của tôi đã khép lại từ ngày ấy. Ai rồi cũng phải lớn lên và già đi theo năm tháng cuộc đời, không ai có thể trẻ mãi để sống mãi với tuổi thơ, đó là quy luật tất yếu của con người. Quy luật: Sinh lão bênh tử là bất biến không ai có thể cưỡng lại được như là điều hiển nhiên trên hành tinh này.

Tôi muốn viết lại chút cảm xúc của mình về một loài cây cho trái có ích đã gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ tôi nơi miền quê xứ Quảng đầy nắng, gió bão giông, để càng thêm yêu quê hương, quê cha, đất tổ nơi nuôi giấu những kỉ niệm đầu tiên trong đời, nơi chấp cánh những ước mơ gửi vào cánh diều khát vọng. Và quê hương mãi là chùm khế ngọt, có vị ổi thơm lừng, tuổi thơ tôi còn mãi hiện hữu trong đời tôi…

Tiết hạ, ngày 12.7.2023

V.V.T