Nhớ thuở mùa Xuân trong mùa Hạ

932

Lê Văn Huân  

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tâm hồn trẻ con bây giờ khó có thấy “tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ”. Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm mùa Xuân trong mùa Hạ nên chúng ta không những phải biết định hướng mà còn phải là người thiết kế, tổ chức cho các em vui chơi phù hợp với từng lứa tuổi. Đó chính là nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn.

Trẻ thơ với ngày hè

Ngày xưa đối với tuổi học trò chúng tôi một năm có hai mùa xuân. Mùa xuân thứ hai đó là “…Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê. Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”(1). Mỗi khi hè về lòng chúng tôi hân hoan, vui sướng, hoan ca chào đón không kém gì so với Tết đến. Bởi đây là dịp vui chơi, nhảy nhót  thỏa mái, vô tư với những buổi tắm trưa ồn ả, náo nhiệt trên khúc sông quê  “…tôi giơ tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ” (2), là những buổi chiều gió lộng mãi mê chạy theo cánh diều căng mình trên đồng cỏ; là những đêm trăng tỏ với các trò chơi trốn tìm, u tù, đánh du kích  “cắc bùm”. Ôi tuổi thơ của một đất nước luôn chiến tranh, sinh ra đến lúc biết chạy là biết trò chơi tập trận, đánh giặc biết địch, biết ta; là những buổi rúc bụi, chui rào, leo cây tìm quả ngon ngọt, từ loại cây thấp đến cây cao. Cây thấp ở bờ rào thì có dủ dẻ, chằm chà, móc cu, móc vịt, cây cao có thị, xoài, trâm ổi, trâm chua.

Hôm nào hết trái cây thì ăn lá. Phải nói ăn lá là một “nghệ thuật”, là một sáng tạo của tuổi thơ ở vùng quê thuở đó. Đó là những buổi ban trưa cùng nhau tụ tập bên những bờ rào có cây thấp xen kẻ với cây cao, cây nhỏ chen với loài cây lớn phủ đầy bóng mát để hái các loại lá non chua, chát, như: lá bứa, lá nổ, lá mà ca, lá xoài… xếp chồng lên rồi nhau cuốn tròn như cây nem chấm với muối ớt mang theo đưa vào miệng cắn trẹo một cái rồi nhai ngấu nghiến… thế mà cảm giác thật là ngon, ngon mãi đến tận bây giờ. Trai gái đều ăn, nhìn nhau nhăn mặt, híc hà vui sướng với các vị chua, chát, mặn, cay… ôi thiên đường ẩm thực trong các hàng cây xanh. Riêng mấy “thằng” thì còn thêm trò đuổi bắt kỳ nhông trên cát, câu cá dưới đồng, bắt chim dồng dộc, chào mào trên cây, con thì đem về nuôi, con thì nướng thưởng thức ở một góc vườn nào đó… các “cô em” thì chơi chuyền, đánh nẻ đến lúc chán chê thì bày trò chơi nấu nướng với các củ khoai lang, sắn, đậu với cái nồi nho nhỏ hoặc cái vỏ lon sữa bò… Thế mà hồi đó đâu nghe nói chết đuối nước hay hỏa hoạn do bọn trẻ thơ gây ra, có phải kỹ năng sống của trẻ ngày ấy cao hơn trẻ bây giờ.

Ngày đó nghỉ hè với chúng tôi, đúng là dịp để “đại vui chơi” hoành tráng, thư  giãn hoàn toàn sau 9 tháng miệt mài với sách vở; là dịp để được hòa mình với thiên nhiên, được tham gia vào những trò chơi phù hợp với tuổi thơ. Nên mỗi khi thấy phượng chuyển mình ra hoa, nghe tiếng ve kêu chính là lúc trong lòng bắt đầu rạo rực, náo na, náo nức cho đến khi nghe tiếng trống bãi trường của buổi học cuối cùng vang lên… tất cả vỡ òa như bầy ong vỡ tổ “Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã/ Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu(3).

Tuổi thơ bây giờ có hè nhưng hầu như không được nghỉ hè, bởi khi năm học vừa kết thúc các bậc phụ huynh đã vội vã tìm cho con mình hết lớp học này đến lớp học khác vì sợ con thua bạn kém bè. Các em không có cảm giác nao nao hay háo hức mỗi khi hè đến, bởi lâu nay chúng biết hè đâu được nghỉ vẫn mãi miết vùi đầu vào việc học. Chỉ sau vài ngày nghỉ học ở trường chúng lại bước vào các lớp học thêm, lớp ôn tập và bổ sung kiến thức. Các em cũng không còn cái cảm giác hồi hộp, nôn nao chờ đón ngày tựu trường cho năm học mới, bởi chúng đã quá mệt mỏi với việc học trong hè.

Thiết nghĩ chúng ta nên trả lại cho các em một mùa hè thực sự. Hãy để cho các em được thỏa sức vui chơi và làm những công việc nhẹ nhàng theo đúng lứa tuổi. Có thể tập cho các em du lịch qua sách báo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược hay chăm sóc các loại cây kiểng trồng trong chậu… để rèn luyện tính tháo vát, tự lập cho các em. Cha mẹ cũng cần dành thời gian để dạy cho con những kĩ năng sống cần thiết như kĩ năng giao tiếp ứng xử với ông bà, bố mẹ, anh chị em và các mối quan hệ xã hội khác. Dành thời gian để đưa các em về quê thăm hỏi họ hàng, giúp các em tìm hiểu thêm về nguồn cội, cho các em được trải nghiệm thiên nhiên để các em có kiến thức thực tế. Tránh tình trạng để các em không phân biệt được con bò với con trâu.

Ngoài ra, thay vì đưa các em đến các lớp học thêm, có thể cho các em tham gia các khóa học bơi lội, giúp các em có những kĩ năng tự cứu mình và cứu người khác khi bị đuối nước. Tổ chức cho các em được tham gia sinh hoạt hè ở địa phương, với các nội dung phong phú như giao lưu văn hóa văn nghệ, tìm hiểu phong tục, tập quán, lịch sử địa phương, tìm hiểu kiến thức về các nội dung như phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh. Việc làm quen với kiến thức mới là rất cần thiết nhưng cần sắp xếp vào thời gian gần đến năm học, sau khi trẻ em đã có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tâm lí thoải mái các em sẽ tiếp thu bài học dễ hơn.

Tâm hồn trẻ con bây giờ khó có thấy “tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ”. Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm mùa Xuân trong mùa Hạ nên chúng ta không những phải biết định hướng mà còn phải là người thiết kế, tổ chức cho các em vui chơi phù hợp với từng lứa tuổi. Đó chính là nuôi dưỡng, bồi đắp  tâm hồn.

 L.V.H  

(1), (3): trích những câu thơ trong bài thơ Nghỉ Hè của Xuân Tâm

(2): trích trong bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh