Nhớ cơm vắt, muối mè! – Truyện ngắn của Võ Văn Thọ

756

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đi lên rừng Trại Quế, Núi Lớn là việc thường xuyên của hắn mỗi dịp nghỉ hè. Hắn phải cùng người lớn lam lũ, cắt tranh, chặt củi để mưu sinh.

Tác giả Võ Văn Thọ 

Hồi đó mẹ thức khuya, dậy sớm, lo cơm vắt muối mè cho chị em hắn, để có bữa ăn trưa trên núi. Vì đi Núi Lớn, hay Trại Quế do đường lên núi xa, phải dậy sớm từ mờ sáng, cơm nước xong, xuất phát lên rừng, phải ở lại trưa trên núi, nghỉ ngơi chốc lác, chiều tiếp tục công việc. Khoảng 4 giờ chiều là phải rời núi, nếu không trời tối, không kịp về đến nhà. Ba, mẹ lại trông ngắn, trông dài vì lo lắng, không biết chị em hắn có vấn đề gì xảy ra hay không? Nơi chốn “rừng thiêng”…

*

Đang đêm khuya canh ba – khoảng 3 giờ sáng, tiếng gà gáy: Ò…ó…o. Ò… ó..o. Ò…ó…o, như hiệu lệnh báo thức. Mẹ hắn, vừa thiếp mắt một lúc đã vội vàng tỉnh giấc. Mẹ lặng lẽ dậy sớm, nhen bếp lửa nấu cơm và rang muối đậu hoặc mè, rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó trộn đều với muối hột đã hầm sẵn, thêm vào một ít tiêu bột, cho muối mè, đậu thơm, vừa khẩu vị. Đây là món cơm vắt chấm muối dân giã của nhà nông, dành cho những chuyến lên rừng trong ngày.

Cơm nấu chín, mẹ vơi ra lá chuối xanh (lá đã lau sạch và hơ qua lửa ngọn, mẹ chuẩn bị từ chiều tối) cho khỏi rách lá. Sau đó, dùng lá chuối nắm cơm còn ấm thật chặt lại như cái chén (bát) ăn cơm hoặc cái tô, tùy theo khẩu phần. Nếu 1 người đi núi thì nắm cơm vắt bằng cái chén, còn 2 đến 3 người đi núi thì nắm cơm lớn hơn như cái tô (tộ) đựng canh. Và kèm theo muối mè, đậu đã chuẩn bị sẵn. Tất cả gói trong lá chuối và được đựng vào bao tời nhỏ hoặc ba lô, kèm theo bi đông đựng nước uống, là thứ lá mùng năm nấu với nước sôi, nếu có đậu đen rang nấu nước càng tốt.

Chị em hắn, chỉ việc dậy sớm, ăn cơm sớm, khoảng 5 giờ sáng xuất phát lên rừng, hồi đó, đi núi là cắt tranh, chặt củi; tranh lợp nhà, còn củi thì để dành mùa đông nấu cơm, nấu cám heo, bò và củi to còn để đốt, sưởi ấm khi đêm về, trong những tháng mùa đông lạnh giá.

Vì nhà lợp bằng tranh, vách nứa, nên cứ 3 năm là phải lợp lại; năm này lợp được nhà trên, thì năm sau lợp lại nhà bếp và chuồng heo, trâu, bò. Cho nên cứ cuốn chiếu, quay vòng, năm nào cũng phải đi núi. Nếu tranh còn dư không lợp hết, đem bán cho những người trong xóm bận không đi núi được, (người dân có tranh để lợp nhà) hoặc bán cho thương lái, cung cấp cho các huyện khác trong tỉnh. Hồi đó, hơn 90% nhà nông quê hắn đều là nhà tranh vách nứa, chưa có nhà xây kiên cố như sau này.

Chuyện lên rừng, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vì những hiểm nguy, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may bị rắn độc, vắt rừng cắn, hay trượt, té ngã do đi trên dốc núi có thể mất mạng, hoặc sẽ bị tai nạn suốt đời, chưa kể bị hỏa hoạn cháy rừng do người đốt hoặc sơ ý làm cháy và những bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Nhưng vì cuộc sống, không có lựa chọn nào hơn…

Có nhiều câu chuyện ly kỳ về sự tích đi rừng, khi kể ra hắn cứ rùng người, lạnh cả hai bờ vai đến tận xương sống lưng, như chuyện: Có những oan hồn do người chết oan “bất đắc kỳ tử” vì nhiều lý do trong rừng như, bị cọp vồ, bị xẩy chân rơi xuống khe suối hay bị bom, đạn của Mỹ thả, bắn chết trong chiến tranh. Nên oan hồn của họ không siêu thoát được, khi những người đi rừng nào hợp mạng với hồn ma, sẽ bị hồn ma bịt mắt dẫn đường và giấu vào những nơi bí ẩn, không tìm thấy được. Nên hắn học được kinh nghiệm đi rừng, được người lớn truyền lại. Nếu ở trong rừng không tìm được đường ra, hoặc cứ lạc đường, đi mãi mà vẫn về chổ cũ, thì đó là hiện tượng bị oan hồn ma ám. Để chống lại việc ma chọc gẹo mình, thì đừng nên nhìn lại phía sau, chỉ có cách duy nhất là dùng hai lòng bàn tay hứng nước tiểu của mình tiểu ra và thoa đều lên mặt mình, thì oan hồn ma sẽ không ám nữa. Lý do ma rất sợ nước tiểu con người. Hắn đã vài lần làm như vậy, dù chưa muốn đi tiểu. Không biết có tác dụng hay không, nhưng giải quyết được mặt tâm lý, vì câu cửa miệng mà bộ đội thường hay nói: “Không thông thì mang bình đông cũng nặng”.

Việc cắt tranh, hay chặt củi trên rừng cũng phải để ý, học theo người lớn, mới biết cắt tranh, chặt củi. Còn phải biết bó lại cho ngay ngắn, đẹp mắt và còn gánh về nhà qua chặng đường rừng khá dài, quanh co, qua khe, qua suối, mới đưa củi, tranh khô về được đến nhà. Riêng cắt tranh, thì phải trở phơi cho tranh khô đều từng lọn nhỏ, sau đó mới gom, bó lại thành từng bó. Và phải chuẩn bị đòn xóc nhọn hai đầu và 2 que chèo làm bằng tre, khi xóc bó tranh mới chặt được vào đòn xóc, để gánh tranh khô. Còn củi có thể bó thành từng bó, hoặc bó theo kèo củi như hình chữ A, để gánh về.

Tùy theo sức của mình, bó củi, bó tranh to hay nhỏ, còn gánh đi được. Quá trình gánh cũng phải tập gánh hai vai, nếu mỏi vai này thì phải trỡ qua vai khác, chứ gánh một vai mỏi không chịu đựng được, do đường đi rừng xa. Ai ở quê hắn thời đó cũng đều phải biết lên rừng chặt củi, cắt tranh. Trừ những con em nhà gia đình tiểu thương, cha mẹ buôn bán thì may mắn hơn. Vì họ không phải lên rừng núi, chỉ cần ở nhà phụ gia đình bán hàng tạp hóa.

Có một lần vào một buổi chiều, chị em hắn đang phơi trở tranh cho khô, thì bất ngờ có tiếng người la thất thanh:

– “Cháy, cháy rừng! Ai đốt rừng. Họ muốn giết người!”

Hắn ngước mắt về phía có tiếng người vừa la. Và vểnh tai cố lắng nghe cho rõ:

– Âm thanh vang vọng của người đi rừng gặp nạn, nghe rất quen thuộc. Hình như là tiếng của người đàn bà, chứ không phải đàn ông. Thì ra, là giọng cô Năm Liên!

Tất cả ai đi rừng hãy nhanh chân chạy về điểm tập kết, trên rừng. Nếu không ngọn lửa sẽ thiêu sống! Giọng cô hét lên nhiều lần đến khản cả tiếng!”.

Nếu không có cô Năm Liên phát hiện cháy rừng, thông báo kịp thời, chắc có lẽ chị em hắn mải mê chặt củi, cắt tranh trong rừng, thì đã trở thành than tro. Là vật “thế thân” cho núi rừng năm ấy!…

Cô Năm Liên, người trong xóm Phú Bình, thời điểm đó khoảng 55 tuổi, người to vạm vỡ, nước da ngăm màu trái bồ quân, nhìn cứ như là đàn ông đích thực. Cô có sức khỏe phi thường, cứ như “con voi đầu đàn” vậy. Cô là người có kinh nghiệm đi rừng, người đàn bà nóng tính, nhưng chân thật, có lòng thương người. Cô hay giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn, dù rằng cô cũng chẳng giàu có gì. Nói đúng hơn, cô là người cùng cảnh ngộ nghèo khó. Chồng cô bị bại liệt hai chân, nên chỉ ở tại nhà dạy chữ cho lũ trẻ trong làng; cô thay chồng cáng đáng mọi việc. Nhưng được nhiều người trong xóm, làng quê hắn kính trọng, yêu thương, quý mến cô Năm Liên. Vì tấm lòng bao dung của cô dành cho mọi người, không phải ai cũng làm được!

*

Núi Lớn, Trại Quế, trước đây trong chiến tranh là căn cứ quân sự dã chiến của Mỹ, Ngụy, được coi là núi cao, rừng thiêng. Trên núi lớn còn có sân bay dã chiến cho trực thăng Mỹ treo đổ quân. Nên là địa bàn “điều nghiên” của Mỹ, Ngụy, nhằm hỗ trợ cho Chi khu huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Đà.

Ở Trại Quế, có hang dơi lớn, có khe suối chảy qua. Nơi đây được xem như là “căn hầm bí mật”, có sức chứa cả Đại đội an toàn; trước năm 1975, bộ đội trú ẩn trong chiến tranh, để lên kế hoạch phản công đánh lại những trận càn của bộ binh Mỹ, thật đúng như câu thơ: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những cánh rừng này là nơi mưu sinh cho người dân quê hắn; trong thời bao cấp khó khăn, rừng núi còn là nơi để ngăn chặn lụt lội, bão táp, mưa sa, điều hòa thời tiết; có thể hình dung rừng giống như một tấm áo mưa, tấm dù lớn, che chắn cho người dân trong bão giông, để những người dân quê có cuộc sống bình yên, hạnh phúc!

Thế rồi, một ngày sau thời bao cấp, chị em hắn rời quê, người theo chồng, thằng em vào quân ngũ, đành phải tạm chia tay với núi rừng, chia xa dòng suối mát ngọt ngào ngày còn uống và tắm mát thân thể, để tiếp tục con đường mưu sinh, lập nghiệp. Chị em hắn cũng giống như những con chim nhỏ khi đã ra ràng, thì phải biết bay đi muôn phương…

Những đồi tranh, những cánh rừng cổ thụ lâu năm ngày trước đã không còn nữa, đổi lại thành những cánh rừng keo lai xanh tốt. Vì nhu cầu của cuộc sống con người, cần phải đổi mới, cải tạo đất rừng, để có hiệu quả năng xuất hơn. Tuy nhiên, trong suy tư của hắn, vẫn không quên nuối tiếc một thời đã đi qua. Cái thời khó khăn ấy, nắm cơm vắt muối mè từ tình thương, bàn tay mẹ nâng niu trong những đêm khuya lạnh lẽo, vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của đứa trẻ thơ năm xưa, cho dù đến nay, tóc hắn không còn xanh nữa. Có lẽ, hắn vẫn còn nặng nợ với quê nhà, với những cánh rừng đã gắn bó mật thiết trong quãng đời tuổi thơ hoài niệm, làm sao hắn có thể dễ dàng lãng quên đi quá khứ!

Quê nhà, cuối thu 2020

V.V.T