Nhớ người ươm mầm – Tản văn của Phạm Văn Hoanh

1008

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ mỗi lần đối diện với sự nghịch ngợm và lười biếng học môn Ngữ văn của học trò, ký ức thời đi học của tôi lại ùa về. Trong chuỗi ký ức dài dằng dặc ấy, thì ký ức về năm học cuối cấp Trường cấp I-II Nghĩa Hiệp lại hiện về rõ ràng nhất.


Nhà văn Phạm Văn Hoanh.

Năm ấy (năm học 1982 – 1983) lớp chúng tôi là lớp quậy phá nhất trường. Thầy cô nào cũng không muốn nhận chủ nhiệm. Không hiểu sao thầy Võ Tấn Nhơn lại nhận lớp tôi chủ nhiệm? Ai cũng nghĩ một lớp quậy phá mà gặp nhà thơ chắc lớp sẽ quậy phá gấp bội lần.

Ngày đầu tiên nhận lớp, thầy không giới thiệu gì nhiều về bản thân. Thầy cho chúng tôi học nội quy của nhà trường. Học nội quy xong thầy kể một câu chuyện về một anh học trò lười cho chúng tôi nghe. Giọng kể của thầy lúc trầm lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt khiến chúng tôi chăm chú lắng nghe. Đứa nào cũng cảm thấy nhân vật trong câu chuyện sao hơi giống mình.

Từ khi nghe câu chuyện thầy kể, nhiều đứa thay đổi tính tình. Riêng có bốn đứa tôi (xin được giấu tên) là chưa thay đổi. Chúng tôi vẫn quen đường cũ. Cứ học nửa chừng là bỏ tiết. Đến giờ thầy, chúng tôi lợi dụng lúc thầy quay lên bảng là lủi ra ngoài, rồi lủi theo hàng rào sau trường vào quán đánh bóng bàn. Lúc đầu, chúng tôi tưởng thầy không biết. Đến lần thứ ba thầy mời chúng tôi lên phòng hội đồng. Đứa nào cũng nghĩ chắc chắn là ăn bánh canh như mấy thầy trước, nên lấy quyển vở lót vào mông. Nhưng không, thầy không những không đánh chúng tôi, không bắt chúng tôi viết kiểm điểm mà còn rót nước mời chúng tôi uống. Bốn đứa chúng tôi cứ nhìn nhau không hiểu sao thầy lại làm như vậy. Thầy nhìn bốn đứa chúng tôi, bảo: “Các em ngồi xuống, uống nước đi!” Chúng tôi ngồi xuống ghế, thầy nói: “Cha mẹ cho các em đến trường để các em học hành, chứ không phải đến trường để đi đánh bóng bàn. Các em đánh bóng bàn vừa tốn tiền của cha mẹ vừa tốn thời gian. Các em có biết cha mẹ các em kiếm được đồng tiền cực khổ như thế nào không? Các em có thương cha mẹ mình không? Thương cha mẹ thì phải cố gắng học không được nghịch ngợm nữa!” Thầy uống hớp nước rồi nói tiếp: “Tuy thầy mới dạy các em được vài tuần nhưng qua lần kiểm tra chất lượng đầu năm, thầy biết các em không phải là những học sinh học yếu môn Ngữ văn. Nhưng các em cứ đà này thì sẽ khó tiếp thu được kiến thức. Cuối năm thi tốt nghiệp làm sao đủ điểm. Chừng đó hồi hay thì đã quá muộn. Thầy chỉ nói vậy thôi các em về suy nghĩ! Đừng để thầy mời lần thứ hai! Thôi, các em vào lớp đi!” Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bước ra khỏi phòng hội đồng, đi vào lớp. Ngồi học mà những lời của thầy cứ văng vẳng bên tai tôi.

Giờ ra chơi bạn bè đứa nào cũng hỏi chúng tôi bị mấy thước. Chúng tôi bảo không có, chúng nó không tin. Mấy năm trước mỗi lần lên phòng hội đồng đứa nào cũng sưng mông. Vậy mà có đứa nào chừa đâu. Lần này không những không bị sưng mông mà còn được uống nước nữa. Quả thật không ai tin.

Thầy Nhơn là vậy đó. Thầy rất nghệ sĩ. Mái tóc quăn lúc nào cũng chải xuống để che vầng trán hói. Miệng cười tươi như hoa. Nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc. Thầy không bỏ qua bất cứ một lỗi nào, dù đó chỉ là một lỗi rất nhỏ. Thầy thường nói: “Việc sai nhỏ không sửa mai mốt sẽ dẫn đến việc sai lớn.” Nhưng có điều thầy không bao giờ dùng roi vọt để sửa sai, dù cái sai đó có lớn đến mấy. Thầy chỉ dùng lời nói để phân tích những việc lợi hại của cái sai. Giọng nói của thầy rất nhẹ nhàng nhưng có sức thuyết phục lớn. Học trò nào dù có nghịch đến mấy nghe lời giáo huấn của thầy đều hết nghịch. Bốn đứa tôi không đứa nào bảo đứa nào, tự nhiên không bỏ tiết chơi bóng bàn nữa. Chúng tôi bắt đầu chấn chỉnh lại mình.

Thầy không những nghiêm khắc trong quá trình giảng dạy mà còn nghiêm khắc trong việc chấm bài. Tôi nhớ có một lần thầy cho bài tập làm văn về nhà, tôi đã chép bài trong sách, hôm sau trả bài thầy đã cho tôi “trứng vịt” với lời phê: “Chép trong sách”. Hôm ấy thầy nhận xét rất kỹ từng bài văn. Thầy sửa từng lỗi chính tả, cách dùng từ, đặt câu… Sau khi nhận xét xong thầy dặn: “Các em phải biết sáng tạo, phải độc lập suy nghĩ thì não bộ mới phát triển được. Chứ dựa dẫm vào người khác thì suốt đời không làm được việc gì.” Kể từ lần ấy tôi không dám chép trong sách nữa, mà độc lập viết theo sự hiểu biết của mình.

Lúc này tôi đã tiếp thu được lời giảng của thầy. Ngữ điệu của thầy lúc trầm, lúc bổng nghe thật sướng tai. Mỗi lần giảng thầy thường liên hệ thực tế bằng những câu chuyện trên báo chí, hoặc những câu thơ, câu ca dao rất hấp dẫn. Mỗi lần đến giờ Ngữ văn, những đứa học trò chán ghét như bốn đứa chúng tôi cũng lặng lẽ nuốt lấy từng lời từng chữ của thầy.

Học được một năm, tôi mới biết thầy chính là tác giả tập thơ: “Sao khuya”. Lúc này tôi lấy làm hãnh diện lắm. Đi đâu tôi cũng khoe mình là học trò của nhà thơ Vũ Hồ. Và tôi cứ mơ ước sau này mình cũng trở thành nhà thơ như thấy. Mơ ước ấy giờ đây đã thành hiện thực, nhưng sáng tác văn xuôi của tôi thì khá hơn thơ. Tôi rất biết ơn thầy! Chính thầy là người đã ươm mầm văn chương cho tôi ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sau này lên trung học tôi đã đầu tư nhiều hơn vào môn Ngữ văn. Tôi quyết tâm đi theo con đường của thầy.

Những ngày học ở trường huyện, cứ mỗi lần thứ bảy chủ nhật về thăm nhà, tôi lại tìm đến thầy để mượn sách và nhờ thầy giảng lại những điều khó hiểu trong những bài thơ, bài văn mà thầy, cô giáo cấp III đã giảng. Những lần như thế thầy dẫn tôi ra sau nhà ngồi trên ghế đá dưới bờ tre, bên dòng Sông Vệ. (Phía sau nhà thầy là dòng Sông Vệ). Thầy pha ấm trà mời tôi uống. Thầy chậm rãi giảng lại từng câu, từng chữ. Giảng xong, thầy chuyển qua đọc những bài thơ vừa mới sáng tác cho tôi nghe. Hai thầy trò vừa uống trà, vừa ngắm dòng Sông Vệ, vừa bình thơ. Không gì hạnh phúc bằng.

Những năm lên thành phố học, lâu lâu, tôi lại về trường cũ để vừa thăm lại trường vừa thăm lại thầy. Nhưng cứ mỗi lần về quê, tôi lại thấy buồn, một nỗi buồn khó tả, bởi ít có điều kiện và cơ hội gặp lại thầy. Thầy Võ Tấn Nhơn đã nghỉ hưu và thường xuyên đau ốm bệnh tật tuổi già, phải đi điều trị dài ngày ở các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

Từ đó đến nay đã hơn ba mươi năm rồi tôi chưa gặp thầy, chưa được gặp ba đứa bạn trong nhóm quậy. Tôi mong một ngày nào đó sẽ cùng với số học trò cùng lớp gặp nhau tại nhà thầy để ôn lại những kỷ niệm của một thời xa vắng. Nhưng ước mong của tôi không thành hiện thực. Thầy đã đi rồi. Thầy đã về cõi vĩnh hằng.

P.V.H