Nhớ mãi một bài ca – Tản văn của Cao Thanh Mai

765

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong những bài hát xưa tôi còn nhớ mỗi khi sắp tết, lại là một bài tôi không biết tựa là gì? Do ai sáng tác? Nó có từ năm nào? Chỉ biết đến thời điểm hiện tại tôi còn nhớ cách đây đã chẵn 50 năm rồi. Lúc ấy, tôi còn bé lắm khoảng chín, mười tuổi thôi. Cứ mỗi chiều về các anh bộ đội bơi xuồng ngang căn chòi cạnh con rạch của má con tôi trú ngụ, các anh hay nghêu ngao như thế nầy:

Má Năm lại hỏi Má Tư

Tết nầy chị quết bao nhiêu bánh phồng

Má Tư rằng: Tôi quết bốn trăm

Tết nầy “sấp nhỏ” về đông ăn nhiều!

Ảnh minh họa: P.S

Tôi không biết gì về âm nhạc nhưng ca từ bài hát rất mộc mạc chân tình. Nghe một lần có thể thuộc vì nó bắt nguồn từ lời ăn, tiếng nói hằng ngày của bà con mình. Đây có thể là một bài thơ theo thể tự do, không vần điệu. Nhưng lại cực kỳ tình cảm. Năm ấy cách mạng miền Nam đang chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch Xuân 68. Các bà mẹ chiến sĩ luôn chăm lo cho bộ đội rất chu đáo. Sự yêu thương của các má là nguồn động viên rất lớn cho những đứa con xa nhà, nhất là đang xông pha nơi tiền tuyến. Tôi biết có những anh bộ đội chiều hôm trước khi bơi xuồng ngang chòi của má con tôi còn dặn: “Cô Năm ơi! Khi nào nghe súng nổ nhớ cho mấy em xuống hầm nghe”, “Bích ơi! Chờ xong chiến dịch anh về dạy em hát, còn nhiều bài hay lắm”. Vậy mà khi yên tiếng súng lại nghe thông báo: “Cô Năm ơi! Thằng A, thằng B hy sinh rồi!”.

Tôi nói qua vài nét để thấy rằng, trong chiến tranh bom đạn không chừa một ai cả. Những người ra trận họ luôn lạc quan dù biết mình đang đi về nơi đầy tiếng súng. Biết được điều đó các má, các chị luôn là hậu phương vững chắc, dành rất nhiều tình yêu thương động viên các anh ra trận. Thời nào cũng vậy, nhắc tới bộ đội là thương vô cùng!

Vì chỉ nghêu ngao khi ngẫu hứng nên tôi không biết giai điệu bài hát như thế nào? Tôi tạm gọi là thơ khi phân tích. Trước hết về tổng quan bài thơ chỉ là câu chuyện của hai bà má miền Nam. Má Năm hỏi. Má Tư trả lời. Đơn giản chỉ có vậy. Câu hỏi cũng không có gì to tát về tình hình thời cuộc. Mà là “quết” bánh đãi các chiến sĩ với số lượng rất lớn:

Má Năm lại hỏi Má Tư

Mở đầu bài thơ đã cho ta một thông điệp hai bà má nói chuyện, trao đổi với nhau về “kế hoạch” làm bánh sắp tới. Má Năm, má Tư là cách gọi phổ biến các mẹ chiến sĩ theo thứ trong gia đình của má. Từ “lại” trong câu thứ nhất ta có thể hiểu hai nghĩa. Má Năm từ nhà mình  “lại” nhà má Tư, nghĩa thứ hai má Năm đã hỏi rồi sợ má Tư quên nên nhắc lại chỉ một nội dung:

Tết nầy chị quết bao nhiêu bánh phồng?

Câu thơ thứ hai cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đi thẳng vấn đề. Đây cũng chính là tính cách bộc trực của người Nam bộ. “Tết nầy” cho ta hiểu những cái tết trước các má cũng đã từng làm việc nầy rồi. Động từ “quết” chỉ động tác làm bánh rất nặng nhọc. Nếu ai đã sống ở miền Nam khoảng cuối thế kỷ hai mươi trở về trước sẽ biết quá trình làm bánh như thế nào. Để làm ra chiếc bánh phải cực kỳ công phu. Bánh phồng ở miền Nam lúc đó phổ biến có hai loại: bánh phồng nếp và bánh phồng khoai. Từ những nguyên liệu có sẵn qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ nó trở thành những chiếc bánh thơm ngon cùng với bánh tráng, bánh tét… ăn vào những dịp tết. Loại này ăn sống hoặc nướng. Thông thường bánh phồng nếp nướng ăn dễ hơn. Ngày nay loại bánh nầy đã mai một, ít thấy làm nữa. Vì mất thời gian và công sức. Nếu để ý ta có thể thấy tại sao má Năm hỏi là “quết” bánh phồng chứ không phải bánh nào khác? Vì những điều đã trình bày ở trên. Đây là cách làm đặc biệt chỉ có khi làm bánh phồng.

Đến câu thứ ba, ta thấy sự dung dị, điềm đạm, từ tốn trong cách trả lời:

Má Tư rằng: Tôi quết bốn trăm

Trong câu trả lời của má Tư động từ “quết” được lặp lại một lần nữa. “Quết” bốn trăm bánh không phải là việc đơn giản. Đơn cử như làm bánh phồng khoai thì nguyên liệu phải có là khoai mì lột vỏ, xôi lên cho chín rồi thêm đường vừa đủ độ ngọt, cho vô cối cần hai người có sức cầm chày quết, khi thấy nó kết dính lại mọi người lấy ra bắt từng phần, cán cái bánh khoảng bằng bàn tay xòe rồi mang bánh ra chiếc chiếu sạch để phơi. Bánh phồng nếp cũng làm tương tự như vậy. Khi làm phải có sự hợp tác của nhiều người. Má Năm lại hỏi má Tư là để “hợp đồng tác chiến” cũng nên?

Đọc đến đây, hình ảnh của những bà má chiến sĩ năm nào hiện về trong ký ức tôi. Bà má nào cũng dành sẵn tình thương cho những đứa con bộ đội xa nhà. Các anh còn trẻ lắm, nhưng lý tưởng rất rõ ràng: đánh giặc để giải phóng quê hương. Má thương các anh có khác gì con đẻ! Qua cách gọi thân tình chỉ có ở những người đôn hậu chân quê:

Tết nầy sấp nhỏ về đông ăn nhiều!

Đây là lời khẳng định của má Tư với má Năm, như thể bà biết tình hình chiến cuộc sắp xảy ra và việc chuẩn bị quà tết cho các con về ăn là việc quá đỗi bình thường. Phải chuẩn bị thiệt nhiều bánh vì các con đang tập trung cho chiến dịch lớn. Yêu làm sao khi má gọi các anh bộ đội là “sấp nhỏ”. “Sấp nhỏ” là từ bình dân mà người lớn dùng để gọi thân mật những đứa con cháu trong gia đình. Nay má gọi các anh xem như con cháu của mình càng thấy tình quân dân thêm thắm thiết.

Có thể bài thơ (bài ca) này hiện nay không ai còn nhớ. Nhưng tôi vẫn thích vì nó gắn liền với một giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Nó không trầm hùng hào sảng, khí thế quật cường, mà có chút lắng sâu, nhẹ nhàng, thể hiện tình quân dân gắn bó. Quà của má Năm, má Tư hay của tất cả các bà mẹ chiến sĩ khác dùng để đãi chiến sĩ rất bình dân, theo lối suy nghĩ chân thành: “Các con ơi! Có chi dùng nấy nghe!”

Tôi đã lớn lên theo chiều dài của lịch sử dân tộc, hiểu được giá trị sống còn của sự hy sinh xương máu để giành lấy độc lập tự do. Sự đóng góp thầm lặng của các mẹ ngày xưa góp phần làm nên một mùa xuân lịch sử! Thiết nghĩ dù không được phổ biến rộng rãi nhưng bài thơ (bài ca) vẫn là một kỷ niệm khó quên trong lòng một người hay sống hoài niệm như tôi mỗi khi tết tới xuân về!

C.T.M