Nhớ cố “họa sĩ của dân làng” Nguyễn Đức Hạnh

110

(Vanchuongphuongnam.vn) – Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh là một người đặc biệt: trong cuộc đời, ngoài việc làm vườn và sáng tác tranh ở nhà, ông thường rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng tới mọi nơi để… tìm kiếm nơi triển lãm tác phẩm của mình. Vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông được biết đến với danh hiệu “họa sĩ của dân làng” bởi ông tạo ra nhiều tác phẩm về đề tài dân quân, bộ đội… Đặc biệt, ông vẽ nhiều bức tranh sống động về bộ đội ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – mở đường Trường Sơn ở miền tây Quảng Nam. Trong cuộc đời, hàng năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, ông lặn lội bằng chiếc xe đạp đến các địa phương trong vùng để liên kết và tổ chức triển lãm tranh “cách mạng”.

Một trong những triển lãm gần đây của người họa sĩ tài hoa Nguyễn Đức Hạnh mà chúng tôi được thấy là tại đình làng cổ Túy Loan (Hòa Phong – Hòa Vang). Ngày đó, không khí Tết vẫn còn lãng đãng khắp nơi. Thấp thoáng trong con hẻm nhỏ bên đường ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), người họa sĩ lão làng đem những bức tranh khá lớn ra ngoài và trưng bày dưới gốc cây ven đường. Những tác phẩm vẽ Bác Hồ được tạo ra bằng sơn dầu và bột màu rất ấn tượng.

Lúc sinh thời, ông Đặng Khôi, nguyên Trưởng ban trùng tu di tích đình làng cổ Túy Loan vào năm 2009 kể: “Ngoài những chương trình như rước sắc phong, đua thuyền, ẩm thực…, lễ hội năm nay có điều đặc biệt là có không gian trưng bày tranh vẽ về Bác Hồ của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh”. “Không gian tranh” của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh bao gồm 15 bức, như “Lòng Bác”, “Đêm nay Bác không ngủ”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Bác Hồ với đất Quảng”, “Bác Hồ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, “Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan”, “Cho Bác thêm hai quả cà muối”, “Mình đã đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”…

Lúc sinh thời, chúng tôi thường ghé thăm ông Nguyễn Đức Hạnh, ngôi nhà cấp 4 nằm khuất sau con hẻm ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn. Đây là nơi “phòng tranh” của ông. Chủ đề mà ông quan tâm và say mê nhất vẫn là vẽ tranh về Bác Hồ. Ngoài ra, ông còn vẽ một số đề tài khác với các bức như “Chị dân công”, “Chú bộ đội”, “Chiến thắng Núi Thành”, “Mẹ Thứ Điện Bàn”, “Đoàn quân ra trận”, “Tình già”, “Tình quân dân”… Hơn nữa, ông vẽ rất nhiều tranh về đồng bào Cơ Tu cùng với bộ đội mở đường Trường Sơn tại các huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam.

Lúc đó, họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, từ năm 1993, ông đã mua lại một khu vườn nằm sâu trong chân núi để làm điền viên. Khi không cầm cọ, ông lại cầm xà beng, búa, xì rô, cuốc để đục hàng trăm khối đá ong và di chuyển xuống dưới vườn, cần mẫn sắp xếp đá ong thành những bức “tường thành” để trồng tiêu. Trong những lần chúng tôi đến thăm, ông luôn vui vẻ mở cửa rộng mời chúng tôi uống rượu gạo với vài trái cóc, ổi xanh trong vườn nhà. Khi men rượu đã lên, ông trở nên sôi nổi và kể chuyện về việc vẽ tranh về Bác Hồ yêu quý, về cuộc mở đường Trường Sơn, về quê lúa Yên Thành, về việc mang tranh đi triển lãm…

Trên hành trình nghệ thuật lặng lẽ của mình, mặc dù chưa bao giờ được vinh danh bằng giải thưởng nào, nhưng ông đã có danh hiệu đặc biệt: “họa sĩ của dân làng”. Xuất thân từ Yên Thành (Nghệ An), ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1967. Vào cuối năm 1967, ông được phân công công tác ở miền Nam trong Ban Tuyên huấn Quảng Nam. Tại đây, ông được cơ hội vẽ tranh ghi lại các hoạt động, công tác chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích… ở chiến trường khu V. Năm 1973, tại tháp Chàm Mỹ Sơn (Duy Xuyên – Quảng Nam), ông tổ chức triển lãm hơn 50 bức tranh vẽ bộ đội ta chiến đấu, làm đường, sản xuất, huấn luyện… để quân dân cùng xem.

Gia tài tranh của ông đã lên đến hơn 450 bức, trong đó, chủ đề bộ đội chiếm hơn 100 bức. Từ khi đất nước thống nhất cho đến năm 2009, mỗi năm ông đều có tranh được trưng bày tại các phòng Thông tin Văn hóa huyện, nhà văn hóa xã ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Gần 30 cuộc triển lãm như vậy, một “kỷ lục” về việc sáng tạo và đi tìm nơi trưng bày, đó thực sự là điều hiếm có! Tiếc thay, năm 2010, “họa sĩ của dân làng” Nguyễn Đức Hạnh ra đi đột ngột, để lại trong lòng những người yêu “dòng tranh Cách mạng” xứ Quảng một nỗi tiếc thương vô hạn.

Vào tháng 9/2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ tiếp nhận tranh của người nghệ sĩ đã qua đời, Nguyễn Đức Hạnh (là hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) do gia đình hiến tặng. Hơn 450 bức tranh về lịch sử đấu tranh của quân dân đất Quảng và tình cảm của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm của họa sĩ đã được gia đình hiến tặng cho thành phố theo nguyện vọng của ông trước khi ông ra đi.

Năm nay 2023, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 ngày mất của ông, thông qua bài viết này, tôi xin thắp nén hương và lòng thành kính dâng lên hương hồn ông, nhớ về người “họa sĩ tài hoa của dân làng” trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng, luôn hướng về Bác Hồ kính yêu và quê hương Nghệ An thương nhớ của ông./.

                                                                                                      Tiên Sa

*Hình ảnh trong bài là Cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh trong buổi triển lãm tranh.