Diệp Linh
Mùa bông ô môi trổ, trái ô môi, cây ô môi… là những hình ảnh thân thương, gợi nhớ trong lòng mỗi người dân vùng đồng bằng sông nước. Cây ô môi trưa hè nơi bến sông yên ả, từng cánh hoa theo gió bay bay dập dềnh trên sóng nước. Trái ô môi là món quà quê dân dã mà người dân quê tôi hễ ăn là nhớ hoài chẳng thể quên.
Bông ô môi – Nguồn internet
Bông ô môi rực rỡ nhất là vào mùa đầu hè nắng vàng tươi. Khi những cơn mưa trái mùa bắt đầu xuất hiện thì cũng là lúc bông ô môi nở rộ. Cây trút lá, chỉ để lại những chùm hoa rực rỡ gây thương nhớ. Những đôi lứa dập dìu tay trong tay, những thiếu nữ trong tà áo dài trắng tinh khôi e ấp tạo dáng dưới những hàng ô môi trải dài màu hoa hồng phấn nhẹ nhàng, lãng mạn. Bông ô môi đẹp, nét đẹp nên thơ, có lẽ vì thế nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ đã đưa hình ảnh của loài hoa dân dã, chân quê vào tác phẩm của mình. Soạn giả Viễn Châu đã viết: “Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai”. Lời ca da diết, đã đi vào ký ức của những người miền Tây chân chất, mộc mạc. Những kỷ niệm về bông ô môi vẫn còn đông đầy trong ký ức tuổi thơ của tôi. Ngày ấy, tôi cùng chúng bạn trong xóm tụ tập chơi trò tán u, nhảy dây tết từ dây tơ hồng, chơi trò cô dâu chú rể, hòa cùng tiếng cười đùa khúc khích bên gốc ô môi, những khuôn mặt màu hồng phấn tinh nghịch hay những cánh hoa cài mái tóc hình xẻ quạt phất phơ trong gió. Ước một lần thời gian quay trở lại nhưng nào có được đâu.
Theo người dân quê tôi, trái ô môi có nghĩa: “ô” là đen, “môi” là miệng, liên tưởng hình ảnh khi ăn trái ô môi thì môi người chuyển sang màu đen thẫm. Có người cũng giải thích vì trái ô môi dài, bên trong có cấu tạo thành nhiều ô, mỗi ô là một miếng môi cơm (phần thịt của trái), nên gọi là ô môi. Trái ô môi khi còn non có màu xanh, đến già có màu nâu đen, hình dáng cong, dài chừng nửa mét. Khi trái chín, dùng liềm để hái, đem vào cất trong một góc nhà vài ngày rồi lấy ra ăn sẽ cho mùi rất thơm. Nhớ ngày ấy, những đứa trẻ chúng tôi thường ngồi tụm năm tụm ba chờ má, chờ ngoại rốc ô môi cho ăn. Hạt ô môi thì lượm lại để dành, đủ lượng kha khá thì đem đi ngâm nước nóng để cho lớp vỏ cứng mềm ra, rồi lột vỏ lấy nhân bên trong ăn có vị chát chát nhưng thơm lừng, có khi nấu chè đậu xanh cùng hạt ô môi. Rồi những buổi trưa lộng gió, ra hiên nhà mắc võng đong đưa, những trái ô môi già rơi rụng gãy làm đôi, tôi trốn ngủ trưa để đi lượm rồi len lén ngồi rốc ăn nơi góc sân nhà. Tất cả vẫn còn lưu giữ hình ảnh thân thương, gần gũi của tuổi thơ với những mùa ô môi chín.
Tôi chợt giật mình, giờ tỉnh nào, địa phương nào cũng đua nhau làm khu đô thị, khu công nghiệp, các siêu thị mọc lên như nấm, người dân chỉ cần mất năm phút đi là có ngay tất cả thực phẩm cần thiết, những ngôi nhà khang trang được xây dựng sát nhau, hiếm thấy hình ảnh giàn hoa giấy ngoài ngõ, bờ dậu xanh rờn cây cối, những con đường làng quanh co thơm mùi đất phù sa bồi đắp nay đã thay bằng con đường nhựa, bê tông chạy dọc nối liền từng xóm, ấp với nhau, mạng internet phủ đầy mọi nhà, cha má tôi không còn những ngày lo âu thấp thỏm sợ cúp điện, thiếu nước nhưng tôi hoang mang liệu rằng có còn xuất hiện hình ảnh mùa ô môi nào nữa không?
Ở vùng quê biên giới của tôi giờ đây cây ăn trái cũng được trồng nhiều hơn xưa. Thỉnh thoảng tôi đi đâu đó bắt gặp trên nhánh sông quê, ngoài đồng ruộng hay góc sân nhà ai có những cây ô môi trổ bông lòng tôi lại “say nắng” bởi vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa này. Ký ức tuổi thơ tươi đẹp trong tôi chợt ùa về trong khoảnh khắc ấy với miền quê yêu dấu hiện đại đang từng ngày thay da đổi thịt cho hôm nay và ngày mai…
D.L
(Theo Bông Tràm)