Nhớ lời ru xưa – Tạp bút của Phạm Thị Mỹ Liên

575

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những hình ảnh thân thuộc của quê hương như: bến nước, con đò, đêm trăng, cầu tre lắc lẻo, cánh có bay lả bay la, địa danh của quê hương đã được kết thành những lời ru ngọt ngào trìu mến, quyện vào tiếng võng đong đưa, tiếng mẹ ru hời ru hỡi đã đưa con trẻ vào giấc ngủ say. Năm tháng cứ qua đi song tiếng ru của mẹ vẫn được giữ gìn trọn vẹn trong tâm hồn của mỗi chúng ta với bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu. Tôi cũng diễm phúc được nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ, lớn lên lời ru ấy chắp cánh cho tâm hồn tôi những miền đất cổ tích không thể nào quên được.


Minh họa

Nhà tôi có năm chị em, tôi là con đầu nên lời ru của mẹ cùng lớn dần theo thời gian. Mẹ nói, ngày còn nhỏ tôi khó nuôi, một mình mẹ gồng gánh còn ba tôi đi làm nghĩa vụ quốc tế nên tôi dính mẹ không rời. Lúc tôi ngủ mẹ luôn hát ru, tiếng hát ngọt ngào nên tôi cũng nhanh đi vào giấc ngủ, mẹ lại tiếp tục bận rộn với công việc dang dở của mình. Tiếng võng đung đưa kẽo cà trên trần nhà, tiếng ạ ời cứ thế tôi mang cả vào giấc mơ.

Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gặp gềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời.

Chị em tôi đứa nào cũng thèm lời ru của mẹ. Kí ức tuổi thơ cứ chập chờn trong lời ru ấm áp ấy. Những hình ảnh của quê hương cứ tự nhiên đi vào trong tâm trí chị em tôi: cánh cò chao nghiêng trên cánh đồng, câu chuyện về hoàng tử Cải, trầu cau, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước.

Con cò bay lả bay la

Bay từ cử phủ bay ra cánh đồng

Hay:

Ầu ơ… Gió đưa cây cải về trời,

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay …

Tôi nghĩ chị em tôi thật hạnh phúc, khi trong giấc ngủ có tiếng sáo, có cánh diều no gió, có lũy tre xanh, có dáng mẹ nghiêng nghiêng nón lá dưới ráng chiều…Tôi hỏi mẹ, mẹ học đâu ra nhiều bài ru đến vậy, lời ru cứ bất tận như một kho tàng giấu kín. Mẹ học từ bà ngoại, bà ngoài học từ bà cố, cứ thế, lời ru truyền từ đời này sang đời khác như thương yêu tiếp nối đến muôn đời. Một sự tiếp nối mà thế hệ trẻ bây giờ không hiểu được.

Giọng mẹ ấm, nghe sâu lắng và êm đềm đến lạ. Khi đặt chị em tôi nhẹ nhàng vào nôi mẹ lại cất tiếng ầu ơ dịu ngọt. Lời hát ru dài lắm, càng dài thêm ra bởi những tiếng à ơi nhẹ nhàng. Lời ru của mẹ bao giờ cũng ngọt ngào êm ái, thân thương, trìu mến. nghe tiếng hát ru trẻ thơ cảm nhận được sự yêu thương, nâng niu của bà, của mẹ, của chị dành cho mình. Những lời ầu ơ ví dầu của người mẹ nghe thật dịu ngọt, từng giọt nồng yêu thương cứ thấm dần thấm dần vào làn tóc mây đang phất phơ và từng nhịp thở đều đều của con. Hát ru cũng là một cách để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ, để sau này khi lớn lên, trẻ có một tâm hồn thiện lương, một con người sống đầy tình cảm, biết yêu thương, biết nhớ ơn, biết đâu là quê hương là nguồn là cội.

Có người bảo tôi hoài cổ vậy, thời đại này ai lại đi hát ru làm gì nữa. Mẹ bỉm sữa hiện nay cho con nghe nhạc thính phòng từ khi còn trong bào thai để kích thích phát triển tư duy cho bé. Cái nôi huyền thoại ngày xưa cũng đã thay thế bằng nôi tự động, ba mẹ chẳng cần tốn sức, lời ru thì đã được phục vụ từ youtube. Tôi cứ nghĩ những bài hát ru không chừng phải cần một viện bảo tàng để lưu giữ. Trong nhịp sống tốc độ và hiện đại thời đô thị hoá, công nghiệp hoá, mấy nơi còn tồn tại cảnh bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em trên cánh võng; mấy ai còn được nghe điệu à ơi quen thuộc. Đôi khi, miên man với vô vàn những điều thoáng qua trí nghĩ, bất chợt bắt gặp lời ru con cất lên từ đâu đó, thấy lòng dịu lại, những hình ảnh ấu thơ thi nhau kéo về. Một khoảng trời thơ đầy hoài niệm.

Đôi lần, tôi lại ước ao, giá được quay về một lần thôi, thuở còn nằm nôi, được ủ ấm trong vòng tay mẹ, cảm nhận mùi sữa thơm yêu nồng nàn và được nghe tiếng ru hời ngọt ngào yêu dấu ấy. Lời ru của mẹ còn là tri thức sơ khai góp phần định hình tính cách, tâm hồn trẻ thơ. Qua lời ru lòng nhân ái được hình thành, trẻ thơ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị và những người thân trong gia đình. Trong muôn vàng tín hiệu của tình yêu thương thì lời ru của mẹ có ý nghĩa sâu sắc, đậm đà và để lại những ấn tượng khó phai mờ nhất. Sung sướng và hạnh phúc biết bao khi chúng ta lớn lên trong tình yêu thương của mọi người nhất là tình yêu thương trìu mến của mẹ, qua lời ru của mẹ cho chúng ta giấc ngủ ngon lành hơn, đưa chúng ta bay bổng vào những giấc mơ đẹp nơi có những cánh có bay lả bay la với những bông hoa đầy màu sắc để những giấc ngủ trẻ thơ được mỉm cười êm ả trong mơ.

Có lẽ, chỉ có ở Việt Nam mới có những câu hát ru con thiết tha, sâu lắng, chứa chan tình cảm của mẹ dành cho con đến như vậy. Tiếng võng đưa kẽo kẹt, nhịp nhàng lẫn trong tiếng hát ru ngân nga giữa buổi trưa hè hay đêm tối tĩnh lặng làm cho người nghe không khỏi bùi ngùi:

Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ
Năm canh dài mẹ thức đủ vừa năm…

Những câu hát ru với lời lẽ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha như chính cuộc đời của mẹ quanh năm tảo tần hy sinh cho chồng con, cho gia đình:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…

Thật hạnh phúc cho những ai được lớn lên trong tiếng hát ru cội nguồn, trong điệu nhạc du dương, trong những ngôn từ đẹp đẽ, ấm áp ngọt ngào đầy nhân bản của tình mẫu tử. Đó sẽ là những con người đầy tự tin, giàu lòng nhân ái và có tâm hồn cao thượng. Lời ru của mẹ ngàn năm sống mãi như những viên ngọc lấp lánh soi sáng cho mỗi tâm hồn trẻ thơ. Tôi mong sao những bậc làm cha, làm mẹ hãy dành cho bé những giấc ngủ ngọt ngào lời ru, để bé được mỉm cười êm ả trong mơ mà mỗi tuổi thơ cần có.

Bất chợt trưa hè:

Ầu ơ, chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

nghe mà thương mà nhớ quá lời ru xưa của mẹ, cũng thấy một chút nhói lòng bởi lời ru ấy lọt vào giữa thinh không mênh mông nắng hạ. Tôi cũng ru con từ khi con lọt lòng, lời rì rầm tôi rót vào tai của các con như ngày xưa mẹ vẫn ru chị em tôi. Trong lời ru ấy tôi cũng ru chính mình, hay nỗi lòng của tôi. Cảm ơn mẹ đã cho chúng tôi những lời ru ngọt ngào, sự yêu thương che chở. Lời ru ấy theo chúng tôi đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.

P.T.M.L