Nhớ Tết xưa – Tạp bút Võ Văn Thọ

469

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi năm tháng Chạp về là thời điểm cận kề đến Tết. Lại bao nhiêu nỗi lo, tháng ngày như chạy đua, bận rộn vì Xuân sắp về và Tết đến. Tết trong ký ức của tuổi thơ tôi vẫn chưa thể nào quên, bài thơ thuộc nằm lòng của thời cắp sách, đã ăn sâu vào trong tâm thức tuổi thơ của những đứa trẻ thế hệ 7x, của một thời bao cấp. Sau giải phóng đất nước đầy khó khăn, nhưng lại là kỷ niệm khó nhạt phai.

Nhớ câu đối bằng thơ, được truyền miệng còn nhớ mãi:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Chỉ hai câu thơ vậy thôi nhưng sao nó in sâu, nhớ lâu đến vậy. Tết xưa lại lần lượt hiện về như thước phim chiếu chậm, khi nhớ về hai câu thơ trên. Hai câu thơ trên cũng là hai câu đối mộc mạc, giản dị, nhưng hàm xúc. Tết xưa chỉ cần có vậy thôi, nghĩa là đã đủ đầy đối với thời điểm ấy. Trong đó, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là biểu trưng cho vật chất no, đủ và cần thiết trong những ngày Tết. Còn cây nêu, tràng pháo, câu đối đỏ, biểu trưng cho món ăn tinh thần, hay nói khác đi là những vật dụng đem đến niềm vui tinh thần trong không khí đón Tết, chào xuân mới về. Điều đáng nói, tác giả đã khéo léo lồng vào câu thơ đầu “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, chứ không phải “thịt mỡ, dưa hành”, “bánh chưng xanh”, để nói lên vật chất và tinh thần cũng rất quan trọng ngang nhau. Để thấy rằng, Tết không những đủ đầy về vật chất, nhưng tinh thần không thỏa mái, kém vui, thì cái Tết đó chưa trọn vẹn. Cái hay, khéo léo của tác giả là cách quan sát hiện thực và đưa vào thơ cũng rất tinh tế, để câu thơ luôn hòa quyện giữa vật chất và tinh thần. Nếu việc sắm Tết chưa thật đầy đủ vì nhiều lý do kinh tế, thu nhập của gia đình còn hạn hẹp, nhưng tinh thần thông suốt, vui vẻ, biết bằng lòng với thực tại, thì đó chính là cái Tết vui vẻ, đủ đầy và hạnh phúc ấm cúng, sum vầy. Đối với câu thơ thứ hai thì ngược lại “cây nêu, tràng pháo,” nhưng vế sau của câu thơ không phải “câu đối đỏ” mà là “bánh chưng xanh”. Nghĩa cũng giống như câu một đã phân tích.

Quay lại chủ đề Tết xưa, Tết xưa có gì khác với Tết nay, mà sao ai cũng nhớ đến se thắt, nhất là những người đã trưởng thành sống qua nhiều giai đoạn sự phát triển của xã hội. Khi người có đông, nhiều tuổi thường hay nhớ về kỷ niệm thuở ấu thơ, nên người đời thường nói già hóa con nít là vậy. Mà cũng đúng thôi, không có Tết xưa, thì làm sao có Tết nay, nên không được phép lãng quên.


Minh họa (Ảnh: Internet).

Ngày còn là học sinh cấp 1, 2 rồi cấp 3 tôi đã được hưởng trọn những cái Tết quê với đông đủ các thành viên trong gia đình là ba, mẹ, chị em. Dẫu không còn ông bà Nội, còn bên Ngoại ở tận ngoài Bắc nên đành chịu vậy. Những cái Tết quê có thể gọi là xưa ấy, tuy còn túng thiếu nhiều về vật chất, song về mặt tinh thần thì rất vui vẻ, ấm cúng, hạnh phúc. Thích nhất là đêm giao thừa được xem đốt pháo. Những tiếng nổ to, nhỏ đì đùng trong đêm giao thừa tiễn năm cũ đi, chào đón năm mới đến với bao mong ước, khát vọng trong lòng vẫn còn như mới tinh.

Cũng phải nói thêm rằng, cứ khoảng trước Tết một tháng ở quê tôi (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) gia đình nào cũng lo xuống giống, sạ và gieo trồng đậu, mè, trồng chăm sóc vườn rau xanh, hoa và chuẩn bị dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, đường xá sạch sẽ, để đón Tết. Tháng Chạp, là tháng bận rộn nhất trong năm nào là cưới hỏi, giỗ chạp… nên cần nhiều khoản tiền chi phí, dân gian có câu: “hạt lúa tháng Giêng”, “đồng tiền tháng Chạp” là vậy. Dịp sát Tết, nhà nhà lo tráng bánh tráng, làm bún phơi khô và làm các loại bánh như bánh thuẫn, bánh in, bánh ổ… Đến 28, 29 Tết sau khi mổ heo làm thịt, mới gói bánh tét, bánh chưng, đều do cha mẹ, anh chị em trong gia đình tự gói. Còn trẻ thơ thì lo may quần áo mới, nếu điều kiện kinh tế khó khăn thì giặt, ủi những bộ quần áo còn mới hơn, để chuẩn bị đón Tết, nên cảm nhận được không khí Tết ở thời điểm ngày ấy thật rộn rã, náo nhiệt.

Tết xưa là vậy, còn Tết nay thì sao. Hiện nay điều kiện kinh tế khá giả hơn nhiều, từ nông thôn đến thành thị đều có bán tất cả các loại bánh, kẹo, quần áo, cây hoa chậu kiểng. Chỉ cần có tiền là có thể mua được nhiều thứ như mong muốn để sắm Tết. Tuy nhiên, cảm nhận Tết không mấy ấn tượng, trong tâm thức mỗi người đã sống và trải qua những cái Tết xưa có đôi lúc chạnh lòng nhớ lại những cái Tết của thời khó khăn, bao cấp tuy thiếu thốn, nhưng vẫn là những kỷ niệm đáng nhớ, đáng trân trọng biết bao! Chính vì thế, những người con xa gia đình như tôi, mưu sinh lập nghiệp và có gia đình con cái nơi phố thị, mỗi dịp Xuân về, Tết đến vẫn luôn mong muốn được về quê nhà đón Tết. Đó cũng là dịp để hạnh ngộ gia đình, thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà… những người đã khuất và cùng sum vầy bên cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống là niềm hạnh phúc vô cùng.

Tết xưa hòa quyện trong Tết nay và luôn đem lại trong cảm xúc mỗi người những điều đáng nhớ, đáng khắc sâu trân trọng. Nên tôi muốn ghi lại dòng cảm xúc của mình và mong rằng mọi người dân yêu thương luôn được bình an, đón Tết Nhâm Dần tràn đầy vui vẻ, ấm áp với niềm tin yêu luôn rạng rỡ nụ cười hạnh phúc, yêu thương!…

V.V.T