Nhớ về một con người hành động

513

01.4.2018-10:00

Từ các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức tại các thành phố lớn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo ban hành nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới môi trường kinh doanh.

 

Nhớ về một con người hành động

 

NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

NVTPHCM- Sự ra đi của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một tổn thất to lớn đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhớ về đồng chí Phan Văn Khải là nhớ về một con người góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

 

Nếu không có sự ủng hộ của Thủ tướng Phan Văn Khải, sẽ không có cuộc cách mạng về tư duy quản lý nhà nước, về quyền kinh doanh của doanh nghiệp, về khung khổ pháp lý của kinh tế thị trường hiện đại mà Luật Doanh nghiệp 1999 đặt nền tảng. Ðây là một dự luật được xây dựng trên cơ sở thống nhất Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, đặc biệt còn thể hiện những bước thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước với doanh nghiệp (DN) ở thời điểm đó.

 

Ở thời điểm hiện nay, việc giữ hay bỏ giấy phép kinh doanh vẫn còn gây nhiều tranh luận căng thẳng, thì ngược trở lại thời điểm 19 năm về trước, đủ thấy yêu cầu của Thủ tướng Phan Văn Khải – coi việc soạn thảo và ban hành Luật Doanh nghiệp là một biện pháp trong công cuộc cải cách hành chính, nhất là trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với dân cư và DN – có ý nghĩa cách mạng như thế nào.

 

Khi đó, DN hay người dân làm gì cũng phải xin phép bằng văn bản, phải có bút phê của lãnh đạo mới được làm các thủ tục tiếp theo, chưa kể một DN muốn đăng ký kinh doanh có khi phải xin phép hai đến ba ngành. Thí dụ, kinh doanh phương tiện chở khách du lịch thì phải có giấy phép của cả ngành giao thông và du lịch. Muốn kinh doanh than, DN phải được cả Bộ Thương mại và Bộ Năng lượng chấp thuận… Ngay với các thành viên của Tổ biên tập Luật Doanh nghiệp 1999, muốn tiếp cận được các thông tin cụ thể của các bộ, ngành, địa phương cũng không hề đơn giản, tồn tại một khoảng cách khá xa giữa xây dựng luật với thực tế.

 

Ðúng lúc đó, Văn phòng Chính phủ phát hành Công văn 1247/1998/CP-KTQÐ ngày 22-10-1998, thể hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, soát xét các thủ tục cấp giấy phép hành nghề để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Vậy là, chúng tôi có “thượng phương bảo kiếm”, để thâm nhập thực tế, tìm được bằng chứng về việc các ngành tự ý đặt ra các loại giấy phép, nên mới có chuyện một DN để thành lập phải có tới 42 cái dấu. Ðây là một giai đoạn khởi đầu “cuộc chiến chống lại hệ thống giấy phép con”. Cho đến giờ, thực tế đã cho thấy đây là một cuộc chiến dài hơi giữa tư tưởng “người dân được làm những gì mà luật không cấm” và thói quen “xin – cho” trong quản lý nhà nước với DN.

 

Thực ra, để có được Công văn 1247/1998/CP-KTQÐ, đòi hỏi cả một bước chuyển động trước đó. Vào đầu năm 1998, khoảng ba tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Nói về cuộc gặp này, cho đến giờ, nhiều DN tư nhân vẫn chia sẻ cảm xúc khi lần đầu được dự cuộc gặp mặt Thủ tướng Chính phủ với tư cách là khách mời.

 

Còn nhớ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi tại vị cũng từng có một vài cuộc gặp với DN, nhưng đối tượng tham dự chỉ trong diện hẹp. Vậy nên đây là cuộc gặp đầu tiên, nhiều DN tư nhân có thể được gặp mặt Thủ tướng, chuyển tải những mong mỏi, nguyện vọng đóng góp cho việc kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Từ cuộc gặp này, rất nhiều vướng mắc của DN về đăng ký kinh doanh, thủ tục hải quan… được làm rõ với Thủ tướng. Ngay sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra chỉ thị về giải quyết vướng mắc, với các đầu việc được giao cụ thể, với tư tưởng rất rõ ràng là tránh vì lợi ích cục bộ, riêng tư mà không đáp ứng đòi hỏi hợp lý của DN.

 

Ðiều mà các DN tư nhân Việt Nam thật sự trân trọng chính là cách làm việc của người đứng đầu Chính phủ: Ðặt các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế một cách bình đẳng trong quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không coi trọng kinh tế thị trường, không quyết tâm đưa cơ chế thị trường vào vận hành, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ khó vượt qua những rào cản tư duy vô cùng lớn để yêu cầu bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, vì thường đó là những ngành nghề gần như đặc quyền dành cho các DN nhà nước.

 

Luồng gió mới trong cải cách tư duy về quản lý nhà nước với DN được thổi mạnh vào các cơ quan nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Ngay sau đó, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục và hồ sơ đăng ký thành lập DN theo hướng chỉ giữ lại những hồ sơ, giấy tờ và thủ tục thật sự cần thiết, giảm tới mức tối đa những việc mà người dân và DN phải xin phép mới được làm đã được thể chế hóa trong Luật Doanh nghiệp, bằng các điều khoản cụ thể.

 

Các bộ, ngành, địa phương khi đó có thể chưa thật sự hiểu, chưa thuận, nhưng vì chịu áp lực lớn từ Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là áp lực từ các văn bản điều hành trực tiếp trong tháo gỡ khó khăn cho DN, nên mọi việc dần trở nên trôi chảy. Ðây là lý do mà ngay sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, văn bản đầu tiên mà Thủ tướng ký thực hiện theo Luật Doanh nghiệp là Quyết định số 19/2000/QÐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép ban hành ngày 3-2-2000.

 

Sau này, Thủ tướng Phan Văn Khải còn ký thêm hai nghị định nữa để bãi bỏ các loại giấy phép, nhưng cách làm của Quyết định 19 là Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đề xuất danh sách bãi bỏ trên cơ sở chủ động nghiên cứu, rà soát, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, các bộ, ngành, địa phương buộc phải thực hiện… đã tạo nên một bước thay đổi nhanh chóng trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Cho đến thời điểm này, đây vẫn là cách làm rất hiệu quả, tạo nên những xoay chuyển mang tính cách mạng của việc thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999. Sự thành công của tư tưởng “người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” trong Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo sức bật cho cộng đồng kinh doanh Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

 

Sau 20 năm, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có hơn 500.000 doanh nghiệp, nhiều DN lớn mạnh đã khởi nghiệp ngay trong không gian mới mẻ của Luật Doanh nghiệp 1999. Mục tiêu mới mà nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới là một triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 và môi trường kinh doanh Việt Nam thuộc nhóm bốn nước đứng đầu ASEAN.

 

Hiện tại, dẫu rằng nền kinh tế Việt Nam đã dần vào đường ray của nền kinh tế thị trường hiện đại, nhưng những vương vấn trong tư duy quản lý cũ, coi DN là đối tượng quản lý vẫn còn đâu đó. Vậy nên, cách mà Thủ tướng Phan Văn Khải tạo áp lực cho bộ máy của mình thông qua cơ chế tư vấn các chuyên gia độc lập, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ vẫn là bài học thực tiễn sinh động cho công cuộc đổi mới hôm nay.

 

Theo NDO

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…