Nhớ mùa hoa phượng đầu tiên

851

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng năm đến rồi, hoa phượng ơi! Màu hoa phượng rực đỏ trong tôi những kỷ niệm về một thời ở mái trường này.

Ngày ấy, tôi mới về trường, sau những năm dài công tác ở vùng núi miền tây Nghệ An. Tôi gặp một người học trò có cái tên thật là dễ thương: Nguyễn Thị Kim Phượng. Gia đình Phượng có hoàn cảnh thật khó khăn, mẹ em mang bệnh khớp rất nặng, sau một thời gian bị tê liệt, các em còn nhỏ, cha là một thương binh. Mình em phải gánh vác bao công việc gia đình thay mẹ. Vậy mà em đã vượt lên được hoàn cảnh đó, học giỏi xuất sắc toàn diện. Chính qua những giờ dạy văn, ý thức ham học hỏi của em đã đánh thức trong tôi niềm say mê hơn nữa về văn học, khát vọng vươn tới cái đẹp của tri thức. Sau những giờ lên lớp, tôi tranh thủ đến thăm gia đình em. Hai thầy trò lại trao đổi với nhau về những vấn đề lý thú của văn học. Em còn làm thơ, viết báo, viết văn, cứ thế mà lòng say mê đã đưa em đến với thành quả ban đầu. Những sản phẩm đầu tiên của em được giới thiệu trên các trang báo địa phương, trung ương. Hồi ấy em em vinh dự được dự thi môn văn Quốc gia. Sau đó, em có giấy báo vào học trường chuyên của tỉnh, phải đấu tranh mãi với hoàn cảnh gia đình em mới vượt lên được. Năm tháng dần trôi. Phương thi đậu cả hai trường đại học, em quyết định vào học trường đại học sư phạm. Ngày ra Hà Nội, Phượng đến chào tôi, mừng quá, vậy là em đã đến được bến bờ như em hằng mong ước. Cái ao ước thẳm sâu trong ý nghĩ của em trên những trang viết đầu tay. Những ước mơ của em cháy đỏ như màu hoa phượng, mùa hoa phượng đầu tiên. Ở một mái trường của vùng quê nghèo đói này, trong hành trang vào đời nhà giáo của tôi, hình ảnh em học trò năm ấy đã thêu dệt trong tôi bao điều suy nghĩ, giúp cho người thầy có được sự điều chỉnh, bồi đắp cho bản thân những giá trị văn hóa tinh thần. Không những về kiến thức mà cả những nghĩa cử cao đẹp, bình dị nhưng vô cùng ấm áp, thiêng liêng của người học trò.

Mùa xuân đầu tiên, em đã viết cho tôi những dòng thư khi bước vào trường đại học: “Chính ngày ấy, thầy đã nhen nhóm trong lòng em niềm yêu thích văn chương và em mong thầy có nhiều sáng tạo gieo hạt giống tốt cho những mùa sau”.

Thế nhưng cũng từ năm ấy, người học trò thứ 2 có tên: Nguyễn Thị Phương Lạc, để lại trong tôi sự buồn đau da diết. Em được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả. Cứ mỗi lần đến giờ văn, tôi rất khổ tâm, phải mất nhiều thời gian uốn nắn cách đọc, viết. Em học kém đều các môn. Ngoài giờ ở trường, tôi đến nhà Phương Lạc giúp em học tập. Hồi ấy, còn rảnh rỗi, cứ đến được nhà các em có hoàn cảnh riêng là tôi lấy làm niềm vui. Dường như hàng ngày bản thân em và gia đình chẳng quan tâm gì đến chuyện học hành. Môi trường ấy đã tạo cho em luôn tiếp xúc với những cuộc trao đổi đồng tiền, sự cung phụng của các người lui tới nhờ giải quyết công việc. May mắn là Phượng lọt qua kỳ thi tốt nghiệp cấp hai. Mấy năm sau đó, Phượng Lạc học dưới mái trường PTTH. Mấy người bạn trực tiếp dạy em cho tôi biết: “Sức học của em đó không nhích lên được”. Nhiều lúc tôi trăn trở, day dứt bởi những con người này, những gia đình này lấy sức mạnh từ đâu để có thể chuyển giao con cái cho xã hội, họ chuẩn bị hành trang cho con để bước vào đời ra sao?

Tôi lấy làm lạ Phương lạc chẳng những tốt nghiệp phổ thông mà còn vào học trường cao đẳng sư phạm. Con người ấy không lấy gì làm khá hơn lên cả về đạo đức lẫn tri thức. Phượng Lạc đã về dạy ở vùng quê này, cách mái trường của tôi không xa lắm, em thành đồng nghiệp của chúng tôi. Có lần gặp Phương Lạc nhưng không hiểu sao người học trò ấy cố lảng đi, gặp sát mặt vẫn không có tiếng chào thầy. Tôi nhớ lại cái ngày xưa ấy, cái ngày mà tôi đạp chiếc xe lọc cọc đến nhà em, có hôm gặp cơn mưa ướt sũng. Ngày ấy đã phải xa lắm đâu.

Bây giờ là tháng năm, đã bao mùa phượng đỏ nơi sân trường. Không biết bao nhiêu gương mặt các thế hệ đã trưởng thành từ nơi này. Những khuôn mặt ngây thơ giờ tỏa đi muôn nơi. Đứng dưới những dãy bàng xanh tươi tỏa bóng, những chùm hoa phượng rung rinh trong nắng sáng, lòng tôi nao nao nhớ về mùa hoa phượng đầu tiên. Mùa hoa phượng thẳm sâu tha thiết trong cuộc đời nhà giáo của tôi.

N.V.N