(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga sinh năm 1976. Chị hiện là Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Thị Việt Nga yêu văn chương và bắt đầu sáng tác khi chỉ mới 12 tuổi. Chị viết nhiều thể loại văn học như tản văn, truyện ngắn, truyện dài, lý luận phê bình… nhưng tập trung chủ yếu ở thể loại truyện ngắn. Trao đổi cùng Văn Chương Phương Nam, chị tâm sự: “Mình chủ yếu viết về tình yêu, quê hương. Nhưng dù sáng tác ở lĩnh vực nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Mình luôn băn khoăn, trăn trở về số phận con người và mong muốn giải phóng con người thông qua những tác phẩm của mình.” Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, bạn viết tản văn “Nhớ thương mai trắng” của chị!
BBT Văn Chương Phương Nam
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga
Ngày xưa, nhà bà ngoại chênh vênh trên một sườn đồi!
Trước nhà, một dãy cây mai ôm lấy khoảnh sân đất con con. Đứng dưới đường ngửa mặt nhìn lên, chỉ thấy lá mai xanh mướt mát và một phần chóp mái cọ nâu thẫm trầm mặc phía sau những non tơ mơn mởn ấy. Bình thường, chẳng ai để ý đến cây mai, kể cả khi quả của nó vàng rực đeo đầy cây. Bởi vì quả mai chua lắm, chua hơn quả mơ nhiều. Tụi trẻ con ham ăn, thi thoảng chạy vào bếp, lấy cả nắm muối, ngồi dưới gốc mai, cố lắm cũng chỉ ăn đến quả thứ ba là mặt mũi nhăn nhó vì chua. Thế nhưng, đến độ giáp Tết, xuân về, cây mai bỗng dưng lột xác. Lá xanh rụng hết từ nhiều ngày trước, trơ những cành mỏng manh run rẩy trong giá lạnh, một hôm bừng sáng những chấm hoa xinh xắn, tinh khôi. Trong mưa xuân lay phay, có cảm giác bao nhiêu ánh sáng của tiết đông tàn gom lại hết nơi những cành mai tinh khiết ấy. Triền đồi, mảnh sân đất, mái cọ nâu bỗng trở nên huyền diệu biết bao nhờ những quầng ánh sáng hoa mai đẹp đến độ siêu thực ấy. Tôi ở xa, chỉ được về quê ngoại vào dịp tết. Và lần nào cũng vậy, hễ chạy lên đến dốc đồi là khựng lại, mê mải ngắm rặng mai. Một niềm say mê thơ trẻ dâng lên choáng ngợp cả tâm hồn, đôi lúc khiến tôi có cảm giác như nghẹt thở. Những giây phút ấy, tôi thường không dám chớp mắt, sợ những đẹp đẽ kỳ diệu kia sẽ tan biến mất, như một giấc mơ.
Và cũng ngắn ngủi như một giấc mơ, mai trắng chỉ nở độ dăm hôm là rụng hết. Những cánh trắng mong manh tinh khiếp bay lả tả trong gió nhẹ. Tiết xuân càng ấm, mai nở càng nhanh, và tàn cũng càng nhanh. Những ngày ăn tết quê ngoại, hôm nào tôi cũng dậy thật sớm, từ khi sương mù còn đặc quánh mọi nơi, kiên nhẫn ngồi cửa bếp ngóng ra phía rặng mai, đợi sương tan dần, đợi những chấm hoa trắng dần hiển hiện như một phép màu. Đợi hoa mai thắp sáng dần những ngày cuối năm thường là tẻ nhạt và dài lê thê với lũ trẻ con. Tết đã rất gần nhưng sao thấy thời gian trôi quá chậm. Tấm áo mới mẹ vẫn còn cất kỹ, và lá dong nơi góc bếp vẫn còn đang đợi bà đãi đỗ, vo gạo nếp, chẻ lạt giang… Tết ấu thơ của tôi chẳng bao giờ vắng sắc mai trắng tinh khôi nở hồn nhiên bên mảnh sân đất lỗ chỗ những miệng hang côn trùng, mà lúc rảnh, chúng tôi lấy nõn lá tre ngồi câu công cống, hát ngêu ngao những bài đồng dao rất ngộ.
Bây giờ, nhà bà ngoại không còn…
Bà ngoại cũng không còn…
Rặng mai cũng không còn
Chỉ còn Tết, năm nào cũng đến!
Chỉ còn nỗi nhớ đến day dứt, xót xa về mai trắng ngày xưa. Mấy mươi năm trôi qua rồi, mỗi dịp tết đến xuân về, lại thấy thổn thức trước những mất mát hiện hữu trong lòng tay; lại thấy giấc mơ mai trắng chập chờn trong ký ức. Bao nhiêu người thân yêu đã như cánh mai trắng lìa cành, trở về với đất. Bao nhiêu tháng ngày thanh xuân tươi đẹp đã lùi về phía sau xa lắc. Những tháng ngày hoa mai vẫn sáng huy hoàng trong tâm tưởng. Hoa mai trắng yêu kiều và tinh khiết như những gì đẹp nhất của cuộc đời. Cái đẹp, dù mong manh nhưng bất tử.
Nhớ thương mai trắng ngày xưa…
15/1/2019