Nhớ sao một tiếng rao chiều – Tản văn của Diệp Linh

458

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đồng hồ điểm 0 giờ khuya, tôi bật người choàng tỉnh giấc sau cơn mộng mị. Mới đó mà tôi đã rời xa phố hơn ba năm. Trong ngần ấy thời gian, tôi chưa một ngày thôi nhớ về nơi náo nhiệt ấy. Chưa bao giờ quên những tiếng rao thân thuộc làm nao lòng người giữa phố thị rực rỡ, mênh mông.

Tác giả Diệp Linh

“Ai ăn chè đậu xanh, nước cốt dừa, ai chè đậu đen không?, Ai ăn tàu hũ nấu không?….” những tiếng rao thân thương, mộc mạc ấy, những ai đã từng ở phố thì từng một lần đã nghe qua.

Tôi nhớ lại khoảng thời gian cách đây mười năm, khi tôi chân ướt chân ráo lên phố học tập, khu trọ tôi thuê nằm lẫn khuất sau những con đường đông đúc, nồng nặc mùi khói bụi, xa những thanh âm ồn ã như còi tàu, tiếng xe. Ấy vậy mà hơn sáu năm tôi neo đậu lại nơi phồn hoa ấy, đã nghe qua không biết bao nhiêu tiếng rao, đủ kiểu, đủ màu sắc khác nhau. Vì những tiếng rao ấy như chiếc đồng hồ thời gian báo thức cho tôi mỗi ngày và những thanh âm quen thuộc ấy còn gợi cho tôi biết bao kỷ niệm xa xưa – kỷ niệm của một thời thanh xuân tươi trẻ.

Thời tôi còn là sinh viên chưa nhuốm bụi trần. Cứ đến năm giờ chiều tan trường, tôi cùng đám bạn lang thang cuốc bộ về phòng trọ. Chợt nghe đâu đó tiếng rao: “Ai ăn tàu hũ nóng không?, Ai xôi giò, xôi bắp không? Ai bánh mì không, bánh mì đặc ruột thơm bơ đây!….” làm chúng tôi không kìm lòng cho đặng, ăn một hơi mà bỏ luôn cơm chiều. Quả thật, ký ức thời sinh viên luôn là khoảng trời đẹp nhất. Tôi thực sự may mắn vì có được điều ấy.

Rồi còn vang vọng đâu đó tiếng rao: “Ai hột vịt lộn, trứng cút lộn, bắp xào không?, Bánh chưng, bánh giò, bánh gai đây? Ai khoai lang, khoai mì, bắp nấu đây?…” Mà dù sau này tôi rời xa phố cũng không nơi nào tìm được tiếng rao ấy.

Tôi nhận ra những tiếng rao ấy như một phần hồn làm nên nét văn hóa rất riêng ở nơi phố thị. Đó còn là nếp sinh hoạt của những người lao động bình dân nơi phồn hoa đô hội.

Những thanh âm quen thuộc ấy còn chất chứa bao phận đời mưu sinh nơi đất chật người đông. Tiếng rao có gấp gáp, vội vã. Có những tiếng rao chậm rãi, thong dong. Cũng có những tiếng rao ngập ngừng, nghẹn ứ nơi cổ họng, lẫn vào dòng người, những dòng xe đông đúc… nhưng dù tiếng rao nào cũng làm tôi hình dung ra những phận đời, phận người tứ xứ. Họ cố gắng bám trụ từng giờ, từng ngày để có đủ ngày ba bữa ăn, nuôi sống gia đình.

Nhưng rồi thời gian dần trôi qua, tôi bỏ phố về quê tức là tôi cũng xa rồi những tiếng rao xưa, tiếng rao từng một thuở làm say lòng  người. Tôi nhớ phố, nhớ những tiếng rao bình dân, mộc mạc, nghe sao quá đỗi thân thương, thắm đượm nghĩa tình, đó còn là cái tình giữa người với người trong lòng phố thị mênh mông.

Bạn bè những đứa còn neo đậu lại, tôi hỏi thăm qua facebook, zalo hay qua tin nhắn, có khi xem trên tivi hay đọc qua báo,… Phố ngày càng phát triển, thời buổi 4.0 xuất hiện, công nghệ tiên tiến xuất hiện như vũ bão, những tiếng rao quen thuộc ấy được thay thế bằng những âm thanh nhân tạo phát ra từ các thiết bị công nghệ hiện đại. Ừ! thì nó hiện đại, thuận tiện, dễ dàng cho kẻ mua người bán. Nhưng như vậy, vô hình trung chúng ta đang xa dần xa dần những tiếng rao xưa, rời xa một phần hồn làm nên nét riêng của phố phường xa xưa.

Giờ đây trong những tháng ngày lui về sống nơi thôn quê thanh bình, yên ả.Tôi thường thong dong tản bộ trong những buổi chiều tà hay những đêm tối tĩnh mịch, tôi thấy mình bơ vơ giữa nẻo đường giăng đầy lối nhỏ, cố tìm cho bằng được những tiếng rao bình dị, thân thương nhưng nào có được đâu ngoài phố của ngày xưa. Ôi! Thật tiếc lắm thay, và trong tôi bồi hồi nhớ sao một tiếng rao chiều…

D.L