Nhớ về nguồn cội

1137

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách nay hơn bốn mươi năm, trong lần thống kê về số lượng thi sĩ các nước, nhà thơ nổi tiếng Đinh Hùng (1), trưởng ban Thi văn Tao đàn Sài Gòn cho biết Việt Nam là một trong những nước có nhiều thi sĩ nhất trên thế giới.

Hiện thực văn học này đã khẳng định lại Việt Nam là đất nước của thi ca (Ngô Thời Nhiệm) và đến hôm nay, chắc chắn đội ngũ những người làm thơ trong nước sẽ còn sung túc hơn trong mọi tầng lớp. Từ người lao động thường dân, tác giả những bài ca dao, dân ca… đậm đà ý vị đến các vua chúa, văn quan, võ tướng, lãnh tụ… nhiều người là những hồn thơ có thực tài đã để lại cho ta những bài thơ hay, đáng trân trọng: Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi… Và gần đây, vào thế kỷ hai mươi với Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…

Trong thời kháng chiến chống thự dân Pháp, ở chiến khu D Nam bộ, Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) là một “võ tướng” vừa đánh giặc vừa làm thơ. Dù trong binh nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, giữ đến cương vị Tư lệnh Quân khu 7, Huỳnh Văn Nghệ vẫn say mê sáng tác và để lại cho hệu thế một sự nghiệp văn chương đáng kể. Thi tướng được nhân dân địa phương nơi ông từng hoạt động và nhân dân cả nước mến thương, trân trọng. Nổi trội và cảm động  hơn hết trong những bài thơ ông sáng tác trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chín năm  là bài “Nhớ Bắc”.

Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ

Bài thơ chỉ gồm vỏn vẹn 20 câu, 5 khổ, với lời lẽ giản dị trong sáng mà có những câu xuất thần bất hủ, đáng để đời.

Cái điểm sáng rực rỡ của “Nhớ Bắc” trước hết là cô đọng được tình cảm chân thành, cao đẹp của Huỳnh Văn Nghệ, mà tác giả muốn nói hộ tấm lòng sâu kín cho nhân dân Nam bộ trong thơ mình. Chủ đề của bài thơ thể hiện ngay từ đầu: tình cảm thủy chung với cội nguồn dân tộc: “Ai đi về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Nghe như lời nhắn gởi tấm lòng của mình cho những người bạn đi về Bắc nhưng thực ra nhà thơ đã tự “độc thoại nội tâm”, biểu lộ nỗi niềm nhớ Bắc của mình. Nhớ Bắc là nhớ Thăng Long, Huỳnh Văn Nghệ da diết nhớ về cội nguồn cha ông thiêng liêng bất diệt. Vì Thăng Long là dấu ấn lịch sử rạng nét son tươi, là chiếc nôi nguyên thủy của con cháu Lạc Hồng – dân tộc Việt Nam hiện hữu hôm nay với những thăng trầm lẫn vinh quang trong cuộc đấu tranh đuổi giặc giữ nước. Những câu thơ bảy chữ cổ kính, thanh điệu dạt dào nối kết với các từ ngữ trang trọng: Lạc Hồng, Rồng Tiên, Thăng Long, Cổ Loa… gợi lên lòng hoài niệm thiết tha về quá khứ hào hùng và niềm tự hào về lịch sử đi khai hoang mở nước của dân tộc: non sông, mang gươm đi mở cõi…

Ở phương Nam, với tinh thần về nguồn, Huỳnh Văn Nghệ vẫn canh cánh nhớ về đất Bắc với tiếng hát quan họ đầm ấm reo vui khắp thôn làng và những mùa vải đỏ rực rỡ thơm ngát vườn xanh. Khi trở ra Bắc, nhà thơ cảm thấy trong lòng không khỏi bồn chồn nhớ về phương Nam ngan ngát hương sầu riêng nồng đậm và không gian mang mang sáu câu vọng cổ u hoài: Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ/ Xen nhịp từng câu Vọng cổ buồn/ Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ/ Mỗi lần phảng phát hương sầu riêng.

Nỗi nhớ nhung đăm đắm về miền đất mẹ nguyên thủy, hòa quyện với lòng nhớ ơn các thế hệ cha ông ngày trước đã phải chịu gian nan, nguy hiểm đổ máu phơi xương là những tình cảm vô cùng cao quý của nhà thơ. Vẫn với lời thơ kêu gọi giàu tính nhạc, giọng thơ trầm buồn, phảng phất âm hưởng thơ Bà Huyện Thanh Quan, thoáng gây chút ngậm ngùi của “điệu buồn phương Nam” nơi người đọc: “Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng mến thương”.

Bài thơ không dài mà chuyển tải đủ nội dung theo một tiết tấu chậm rãi cô đọng dường như tất cả đều tập trung đỉnh cao ở khổ một để minh họa cho chủ đề. Do vậy, bốn câu cuối bài thơ chỉ đóng vai trò trợ lý tư tưởng cho khổ thơ đầu qua sự ví von đòi kiếm ở linh qui, tiếp sau nỗi nhớ bâng khuâng về những anh hùng đất Cổ Loa lịch sử: Ai đi về Bắc xin thăm hỏi/ Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa/ Hoàn Kiếm, hồ xưa linh qui hỡi/ Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

“Nhớ Bắc” là một thi phẩm trữ tình và cảm động của một nhà thơ yêu nước văn võ song toàn. Điều khiến ta trân trọng, tâm phục ở Huỳnh Văn Nghệ là ông đã trải lòng ra với một tình cảm vô cùng cao đẹp – Lòng chung thủy với cội nguồn thể hiện qua tình cảm Bắc Nam ruột thịt (2). Người đọc ai cũng ước mong phẩm chất cao quý này sẽ được minh chứng cụ thể ở mọi người dân Việt Nam dòng giống Lạc Hồng, không chỉ trong quá khứ mà đến cả muôn sau như tâm sự, ước mong của “Thi tướng rừng xanh” (3).

Tôi nghĩ bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ mãi mãi sẽ là Bài ca Nhớ Bắc, một “Bài ca không quên” (4) mà tư tưởng thâm thúy và giai điệu tuyệt vời sẽ còn mãi âm vang không dứt qua thời gian và không gian trên đất nước Rồng Tiên.

N.T

(1) Đinh Hùng (1920-1967): nhà thơ, vẽ bằng tay trái. Ông còn ký với bút danh: Thần Đăng, Hoài Điệp Thứ Lang. Tác giả những tập thơ: Đường vào tình sử, Tiếng ca bộ lạc, Mê hồn ca, Xin hãy yêu tôi… Ông còn viết tiểu thuyết .

(2) Trên tờ nhật báo Sống của Chu Tử (Sài Gòn) vào khoảng giữa năm 1968 có đăng bài thơ lục bát ngắn, tìm gặp trong ba lô của một nữ chiến sĩ cách mạng đã hy sinh:

Anh người Nam, tôi người Bắc
Cùng chung ruột thịt, dòng máu cha ông
Đợt một chiến đấu vừa xong
Đôi ta đã thấy trong lòng nhớ thương.

(3) Theo GS. TS Trần Hữu Tá

(4) Tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Nhớ Bắc

Ai đi về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng  Long.

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng mến thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu Vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm, hồ xưa linh qui hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

Chiến khu D. 1946
Huỳnh Văn Nghệ