Nhớ một cựu tù Phú Quốc làm thơ

540

Khuynh Diệp

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Văn Diệp (*) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có truyền thống yêu nước. Năm 1943, ông nội và cha anh đều bị thực dân Pháp sát hại khi anh mới được 29 ngày tuổi. Không kịp làm đầy tháng, ông ngoại Bảy Diệp một tri điền sống với nghề làm ruộng, cư ngụ sát biên giới huyện Đức Huệ với nước láng giềng Campuchia xuống Thủ Thừa bế cháu ngoại về nuôi.

Nhà thơ Nguyễn Văn Diệp (đội nón, thứ 3 bìa phải) đón các đồng chí lão thành Cách mạng tỉnh Long An lên thăm huyện biên giới Đức Huệ (LA)

Lớn lên trong vòng tay của ngoại cho tới năm 19 tuổi, cậu bé Bảy Diệp chỉ thạo mỗi nghề coi trâu. Bù lại, ngoại dạy anh cách học làm người và truyền cho anh biết viết biết đọc chữ quốc ngữ. Tình cảm yêu thương của ngoại là cội nguồn thổi vào anh cảm xúc của thi ca và chí trả thù cho cha và ông nội. Năm 1962, Bảy Diệp năn nỉ xin ông ngoại đi theo Cách mạng ngay trên quê hương. Năm 1963, nhân chuyến về công tác nơi chôn rau cắt rốn ở huyện Thủ Thừa, Bảy Diệp không giấu xúc động, nhờ thơ bộc bạch lòng mình:

Ta về xóm nhỏ quê xưa

Ghé thăm mảnh đất nắng mưa dãi dầu

Thuở nghèo ở ngoại, coi trâu

Dưới chân đỉa cắn, trên đầu trời mưa

Năm 1997, nhân lên huyện Đức Huệ tác nghiệp nghề báo, tôi tìm gặp Nguyễn Văn Diệp (Bí thư huyện ủy Đức Huệ) được anh kể về tết Mậu Thân (1968) đơn vị anh tấn công vào Sài Gòn. Lần ấy, anh bị thương, bị bắt làm tù binh, bị đày ra trại giam Cây Dừa ở Phú Quốc. Năm 1972, trong một lần anh và bạn tù bị đưa  lên rừng làm khổ sai, lợi dụng lúc bọn quân cảnh sơ hở, anh cùng bạn tù tấn công bọn coi tù, các bạn tù bị sát hại chỉ mình anh chạy thoát vào rừng sâu. Sau mấy ngày lạc rừng, anh gặp được du kích huyện đảo Phú Quốc đang bám trụ chống càn, Bảy Diệp trình bày hoàn cảnh trốn trại và xin gia nhập lực lượng vũ trang huyện đảo để được tham gia chiến đấu. “Sau gần một năm chiến đấu với du kích Phú Quốc, tôi xin trở về đất liền. Được du kích huyện đảo đồng tình, tìm cho tôi một chiếc xuồng của ngư dân đi câu mực đẻ tôi giả vờ làm ngư dân đi biển tìm đường vào bờ” – Bảy Diệp kể. Do không có la bàn định hướng nên chiếc thuyền của anh đi lạc lên đất Campuchia. Anh được bà con nước bạn cưu mang và hướng dẫn giúp anh trở về căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đang đứng chân trên đất bạn. Ở căn cứ TW Cục một thời gian không dài, Bảy Diệp xin trở về chiến trường Long An tiếp túc chiến đấu cho tới ngày giải phóng 30/4/1975. Tôi đã được nghe nhiều cựu tù Phú Quốc thuật chuyện dùng dây kẽm gai, muỗng ăn cơm khoét hầm ngầm từ trại giam dài hàng trăm mét để vượt nhà tù, nhưng đây là lần đầu tôi được nghe Bảy Diệp kể chuyện đánh bọn coi tù thoát ra làm du kích địa phương rồi vượt biển trở về đất liền. Năm 1997, Bảy Diệp xuất bản tập thơ đầu tay “Bóng quê” (Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành). Không đề tặng, không màu mè câu nệ, Bảy Diệp dí tập “Bóng quê” vào tay tôi, nói rổn rảng: “Coi đi cho biết. Biết mới nói!”. Tôi trân quý cầm tập thơ “Bóng quê” và tìm đọc mấy bài nói về nhà tù Phú Quốc dưới góc nhìn của người chiến sỹ không biết sợ hãi trước lao tù, luôn lạc quan trước sự sống và cái chết:

Nhà tù là trại nghỉ chân

Dùi cui, ba – trắc dằn lưng đỡ buồn.

Tôi tò mò hỏi Bảy Diệp:

– Anh xa nhà tù Phú Quốc gần một phần ba thế kỷ, điều gì làm anh day dứt khi nghĩ về Phú Quốc?

Tôi ngó hai mí mắt người Bí thư huyện ủy vùng biên giới. Giọng anh buồn buồn, kể:

– Một số bạn tù rủ nhau vượt đảo, có người chưa kịp trở về đất liền đã phải hy sinh ngay trên đất Phú Quốc, không được cùng mình cầm súng chiến đấu. Rồi anh chậm rãi khóc bạn bằng thơ:

Một phút nghiêng mình xin bái biệt

Những người trung liệt bỏ quên thân

Chiều ra thăm mồ, đêm vượt biển

Đảo ơi, nằm lại hỡi bạn thân

Bảy Diệp nói nhỏ đủ tôi nghe: “Đọc nghe, đừng bình. Tao không rành lý thuyết thơ đâu nghe!”. Liền đó, Bảy Diệp lái sang chuyện canh tác 3,6 ha mía của vợ chồng anh. Anh kể: Hồi trước, đất trồng mía là đất trồng lúa nhưng không có ăn vì nhiễm phèn nặng, lại bị ngập khi lũ về. Hết ngập lại bị chuột phá hại nên quay sang trồng mía. Mùa đầu gặp lũ lớn cuốn phăng cả mía và vốn đầu tư, liền đắp đê bao, năng suất khá lý tưởng. Nhưng khi đem sản phẩm ra thị trường tiêu thụ lại bị gánh nhà máy đường Hiệp Hòa và mấy tay trung gian thu mua mía hết ép giá quay sang chê “chữ đường” (chỉ số chất lượng mía) thấp. Đêm ức quá, ngủ không nổi, liềm chồm dậy phóng thơ chia sẻ sự thua thiệt với vợ và cô bác cùng cảnh trồng mía để trị mấy thằng làm cha nông dân. Bài thơ “Gió và mưa” ra đời trong tức cảnh ấy:

Thương em cực khổ trăm phần

Còng lưng hứng hạt mưa dầm đồng sâu

Làm nhiều, chẳng được nhiều đâu

Ngồi không mà hưởng là sâu đục cành.

Tôi chân tình hỏi Bảy Diệp:

– Nhờ dân trọng, Đảng tin nên ông mới có 16 năm thâm niên làm Bí thư huyện ủy vùng biên giới, mấy năm nay thêm vị trí Thường vụ tỉnh ủy (Tỉnh điều lên làm Trưởng ban dân vận tỉnh ủy nhưng anh xin ở lại làm Bí thư huyện ủy), chả nhẽ chức ấy, quyền ấy chỉ để làm thơ và uống rựu với cánh nhà báo chúng tôi?

Bảy Diệp chồm lên, xuýt đổ ly rựu, xúc động nói, đại ý: Cũng có lúc rơi vào cảnh lực bất tòng tâm. Thấy bà con nông dân cực khổ làm ra hạt lúa, cây mía lại bị thiên tai phá, bị trung gian ép giá phết phẩy chèn giá… Phải cùng Đảng, Chính phủ và nông dân tìm cách tháo gỡ. Rất mừng, Đảng và Nhà nước đã sớm khắc phục thông qua những chủ trương, chính sách đối với nông dân. Bản thân cấp huyện chúng tôi tích cực tham gia, góp phần xây dựng chính sách có liên quan đến nông dân – nông nghiệp và nông thôn. Bảy Diệp nêu ví dụ về 3,6 ha mía của vợ chồng anh. Nhờ đó, mỗi vụ mía, vợ chồng Bảy Diệp lãi gần 30 triệu đồng (thời giá năm 1997). Bỗng Bảy Diệp cười phá lên, anh thổ lộ: “Nhờ mía, mỗi năm vợ trích 20 tấn sản phẩm chia cho tôi in thơ!”. Hèn chi, vài năm sau anh tiếp tục cho ra lò tập thơ thứ 2: “Dáng mẹ” do Hội văn nghệ tỉnh Long An hợp tác với Nhà xuất bản Văn học in và phát hành. Đề tựa  tập thơ “Dáng mẹ”, nhà thơ Bảy Diệp viết: “15 năm làm một Bí thư huyện ủy huyện biên giới, nghề chính viết Nghị quyết chớ không phải làm thơ, nên không rặt thơ lắm. Đơn côi ở góc trời Đồng Tháp Mười (ĐTM), không có điều kiện điêu luyện nghệ thuật, có thể trong thơ còn nhiều sạn, giống như đám lúa tươi bị lốm đốm một ít phèn vậy”. Anh viết:

Giọt thơ là trái tim lòng

Theo dòng lục bát chảy trong cuộc đời

Tôi đã nghe, đã đọc không biết cơ man nào về tiểu luận dài có, ngắn có bình về thi ca, nhưng chưa ai ví hạt sạn trong thơ như Bảy Diệp so sánh “Giống như đám lúa tươi bị lốm đốm một ít phèn vậy”.

K.D

(*) Nguyễn Văn Diệp (Bảy Diệp): sinh năm 1943, mất cuối năm năm 2010.

– Hội viên Hội Văn Nghệ Long An.

– Tác phẩm:

       + Dáng quê, NXB Trẻ, 1997

       + Bóng Mẹ, NXB Văn học 2003